QUYẾT ĐỊNH
Ban hành "Quy định và hướng dẫn về kiểm định an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới không có điều kiện
kiểm tra trên dây chuyền cơ giới hóa"
_______________
CỤC TRƯỞNG CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 06 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 2570/2003/QĐ-BGTVT ngày 29/08/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Căn cứ mục 2.5 Quyết định số 4105/2001/QĐ-BGTVT ngày 04/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai kiểm định bằng phương pháp bán cơ giới tại các huyện đảo, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao; nơi mà các xe cơ giới của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động nhưng không có điều kiện đưa xe tới Đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới;
Xét đề nghị của Ông Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định và hướng dẫn về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới không có điều kiện kiểm tra trên dây chuyền cơ giới hóa”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Ông (Bà): Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới, Thủ trưởng Đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN
VỀ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI XE CƠ GIỚI KHÔNG CÓ ĐIỀU KIỆN KIỂM TRA TRÊN DÂY CHUYỀN CƠ GIỚI HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 190/2004ĐK, ngày 12 tháng 10 năm 2004 của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam)
|
|
1/01/clip_image001.gif" width="135" /> |
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1.1. Quy định này áp dụng cho việc kiểm định đối với các xe cơ giới không có điều kiện kiểm tra trên dây chuyền cơ giới hóa (sau đây gọi tắt là kiểm định bán cơ giới), bao gồm:
- Ô tô tải và ô tô chuyên dùng đang tập trung thi công tại các công trường trọng điểm, điều kiện đi đến Đơn vị đăng kiểm khó khăn.
- Ô tô hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa.
- Ô tô hoạt động tại các khu vực Huyện đảo.
- Xe vận chuyển nhỏ (còn gọi là xe “Công nông”) không có điều kiện đi trên đường Quốc lộ đến Đơn vị đăng kiểm để kiểm định.
- Các xe không phù hợp với thiết bị kiểm tra: quá khổ, quá tải, có kết cấu đặc biệt (ba bánh, xe nhiều cầu chủ động có khóa cứng vi sai, ô tô chuyên dùng cần cẩu, ...).
1.2. Quy định này là căn cứ cho việc thanh kiểm tra, giám sát công tác kiểm định xe cơ giới tại Đơn vị đăng kiểm.
2. Để đảm bảo độ chính xác kết quả kiểm định, không khuyến khích kiểm định bằng phương pháp bán cơ giới và các Đơn vị chỉ được phép áp dụng đối với các xe đã nêu ở mục 1.1.
3. Đối với các Đơn vị có số lượng Đăng kiểm viên chỉ đủ cho một dây chuyền kiểm định, để việc kiểm định bán cơ giới không ảnh hưởng tới công tác của Đơn vị, có thể thực hiện kiểm định bán cơ giới vào các ngày nghỉ và phải thống nhất với chủ phương tiện.
II. CÁC YÊU CẦU VỀ KIỂM ĐỊNH BÁN CƠ GIỚI VÀ QUẢN LÝ, CẤP PHÁT HỒ SƠ KIỂM ĐỊNH
1. Kiểm định bán cơ giới phải thực hiện đúng theo tiêu chuẩn ATKT và BVMT số 22TCN224-01 và quy trình kiểm định số 152/2001ĐK.
2. Điều kiện mặt bằng kiểm tra bán cơ giới, dụng cụ kiểm tra đảm bảo theo tiêu chuẩn Trạm số 22TCN226-01.
3. Ngoài các Quy định nêu tại Quyết định 149/2001ĐK về quản lý và lưu trữ hồ sơ kiểm định, đối với các xe kiểm định ngoài Đơn vị đăng kiểm cần thực hiện các quy định sau:
- Hồ sơ kiểm định của mỗi đợt kiểm tra được lưu giữ thành tập riêng theo thứ tự số phiếu kiểm định (trong tập hồ sơ này không có các kết quả in ra từ thiết bị kiểm tra) cùng các hồ sơ kiểm định khác của đợt kiểm tra đó gồm có:
- Công văn của Chủ phương tiện gửi Đơn vị Đăng kiểm, có danh sách các xe kèm theo (mẫu 01).
- Công văn của Đơn vị Đăng kiểm và danh sách các xe khám ngoài Đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt, đối với những xe ở Huyện đảo hoặc xe "Công nông" ở các Huyện xa chưa có danh sách cụ thể, Đơn vị Đăng kiểm phải có danh sách sau khi kiểm định.
- Quyết định Trưởng đoàn kiểm tra (Lãnh đạo Đơn vị đăng kiểm hoặc phụ trách dây chuyền kiểm định) và danh sách Đăng kiểm viên bố trí kiểm tra ở các hạng mục, kể cả ĐKV kiểm tra xe cũ theo quy định tại văn bản số 965/2002ĐK của Cục ĐKVN.
- Bản in báo cáo kết quả kiểm định mỗi đợt.
- Riêng đối với Phiếu kiểm định:
- Đối với Đơn vị đã trang bị máy tính và máy in để kiểm định bán cơ giới, phiếu kiểm định phải được in từ chương trình quản lý của Cục ĐKVN.
- Đối với Đơn vị chưa trang bị máy tính và máy in để kiểm định bán cơ giới được phép sử dụng phiếu kiểm định photo, số phiếu kiểm định, thời gian kiểm tra được phép ghi bằng tay.
4. Đơn vị đăng kiểm chỉ được in và cấp chứng chỉ cho xe cơ giới sau khi có kết quả kiểm định. Tem kiểm định phải do Đăng kiểm viên trực tiếp dán theo quy định, không giao Tem kiểm định cho Chủ phương tiện tự dán vào xe.
5. Các Đơn vị Đăng kiểm phải bổ sung đầy đủ số liệu của đợt kiểm định bán cơ giới vào cơ sở dữ liệu của máy tính ngay khi kết thúc đợt kiểm định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam giao trách nhiệm cho Phòng kiểm định xe cơ giới tập hợp nhu cầu kiểm định bán cơ giới trình Cục ĐKVN phê duyệt, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện kiểm định của các Đơn vị đăng kiểm đã được phép triển khai kiểm định bán cơ giới.
2. Chậm nhất sau 10 ngày của mỗi đợt kiểm định ngoài Đơn vị, Thủ trưởng Đơn vị đăng kiểm phải có báo cáo cụ thể các xe được kiểm định trong đợt về Cục ĐKVN thông qua Phòng kiểm định xe cơ giới (mẫu 02).
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Cục ĐKVN để được giải quyết.