QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt quy hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020
________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ nhất về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội;
Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án” Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010, định hướng đến 2020;
Được uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt các dự án qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại công văn số 6428/VPCP-KTTH ngày 7 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ;
Xét Tờ trình số 346/VNCTM-TTr ngày 3 tháng 12 năm 2007 của Viện Nghiên cứu Thương mại về việc phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu Vùng kinh tế trọng phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Qui hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
- Qui hoạch phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau đây gọi là Vùng) phải phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng nói chung, của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) trong Vùng nói riêng, thời kỳ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Tập trung phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu với qui mô lớn và vừa, từ thị trường trung tâm với tâm điểm là thành phố Hồ Chí Minh, bán kính trung tâm Vùng là 50 km. Phát triển các công trình kết cấu hạ tầng thương mại qui mô lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu để tạo “điểm nhấn” và tạo điều kiện thúc đẩy liên kết Vùng, ngoại Vùng, cả nước và quốc tế.
- Phát triển hài hoà, phân bố hợp lý các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trong Vùng; tăng dần tỷ trọng các loại hình kết cấu thương mại hiện đại và từng bước câng cao trình độ văn minh thương mại của các loại hình kết cấu thương mại truyền thống.
- Huy động tối đa các nguồn lực trong vùng, trong nước và huy động các nguồn lực từ nước ngoài theo qui định của pháp luật nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại Vùng.
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tốc độ phát triển kinh tế nói chung, tốc độ phát triển thương mại-dịch vụ nói riêng nhanh hơn các Vùng khác trong cả nước, có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế cũng như thương mại của các vùng lân cận và với toàn quốc. Vì vậy, Nhà nước cần tạo lập môi trường đầu tư và có cơ chế chính sách đặc thù để huy động ở mức cao nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong Vùng.
2. Mục tiêu phát triển
- Phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại tương xứng với sự gia tăng nhu cầu và tính đa dạng của các hoạt động thương mại của cả Vùng nói chung và từng địa phương của Vùng nói riêng.
- Phát triển hài hoà loại hình kết cấu hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại trong giai đoạn đến 2010 và những năm tiếp theo.
- Giai đoạn 2011 - 2015, tập trung phát triển các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại qui mô lớn và các trung tâm hội chợ triển lãm, kho bãi và các kho cảng xăng dầu tại các địa bàn trọng yếu trong Vùng, trước hết là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu; đồng thời nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của những loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác.
- Giai đoạn 2016 - 2020, tập trung phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trong Vùng theo hướng hiện đại, trong đó có một số công trình mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
3. Qui hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu
3.1. Qui hoạch phát triển chợ loại I và chợ đầu mối
3.1.1 Mục tiêu phát triển
- Phát triển các chợ loại I và chợ đầu mối trong Vùng theo hướng hoàn thiện công nghệ tổ chức lưu thông hàng hoá và cung cấp dịch vụ tại các chợ, nâng cao trình độ phục vụ và văn minh thương mại.
- Đảm bảo duy trì tốc độ tăng doanh thu bán hàng hoá và dịch vụ qua chợ đạt bình quân 15-18%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, 13-14%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 11-12%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Đảm bảo giải quyết việc làm cho từ 6 - 8% lao động tại các khu đô thị trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang trong quá trình đô thị hoá nhanh.
3.1.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch
a. Nguyên tắc phân bố qui hoạch chợ loại I
- Mật độ dân số bình quân của khu vực phục vụ chợ loại I phải đạt tối thiểu 600 người/km2. Khu vực phục vụ của chợ loại 1 có diện tích khoảng 40 km2
- Trong khu vực qui hoạch chợ loại I, tổng sản phẩm trong nước tính bình quân đầu người/năm ở mức từ 500 đến dưới 1000 USD hay từ 8 triệu đến dưới 16 triệu đồng.
- Có vị trí và các điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển đảm bảo thuận tiện cho việc mua sắm thường xuyên của dân cư.
b. Nguyên tắc phân bố qui hoạch chợ đầu mối
- Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh về qui mô, nhu cầu phân công lao động theo các khâu trong quá trình lưu thông các sản phẩm nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng đã hình thành rõ nét.
- Quá trình đô thị hoá trong vùng phát triển nhanh cả về qui mô và trình độ đòi hỏi phải có những cơ sở đảm bảo sẵn sàng cung cấp hàng hoá, nhất là các sản phẩm nông nghiệp cho mạng lưới các cơ sở bán lẻ ngày càng chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại trong khu đô thị.
- Các thương nhân có khả năng và sẵn sàng tham gia cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho quá trình lưu thông hàng hoá từ sản xuất đến tiêu dùng. Trình độ tổ chức lao động của các thương nhân đảm bảo khả năng mở rộng qui mô hoạt động và đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động.
- Các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông tương đối phát triển, cước phí vận chuyển hợp lý đảm bảo thuận lợi cho quá trình phát triển giao lưu hàng hoá, dịch vụ.
- Khoảng cách giữa các chợ đầu mối cùng loại (thu hút, phát luồng các sản phẩm tương tự nhau): từ 30 – 50 km.
3.1.3 Phương án qui hoạch
- Tại thành phố Hồ Chí Minh : Nâng cấp 4 chợ loại I, gồm Chợ An Đông, chợ Phạm Văn Hai, chợ Bà Chiểu, chợ Bến Thành (2007 - 2015); cải tạo và mở rộng 1 chợ đầu mối nông sản tổng hợp Bình Điền có qui mô cấp vùng; và 2 chợ đầu mối nông sản rau quả là chợ Hóc Môn và chợ Thủ Đức (2007-2015).
- Tại tỉnh Bình Dương: Nâng cấp mở rộng chợ Khương Xá- Thủ Dầu Một (2007 - 2010); xây dựng mới 6 chợ loại I gồm chợ Phú Thọ, chợ Lái Thiêu Mới, chợ Tân Bình, chợ Tân Thành, chợ Mỹ Phước, chợ Thanh An (2007 - 2015). Xây mới 2 chợ đầu mối nông sản tổng hợp Dầu Tiếng và Lai Uyên ( 2007 - 2015).
- Tại tỉnh Đồng Nai : Nâng cấp mở rộng 3 chợ loại I gồm chợ Biên Hoà (2007 - 2015), chợ Long Thành, chợ Long Khánh (2010- 2015); Xây mới chợ Sặt có qui mô loại I ((2007 - 2020). Xây 1 chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại thị trấn Long Thành ( 2011- 2020).
- Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cấp mở rộng chợ thành phố Vũng Tàu ((2007 - 2015); Xây mới 4 chợ có qui mô loại I gồm: chợ Long Hải, chợ thị xã Bà Rịa, chợ huyện Xuyên Mộc, chợ huyện Tân Thành ( 2007- 2015); Xây dựng mới 1 chợ đầu mối nông sản tổng hợp thị xã Bà Rịa (2007- 2015); xây mới 2 chợ đầu mối thuỷ sản cảng Cát Lở (2007 - 2010) và chợ đầu mối thuỷ sản thị xã Bà Rịa (2007- 2015).
- Tại tỉnh Bình Phước: Nâng cấp mở rộng 4 chợ loại I gồm: chợ Đồng Xoài, chợ Lộc Ninh (2007 - 2015); chợ Bù Đăng, chợ Chơn Thành (2011 - 2015); xây mới 2 chợ có qui mô loại I chợ Tân Phú, chợ An Lộc (2011 - 2020); xây mới chợ đầu mối rau quả Thanh Bình (2007 - 2015);
- Tại tỉnh Long An: Xây mới chợ Bến Lức có qui mô loại I ((2007 - 2015). Nâng cấp cải tạo chợ đầu mối lúa gạo Hậu Thạnh Đông ((2007 - 2010); xây mới chợ đầu mối rau quả Huyện Thủ Thừa (2007-2015); xây mới chợ đầu mối thuỷ sản Cần Giuộc (2016- 2020).
- Tại tỉnh Tiền Giang: Nâng cấp mở rộng 4 chợ có qui mô loại I gồm chợ Gạo, chợ Gò Công, chợ Mỹ Tho, chợ Vĩnh Bình ((2007 - 2015). Cải tạo và nâng cấp chợ đầu mối rau quả Hoà Khanh, chợ đầu mối rau quả Vĩnh Kim (2007 - 2010), cải tạo nâng cấp chợ đầu mối lúa gạo Phú Cường (2007 - 2010).
- Tại tỉnh Tây Ninh: Nâng cấp mở rộng 2 chợ loại I gồm chợ thị xã Tây Ninh (2007 - 2015), chợ Long Hoa (2007 - 2020); xây mới 3 chợ có qui mô loại I: chợ Trảng Bàng, chợ Gò Dầu, chợ Tân Châu (2007 - 2015). Xây mới 2 chợ đầu mối nông sản tổng hợp là chợ thị trấn Hoà Thành và chợ Bàu Năng (2007 - 2010).
3.2. Qui hoạch phát triển siêu thị và trung tâm thương mại
3.2.1 Mục tiêu phát triển
- Nâng tỉ trọng doanh thu bán lẻ và dịch vụ của loại hình này trong tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ của Vùng từ mức 3% vào năm 2005 lên 10%/ vào năm 2010; 15-18% vào năm 2015 và 20-25% vào năm 2020.
- Trong giai đoạn 2006 - 2010 sẽ tập trung phát triển các siêu thị hạng II và hạng III tại các khu đô thị, khu công nghiệp đang được đầu tư phát triển theo qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2011 – 2020 sẽ phát triển các siêu thị và trung tâm thương mại hạng I tại các vùng đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh (quận 1, quận 2, quận 3, quận 7), Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu.
- Tương ứng với mức tăng doanh thu, số lao động tại các siêu thị và trung tâm thương mại trong Vùng cần đảm bảo tăng từ mức 5-7% tổng số lao động thương mại trong vùng hiện nay lên 10% vào năm 2010; 11,4% vào năm 2015 và 11,8-12% vào năm 2020.
3.2.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch
- Trong khu vực qui hoạch siêu thị, tổng sản phẩm trong nước tính bình quân đầu người/năm phải đạt trên 1.000 USD hay trên 16 triệu đồng. Đối với khu vực qui hoạch phát triển đại siêu thị, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người/năm cần phải đạt mức trên 2.000 USD hay trên 32 triệu đồng.
- Mật độ và qui mô của các siêu thị, trung tâm thương mại được xác định phù hợp với qui mô đô thị. Các đại siêu thị, trung tâm thương mại lớn chủ yếu được qui hoạch tại các đô thị loại 2 trở lên.
- Việc xác định vị trí xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại lớn cần phải tính đến những ảnh hưởng của nó đối với trật tự, môi trường đô thị và khu vực tập trung thương nghiệp truyền thống.
3.2.3 Phương án qui hoạch
- Tại thành phố Hồ Chí Minh xây mới 4 trung tâm thương mại gồm: Trung tâm thương mại Nguyễn Huệ hạng I cấp vùng, trung tâm thương mại Phú Mỹ Hưng, trung tâm thương mại Phú Mỹ Hưng, trung tâm thương mại tổng hợp Tân Bình, trung tâm thương mại Phương Đông (2007-2010); chuyển 4 chợ thành siêu thị- trung tâm thương mại gồm siêu thị- trung tâm thương mại Củ Chi, An Khánh, Phường1, Phường 3 (2007-2010); chợ phường 16 chuyển thành siêu thị- trung tâm thương mại (2011-2020); xây mới siêu thị hạng I và trung tâm thương mại hạng I cấp vùng tại quận 2 (2011- 2020).
- Tại tỉnh Bình Dương: xây mới 5 siêu thị gồm Mỹ Phước I, Mỹ Phước II, Mỹ Phước III, Mỹ Phước IV, Mỹ Phước khu phố 3 (2007- 2010); xây mới 1 siêu thị hạng I cấp vùng tại Bình Dương (quốc lộ 13) (2011- 2020); xây mới 2 trung tâm thương mại tại khu công nghiệp VISP và Đông Hiệp (2007-2010); xây mới 1 trung tâm thương mại hạng I cấp vùng tại Làng Đại học quốc gia (2016- 2020).
- Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Xây mới 3 siêu thị gồm: siêu thị tổng hợp thành phố Vũng Tàu (2007- 2010); siêu thị Long Điền, siêu thị Mỹ Xuân (2011- 2015). Chuyển chợ Bà Rịa thành chợ- siêu thị- trung tâm thương mại (2016- 2020).
- Tại tỉnh Đồng Nai: xây dựng 2 siêu thị- trung tâm thương mại gồm trung tâm thương mại Tam Hoà, trung tâm thương mại Tân Hiệp (2011- 2015).
- Tại tỉnh Bình Phước : Xây mới 2 siêu thị tại thị xã Đồng Xoài (2011- 2015); Xây dựng mới 1 trung tâm thương mại tại Đồng Xoài (2016- 2020);
- Tại tỉnh Tiền Giang: Chuyển 5 chợ thành chợ- siêu thị – trung tâm thương mại gồm: trung tâm thương mại Mỹ Tho (2007- 2010); trung tâm thương mại – siêu thị chợ Gạo, trung tâm thương mại –siêu thị Gò Công (2011- 2015); trung tâm thương mại –siêu thị Thiên Hộ, trung tâm thương mại – siêu thị Cai Lậy (2016- 2020).
- Tại tỉnh Long An: Chuyển chợ Phường 1 thị xã Long An thành chợ- siêu thị – trung tâm thương mại (2007- 2010); xây mới 3 siêu thị gồm: siêu thị Bến Lức, siêu thị thị trấn Hậu Nghĩa, siêu thị Mộc Hoá (2016- 2020).
- Tại tỉnh Tây Ninh: Chuyển chợ Long Hoa thành chợ- siêu thị –trung tâm thương mại (2011-2015); xây mới 2 siêu thị gồm siêu thị Gò Dầu, siêu thị Trảng Bàng (2016- 2020).
3.3. Qui hoạch phát triển trung tâm hội chợ triển lãm
3.3.1 Mục tiêu phát triển
- Tăng qui mô hội chợ đạt mức trung bình 300-400 doanh nghiệp hiện nay lên mức trung bình 600-800 doanh nghiệp/hội chợ vào năm 2010 và trên 1.000-1.500 doanh nghiệp/hội chợ vào giai đoạn 2011 – 2020.
- Nâng tỷ lệ các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội chợ lên 15-18% vào năm 2010 và khoảng từ 22 – 25% vào giai đoạn 2011-2015; từ 28-32% vào giai đoạn 2016 – 2020.
3.3.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch
- Khu vực đã có sự phát triển nhanh của doanh nghiệp cả về số lượng và qui mô doanh nghiệp.
- Thị trường khu vực đang phát triển nhanh và có sức hấp dẫn các doanh nghiệp cả ở trong và ngoài vùng, cả về phương diện cung ứng và tiêu thụ hàng hoá.
- Có vị trí địa kinh tế hay khả năng phát triển các mối quan hệ giao lưu kinh tế, thương mại giữa các vùng, khu vực.
- Việc xác định vị trí xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm cần tính đến những ảnh hưởng của nó đối với an ninh trật tự, văn hoá địa phương và bảo vệ môi trường.
3.3.3 Phương án qui hoạch
- Giai đoạn 2006- 2010: Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm tại khu vực đô thị mới Phú Mỹ Hưng Nam Sài Gòn. Qui mô trung tâm này cho phép tổ chức từ 1.500 - 1.800 gian hàng cùng một lúc. Diện tích mặt bằng dự kiến bố trí 15 ha.
- Giai đoạn 2011- 2020: Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm chuyên phục vụ xuất khẩu mang tính chuyên nghiệp và hiện đại tại Thủ Thiêm- thành phố Hồ Chí Minh, quĩ đất dành cho trung tâm hội chợ triển lãm thương mại là 10 ha; xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm tại khu Gò Cát, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương với qui mô 10 ha.
3.4. Qui hoạch phát triển hệ thống kho bãi
3.4.1 Mục tiêu phát triển
- Phát triển một số đơn vị thực hiện cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần theo mô hình hoạt động của trung tâm logistic.
- Phấn đấu sau năm 2010 các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu có cơ sở cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần và sau năm 2015 tất cả các địa phương trong Vùng đều có cơ sở cung cấp dịch vụ hậu cần trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai là các địa phương có vai trò trung tâm vùng và khu vực.
3.4.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch
- Qui mô và phạm vi của thị trường hàng hoá, bao gồm cả thị trường nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường hàng tiêu dùng khá phát triển.
- Sự phân công lao động trong quá trình lưu thông hàng hoá cả trên thị trường nội địa và cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã phát triển ở trình độ khá cao.
- Khu vực có các điều kiện về giao thông và mức độ hội tụ hay tập trung của các khu vực thị trường tiêu thụ.
3.4.3 Phương án qui hoạch
- Tại thành phố Hồ Chí Minh:
Cụm kho bảo quản hàng hoá xuất nhập khẩu Phú Mỹ- Tân Thuận Đông- Nhà Bè. Đây là cụm kho có qui mô lớn, được xây dựng phục vụ cho xuất nhập khẩu, trong đó có hàng nông sản, lúa gạo. Quy mô xây dựng từ 40-50 ha vào năm 2010 và đến năm 2020 được mở rộng lên 80 ha.
Cụm kho bãi cảng Cây Khô (Nhà Bè). Đây là cụm kho gắn với hoạt động của cảng sông, chợ đầu mối Cây Khô, một phần cảng Bình Đông được di chuyển về đây với công suất 750.000 tấn/năm. Cảng Cây Khô mang chức năng trung chuyển và phân phối của các ngành, phân phối hàng hoá vật tư nông nghiệp cho đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến xây dựng từ 15-20 ha cho giai đoạn từ 2008 đến 2010 và được mở rộng lên 30 ha đến năm 2020.
Cụm kho bãi cảng sông Phú Định- quận 8 thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kho bãi trung chuyển phục vụ cảng sông và hệ thống kho phân phối hàng hoá di chuyển từ nội thành ra. Qui mô xây dựng khoảng 45- 50 ha. Ngoài chức năng phục vụ cho nhu cầu thương mại của thành phố Hồ Chí Minh, cụm kho này còn đảm nhận vai trò chuyển hàng hoá phục vụ cho đồng bằng sông Cửu Long.
Cụm kho An Lạc- Bình Điền (Bình Chánh). Đây là cụm kho tập trung trên tuyến quốc lộ 1 từ An Lạc đến Bình Điền, chức năng chủ yếu của kho là phân phối và một phần dự trữ lương thực, thực phẩm chế biến, vật tư nông nghiệp,...) cho thành phố Hồ Chí Minh, Long An và đồng bằng sông Cửu Long, qui mô xây dựng 30-35 ha.
Cụm kho ngã tư An Sương (Hóc Môn). Đây là cụm kho mang chức năng là kho đầu mối qui mô 30- 35 ha, một số kho phân phối phục vụ dân cư đô thị mới phát triển và khu công nghiệp Tân Thới Hiệp;
Cụm kho Linh Xuân, LinhTrung (Thủ Đức). Đây là cụm kho phân phối cấp vùng và một số kho chuyên ngành phục vụ sản xuất của khu vực Thủ Đức, qui mô 30-35 ha.
Cụm kho bãi Cát Lái (Thủ Đức). Đây là cụm kho trong tương lai sẽ hình thành cảng hàng rời của Bộ Giao thông vận tải. Do vậy, cụm kho bãi này sẽ có chức năng trung chuyển phục vụ cảng và kho phân phối phục vụ khu dân cư sẽ được xây dựng trong tương lai, qui mô khoảng 40-45 ha.
- Tại tỉnh Đồng Nai: Đây là cụm kho đầu mối chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, các nhà máy, các cơ sở sản xuất nằm trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, bao gồm: kho cảng sông Đồng Nai, kho Phú Hữu, kho cảng Gò Dầu A và B, kho cảng sông Phước An, qui mô 30-40 ha.
- Tại tỉnh Bình Dương: Đây là cụm kho bãi đầu mối tại khu vực cảng cạn Sóng Thần nằm cách Tân Cảng khoảng 20 km, có đủ điều kiện thuận lợi về giao thông vận chuyển hàng cũng như ưu thế về khả năng thu hút và tiếp nhận, lưu chứa hàng hoá, hỗ trợ quá trình khai thác và phát triển năng lực lưu chuyển hàng hoá, thông quan nội địa của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp như Sóng Thần I, Sóng Thần II, Tân Đông Hiệp. Quy mô 30-40 ha.
- Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu: Đây là cụm kho bao gồm khu kho cảng Gò Dầu C, khu kho cảng Phú Mỹ, khu kho cảng Cái Mép (sông Thị Vải), khu kho cảng Vũng Tầu (Bến Đình - Sao Mai), khu kho cảng Sông Dinh (sông Dinh). Phạm vi phục vụ trực tiếp là các tỉnh trong Vùng bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Phạm vi phục vụ gián tiếp: các vùng phụ cận, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, quy mô 30-55 ha;
- Tại tỉnh Tây Ninh: Cụm kho bãi đầu mối khu vực cửa khẩu Mộc Bài, nằm trên đường Xuyên Á nối liền thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô PhnômPênh trong khu vực khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài hiện là trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và đầu mối giao thông trong nước và quốc tế quan trọng của tỉnh Tây Ninh và Vùng này, có quy mô 20-30 ha, trong đó kho ngoại quan có diện tích 5 ha .
3.5 Qui hoạch phát triển hệ thống kho cảng xăng dầu
3.5.1 Mục tiêu phát triển
- Điều chỉnh, bổ sung qui hoạch hệ thống kho cảng xăng dầu phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong vùng và yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Bổ sung sức chứa của các cơ sở kho cảng xăng dầu trong Vùng tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Vùng.
3.5.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch
- Khu vực tương đối cách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng và các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng khác.
- Có khả năng phát triển một hay nhiều phương thức vận tải xăng dầu (đường ống, đường biển, đường sông, đường bộ...).
- Có vị trí thuận lợi trong việc tiếp nhận và trung chuyển xăng dầu trong vùng và tới các vùng phụ cận với chi phí thấp.
- Đáp ứng được các điều kiện về đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho các kho xăng dầu…
3.5.3 Phương án qui hoạch
- Mở rộng và nâng cấp các kho cảng xăng dầu hiện có
Kho cảng tiếp nhận đầu mối:
+ Thành phố Hồ Chí Minh: Mở rộng tổng kho Nhà Bè và kho Cát Lái.
+ Đồng Nai: Mở rộng kho Phước Khánh.
Kho cảng trung chuyển đường sông:
+ Bình Dương: Mở rộng kho Chánh Mỹ.
+ Thành phố Hồ Chí Minh : mở rộng kho 30/4 Phù Mỹ.
- Xây dựng mới kho cảng đầu mối
+ Thành phố Hồ Chí Minh : Xây mới kho Nhà Bè Vinapco, Khu công nghiệp Hiệp Phước- huyện Nhà Bè với qui mô 28-30 ha.
+ Bà Rịa – Vũng Tàu- Đồng Nai: Xây mới kho tại khu vực Cái Mép – Bà Rịa- Vũng Tàu 15-20 ha, Nhơn Trạch - Đồng Nai 20 ha.
- Xây mới kho trung chuyển:
+ Đồng Nai : Xây mới kho Petrolimex, thay thế kho Biên Hoà và Long Tân
Bình 15-20 ha.
+ Long An: Xây mới kho Bến Lức hỗ trợ cho kho Mộc Hoá (2ha).
+ Bình Dương: Xây mới kho Petrolimex hỗ trợ kho Phú Cường (2ha).
+ Tiền Giang: Xây mới 3 kho gồm kho Gò Công Đông, Cái Bè, Mỹ Phước (từ 1-1,5ha cho 1 kho).
4. Vốn đầu tư và nhu cầu sử dụng đất
4.1 Đối với chợ loại I và chợ đầu mối nông sản, thủy sản
- Nhu cầu sử dụng đất cho chợ loại I trong Vùng là 714.576 m2, trong đó chợ loại I xây dựng mới là 387.377 m2. Nhu cầu vốn đầu tư cho các chợ loại I xây mới 745,36 tỷ đồng.
- Nhu cầu sử dụng đất cho chợ đầu mối nông sản, thuỷ sản trong Vùng là 1.512.000 m2, trong đó chợ đầu mối xây mới là 282.000 m2. Nhu cầu vốn đầu tư cho chợ đầu mối xây mới là 282 tỷ đồng.
4.2 Đối với siêu thị, trung tâm thương mại
Nhu cầu sử dụng đất cho siêu thị, trung tâm thương mại trong Vùng là: 1.153.857 m2, trong đó nhu cầu đất cho xây dựng siêu thị và trung tâm thương mại mới là 1.003.492 m2.
Nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại xây mới trong Vùng là: 3.860,25 tỷ đồng.
4.3. Đối với trung tâm hội chợ triển lãm thương mại
Nhu cầu sử dụng đất cho xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm thương mại mới trong Vùng là 750.000 m2.
Nhu cầu vốn đầu tư cho các trung tâm hội chợ triển lãm trong Vùng là 1.500 tỷ đồng.
4.4. Đối với hệ thống kho bãi
Nhu cầu sử dụng đất xây dựng hệ thống kho bãi trong Vùng là 5.400.000 m2, trong đó nhu cầu để xây dựng các cụm kho bãi mới là 1.650.000 m2.
Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hệ thống cụm kho bãi mới là: 2.475 tỷ đồng.
4.5. Đối với kho cảng xăng dầu
- Nhu cầu sử dụng đất xây dựng kho xăng dầu: 1.318.400 m3, trong đó:
+ Kho xăng dầu đang triển khai là 645.400 m3.
+ Kho cảng tiếp nhận đầu mối được cải tạo nâng cấp là 310.000 m3.
+ Kho trung chuyển đường sông cải tạo, nâng cấp là 70.200 m3.
+ Kho cảng đầu mối xây mới là 250.000 m3.
+ Kho trung chuyển là : 43.000 m3.
- Nhu cầu vốn đầu tư: 2.841,1 tỷ đồng, trong đó :
+ Kho xăng dầu đang triển khai là 1.613,5 tỷ đồng.
+ Kho cảng tiếp nhận đầu mối được cải tạo nâng cấp là 124 tỷ đồng.
+ Kho trung chuyển đường sông cải tạo, nâng cấp là 35,1 tỷ đồng.
+ Kho cảng đầu mối xây mới là 875 tỷ đồng.
+ Kho trung chuyển là : 193,5 tỷ đồng.
5. Danh mục các dự án đầu tư
(Chi tiết tại phụ lục kèm theo)
6. Các giải pháp và chính sách chủ yếu
6.1 Giải pháp về tổ chức quản lý
- Rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản qui phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho cảng xăng dầu và đặc biệt là hoạt động của các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại và hệ thống kho bãi theo mô hình hoạt động của trung tâm logicstic.
- Khẩn trương xây dựng và ban hành các qui chuẩn, tiêu chuẩn đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện để các tỉnh xây dựng hoặc sủă đổi, bổ sung qui hoạch và lập các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đổi mới nội dung và phương pháp quản lý nhà nước đối với phát triển và hoạt động của các loại hình và cấp độ của kết cấu hạ tầng thương mại.
6.2 Giải pháp và chính sách về đầu tư
- Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tự có và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương.
- Đồng thời với việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như dự án đầu tư vào các ngành sản xuất, kinh doanh khác theo qui định tại Quyết định 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến 2020.
- Nhà nước tiếp tục sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ đầu tư phát triển chợ theo các qui định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Quyết định số 559/2004/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển chợ đến năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan.
6.3 Giải pháp và chính sách về đất đai
Khi xây dựng qui hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần dành quĩ đất cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại một cách hợp lý, vừa bảo đẩm nhu cầu hiện tại vừa phù hợp với sự gia tăng của các dự án đầu tư và mở rộng qui mô hoạt động của các loại hình hình kết cấu hạ tầng thương mại trong tương tại. Đồng thời, có giải pháp và chính sách tích cực, đồng bộ trong việc giải phóng mặt bằng nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.
6.4 Giải pháp và chính sách về nguồn nhân lực
- Khai thác nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp thương mại.
- Phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật, xây dựng đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực phân phối cho hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thương mại trực thuộc Bộ Công Thương.
- Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các địa phương tổ chức đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực tham gia hoạt động thương mại với các hình thức và phương pháp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và từng địa phương.
6.5 Giải pháp và chính sách về bảo vệ môi trường
- Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại phải thực hiện đầy đủ các qui định của pháp luật về môi trường.
- Các doanh nghiệp và các địa phương cần dành đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh do hoạt động của các cơ sở thương mại.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh thương mại trong Vùng để ngăn chặn và xử lý kịp thời những tổ chức hoặc cá nhân vi phạm nhằm phát triển thương mại trong vùng theo hướng nhanh và bền vững.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1.1 Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh thực hiện Quyết định này, tập trung vào những công việc chủ yếu sau đây:
a. Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của các tỉnh trong Vùng phù hợp với những qui định của Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.
b. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh trong Vùng trong việc lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn phù hợp với các qui định của Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.
c. Rà soát để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng thương mại được qui định tại Quyết định này.
1.2 Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện các giải pháp nêu trong Quyết định này.
2. Trách nhiệm của các địa phương
Chỉ đạo các Sở Thương mại/ Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
a. Đối với các tỉnh trong Vùng đã có qui hoạch kết cấu hạ tầng thương mại trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, tiến hành rà soát, nếu chưa phù hợp với qui định của Quyết định này và văn bản qui phạm pháp luật khác có liên quan phải lập dự án điều chỉnh qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b. Đối với các tỉnh trong Vùng chưa có qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại: khẩn trương xây dựng qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển thương mại của tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, định hướng qui hoạch tổng thể của Vùng và phù hợp với các qui định của Quyết định này.
c. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này, phương án qui hoạch và danh mục dự án kết cấu hạ tầng của từng tỉnh nằm trong danh mục dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại kèm theo Quyết định này có thể được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển thương mại của từng địa phương. Tuy vậy, trước khi quyết định điều chỉnh phương án qui hoạch và danh mục dự án nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần trao đổi và thống nhất với Bộ Công Thương.
d. Xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.
đ. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng, thẩm định và hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn theo qui hoạch và kế hoạch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
e. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, thiết thực và đúng mục đích.
f. Xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách (phù hợp với qui định của pháp luật) và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.
g. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp sai phạm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
h. Định kỳ hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương và Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình và kết quả thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.