• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/12/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2013
UBND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 4323/2001/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 3 tháng 12 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994;

Căn cứ Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07-01-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các ông: Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

QUY ĐỊNH

Của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ số 4323/2001/QĐ-UB ngày 03/12/2001 ban hành quy định về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 4323/2001/QĐ-UB ngày 03/12/2001                   

 của UBND tỉnh Phú Thọ)

 

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống là trách nhiệm, là công việc thường xuyên của các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội nhằm góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, từng bước nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Điều 2. Hàng năm, UBND các cấp, các Sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nội dung và đối tượng thi hành pháp luật xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp, ngành mình.

Điều 3. Các cấp chính quyền, các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải xây dựng tủ sách pháp luật để lưu giữ, bảo quản, khai thác các loại văn bản QPPL (Công báo của Chính phủ; Tập văn bản pháp quy của tỉnh; sách, báo pháp luật; văn bản pháp quy của cấp huyện, xã và cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành). Tủ sách pháp luật phải được quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả.

Chương II:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP

Điều 4. Các Sở, ban, ngành, cơ quan bảo vệ pháp luật, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm:

- Thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành cho các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh.

- Biên soạn tài liệu giới thiệu các nội dung pháp luật chuyên  ngành gửi đến các cơ quan để tuyên truyền, phổ biến.

- Bố trí cán bộ pháp chế (hoặc cán bộ có trình độ pháp lý) phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng và có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên của ngành mình.

- Các cơ quan bảo vệ pháp luật, thi hành pháp luật có trách nhiệm tổ chức, quán triệt, học tập và cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật cho cán bộ, công chức để đảm bảo thi hành đúng pháp luật; phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và ngành Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để tăng cường trật tự, kỉ cương xã hội.

Điều 5. Hội đồng chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện các quy định tại Quyết định số 625/2000/QĐ-UB ngày 21/3/2000 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Hội đồng chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 6. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý Nhà nước về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Là cơ quan thường trực giúp Hội đồng chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh triển khai các mặt hoạt động. Đồng thời là đầu mối giữa các Sở, ban, ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Chủ trì phối hợp với các thành viên Hội đồng chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND tỉnh và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong phạm vi toàn tỉnh.

- Chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, tập huấn báo cáo viên pháp luật và biên soạn nội dung để tuyên truyền, phổ biến đối với các văn bản QPPL mang tính chất phổ thông.

- Chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật. Thường xuyên thông báo danh mục sách pháp luật làm đầu mối tập hợp nhu cầu và mua sách pháp luật cho tủ sách pháp luật của các cấp, các ngành.

- Hàng năm có Kế hoạch cấp phát sách pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã đặc biệt khó khăn.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đơn vị lực lượng vũ trang và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Biên soạn, xuất bản, phát hành Bản tin tư pháp phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành và cơ sở biên soạn tài liệu, tờ gấp, đề cương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thực hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.

Điều 7. Ngành Văn hóa - Thông tin và Thể thao có trách nhiệm:

- Chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động xuất bản, thông tin, cổ động và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

- Mở rộng mạng lưới phát hành sách, báo pháp luật đến cơ sở, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã đặc biệt khó khăn.

- Phối hợp với ngành Tư pháp và các ngành có liên quan có kế hoạch đầu tư biên soạn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm: bản tin, tập san, tài liệu có nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đầu tư sách pháp luật cho thư viện tỉnh, huyện. Chỉ đạo việc xây dựng các hương ước, quy ước ở cơ sở, đảm bảo xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật.

Điều 8. Ngành Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc dạy và học các môn có nội dung pháp luật trong nhà trường theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Nâng cao chất lượng dạy và học các môn có nội dung kiến thức pháp luật. Kết quả các môn học có nội dung pháp luật được coi là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá việc rèn luyện tư cách, đạo đức của học sinh, sinh viên.

- Chủ động phối hợp với ngành Tư pháp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học có nội dung pháp luật. Chỉ đạo tổ chức việc học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên khi có các luật, pháp lệnh mới ban hành.

- Phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các cấp chỉ đạo giáo dục cá biệt đối với học sinh vi phạm pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nhà trường.

- Đầu tư mua sắm sách pháp luật trong thư viện nhà trường.

Điều 9. Trường Chính trị tỉnh có trách nhiệm:

- Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học về pháp luật. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, học viên.

- Tăng cường các tiết học ngoại khóa về pháp luật trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

- Đầu tư trang bị và thường xuyên bổ sung các văn bản pháp luật, sách, báo, tài liệu pháp luật cho thư viện và phòng đọc của nhà trường.

- Phối hợp với các ngành, đoàn thể mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo chuyên đề phục vụ yêu cầu quản lý ở địa phương.

- Giúp đỡ Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành, thị thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, học viên.

Điều 10. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phản ánh tình hình thực thi pháp luật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

- Duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên mục phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông tin kịp thời về những đơn vị, cá nhân làm tốt hoặc chưa tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 11. UBND huyện, thành, thị có trách nhiệm:

- Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm ở cấp huyện, thành, thị.

- Chỉ đạo hoạt động của Hội đồng chỉ đạo công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, thành, thị. Chỉ đạo, tăng cường quan hệ phối hợp giữa các ngành, các xã, phường, thị trấn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Lựa chọn nội dung, in sao các tài liệu tuyên truyền của các Sở, ban, ngành gửi đến cơ quan, đơn vị và chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện, thành, thị.

- Chỉ đạo phòng Văn hóa- Thông tin và Đài phát thanh, truyền thanh huyện, thành, thị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tổ chức các đội tuyên truyền lưu động để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở để từng bước nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Chỉ đạo việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị và các xã, phường, thị trấn.

- Thường xuyên kiểm tra và định kỳ đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Điều 12. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

- Căn cứ Kế hoạch hàng năm của UBND huyện, thành, thị và thực tiễn địa phương, xây dựng và trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật theo kế hoạch đến nhân dân địa phương. Tổ chức và chỉ đạo việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức: kẻ vẽ pa-no, áp phích, tổ chức các câu lạc bộ, sinh hoạt của các đoàn thể, họp khu dân cư, in sao và phát tài liệu, tuyên truyền viên, các đội thông tin, cổ động, thi tìm hiểu pháp luật và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác.

- Chỉ đạo Đài truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tủ sách pháp luật theo quy định tại Quyết định 1200/1998/QĐ-UB ngày 10/6/1998 của Chủ tịch UBND tỉnh và Thông tư số 05/1999/TTLT-TC-TP ngày 28-1-1999 của liên bộ Tài chính - Tư pháp.

- Tổ chức giáo dục cá biệt đối với đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn.

- Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo kế hoạch của UBND huyện, thành, thị.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Ngành Tư pháp chủ trì phối hợp với ngành Tài chính- Vật giá và các cơ quan có chức năng trong việc lập dự trù kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chung hàng năm trình UBND cùng cấp phê duyệt.

Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được bố trí theo nguyên tắc cấp nào thực hiện do cấp đó bố trí kế hoạch. Kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dùng để xây dựng tủ sách pháp luật mua, in tài liệu, sách phục vụ tuyên truyền, tập huấn báo cáo viên, tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến pháp luật, xuất bản bản tin, băng tiếng, băng hình, tờ gấp và các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác.

Điều 14. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo các văn bản của Nhà nước và bản quy định này. Định kỳ 6 tháng, 1 năm có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành, cấp mình về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và bản quy định này.

Điều 15. Các ngành, các cấp có trách nhiệm tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời các tổ chức, đơn vị, cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm mà không làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của ngành, địa phương thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, Sở Tư pháp sẽ có trách nhiệm xem xét, trình Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, yêu cầu kiến nghị UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, quyết định./.

 

 

 

 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Điền

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.