THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 1181 TVQH/K6
___________________________
Ngày 1 tháng 12 năm 1980 của UBTV Quốc hội và chỉ thị số 14-TTg ngày 16 tháng 1 năm 1981 của Thủ tướng chính phủ về thuế sát sinh.
Thi hành nghị quyết ngày 1 tháng 12 năm 1980 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi điều 4 Pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về thuế sát sinh và chỉ thị số 14-TTg ngày 16 tháng 1 năm 1981 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:
1.CẦN NẮM VỮNG Ý NGHĨA NHỮNG ĐIỂM SỬA ĐỔI MỚI BAN HÀNH VỀ THUẾ SÁT SINH:
Thuế sát sinh là loại thuế thu vào việc giết thịt súc vật nhằm thông qua việc thu thuế mà góp phần khuyến khích chăn nuôi phát triển, thúc đẩy làm nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước, tăng cường việc quản lý thị trường, quản lý việc giết mổ, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện chỉ thị 202-TTg ngày 25 tháng 6 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư 07 ngày 30 tháng 6 năm 1980 của Bộ đã hướng dẫn nguyên tắc định trọng lượng, định giá tính thuế làm cơ sở định mức thuế theo đầu con lợn, trâu, bò, giết thịt.
Sau một thời gian thi hành, nhận thấy việc định 5 mức trọng lượng lợn có tác dụng khuyến khích chăn nuôi và xuất chuồng súc vật có trọng lượng cao; nhưng trong điều kiện hiện nay giá trị sản phẩm chăn nuôi được thực hiện theo nhiều giá khác nhau (giá chỉ đạo thu mua, giá thoả thuận cho Nhà nước, giá trao đổi trên thị trường tự do), và chênh lệch nhau rất nhiều, việc định mức thuế chỉ căn cứ vào giá chỉ đạo thu mua, làm cho việc đóng góp khi giết súc vật để tiêu dùng hay bán ra thị trường tự do không công bằng, chưa có tác dụng tích cực khuyến khích bán sản phẩm cho Nhà nước và tiết kiệm tiêu dùng.
Để phát huy tác dụng của thuế sát sinh, phân phối lại thu nhập, góp phần hỗ trợ công tác thu mua, tăng cường quản lý thị trường, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 1 tháng 12 năm 1980 đã sửa lại như sau: "thuế sát sinh thu vào trâu, bò, lợn giết thịt theo thuế suất 10% giá trị con vật tính theo thời giá"; như vật từ nay giá tính thuế sát sinh đối với súc vật do người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng giết mổ là giá trung bình trên thị trường tự do và do UBND tỉnh, thành phố quy định trong từng thời gian.
Việc giảm 25% thuế sát sinh cho người chăn nuôi từ nay được tính trên số thuế của toàn bộ con vật giết thịt, không phải chỉ trên số thuế của phần thịt để lại sử dụng như quy định trước đây trong chỉ thị 202 TTg ngày 25 tháng 6 năm 1980.
2. MỘT SỐ ĐIỂM VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH :
Để thi hành những bổ sung sửa đổi trên, Bộ hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Trừ thương nghiệp quốc doanh kinh doanh thực phẩm không phải nộp thuế sát sinh, còn tất cả cá nhân hay tổ chức (đơn vị xí nghiệp, hành chính sự nghiệp, bộ đội, HTX tập đoàn...) khi giết súc vật (lợn, trâu, bò) đều phải nộp thuế sát sinh cho Nhà nước.
b) Về định mức thuế đối với đầu con súc vật do cá nhân hay tổ chức tự giết:
Mức thuế vẫn tính theo đầu con căn cứ trọng lượng và giá quy định.
Đối với lợn: Dựa vào 5 mức trọng lượng quy định trong thông thuư 07 ngày 30 tháng 6 năm 1980 của Bộ nhân (x) với giá tính thuế. UBND tỉnh, thành phố quy định giá tính thuế cho từng thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng căn cứ giá trung bình 1 kg lợn hơi trên thị trường tự do; nói chung, chỉ nêu có một giá cho toàn tỉnh, thành phố; trường hợp trong một tỉnh, thành phố, giá chênh lệch nhiều giữa vùng này và vùng khác thì có thể quy định tối đa là 2 mức giá. Khi giá cả tăng trên hay giảm dưới 30% so với giá tính thuế quy định thì phải điều chỉnh lại giá tính thuế và mức thuế.
Đối với trâu, bò: Để bảo vệ đàn trâu, bò cày kéo, và trâu bò sinh sản, tăng cường việc quản lý và kiểm soát việc giết mổ trâu bò, để việc tính toán mức thuế được đơn giản và phù hợp với tình hình thực tế (nhiều nơi không có thị trường tự do về thịt trâu, bò), Bộ điều chỉnh lại 3 mức thuế sát sinh đối với trâu bò quy định trong thông tư 07 ngày 30 tháng 6 năm 1980 lên 100đ, 110đ và 120đ trên đầu con súc vật giết thịt. Các UBND tỉnh, thành phố, đặc khu căn cứ tình hình chăn nuôi trâu bò ở địa phương để công bố mức thuế cho từng loại trâu, bò ở địa phương; việc quy định mức thuế phải có tác dụng khuyến khích chăn nuôi trâu, bò và hạn chế giết mổ trâu, bò sinh sản, trâu, bò cày kéo và bê nghé.
c) Về việc giảm 25% thuế cho người và đơn vị chăn nuôi tự giết thịt:
- Việc giảm 25% thuế sát sinh cho người và đơn vị chăn nuôi tự giết mổ áp dụng cho cả lợn, trâu, bò và được tính trên số thuế của toàn bộ con vật.
- Nếu là những cơ sở tập đoàn HTX hay hộ nông dân có nghĩa vụ bán súc vật cho Nhà nước thì phải hoàn thành nghĩa vụ bán súc vật cho Nhà nước mới được giảm thuế. Việc xác định là đã hoàn thành nghĩa vụ do UBND xã tiến hành khi quyết định cho giết mổ súc vật.
- Nếu là những cơ sở chăn nuôi có ký hợp đồng hai chiều với Nhà nước (mua thức ăn, hàng hoá, vật tư của Nhà nước và bán sản phẩm chăn nuôi theo giá hợp đồng) thì phải thực hiện đầy đủ hợp đồng mới được giảm thuế.
- Đối với những cơ sở không có nghĩa vụ bán súc vật cho Nhà nước (hộ phi nông nghiệp ở thành thị hay nông thôn, cá nhân hay tập thể cán bộ công nhân viên chức ở các cơ quan, công, nông, lâm trường, xí nghiệp, đơn vị bộ đội) do tận dụng mọi khả năng có được đã chăn nuôi thì không đặt điều kiện phải hoàn thành nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước mới được giảm thuế.
- Phải là súc vật do người giết thịt đã chăn nuôi từ 4 tháng trở lên, và có yêu cầu tiêu dùng cần thiết phải giết thịt được UBND xã phường cho phép thì mới được giảm thuế.
d) Về trích thuế cho ngân sách xã :
Ngân sách xã mới giết mổ thịt được hưởng 15% số thuế và trích ngay vào số thuế thu được, còn 85% nộp vào Ngân sách Nhà nước. UBND xã trích một phần trong số 15% dành cho ngân sách xã để thù lao cho người được uỷ nhiệm thu thuế sát sinh (nếu có). Mức thù lao nhiều hay ít do UBND xã quy định tuỳ theo công sức đóng góp của người được uỷ nhiệm thu.
e) Đối với thương nghiệp quốc doanh kinh doanh thực phẩm :
Chỉ thị 14 TTg ngày 16 tháng 1 năm 1981 của Thủ tướng Chính phủ đã sửa lại chỉ thị 202 TTg ngày 25 tháng 6 năm 1980 như sau:
"Thương nghiệp quốc doanh không phải nộp thuế sát sinh.
Để khuyến khích các địa phương tích cực thu mua và giao nộp lợn thịt, trâu, bò thịt cho Trung ương, ngân sách địa phương được hưởng khoản thu khuyến khích giao sản phẩm cho Trung ương bằng 10% tính theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước".
Về thể thức thi hành điều sửa đổi này, Bộ sẽ có thông tư hướng dẫn riêng.
3. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thi hành tốt những điều sửa đổi về thuế sát sinh sẽ phát huy được tác dụng của thuế hỗ trợ thu mua và phân phối thu nhập công bằng và hợp lý; nhưng cũng có những khó khăn phức tạp do đó yêu cầu UBND các tỉnh thành phố, đặc khu quan tâm.
a) Tổ chức việc theo dõi giá cả ở thị trường địa phương để xác định đúng đắn giá tính thuế và mức thuế theo đầu con cho từng thời gian; thi hành đúng quy định về giảm thuế cho người chăn nuôi mổ thịt; chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện thống nhất các điểm mới sửa đổi.
Cần làm tốt việc tuyên truyền phổ biến chính sách thuế sát sinh kết hợp với chính sách phát triển chăn nuôi, ổn định nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước, quản lý việc giết mổ và quản lý thị trường.
Cần đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền giải thích chính sách, làm cho các cấp các ngành thấy rõ ý nghĩa của những điểm sửa đổi mới trong thuế sát sinh là hợp tình hợp lý để hăng hái thi hành, kết hợp chặt chẽ với việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi, ổn định nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước, đẩy mạnh thu mua nắm nguồn hàng và quản lý thị trường thực phẩm.
b) Chỉ đạo ngành thương nghiệp tổ chức lại màng lưới phân phối lưu thông thực phẩm theo tinh thần điều 5 quyết định 311-CP của Hội đồng Chính phủ, đảm bảo về lâu dài cho thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp HTX nắm tuyệt đại bộ phận việc kinh doanh thịt lợn và thịt trâu bò, quản lý các lò mổ; ở các thành phố, thị xã, thị trấn, việc kinh doanh thịt lợn, thịt trâu bò và quản lý lò mổ do thương nghiệp quốc doanh đảm nhiệm; ở xã việc kinh doanh thịt lợn và thịt trâu bò do HTX mua bán đảm nhiệm, dưới sự kiểm soát của UBND xã. Riêng ở những nơi thương nghiệp quốc doanh và HTX mua bán chưa đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người tiêu dùng thì UBND tỉnh, thành phố có thể cho phép thương nhân được kinh doanh mổ và bán thịt. Người buôn bán thịt lợn và thịt trâu bò phải chịu sự quản lý của Nhà nước, phải có giấy phép đăng ký kinh doanh nộp thuế đầy đủ, chống các hành động trốn thuế và lậu thuế.
c) Chỉ đạo ngành tài chính- thuế có biện pháp thiết thực để khắc phục tình trạng thất thu còn rất lớn ở cả 3 khu vực nông thôn, thành phố, và công nông lâm trường, xí nghiệp đơn vị bộ đội. Ở nông thôn cần dựa vào chính quyền cơ sở, lấy việc tuyên truyền giáo dục là chính, kết hợp việc cho phép giết mổ với việc thu thuế và thực hiện việc miễn giảm đúng chính sách đối với người chăn nuôi. Ở thành phố, thị xã phải kết hợp chặt chẽ với các biện pháp quản lý lò mổ, đảm bảo thủ tục thú y về vệ sinh thực phẩm, cấp giấy phép đăng ký cho tư nhân kinh doanh (ở những nơi thương nghiệp XHCN chưa đảm bảo nhu cầu của xã hội), quản lý thị trường để quản lý thu thuế sát sinh và các loại thuế CTN. Đối với các công nông lâm trường, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, phải chú trọng tuyên truyền phổ biến sâu rộng chính sách làm cho các đồng chí phụ trách chính quyền đoàn thể ở các đơn vị có thông suốt và dựa vào chính quyền cơ sở ở địa phương để thu đủ thuế sát sinh vào sổ súc vật giết mổ.
Đi đôi với việc tuyên truyền phổ biến tổ chức thực hiện chính sách cần tiến hành chặt chẽ việc kiểm tra kiểm soát phát hiện kịp những vi phạm về việc giết mổ súc vật không đảm bảo thể lệ thú y vệ sinh thực phẩm, buôn bán thực phẩm không có đăng ký kinh doanh, tuỳ tiện giết súc vật, và trốn lậu thuế sát sinh để xử lý thích đáng đưa việc giết mổ súc vật vào chế độ quản lý chặt chẽ và phát huy được tác dụng của thuế sát sinh mới sửa đổi./.