• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/03/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 16/02/2021
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 35/2008/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 15 tháng 2 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Ban hành Quy định về quản lý sản xuất giống cây trồng nông hộ

_____________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

           

Căn cứ Nghị định số 01/2008NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến 2010;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý sản xuất giống cây trồng nông hộ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghịêp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY ĐỊNH

Về quản lý sản xuất giống cây trồng nông hộ

(Ban hành kèm theo Quyết định số  35  /2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 02  năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

_________________________________

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định một số nội dung quản lý đối với các hoạt động: lưu giữ bảo tồn, khai thác nguồn gen và giống cây trồng địa phương; chọn tạo giống cây trồng mới; sản xuất và trao đổi giống cây trồng trong cộng đồng hoặc lưu thông trên thị trường;

2. Đối tượng áp dụng 

Quy định này áp dụng đối với hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ (sau đây gọi là nông hộ) tham gia các hoạt động nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giống cây trồng nông hộ

Giống cây trồng nông hộ là giống do nông hộ chọn tạo, sản xuất để sử dụng, trao đổi hoặc lưu thông trên thị trường.

Điều 3. Mục đích quản lý giống nông hộ

1. Khuyến khích nông hộ tham gia vào việc lưu giữ, bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen cây trồng địa phương, chọn tạo giống cây trồng mới.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để nông hộ sản xuất giống cây trồng có chất lượng tốt, giá thành hạ đáp ứng yêu cầu của sản xuất.

Điều 4. Thu thập, bảo tồn, khai thác nguồn gen, giống cây trồng địa phương

1. Nông hộ được tham gia các hoạt động: thu thập, lưu giữ, bảo tồn, khai thác, sử dụng nguồn gen và giống cây trồng địa phương theo quy định của pháp luật về giống cây trồng.

2. Phương thức thực hiện các hoạt động nêu tại khoản 1 Điều này:

a) Nông hộ trực tiếp xây dựng đề tài, dự án đầu tư trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Nông hộ tham gia các đề tài, dự án do các cơ quan khác chủ trì;

c) Nông hộ có giống cây trồng đăng ký công nhận là cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 67/2004/QĐ-BNN ngày 24 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chế bình tuyển, công nhận, quản lý và sử dụng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng của cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm;

d) Kinh phí cho công tác thu thập, lưu giữ, bảo tồn, khai thác sử dụng nguồn gen, giống cây trồng địa phương do ngân sách nhà nước hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các dự án do các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt;

- Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đối với các dự án do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

Điều 5. Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới, phục tráng giống cây trồng

1. Nông hộ được tham gia đăng ký thực hiện các đề tài khoa học về chọn tạo giống cây trồng mới, phục tráng giống cây trồng với Sở Khoa học công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Quyết định số 36/2006/QĐ-BNN ngày 15/5/2006 ban hành kèm theo Quy chế quản lý đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

2. Giống cây trồng do nông hộ chọn tạo ra có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho một tổ chức khác ở địa phương hoặc Trung ương đăng ký khảo nghiệm, sản xuất thử và công nhận giống theo Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

Điều 6. Bảo hộ giống cây trồng mới

Nông hộ là tác giả của các giống cây trồng mới được chọn tạo ra, khi đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng đó thực hiện theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 104/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền đối với giống cây trồng.

Điều 7. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động giống nông hộ

1. Nông hộ sản xuất giống trong vùng sản xuất giống tập trung thuộc chương trình giống cây trồng của tỉnh giai đoạn 2006-2010 được ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến giống theo quy định tại Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến 2010 và Thông tư liên tịch số 15/2007/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 8 tháng 3 năm 2007 của liên Bộ: Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho cho Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp.

2. Kinh phí phục vụ khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận giống cây trồng mới, bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới do nông hộ chọn tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Mức hỗ trợ cụ thể do chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 8. Sản xuất, trao đổi và lưu thông giống cây trồng nông hộ

1. Nông hộ sản xuất giống cây trồng để tự sử dụng hoặc trao đổi trong nội bộ đơn vị hành chính cấp huyện thì không bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về sản xuất theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Pháp lệnh giống cây trồng. Nếu sản xuất giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp vô tính phải nhân giống từ cây đầu dòng hay vườn cây đầu dòng.

2. Nông hộ sản xuất giống cây trồng với mục đích thương mại

a) Đối với giống thuộc Danh mục giống cây trồng chính phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Pháp lệnh giống cây trồng.

b) Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh giống cây trồng.

c) Phải thực hiện các quy định về công bố, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Cục Trồng trọt

a) Là đầu mối quản lý, hướng dẫn các hoạt động của giống nông hộ trên phạm vi toàn quốc.

b) Tổ chức Hội đồng KHCN chuyên ngành thẩm định kết quả khảo nghiệm, đề nghị công nhận và phổ biến vào sản xuất những giống cây trồng mới do nông hộ chọn tạo ra.

c) Chỉ đạo việc bình tuyển, công nhận và quản lý cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng của cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên phạm vi cả nước.

 d) Chỉ đạo Trung tâm khảo, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia; Văn phòng bảo hộ giống cây trồng, hướng dẫn giúp đỡ các địa phương, nông hộ thực hiện các hoạt động: khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

2. Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường

a) Hướng dẫn các địa phương giúp đỡ nông hộ đăng ký, xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án về thu thập bảo tồn và sử dụng nguồn gen cây trồng, phục tráng giống cây trồng, nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phối hợp với Cục trồng trọt kiểm tra, thẩm định kết quả khảo nghiệm giống cây trồng mới do nông dân chọn tạo.

3. Các Viện nghiên cứu giống cây trồng thuộc Bộ

Tư vấn giúp đỡ nông dân trong công tác bảo tồn, lưu giữ, khai thác nguồn gen, giống cây trồng, phục tráng giống cây trồng, nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới.

4. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia.

 Chỉ đạo hệ thống khuyến nông hỗ trợ nông dân về đạo tạo tập huấn kỹ thuật trong các hoạt động về giống nông hộ, xây dựng mô hình trình diễn các giống do nông hộ phục tráng và chọn tạo.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố

a) Trực tiếp quản lý, hướng dẫn các hoạt động giống nông hộ trên địa bàn.

b) Xây dựng và trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động giống nông hộ nêu tại Điều 7 của Quy định này.

c) Chỉ đạo hệ thống khuyến nông địa phương đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất giống nông hộ.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động lưu giữ bảo tồn, khai thác nguồn gen và giống cây trồng địa phương; chọn tạo giống cây trồng mới; sản xuất và trao đổi giống cây trồng trong cộng đồng hoặc lưu thông trên thị trường, nếu vi phạm tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có phát sinh các tổ chức, cá nhân có liên quan đến giống nông hộ phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời xem xét giải quyết./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.