THÔNG TƯ
Hướng dẫn xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Căn cứ Điều 8, Điều 10, Điều 37, và Điều 38 của Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993 và có hiệu lực từ ngày 10/1/1994.
Căn cứ Điều 4, Điều 5, Điều 6 của Nghị định số 175/CP, ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. - Căn cứ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường trong các năm qua là Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia đã được thực hiện và trình Quốc hội thường xuyên hàng năm; các Báo cáo hiện trạng môi trường của các ngành và địa phương bước đầu cũng đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên và chưa được điều phối và chỉ đạo chặt chẽ trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các ngành, địa phương). Thông tư hướng dẫn này nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như phương pháp luận thống nhất cho việc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm của các ngành và địa phương.
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Báo cáo hiện trạng môi trường được xây dựng nhằm:
- Góp phần cung cấp cơ sở khoa học về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững phục vụ quá trình ra quyết định liên quan ở tất cả các ngành, địa phương.
- Góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết cho nhân dân và các tổ chức liên quan về hiện trạng môi trường, các xu hướng diễn biến cũng như các nguyên nhân và hậu quả của hiện trạng trên.
- Các Báo cáo hiện trạng môi trường được xây dựng định kỳ hàng năm là phương tiện đo lường khách quan đối với bước tiến bộ hướng tới phát triển bền vững của các ngành, các cấp và là tài liệu có tính chất kinh sử, phản ánh hiện trạng môi trường và quá trình quản lý môi trường của đất nước.
2. Xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường là một trong các nhiệm vụ thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là một nội dung rất cơ bản trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở cấp Trung ương cũng như địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm xây dựng định kỳ Báo cáo hiện trạng môi trường trình Quốc hội, Chính phủ, các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, các Hội đồng nhân dân và chính quyền địa phương. Báo cáo hiện trạng môi trường cũng cần được xử lý thích hợp để thông tin cho nhân dân biết về hiện trạng môi trường.
4. Ở cấp ngành và địa phương, Báo cáo hiện trạng môi trường được xây dựng thường xuyên hàng năm nhằm phục vụ công tác bảo vệ môi trường và quản lý môi trường tại các ngành và các địa phương và làm cơ sở cho việc soạn thảo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia.
II. VỀ NỘI DUNG
1. Báo cáo hiện trạng môi trường ngành, địa phương được phân chia làm 2 loại: Báo cáo Tổng hợp và Báo cáo Chuyên đề.
Báo cáo Tổng hợp là Báo cáo toàn diện, tổng hợp về hiện trạng môi trường của địa phương, ngành sau một giai đoạn phát triển dài hạn, có thể từ 3 đến 5 năm.
Báo cáo Chuyên đề được thực hiện hàng năm với mục tiêu bổ sung, cập nhật thông tin cho báo cáo trước hoặc đi sâu phân tích một số vấn đề, lĩnh vực cấp bách của ngành, địa phương. Các Báo cáo chuyên đề cũng chính là những bước chuẩn bị cần thiết cho việc xây dựng Báo cáo Tổng hợp.
2. Báo cáo Tổng hợp về hiện trạng môi trường địa phương, ngành bao gồm 4 nội dung cơ bản:
a. Hiện trạng các thành phần môi trường thuộc phạm vi quản lý của địa phương, ngành.
b. ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương hoặc ảnh hưởng của tình trạng thiết bị, công nghệ của ngành đến môi trường.
c. Tình hình và kết quả các hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương, ngành.
d. Kiến nghị về các biện pháp bảo vệ môi trường của địa phương, ngành.
3. Báo cáo hiện trạng môi trường cần có nội dung súc tích, khoa học; hình thức trình bày đẹp, rõ ràng, dễ hiểu. Cần đặc biệt chú ý phần trình bày các số liệu dưới dạng bảng biểu, đồ thị so sánh, bản đồ, hình ảnh minh hoạ,...
4. Cục Môi trường, Bộ KHCN&MT, có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết việc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm của các địa phương, ngành.
III. VỀ PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG BÁO CÁO
1. Báo cáo cần được triển khai trên cơ sở thu thập và xử lý các thông tin hiện có về hiện trạng môi trường địa phương, ngành. Trong trường hợp thật cần thiết và nếu kinh phí cho phép có thể xem xét tiến hành một số đo đạc bổ sung về chất lượng một số thành phần môi trường.
2. Việc xây dựng Báo cáo được giao cho đơn vị có chức năng nghiên cứu, quản lý môi trường tại địa phương, ngành chủ trì (ví dụ Sở KHCN&MT địa phương, Vụ chức năng về quản lý môi trường của Bộ/ngành) dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, của Lãnh đạo Bộ/ngành liên quan.
3. Quy trình tiến hành:
Đơn vị được giao chủ trì việc xây dựng Báo cáo cần:
- Thu thập và xử lý thông tin thông qua hợp tác, phối hợp với các cơ sở liên quan của địa phương, ngành hoặc thông qua các hợp đồng công việc với các chuyên gia hoặc các cơ quan nghiên cứu/đào tạo/dịch vụ khoa học thích hợp.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn, quản lý cũng như các tổ chức quần chúng - xã hội.
- Xem xét, thẩm định chất lượng của các số liệu và nhận định trong Báo cáo; tổ chức nhận xét, đánh giá từng phần và toàn bộ Báo cáo.
IV. VỀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN BÁO CÁO
1. Để bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin cho các mục tiêu quản lý của địa phương, ngành cũng như số liệu để tổng hợp vào Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hàng năm, các địa phương, các ngành cần tiến hành xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm của mình theo một tiến độ chung, như sau:
* Tháng 7 năm trước:
Cục Môi trường, Bộ KHCN&MT tiến hành nghiên cứu xác dịnh chủ đề Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cho năm sau.
* Từ 1-15 tháng 8 năm trước:
Cục Môi trường thông báo về chủ đề dự kiến của Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm sau để các địa phương, ngành phối hợp đưa nhiệm vụ báo cáo hiện trạng môi trường của mình vào kế hoạch năm sau.
* Từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau:
Các địa phương, ngành xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường địa phương/ngành và gửi về Cục Môi trường trước ngày 30/4 để Cục tổng hợp và bổ sung vào Báo cáo quốc gia.
* Từ tháng 9 năm trước đến tháng 8 năm sau:
Cục Môi trường, Bộ KHCN&MT xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia để trình Quốc hội.
V. VỀ KINH PHÍ
Báo cáo hiện trạng môi trường địa phương, ngành là một nhiệm vụ thường xuyên về hoạt động nghiên cứu khoa học. Kinh phí để xây dựng Báo cáo được bố trí như một đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành, địa phương phù hợp với các quy định về đề tài nghiên cứu khoa học; kinh phí được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, Ngành trực thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ đạo của mình theo hướng dẫn của Thông tư này. Nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Bộ KHCN&MT để giải quyết.
2. Thông tư này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.