• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/12/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 20/06/2009
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 1414/1997/QĐ-BLĐTB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

Về việc uỷ quyền một số nhiệm vụ quản lý lao động cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-8-1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7-12-1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

Thực hiện chỉ thị 264/TTg ngày 24-4-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai một số công việc thực hiện Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp và Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Uỷ quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là Ban quản lý khu công nghiệp) thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số công việc về quản lý lao động trong các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Ban như sau:

1. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách, chế độ lao động đối với người lao động: như tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bồi thường tai nạn lao động, trong các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật lao động.

2. Hướng dẫn các doanh nghiệp giao kết Hợp đồng lao động, xây dựng nội quy lao động, ký kết thoả ước lao động tập thể (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ cấp sổ lao động cho người lao động trong các doanh nghiệp và chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện việc cấp sổ.

3. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; về việc thực hiện các chế độ bảo hộ lao động như trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng hiện vật, bảo hộ lao động đối với người lao động trong các doanh nghiệp.

- Thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động xảy ra tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý;

- Tiếp nhận hồ sơ khai báo, đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và chuyển cho Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét cấp giấy phép.

4. Hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập các Hội đồng hoà giải cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động và Thông tư số 10/LĐTBXH-TT ngày 25 tháng 3 năm 1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cử hoà giải viên để hoà giải các tranh chấp lao động ở những nơi chưa có Hội đồng hoà giải.

- Khi có tranh chấp lao động tập thể, đình công xẩy ra tại các doanh nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp hướng dẫn các bên tranh chấp thực hiện đúng thủ tục theo luật định, và kịp thời báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp giải quyết.

5. Thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc dưới 3 tháng; tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc với thời hạn từ 3 tháng trở lên ở các doanh nghiệp và chuyển tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét việc cấp giấy phép lao động.

6. Ban quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm nắm nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc tuyển lao động theo đúng quy định của Nghị định số 72/CP ngày 31 tháng 10 năm 1995 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm.

7. Theo dõi, định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất báo cáo về tình hình quản lý sử dụng lao động trong khu công nghiệp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2:

1. Tiếp nhận, xem xét ra quyết định đăng ký thoả ước lao động tập thể và chấp thuận nội quy lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo sự uỷ quyền của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố.

2. Sau 15 ngày kể từ sau ngày Quyết định này có hiệu lực Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có Ban quản lý các khu công nghiệp phải ra văn bản uỷ quyền theo khoản 1 Điều này.

3. Đối với các khu công nghiệp nằm trên địa bàn của nhiều tỉnh, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở chính của Ban quản lý ra văn bản uỷ quyền theo Điều 2 Quyết định này.

Điều 3: Ban quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động trong việc kiểm tra, thanh tra các quy định của pháp luật lao động, điều tra tai nạn lao động xảy ra tại các doanh nghiệp khi được yêu cầu.

Điều 4: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện Quyết định này.

Điều 5: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 6: Thủ trưởng các đơn vị, các đồng chí Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Đình Hoan

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.