• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/07/2001
UBND TỈNH CÀ MAU
Số: 15/2001/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 20 tháng 6 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH CÀ MAU

V/v ban hành quy chế vận hành quản lý bảo dưỡng loại hình cấp nước sinh hoạt nông thôn hệ nối mạng

________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

 

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

- Thực hiện chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Xét tờ trình số 37/TT ngày 15/3/2001 của Sở Nông nghiệp & PTNT.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế vận hành quản lý và bảo dưỡng loại hình cấp nước sinh hoạt nông thôn hệ nối mạng”.

Điều 2 : Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3 : Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính - Vật giá, các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.

 

______________________

 

QUY CHẾ VẬN HÀNH QUẢN LÝ VÀ BẢO DƯỠNG

LOẠI HÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN : HỆ NỐI MẠNG

(Ban hành kèm theo quyết định số: 15/QĐ-UB ngày 20 tháng 6 năm 2001

của UBND tỉnh Cà Mau)

_____

 

CHƯƠNG I : NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1 : Mục đích ý nghĩa và đối tượng sử dụng :

- Cung cấp một cách bền vững nguồn nước sạch cho các cụm dân cư nông thôn.

- Tiết kiệm nước, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

- Kiểm soát các loại dịch bệnh.

Điều 2 : Nguồn vốn:

- Hệ cấp nước nối mạng nông thôn bao gồm các nguồn vốn sau:

a/- Ngân sách Trung ương :

- Vốn Unicef tài trợ.

- Vốn của các Tổ chức Quốc tế khác.

- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương cấp.

b/- Vốn địa phương:

- Vốn ngân sách tỉnh.

- Vốn dân đóng góp.

Điều 3 : Đặc điểm công trình :

- Quy mô hộ dân tham gia 30 ÷ 200 hộ/mạng.

- Quy mô bồn chứa nước 4m3 ( d=l,6 m; h=2,0 m).

- Quy mô tháp nước :

+ Chiều cao tháp nước 5.0 mét.

+ Kết cấu tháp nước bằng thép hình, móng bằng bê tông cốt thép, gia cố bằng cừ tràm.

- Quy mô đường ống chính :

+ Chiều dài đường ống chính tối đa L= 2.000 m.

+ Đường kính ống chínhd= 32 mm÷ 90 mm.

+ Ống nhựa HDPE hoặc PVC.

- Chế độ làm việc :

+ Dùng bơm điện công suất tối thiểu 4m3/h, làm việc theo chế độ tự động.

CHƯƠNG II : CƠ CHẾ VẬN HÀNH:

Điều 4 : Tổ chức Nhân sự:

Mỗi công trình cấp nước nối mạng có 1 đến 2 cán bộ quản lý do UBND xã cử ra trong số các hộ dân hưởng lợi nguồn nước.

Điều 5 : Trách nhiệm của cán bộ quản lý:

- Chịu trách nhiệm về sự hoạt động an toàn của công trình.

- Làm vệ sinh bồn tháp thủy đài.

- Thu tiền nước các hộ dân hàng tháng.

CHƯƠNG III : CƠ CHẾ QUẢN LÝ

Điều 6 : Quản lý kỹ thuật:

- Công trình xây dựng hoàn thành được bàn giao cho cộng đồng dân cư quản lý, cán bộ quản lý là người chịu trách nhiệm chính.

- 6 tháng 1 lần phải lấy mẫu nước để kiểm tra chất lượng nước theo quyết định số 505/BYT ngày 13/4/1992 của Bộ Y Tế về việc ban hành tiêu chuẩn vệ sinh nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt.

- Cán bộ quản lý, hộ sử dụng nước không được tự tiện tháo lắp phụ kiện trên đường ống chính. Người nào làm ô nhiễm nguồn nước sạch của cộng đồng người đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo qui định của pháp luật.

Điều 7 : Quản lý kinh tế:

- Các hộ dùng nước phải có trách nhiệm nộp tiền sử dụng nước hàng tháng với qui định như sau:

+ Dưới 50 m3/tháng giá 1.500 đ/m3

+ Trên 50 m3/tháng thì từ m3 thứ 51 trở  đi giá 3.000 đ/m3.

- Cán bộ quản lý phải có trách nhiệm thu tiền sử dụng nước của các hộ dân định kỳ hằng tháng, thường xuyên kiểm tra độ chính xác của các đồng hồ nước để có biện pháp khắc phục kịp thời nếu có độ sai số.

- Hóa đơn thu tiền nước phải được Sở Tài chính - Vật giá phát hành theo mẫu thống nhất toàn tỉnh. Cán bộ quản lý thu tiền nước có trách nhiệm nhận, sử dụng và quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp.

- Khi hộ nào dùng nước quá 3 tháng hoặc trên 150m3/3 tháng mà không thanh toán tiền nước thì cán bộ quản lý có biện pháp ngưng cấp nước, đồng  thời báo cáo về UBND xã, thị trấn xử lý.

- Sử dụng kinh phí:

+ 50% số tiền thu hàng tháng cán bộ quản lý có trách nhiệm quyết toán nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện và tỉnh (đối với thành phố Cà Mau), cuối mỗi tháng Kho bạc Nhà nước các huyện và Kho bạc tỉnh kết chuyển vào tài khoản của ngân sách tỉnh để ngân sách tỉnh cấp cho Trung tâm nước và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư theo từng dự án cụ thể khi được UBND tỉnh phê duyệt thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

+ 50% số tiền thu hàng tháng nộp vào ngân sách xã để chi: nhân công, điện, quản lý, vận hành, bảo dưỡng và nộp các khoản thuế theo quy định của Nhà nước.

CHƯƠNG IV : CƠ CHẾ BẢO DƯỠNG:

Điều 8 :

- 3 tháng một lần phải làm vệ sinh trong và ngoài bồn nước, xúc rửa sạch sẽ tránh lắng đọng đáy bồn.

Điều 9 :

- 12 tháng một lần phải làm vệ sinh khung thép thủy đài, cạo rỉ sơn phết lại chống ăn mòn kim loại.

Điều 10 :

- Không được chăn thả nuôi gia súc gia cầm trong phạm vi công trình. Thường xuyên làm vệ sinh để công trình luôn sạch, đẹp.

CHƯƠNG V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 11 :

- Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở nông nghiệp va phát triển nông thôn, Sở  tài chính - Vật giá và UBND huyện, thành phố giám sát việc thực hiện quy chế này.

Điều 12 :

- Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hàng năm phải kiểm tra đánh giá sự hoạt động của công trình và xử lý những sự cố kỹ thuật.

Điều 13 :

- Hệ cấp nước nối mạng sau 3 tháng vận hành sẽ thực hiện theo quy chế này.

Điều 14 :

- Các hệ cấp nước nối mạng đã đưa vào sử dụng trước 30/6/2001, UBND tỉnh giao cho Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thành phố, chủ tịch UBND xã bàn bạc thống nhất khoản trích nộp vào kho bạc và báo cáo tổng hợp lên ngành chủ quản xin ý kiến chỉ đạo thực hiện./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Hồng My

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.