QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng
nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Cà Mau
______________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 691/TTr-SXD ngày 18 tháng 8 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
__________________________
QUY ĐỊNH
Về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Cà Mau
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND
ngày 23 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Cà Mau)
____________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang Liệt sỹ, nghĩa trang Quốc gia không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
2. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Cà Mau phải tuân thủ theo Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Nghĩa trang nhân dân: Do Nhà nước đầu tư xây dựng tập trung, phục vụ cho dân cư trên một địa bàn lãnh thổ nhất định.
2. Nghĩa trang tổ chức, hội đoàn: Do các tổ chức tôn giáo, các tổ chức dân tộc hoặc thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng cho nhóm đối tượng nhất định mang yếu tố phi lợi nhuận hoặc kinh doanh.
3. Nghĩa trang họ tộc: Do gia đình, họ tộc đầu tư xây dựng cho nhóm đối tượng mang yếu tố huyết thống.
Điều 3. Các nguyên tắc đối với hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụngnghĩa trang
1. Tất cả các nghĩa trang đều phải được các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (kể cả các nghĩa trang đang được khai thác, sử dụng). Các hoạt động xây dựng phải tuân thủ quy hoạch xây dựng này và các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc và môi trường ban hành kèm theo.
2. Đối với các nghĩa trang xây dựng mới phải được quy hoạch xây dựng theo phương châm nghĩa trang - công viên; bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan trong
và ngoài công viên.
3. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, theo quy định của pháp luật.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NGHĨA TRANG
Điều 4. Nghĩa trang thuộc tỉnh quản lý
Nghĩa trang thuộc các tổ chức Hội đoàn đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng sẽ do UBND tỉnh quản lý về mặt nhà nước; Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh về mặt chuyên môn.
Điều 5. Nghĩa trang thuộc các huyện, thành phố quản lý
Nghĩa trang thuộc nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng sẽ do UBND các huyện, thành phố quản lý về mặt nhà nước; phòng Công Thương các huyện, phòng Quản lý đô thị thành phố Cà Mau là cơ quan tham mưu giúp UBND các huyện, thành phố Cà Mau về mặt chuyên môn.
Điều 6. Nghĩa trang thuộc xã, phường, thị trấn quản lý
Nghĩa trang thuộc họ tộc sẽ do UBND xã, phường, thị trấn quản lý về mặt nhà nước; phòng Công Thương các huyện, phòng Quản lý đô thị thành phố Cà Mau là cơ quan giúp UBND xã, phường, thị trấn về mặt chuyên môn.
Chương III
CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC
VÀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NGHĨA TRANG
Điều 7. Diện tích sử dụng đất cho từng phần mộ cá nhân và ngưỡng chôn cất giới hạn của nghĩa trang
1. Tiêu chuẩn diện tích tính toán cho từng ngôi mộ:
a) Diện tích 8m2/mộ cho chỉ tiêu tính toán quy mô đất của toàn nghĩa trang;
b) Diện tích 4,5m2/mộ cho chỉ tiêu tính toán đất khu vực chôn cất.
Đối với mộ cải táng (cát táng) tính toán theo tiêu chuẩn 02 mộ cải táng tính bằng diện tích 01 mộ an táng một lần.
2. Ngưỡng chôn cất giới hạn của nghĩa trang: Là số mộ tối đa được chôn cất trong giới hạn khuôn viên nghĩa trang, được xác định bằng diện tích khuôn viên nghĩa trang chia cho định suất 8m2/mộ. Đến ngưỡng này, nghĩa trang phải công bố đóng cửa, không tiến hành các hoạt động chôn cất.
Điều 8. Diện tích tối thiểu của một nghĩa trang
1. Đối với nghĩa trang Hội đoàn thuộc tỉnh quản lý, diện tích chiếm đất toàn khuôn viên tối thiểu là 01ha;
2. Đối với nghĩa trang thuộc các huyện, thành phố Cà Mau quản lý, diện tích chiếm đất toàn khuôn viên tối thiểu là 02 ha;
3. Đối với nghĩa trang họ tộc thuộc cấp phường, xã, thị trấn quản lý, diện tích chiếm đất toàn khuôn viên tối thiểu là 0,10 ha.
Điều 9. Thời điểm đóng cửa nghĩa trang
Tùy theo ngưỡng chôn cất giới hạn của nghĩa trang và số lượng mộ hiện có; cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp phải dự báo, xác định thời điểm đóng cửa của nghĩa trang và có kế hoạch công bố đóng cửa nghĩa trang hoặc xây dựng mở rộng nghĩa trang nếu có điều kiện. Việc đóng cửa nghĩa trang do cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thông báo công khai.
Điều 10. Khoảng cách an toàn về môi trường tối thiểu từ nghĩa trang đến khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và công trình khai thác nước ngầm cung cấp cho sinh hoạt
1. Cự ly tối thiểu từ nghĩa trang được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới đến khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và công trình khai thác nước ngầm cung cấp cho sinh hoạt được quy định như sau:
a) Là 1.500m đối với nghĩa trang thuộc các huyện, thành phố và tỉnh quản lý;
b) Là 50m đối với nghĩa trang thuộc xã, phường, thị trấn quản lý.
2. Đối với nghĩa trang đã có trước thời điểm hiệu lực của Quy định này, khoảng cách tối thiểu đối với điểm a, khoản 1 là 500m và đối với điểm b, khoản 1, Điều này là 50m.
Điều 11. Quy định về kiến trúc phần mộ
1. Kiến trúc phần mộ phải được quy định thống nhất về kích thước chiều cao, kích thước chiều dài, kích thước chiều rộng và khoảng cách giữa các phần mộ. Các kích thước này phải được tuân thủ nghiêm ngặt, khống chế để đảm bảo tính đồng bộ.
2. Ban Quản lý nghĩa trang phải cung cấp các thông tin về quy định bắt buộc đã quy định tại khoản 1 Điều này đến thân nhân các hộ gia đình có người thân chôn cất trong khuôn viên nghĩa trang. Tùy theo khả năng của thân nhân, việc sử dụng kiểu dáng mộ, vật liệu xây dựng (khuyến khích đa dạng hoá) nhưng không được vượt quá các kích thước khung đã quy định nêu trên.
Điều 12. Quy hoạch cây xanh
Trong đồ án quy hoạch xây dựng nghĩa trang phải lưu ý đến quy hoạch hệ thống cây xanh (cây xanh bóng mát, thảm cỏ, mặt nước trong khuôn viên...). Mật độ cây xanh tối thiểu chiếm 20% diện tích khuôn viên nghĩa trang.
Điều 13. Quy hoạch thoát nước
Nghĩa trang phải quy hoạch hệ thống thoát nước, để đảm bảo không ngập úng, nhất là vào mùa mưa. Bố trí hệ thống mương, cống thoát nước hoàn chỉnh và xác định hướng thoát nước chính của nghĩa trang.
Điều 14. Hướng gió trong quy hoạch nghĩa trang
Phải lưu ý hướng gió chủ đạo trong quy hoạch xây dựng nghĩa trang. Đối với nghĩa trang áp dụng hình thức hỏa táng, đặc biệt lưu ý các nội dung sau:
1. Cự ly tối thiểu từ nghĩa trang có nhà hỏa táng đến khu dân cư tập trung, khu công nghiệp là 1.500m; đồng thời, nằm ở cuối hướng gió chủ đạo.
2. Nhà hỏa táng phải đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom, xử lý nước thải; chất thải rắn; biện pháp, thiết bị thu gom khí thải, mùi...), xử lý đạt quy chuẩn môi trường theo quy định.
Chương IV
NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NGHĨA TRANG
Điều 15. Quản lý về quy hoạch xây dựng
1. Nghĩa trang xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng đều phải lập quy hoạch xây dựng. Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng nghĩa trang:
a) Xác định cụ thể vị trí, ranh giới, quy mô phục vụ và đối tượng phục vụ của từng nghĩa trang trong địa phương mình quản lý. Trường hợp chưa xác định được vị trí nghĩa trang trong đồ án quy hoạch xây dựng của đô thị thì phải tổ chức lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn;
b) Xác định hình thức táng được sử dụng trong nghĩa trang;
c) Xác định sự phù hợp về mặt quy hoạch xây dựng, kiến trúc và môi trường đối với nghĩa trang hiện có, ngưỡng phục vụ giới hạn. Cụ thể cho các trường hợp như sau:
- Nghĩa trang được tiếp tục duy trì cho đến ngưỡng phục vụ giới hạn;
- Nghĩa trang cần phải chỉnh trang nâng cấp;
- Nghĩa trang được phép mở rộng để tiếp tục phục vụ;
- Nghĩa trang phải đóng cửa;
- Nghĩa trang phải di chuyển vị trí.
d) Thiết lập quy hoạch chi tiết xây dựng gồm các nội dung: Phân khu chức năng, phân lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ, mộ và khoảng cách giữa các mộ;
đ) Các hình thức về kích thuớc, kiểu dáng mộ, bia mộ; các công trình phục vụ tín ngưỡng trong khuôn viên;
e) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phục vụ, cổng hàng rào;
f) Đánh giá tác động môi trường.
2. Phân cấp trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng nghĩa trang:
a) Đơn vị quản lý nghĩa trang thuộc quyền quản lý được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang theo quy định;
b) Cơ quan chuyên môn theo phân cấp tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Quy định này chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch xây dựng nghĩa trang;
c) UBND các cấp theo phân cấp quản lý tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Quy định này chịu trách nhiệm phê duyệt quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
Điều 16. Quản lý về môi trường
Tất cả các nghĩa trang đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Điều 17. Quy chế quản lý nghĩa trang
1. Tất cả các nghĩa trang đều phải lập Quy chế quản lý.
2. Nội dung cơ bản của Quy chế quản lý nghĩa trang bao gồm:
a) Các quy định về ranh giới, quy mô nghĩa trang và các khu chức năng trong nghĩa trang;
b) Các quy định về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, duy tu, bảo dưỡng các công trình xây dựng, các phần mộ trong nghĩa trang;
c) Các quy định bảo vệ nghĩa trang, bảo vệ môi trường;
d) Các quy định về hoạt động táng, lưu giữ tro cốt trong nghĩa trang;
đ) Các quy định về hoạt động lễ nghi, tín ngưỡng và các hoạt động khác có liên quan;
e) Các hành vi vi phạm và quy định xử phạt;
f) Trách nhiệm của đơn vị quản lý và người sử dụng nghĩa trang.
3. Thẩm quyền phê duyệt Quy chế quản lý nghĩa trang:
a) UBND các cấp theo phân cấp quản lý tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Quy định này phê duyệt Quy chế quản lý nghĩa trang đối với các nghĩa trang do mình quản lý được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;
b) Tổ chức, cá nhân phê duyệt Quy chế quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng sau khi có văn bản thoả thuận của UBND theo phân cấp quản lý nghĩa trang của UBND cấp tỉnh và sau khi ban hành phải gửi cho UBND theo phân cấp quản lý nghĩa trang để quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Chương V
To CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBMT Tổ quốc và các tổ chức Đoàn thể cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về UBND tỉnh để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.