• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/11/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2002
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 2923-QĐ/ĐB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 2 tháng 11 năm 1996

 

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cấp giấy phép thi công công trình liên quan đến đường bộ

________________________________

BỘ TRƯỞNG

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1994 về nhiệm vụ quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;

- Căn cứ Điều 21 Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông công bố theo lệnh 38L/CTN ngày 10/12/1994 của Chủ tịch nước;

- Căn cứ Điều 8 Điều lệ Trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 29/5/1996 của Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Các đơn vị thi công các công trình thuộc ngành Giao thông vận tải cũng như thuộc các ngành khác nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ hoặc có liên quan trực tiếp đến công trình giao thông đường bộ chỉ được thi công khi đã có giấy phép thi công của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp (gọi chung là giấy phép - mẫu kèm theo).

Điều 2: Các cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép thi công.

2.1. Cục đường bộ Việt Nam cấp giấy phép thi công cho các công trình liên quan đến quốc lộ đối với:

- Các công trình có dự án thuộc nhóm A và B của ngành giao thông.

- Các công trình có dự án thuộc nhóm A, B, C của các ngành khác.

- Trường hợp công trình chạy dài qua nhiều tỉnh, nhiều quốc lộ, thời gian thi công kéo dài nhiều ngày và ở xa. Đơn vị thi công có trách nhiệm làm thủ tục, thống nhất để cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép thi công chung cho phần công trình mà đơn vị trúng thầu và uỷ quyền cho các Khu quản lý đường bộ (Khu QLĐB), Sở Giao thông vận tải, hoặc Sở Giao thông công chính (Sở GTVT) cấp giấy phép thi công theo khu vực do Khu hoặc Sở quản lý cho từng đợt tuỳ thời gian và biện pháp tổ chức thi công thống nhất với đơn vị thi công nhằm tạo thuận lợi cho thi công cũng như cho việc kiểm tra giám sát việc thực hiện giấy phép. Đồng thời phối hợp đảm bảo an toàn công trình giao thông cũng như phương tiện tham gia giao thông.

2.2. Khu QLĐB, sở Giao thông vận tải cấp giấy phép thi công đối với các công trình có dự án nhóm C của ngành Giao thông, các công trình xây dựng mới và sửa chữa của ngành Giao thông và các ngành khác trên các quốc lộ do khu hoặc sở được Bộ và Cục đường bộ Việt Nam giao quản lý nhưng chưa đến mức lập dự án.

2.3. Đối với đường địa phương, sở Giao thông vận tải cấp giấy phép thi công.

Điều 3: Thủ tục cấp giấy phép thi công gồm:

1. Đơn xin phép thi công của đơn vị thi công.

2. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền duyệt.

3. Các thoả thuận của các cơ quan quản lý các công trình ngoài ngành đường bộ có liên quan.

4. Thiết kế biện pháp thi công và tổ chức thi công đảm bảo an toàn giao thông.

Điều 4: Các đơn vị đã được cấp phép phải báo cho các đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ (Phân khu quản lý đường bộ, đoạn quản lý đường bộ). Trên cơ sở giấy phép, các đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ bàn giao phạm vi thi công và giám sát đơn vị thi công thực hiện nội dung giấy phép và có quyền đình chỉ thi công khi đơn vị thi công vi phạm các quy định của giấy phép.

Các đơn vị thi công phải đảm bảo giao thông và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mất an toàn giao thông do làm sai giấy phép gây ra trong suốt thời gian từ khi nhận mặt bằng thi công cho đến khi hoàn trả lại công trình giao thông như khi nhận bàn giao mặt bằng thi công. Mọi chi phí đảm bảo giao thông và sửa chữa cầu đường do thi công công trình thì đơn vị thi công phải bồi hoàn.

Các đơn vị thi công đã có giấy phép thi công và nhận bàn giao mặt bằng nhưng quá 45 ngày kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng mà không triển khai thi công, đảm bảo giao thông thì sẽ bị thu hồi giấy phép thi công.

Điều 5: Do nhiệm vụ của các phân khu quản lý đường bộ, đoạn quản lý đường bộ luôn phải sửa chữa cầu đường và đảm bảo giao thông trong phạm vi đã được giao quản lý. Vì vậy cho phép các khu quản lý đường bộ, sở Giao thông vận tải căn cứ nhiệm vụ hàng năm giao cho đơn vị mà cấp phép thi công dài hạn, cho các dự án mà thời hạn thi công đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (trừ trường hợp nhiệm vụ giao trực tiếp thời hạn cấp phép không quá một năm).

Điều 6: Đơn vị cấp phép phải khẩn trương xem xét và làm thủ tục cấp phép, thời gian không chậm quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ thủ tục hồ sơ của đơn vị xin cấp phép.

Điều 7: Giao cho Cục đường bộ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra công trình công tác an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ. Đồng thời phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát nhân dân, Quân đội kiểm tra và xử lý các vi phạm xâm hại công trình giao thông như Điều 4, Điều 5 Nghị định 49/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ.

Điều 8: Các ông Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Tổng Giám đốc các Ban quản lý dự án, Các cục, Vụ liên quan và Thủ trưởng các đơn vị thi công có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.