• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/05/1994
CHÍNH PHỦ
Số: 39/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 18 tháng 5 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

Về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Chương VII Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

 

NGHỊ ĐỊNH

I- HỆ THỐNG TỔ CHỨC KIỂM LÂM

Điều 1. - Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách thừa hành pháp luật về quản lý rừng và bảo vệ rừng được tổ chức từ Trung ương đến huyện.

Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm trước Chính phủ lãnh đạo, quản lý thống nhất lực lượng Kiểm lâm về tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý rừng bảo vệ rừng trong phạm vi cả nước.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm trước Chính phủ trực tiếp quản lý toàn diện và chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của lực lượng Kiểm lâm ở địa phương, bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh pháp luật về rừng và việc quản lý, bảo vệ, sử dụng phát triển tốt tài nguyên rừng ở địa phương.

Điều 2. - Hệ thống tổ chức Kiểm lâm gồm có:

a) Trung ương: Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Lâm nghiệp.

b) tỉnh nơi có rừng: Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

c) huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (say đây gọi chung là huyện) nơi có rừng: Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.

các đầu mối giao lưu lâm sản quan trọng (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt) và những trung tâm chế biến, tiêu thụ lâm sản, khi cần thiết được thành lập Hạt Phúc kiểm lâm sản trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Việc thành lập, giải thể và quy định nhiệm vụ của Hạt Phúc kiểm lâm sản do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định sau khi thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

Cơ quan Kiểm lâm các cấp có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 3.

a) Cục Kiểm lâm do Cục trưởng phụ trách, có một đến hai Phó Cục trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, Phó cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp quyết định.

b) Chi cục Kiểm lâm do Chi cục trưởng phụ trách, có một đến hai Phó Chi cục trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định sau khi có sự thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chi cục trưởng do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định.

c) Hạt Kiểm lâm, Hạt Phúc kiểm lâm sản do Hạt trưởng phụ trách, có một đến hai Phó Hạt trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng do Chi cục trưởng Kiểm lâm quyết định sau khi có sự thoả thuận của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN VÀ VIÊN CHỨC KIỂM LÂM

Điều 4. - Cục Kiểm lâm là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý rừng và bảo vệ rừng trong phạm vi cả nước, đồng thời là cơ quan chỉ đạo chuyên ngành về chuyên môn, nghiệp vụ và thừa hành pháp luật, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm pháp luật về quản lý rừng và bảo vệ rừng. Cục Kiểm lâm có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Theo dõi việc thi hành pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý rừng bảo vệ rừng, quản lý lưu thông lâm sản. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp những chủ trương, biện pháp cần thiết để thực hiện tốt pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ trong lĩnh vực này.

2. Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp để Bộ ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ, quy tắc, quy chế, biển báo, mẫu biểu pháp lý cần thiết thuộc lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các văn bản quy định đó.

3. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp việc tổ chức quản lý, bảo vệ các hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc quản lý, bảo vệ các hệ thống rừng nói trên và các khu rừng chưa giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

4. Phát hiện và đề xuất để Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp thực hiện thẩm quyền kiến nghị, đình chỉ thi hành những văn bản quy định của các cơ quan, tổ chức, địa phương, có nội dung trái pháp luật và các quy định của Bộ về quản lý và bảo vệ rừng.

5. Hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn dân tham gia bảo vệ và xây dựng vốn rừng, xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

6. Chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền các vụ vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lưu thông lâm sản.

7. Quản lý tổ chức, biên chế, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm trong cả nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

Điều 5. - Chi cục Kiểm lâm là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý rừng và bảo vệ rừng ở địa phương, đồng thời là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng và bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Nắm tình hình tài nguyên rừng, việc quản lý rừng, bảo vệ rừng ở địa phương. Đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kế hoạch, biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện việc quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng và lâm sản ở địa phương.

2. Tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ, quy chế, quy tắc của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ở địa phương.

3. Trực tiếp chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Hạt Phúc Kiểm lâm sản thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, tuần tra rừng; kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ở địa phương.

4. Quản lý những diện tích rừng ở địa phương chưa giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng.

5. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về quản lý, bảo vệ rừng và vận động nhân dân bảo vệ, phát triển vốn rừng. Hướng dẫn, chỉ đạo việc xây dựng lực lượng và hoạt động của lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở.

6. Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị, bồi dưỡng nghiệp vụ và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng Kiểm lâm ở địa phương theo hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp.

7. Phát hiện và đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh xử lý những quy định của các cấp chính quyền và các cơ quan trong tỉnh có những nội dung trái pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý rừng và bảo vệ rừng.

8. Phối hợp với Uỷ ban Nhân dân huyện xây dựng phương án, kế hoạch quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện và chỉ đạo thực hiện tốt các phương án, kế hoạch đó.

Điều 6. - Viên chức Kiểm lâm khi thừa hành nhiệm vụ quản lý rừng và bảo vệ rừng phải tuân theo pháp luật, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn được giao; phải mặc đồng phục, mang phù hiệu, cấp hiệu và biển hiệu Kiểm lâm.

Điều 7. - Viên chức Kiểm lâm khi làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về bảo vệ rừng có quyền:

a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp tình hình, số liệu, tài liệu cần thiết có liên quan đến việc kiểm tra, thanh tra.

b) Khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý rừng bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, được kiểm tra hiện trường (kể cả ở bến cảng, nhà ga, trên các phương tiện vận chuyển, nhà tư nhân, trong cơ quan, xí nghiệp, đơn vị).

c) Trong trường hợp phát hiện những hoạt động của tổ chức, cá nhân có nguy cơ trực tiếp gây cháy rừng, tàn phá rừng, gây ô nhiễm nặng môi trường rừng thì được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đó tạm đình chỉ những hoạt động đó và báo cáo ngay lên cấp có thẩm quyền giải quyết.

d) Được quyền yêu cầu người điều khiển các phương tiện vận tải đang chuyên chở lâm sản trên đường thuỷ, đường bộ dừng lại để kiểm soát lâm sản.

e) Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm các cấp được quyền yêu cầu chính quyền địa phương huy động nhân lực, phương tiện cần thiết để kịp thời chữa cháy, diệt trừ dịch sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn các hành vi khác tàn phá, huỷ hoại tài nguyên rừng và xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền được giao.

g) Trong trường hợp cần thiết được sử dụng vũ khí và các phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật.

Điều 8. - Thẩm quyền xử phạt của viên chức Kiểm lâm.

a) Được xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 14-CP ngày 5-12-1992 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.

b) Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm các cấp được khởi tố, điều tra hình sự trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật Tố tụng hình sự và Điều 29 Pháp lệnh Tổ chức điều tra đối với các hành vi phạm tội quy định tại Điều 181, 194 và 216 của Bộ Luật Hình sự.

Điều 9. - Viên chức Kiểm lâm hoặc tổ chức Kiểm lâm lợi dụng chức quyền làm sai pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước thì bị xử lý theo pháp luật.

 

III. BIÊN CHẾ, KINH PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ TRANG BỊ CỦA KIỂM LÂM

Điều 10. - Biên chế và kinh phí cho trang bị, hoạt động của Kiểm lâm thuộc biên chế, kinh phí sự nghiệp do Ngân sách Nhà nước đài thọ.

Điều 11. - Kiểm lâm được trang bị đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, vũ khí và các phương tiện chuyên dùng cần thiết khác.

a) Đồng phục của Kiểm lâm có loại mùa đông và loại mùa hè may theo kiểu và mầu thống nhất; có mũ mềm và mũ lưỡi trai.

b) Phù hiệu Kiểm lâm gắn trên mũ phía trước. Phù hiệu làm bằng kim loại, hình tròn, đường kính 32 mm, có chữ "Kiểm lâm" nằm ở trong phù hiệu có hình lá cây và ngôi sao nhỏ năm cánh dập nổi.

c) Cấp hiệu Kiểm lâm: Có hai loại gắn ở ve áo và ở cầu vai áo. Cấp hiệu Kiểm lâm nền mầu xanh lá cây và được phân biệt theo cấp bậc Kiểm lâm.

d) Biển hiệu Kiểm lâm gắn ở phía trên nắp túi áo ngực bên trái. Biển hiệu có dán ảnh, ghi rõ họ, tên, số hiệu của viên chức Kiểm lâm và tên đơn vị.

e) Cờ hiệu Kiểm lâm mầu xanh lá cây, hình tam giác cân có hai cạnh dài, giữa cờ có phù hiệu Kiểm lâm.

Kèm theo Nghị định này có bản Phụ lục thuyết minh cụ thể phù hiệu, cấp bậc, biển hiệu, cờ hiệu Kiểm lâm.

 

IV.ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. - Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm:

a) Quy định chức năng, nhiệm vụ, bộ máy làm việc của Cục Kiểm lâm.

b) Thống nhất với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức, hoạt động và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng Kiểm lâm; quy định mối quan hệ công tác giữa cơ quan Kiểm lâm với cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp ở các cấp; xây dựng tổng biên chế cho lực lượng Kiểm lâm và phân bổ cụ thể biên chế Kiểm lâm tuỳ theo yêu cầu của công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng ở từng địa phương.

c) Quy định và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý rừng, bảo vệ rừng trong các đơn vị sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, các tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và lực lượng quần chúng bảo vệ ở cơ sở.

Điều 13. - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan Kiểm lâm các cấp ở địa phương theo hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

b) Quy định trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân huyện, xã quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương và việc phối hợp với các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia thực hiện các quy định về quản lý rừng và bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và giám sát hoạt động của lực lượng Kiểm lâm ở địa phương.

Điều 14. - Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, các quy định khác trước đây trái với Nghị định này bị bãi bỏ.

Điều 15. - Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

PHỤ LỤC

THUYẾT MINH VỀ PHÙ HIỆU, CẤP HIỆU, CỜ HIỆU, BIỂN HIỆU KIỂM LÂM

(Ban hành kèm theo Nghị định số 39-CP ngày 18-5-1994 của Chính phủ)

I. PHÙ HIỆU

1. Phù hiệu đeo trên mũ mềm.

Làm bằng kim loại, hình tròn, đường kính 32mm. Ngôi sao vàng dập nổi trên nền đỏ hình tròn có đường kính 17mm, đường viền nổi xung quanh rộng 1 mm. Từ ngôi sao có các tia nổi chiếu ra; có hai lá cây dập nổi mạ vàng ôm lấy phù hiệu, hai cuống lá bắt chéo nhau ở phía dưới hình tròn. ở khoảng trống phía dưới hình tròn và bên trên cuống lá có các chữ kiểm lâm mầu xanh lá cây; khoảng trống này có chiều cao là 6 mm và chiều dài là 26 mm; chiều cao của chữ Kiểm lâm là 3 mm.

2. Phù hiệu đeo trên mũ lưới trai.

Có hai lá cây dập nổi mạ bạc ôm lấy phù hiệu, hai cuống lá bắt chéo nhau, có chiều rộng nhất là 60 mm, chiều cao 40 mm.

II. CẤP HIỆU

A. Cấp hiệu gắn ở ve áo:

Trong lực lượng Kiểm lâm có 15 cấp hiệu, từ cấp Cục trưởng Cục Kiểm lâm đến Kiểm lâm viên. Cấp hiệu hình bình hành, bằng dạ mầu xanh lá cây sẫm, có chiều dài 52 mm, chiều cao 32 mm. Có hai loại: loại viền vàng và loại viền bạc. Trên nền cấp hiệu có gắn phù hiệu thu nhỏ ở góc và sao, vạch thể hiện cấp chức vụ.

1. Cục trưởng Cục Kiểm lâm: 4 sao đính phía trên hai vạch bạc (rộng 2 mm), cấp hiệu viền vàng (rộng 1,5 mm).

2. Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm: 3 sao đính phía trên hai vạch bạc, cấp hiệu viền vàng.

3. Chi Cục trưởng Kiểm lâm: 2 sao đính phía trên hai vạch bạc, cấp hiệu viền vàng.

4. Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm: 1 sao đính phía trên hai vạch bạc, cấp hiệu viền vàng.

5. Hạt trưởng Kiểm lâm: 4 sao đính phía trên một vạch bạc, cấp hiệu viền vàng.

6. Phó Hạt trưởng Kiểm lâm: 3 sao đính phía trên một vạch bạc, cấp hiệu viền vàng.

7. Trưởng phòng Cục Kiểm lâm: 2 sao đính phía trên 2 vạch bạc, cấp hiệu viền bạc.

8. Phó Trưởng phòng Cục Kiểm lâm: 1 sao đính phía trên hai vạch bạc, cấp hiệu viền bạc.

9. Trưởng phòng Chi cục Kiểm lâm: 4 sao đính phía trên một vạch bạc, cấp hiệu viền bạc.

10. Phó Trưởng phòng Chi cục Kiểm lâm: 3 sao đính phía trên một vạch, cấp hiệu viền bạc.

11. Trạm trưởng Kiểm lâm: 2 sao đính phía trên một vạch bạc, cấp hiệu viền bạc.

12. Kiểm lâm viên chính: 3 sao đính phía trên một vạch bạc, cấp hiệu viền bạc.

13. Kiểm lâm viên: 2 sao đính phía trên một vạch bạc, cấp hiệu viền bạc.

14. Kiểm lâm sơ cấp: 1 sao đính phía trên một vạch bạc, cấp hiệu viền bạc.

15. Những viên chức Kiểm lâm khác: Cấp hiệu viền bạc chính giữa có phù hiệu thu nhỏ, đường kính 20 mm.

B. Cấp hiệu gắn ở cầu vai: Nền cấp hiệu bằng dạ, mầu xanh lá cây sẫm. Dài 115 mm, rộng 36 mm; có hai loại: Loại viền vàng, loại viền bạc, viền rộng 2 mm. Trên nền cấp hiệu có sao bạc và vạch bạc nằm ngang thể hiện cấp chức vụ. Cấp hiệu gắn ở cầu vai áp dụng đối với cán bộ Kiểm lâm giữ chức vụ lãnh đạo. Tuỳ theo cấp, chức vụ mà có số sao, vạch, mầu tương ứng như cấp hiệu gắn ở ve áo.

III. BIỂN HIỆU

Làm bằng bìa cứng, màu ghi nhạt, hình chữ nhật, ép Plastic, kích thước 5,5 x 8,5 cm.

Đính phía trên túi ngực bên trái.

Phía trên in tên cơ quan của cán bộ, mầu đỏ. Phía dưới, bên trái dán ảnh mầu cỡ 3 cm x 4 cm, bên phải in tên người đeo biển và số hiệu Kiểm lâm.

IV. CỜ HIỆU

Làm bằng xa-tanh hoặc vải mềm.

Nền cờ mầu xanh lá cây sẫm.

Cờ hình tam giác cân: Cạnh đáy 28 cm; hai cạnh bên dài tạo thành chiều cao của tam giác cân là 45 cm.

Có 1 phù hiệu Kiểm lâm, hình tròn đường kính 10 cm gắn ở trung tâm cờ./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.