• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/02/2013
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 44/2012/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 28 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa

 

Căn cứ Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt; Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Mục I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển; yêu cầu về đóng gói, phương tiện chứa đối với hàng công nghiệp nguy hiểm, phương án ứng cứu khẩn cấp và huấn luyện người liên quan trực tiếp vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm không bao gồm các loại hàng nguy hiểm sau đây:

1. Các hóa chất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;

2. Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng, y tế;

3. Các chất là chất nổ, vật liệu nổ công nghiệp;

4. Các hóa chất thuộc loại 6 quy định tại Điều 4 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Hóa chất nguy hiểm” là hóa chất được quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

2. “Hàng công nghiệp nguy hiểm” gồm xăng dầu, khí đốt và hóa chất nguy hiểm dùng trong sản xuất công nghiệp;

3. “Đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm” là việc sử dụng các thao tác kỹ thuật để chứa đựng hàng công nghiệp nguy hiểm trong các phương tiện chứa phù hợp tiêu chuẩn đã đăng ký, công bố;

4. “Phương tiện chứa” là các loại bao gói, chai, thùng, bồn, bể hoặc côngtenơ dùng để chứa và vận chuyển hàng hóa. Phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm gồm các loại:

a) “Bao gói cỡ nhỏ” (ký hiệu là P) là phương tiện chứa có dung tích chứa nước đến 450 lít hoặc có khối lượng chứa đến 400 kg;

b) “Bao gói cỡ lớn” (ký hiệu là LP) là phương tiện chứa có dung tích chứa nước lớn hơn 450 lít hoặc có khối lượng chứa lớn hơn 400 kg nhưng có thể tích chứa nhỏ hơn 3 m3;

c) “Thùng chứa hàng rời cỡ trung” (ký hiệu là IBC), bao gồm:

- Thùng kim loại có thể tích chứa tối đa đến 3 m3 đối với hàng hóa dạng lỏng, rắn;

- Thùng bằng gỗ, chất dẻo, giấy có thể tích chứa tối đa đến 1,5 m3 đối với hàng hóa dạng rắn.

d) “Bao gói trong” (còn gọi là bao gói trực tiếp) là phương tiện chứa tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, thực hiện đầy đủ chức năng chứa đựng hàng hóa mà không cần có thêm bất kỳ bao gói khác;

đ) “Bao gói ngoài” là phương tiện chứa bao gói trong, cùng với các vật liệu hấp thụ, chèn đệm nhằm tạo ra sự bảo vệ bao gói trong, khi vận chuyển;

e) “Bao gói kết hợp” là phương tiện chứa gồm một hoặc nhiều bao gói trong, gắn, xếp cố định trong bao gói ngoài;

g) “Bồn, bể chuyên dụng” là phương tiện chứa lắp trên phương tiện vận chuyển, gồm:

- Phương tiện chứa có dung tích lớn hơn 1m3 hoặc kiểu côngtenơ bồn (tank-container) có dung tích lớn hơn 3m3 chứa hàng nguy hiểm loại 3 có nhiệt độ chớp cháy không quá 600C (kiểu FL, chi tiết xem Phụ lục 3);

- Phương tiện chứa có dung tích lớn hơn 1m3 hoặc côngtenơ bồn (tank-container) có dung tích lớn hơn 3m3 chứa hàng nguy hiểm khác với kiểu FL (kiểu AT, chi tiết xem Phụ lục 3).

h) “Côngtenơ” là phương tiện chứa dạng thùng, hộp có dung tích chứa lớn hơn 1 m3 để chứa và trung chuyển các loại hàng hóa đã được đóng gói hoàn chỉnh.

5. “Hàng rời” là hàng hóa chưa được đóng gói;

6. “Mức đóng gói” là mức được ấn định tùy theo mức độ nguy hiểm của hàng hóa được đóng gói (ký hiệu là PG I, PG II, PG III);

7. “Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển” là Danh mục được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này (sau đây gọi là Danh mục).

Mục II

YÊU CẦU VỀ ĐÓNG GÓI, PHƯƠNG TIỆN CHỨA

ĐỐI VỚI HÀNG CÔNG NGHIỆP NGUY HIỂM

Điều 4. Yêu cầu về biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm

1. Kích thước, ký hiệu, màu sắc biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13 tháng 2 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất; Bảng thông tin khẩn cấp thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.

2. Việc trình bày biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

a) Được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh rõ nghĩa, dễ đọc và có màu sắc tương phản với màu nền của phương tiện chứa;

b) Vị trí dán báo hiệu nguy hiểm ở bên dưới biểu trưng nguy hiểm; không bị che khuất hoặc bị giảm khả năng nhận biết khi đặt cạnh các dấu hiệu khác;

c) Có độ bền đủ chịu được tác động của thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển;

d) Trường hợp bề mặt phương tiện chứa có dạng không đều hoặc quá nhỏ so với kích thước yêu cầu thể hiện biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm, người gửi hàng có thể gắn kèm theo phương tiện chứa thẻ hoặc bảng thể hiện biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm theo quy định. 

3. Phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm vận chuyển phải thể hiện đầy đủ biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm theo quy định sau:

a) Đối với bao gói trong, khi vận chuyển không có bao gói ngoài hoặc các phương tiện chứa trung gian khác, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải được thể hiện trên mặt không che khuất của bao gói trong;

b) Đối với bao gói kết hợp không mở trong quá trình bốc xếp, vận chuyển thì biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải thể hiện ít nhất trên một mặt của bao gói ngoài. Bao gói ngoài có thể tích lớn hơn 450 lít phải thể hiện biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm ở cả hai mặt bên, đối diện nhau;

c) Đối với côngtenơ, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm thể hiện trên hai mặt bên và mặt sau;

d) Đối với bồn, bể chuyên dụng, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm thể hiện trên hai mặt bên và mặt sau. Trường hợp, bồn bể chuyên dụng có nhiều khoang chứa các loại hàng khác nhau thì biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm của từng loại hàng phải thể hiện ở cả hai mặt ngoài của từng khoang chứa tương ứng với hàng chứa trong khoang;

đ) Nếu trên một phương tiện vận chuyển, côngtenơ xếp nhiều hơn một loại hàng công nghiệp nguy hiểm thì phía ngoài phương tiện, côngtennơ cũng phải dán đủ biểu trưng nguy hiểm và ghi số hiệu nguy hiểm của các loại hàng nguy hiểm tương ứng đang vận chuyển trên phương tiện, côngtenơ đó.

4. Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt vận chuyển hàng rời với khối lượng lớn hơn mức quy định tại cột 7 Danh mục, ngoài biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải có bảng thông tin khẩn cấp đặt tại đuôi phương tiện vận chuyển; mép dưới của bảng thông tin khẩn cấp phải cách mặt đất ít nhất 450 mm. Kích thước, bố cục, nội dung bảng thông tin khẩn cấp quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này.

Điều 5. Yêu cầu về đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm

1. Trừ các loại hàng công nghiệp nguy hiểm loại 2, 5.2 và 4.1, hàng công nghiệp nguy hiểm dạng rắn, lỏng được đóng gói theo 3 mức quy định tại cột 6, Danh mục như sau:

a) Mức rất nguy hiểm biểu thị bằng số I (PG I);

b) Mức nguy hiểm biểu thị bằng số II (PG II);

c) Mức nguy hiểm thấp biểu thị bằng số III (PG III).

Quy định cụ thể về mức đóng gói tại Phụ lục 2 Thông tư này.

2. Mã đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm quy định tại cột 8 Danh mục. Các yêu cầu về vật liệu, điều kiện đóng gói và chi tiết quy cách đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm tương ứng với từng mã đóng gói quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.

3. Tổ chức sản xuất hoặc người vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm phù hợp với Tiêu chuẩn, Quy chuẩn hiện hành, không để rò rỉ, tràn đổ trong quá trình đóng gói.

Điều 6. Yêu cầu về kiểm tra, kiểm định phương tiện chứa

1. Phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm mới sản xuất hoặc thuộc loại sử dụng nhiều lần phải được thử nghiệm, kiểm định trước khi đóng gói.

2. Tổ chức sản xuất, nhập khẩu phương tiện chứa phải tuân thủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tổ chức đóng gói hàng công nghiệp nguy hiểm chỉ được phép sử dụng phương tiện chứa đã được thử nghiệm, kiểm định theo quy định sau:

a) Đối với phương tiện chứa không chịu áp lực, có dung tích chứa nhỏ hơn 3 m3 và không thuộc hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói theo mức PG I, đã được thử nghiệm và công bố phù hợp tiêu chuẩn áp dụng đối với phương tiện chứa theo quy định hiện hành về kiểm tra chất lượng sản phẩm;

b) Đối với các phương tiện chứa còn lại, phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm đã được kiểm định do các đơn vị có chức năng kiểm định an toàn công nghiệp hoặc cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện vận tải đường thủy nội địa) thực hiện.

3. Phương tiện chứa hàng công nghiệp nguy hiểm sau khi sử dụng thuộc loại sử dụng một lần hoặc không đáp ứng yêu cầu thử nghiệm, kiểm định định kỳ thuộc loại sử dụng nhiều lần phải loại bỏ theo các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý chất thải nguy hại.

Mục III

VẬN CHUYỂN HÀNG CÔNG NGHIỆP NGUY HIỂM

Điều 7. Yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm

1. Người vận chuyển phải cử người áp tải khi vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm với khối lượng lớn hơn mức quy định tại cột 7 Danh mục.

2. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người áp tải, nhân viên xếp dỡ và thủ kho hàng công nghiệp nguy hiểm phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Được huấn luyện kỹ thuật an toàn trong vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm;

b) Có sức khỏe đáp ứng yêu cầu của từng ngành nghề theo quy định pháp luật lao động hiện hành;

c) Được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp với hàng công nghiệp nguy hiểm vận chuyển theo quy định hiện hành về an toàn lao động;

d) Người điều kiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngoài việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm a, b, c của khoản này còn phải được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm.

3. Nội dung huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm gồm:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm;

b) Tính chất nguy hiểm hàng công nghiệp cần vận chuyển; biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm trên phương tiện chứa, vận chuyển;

c) Các loại bao bì, thùng chứa hàng công nghiệp nguy hiểm cần vận chuyển; yêu cầu kiểm tra, kiểm định;

d) Các biện pháp an toàn trong bốc dỡ, vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm; các biện pháp, thủ tục cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố trên đường vận chuyển (thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; phòng ngừa va đụng, nguồn lửa, sử dụng các phương tiện cứu hộ, khắc phục sự cố cháy, nổ, lan tỏa độc…) đối với hàng công nghiệp nguy hiểm không yêu cầu lập kế hoạch ứng phó sự cố khẩn cấp khi vận chuyển;

đ) Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp đối với hàng công nghiệp nguy hiểm có yêu cầu lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp.

Điều 8. Hồ sơ, trình tự thủ tục, thời hạn, cách thức thực hiện cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) bao gồm (01 bộ):

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu 1 quy định tại Phụ lục 6;

b) Bản sao có chứng thực (Đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện/công văn hành chính) hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu (Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) Giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng để vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm;

c) 02 ảnh cỡ 3 × 4 cm của người đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

2. Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Sở Công Thương phải thông báo cho tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ.

3. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận (theo Mẫu 2 quy định tại Phụ lục 6) hoặc trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do trong trường hợp không cấp Giấy chứng nhận.

4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Sở Công Thương trên địa bàn quản lý.

5. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm có giá trị trong thời hạn 02 (hai) năm và có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc.

Điều 9. Ứng cứu khẩn cấp

1. Việc vận chuyển hàng công nguy hiểm với khối lượng lớn hơn khối lượng quy định tại cột 7 Danh mục, yêu cầu phải lập phương án ứng cứu khẩn cấp; nội dung phương án ứng cứu khẩn cấp quy định tại Phụ lục 5 Thông tư này.

2. Trường hợp vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm không thuộc khoản 1 Điều này, phải có Phiếu an toàn hóa chất trong đó có hướng dẫn xử lý sự cố tràn đổ, rò rỉ hoặc cháy nổ đối với hàng hóa đang vận chuyển. Nội dung Phiếu an toàn hóa chất theo quy định tại Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

3. Phương án ứng cứu khẩn cấp hoặc hướng dẫn xử lý sự cố phải được mang theo trong khi vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm và do người điều khiển phương tiện quản lý, cất giữ ở vị trí dễ thấy trên buồng lái phương tiện vận chuyển.

4. Người điều khiển phương tiện vận chuyển, người áp tải phải thông hiểu nội dung phương án ứng cứu khẩn cấp hoặc hướng dẫn xử lý sự cố, thực hiện thành thạo các thủ tục ứng cứu và sử dụng thành thạo các trang thiết bị xử lý sự cố cháy, tràn đổ, rò rỉ. Trước mỗi lần vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm, người điều khiển phương tiện phải rà soát kiểm tra các trang thiết bị cảnh báo, xử lý sự cố và các thủ tục cần thiết khi xảy ra sự cố. 

Định kỳ hàng năm, người vận tải phải tổ chức thực tập xử lý sự cố theo phương án ứng cứu khẩn cấp đã thiết lập.

5. Trong các trường hợp sự cố, tai nạn, cháy nổ hoặc bị cản trở giao thông, người áp tải và người điều khiển phương tiện phải thực hiện ngay lập tức việc khoanh vùng sự cố, tai nạn, thiết lập cảnh báo ngăn chặn sự tụ tập, xâm nhập khu vực nguy hiểm và loại trừ các khả năng xuất hiện nguồn lửa trong khu vực sự cố, tránh nguy hiểm cho người đang tham gia giao thông; thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân địa phương, người gửi hàng, cơ quan chịu trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ và Sở Công Thương tại địa phương nơi xảy ra sự cố; nội dung thông báo tai nạn, sự cố gồm các thông tin sau:

a) Nơi xảy ra tai nạn, sự cố;

b) Tên hàng vận chuyển theo Danh mục hoặc Mã số Liên Hiệp quốc (số UN) của hàng vận chuyển;

c) Khối lượng hàng vận chuyển trước khi xảy ra tai nạn, sự cố;

d) Tình trạng sự cố (cháy, nổ hoặc rò rỉ); tình trạng hư hỏng của phương tiện chứa, tình trạng của phương tiện vận chuyển;

đ) Các thiệt hại tại chỗ (nếu có) về người, tài sản;

e) Các biện pháp xử lý đang thực hiện và các yêu cầu trợ giúp về cấp cứu người bị nạn, phương tiện khắc phục sự cố (chữa cháy, thu gom, chuyển hàng…).

Mục IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; tiếp nhận, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm trên địa bàn quản lý thực hiện các quy định tại Thông tư này;

b) Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm; xử phạt vi phạm hành chính trong vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm theo quy định.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 02 năm 2013 và thay thế Thông tư số 02/2004/TT-BCN ngày 31 tháng 12 năm 2004 của Bộ Công nghiệp quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ.

2. Trường hợp Tiêu chuẩn, Quy chuẩn quốc gia viện dẫn trong Thông tư này có sự sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì sử dụng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn đã sửa đổi, bổ sung hoặc công bố mới./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Dương Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.