NGHỊ QUYẾT
Về điều chỉnh chuẩn nghèo, ban hành chuẩn cận nghèo
và mục tiêu, giải pháp thuộc Chương trình giảm nghèo
giai đoạn 2009 - 2010 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
__________________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 52/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của HĐND tỉnh về mục tiêu, giải pháp Chương trình giảm nghèo của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010;
Xét Tờ trình số: 9863/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh chuẩn nghèo, ban hành chuẩn cận nghèo và mục tiêu, giải pháp thuộc Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2009 - 2010 trên địa bàn tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Điều chỉnh mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị quyết số 52/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của HĐND tỉnh về mục tiêu, giải pháp Chương trình giảm nghèo của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và ban hành mức chuẩn cận nghèo áp dụng cho Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2009 - 2010 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể:
1. Chuẩn nghèo được điều chỉnh như sau:
a) Khu vực nông thôn: 450.000đ/người/tháng trở xuống.
b) Khu vực thành thị: 650.000đ/người/tháng trở xuống.
2. Chuẩn cận nghèo: Bằng 120% chuẩn nghèo, cụ thể:
a) Khu vực nông thôn: 540.000đ/người/tháng trở xuống.
b) Khu vực thành thị: 780.000đ/người/tháng trở xuống.
Điều 2. Mục tiêu giảm nghèo
1. Mục tiêu tổng quát: Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; củng cố thành quả giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ đã thoát nghèo vươn lên khá giả; cải thiện một bước điều kiện sống và sản xuất ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm hộ nghèo, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo và hướng tới giảm nghèo bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể: Theo chuẩn nghèo mới, phấn đấu vào cuối năm 2010 giảm 50% hộ nghèo, cuối năm 2009 xóa hộ nghèo diện chính sách.
Điều 3. Bổ sung nguồn lực từ ngân sách địa phương và các giải pháp tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2009 - 2010 như sau:
1. Về nguồn lực
Bổ sung khoảng 50 tỷ đồng trong dự toán ngân sách 02 năm 2009 - 2010 (ngoài phần đã được quy định tại Nghị quyết số 52/2005/NQ-HĐND7 ngày 21/7/2005 của HĐND tỉnh) để thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo. Cùng với dự toán ngân sách Nhà nước, tổ chức nhiều hình thức phù hợp vận động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội... đóng góp và tham gia tích cực, trực tiếp hỗ trợ vùng nghèo, hộ nghèo.
2. Về giải pháp tổ chức thực hiện
a) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo giảm nghèo; xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân đối với chương trình này; đồng thời động viên, cổ vũ ý chí quyết tâm vượt nghèo của các hộ nghèo.
b) Các hộ mới vượt nghèo được tiếp tục thụ hưởng thêm 05 chính sách trong 02 năm gồm: Tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, miễn giảm trong giáo dục, dạy nghề, khuyến công - khuyến nông. Đối với hộ cận nghèo, ngoài việc được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ, được hưởng thêm 02 chính sách: Giáo dục, dạy nghề như đối với hộ nghèo, người nghèo. Đối với những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ, mà hoàn toàn không còn sức lao động, được tách ra để vừa hưởng chế độ bảo trợ theo quy định, vừa tổ chức vận động sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội để đảm bảo thoát nghèo theo chuẩn mới, nhằm không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
c) Để đầu năm 2009 xác định được số hộ nghèo, số hộ cận nghèo theo chuẩn được ban hành, các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, phương án điều tra, thẩm định theo đúng quy trình, thẩm quyền và trách nhiệm quy định tại Thông tư 04/2007/TT-BLĐTBXH ngày 28/02/2007 và Thông tư số 25/2008/TT-BLĐTBXH ngày 21/10/2008 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội”.
d) Trong bối cảnh kinh tế, môi trường, thời tiết luôn có những biến động khó lường, UBND tỉnh cần chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành Chương
trình giảm nghèo; huy động kinh phí từ nhiều nguồn, ưu tiên cân đối bố trí nguồn từ ngân sách để bảo đảm nguồn lực thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo; ban hành các quy định về bố trí, sử dụng và chế độ tiền lương, phụ cấp thỏa đáng theo chế độ hợp đồng lao động cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo chuyên trách ở cấp huyện, xã, nhất là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ này trong tổ chức thực hiện chương trình.
Điều 4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết này và báo cáo kết quả cho Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp cuối hàng năm.
Điều 5. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2008.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.