• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/02/2014
BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 222/2013/TTLT-BQP-BNV-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 23 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cơ sở và

người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt quy định tại Điều 8

Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định

 chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng

_______________________

 

Căn cứ Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang;

n cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cơ sở và người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện một số chính sách đối với cơ sở và người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt quy định tại Điều 8 Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (sau đây gọi tắt là Nghị định 46/2009/NĐ-CP).

2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 46/2009/NĐ-CP;

b) Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 46/2009/NĐ-CP, bao gồm:

- Công nhân viên chức quốc phòng;

- Lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, bao gồm lao động hợp đồng không xác định thời hạn và lao động hợp đồng có thời hạn hợp đồng từ đủ 12 tháng trở lên.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ trong Thông tư liên tịch này được hiểu như sau:

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là doanh nghiệp: Là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt đăng ký, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt thực hiện chế độ dự toán: Là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt do Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

3. Công nhân kỹ thuật đầu ngành: Là công nhân kỹ thuật thuộc các nghề mà cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có nhu cầu, có tay nghề bậc 5 trở lên tại thời điểm được cấp có thẩm quyền tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động vào làm việc trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.

Điều 3. Nguyên tắc, nguồn kinh phí đảm bảo chi trả các chế độ phụ cấp cho người lao động

1. Các chế độ phụ cấp đối với người lao động hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng cho người lao động và không được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

2. Trường hợp người lao động là đối tượng được hưởng một chế độ phụ cấp hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này, đồng thời là đối tượng hưởng chế độ phụ cấp cùng loại hoặc có cùng tính chất quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng chế độ phụ cấp có mức hưởng cao nhất.

3. Kinh phí chi trả phụ cấp thu hút đối với lao động có trình độ cao, công nhân kỹ thuật đầu ngành:

a) Đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt thực hiện chế độ dự toán, kinh phí chi trả chế độ phụ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí chi trả chế độ phụ cấp thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là doanh nghiệp, kinh phí chi trả chế độ phụ cấp được hạch toán vào đơn giá, chi phí sản xuất sửa chữa vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

4. Kinh phí chi trả phụ cấp trách nhiệm đối với người lao động đảm nhận công việc đòi hỏi trách nhiệm cao được tính vào kinh phí đề tài nghiên cứu chế thử, chi phí tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chi phí sản xuất sản phẩm vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh do cấp có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Chương II

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CƠ SỞ VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CƠ SỞ

CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG NÒNG CỐT

Điều 4. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Các chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư liên tịch số 141/2012/TTLT-BTC-BQP-BCA ngày 22 tháng 8 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh tại Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 của Chính phủ.

2. Sản phẩm và dịch vụ sửa chữa sản phẩm của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt thuộc danh mục vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh được Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ thì không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Điều 5. Chế độ phụ cấp thu hút đối với người lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật đầu ngành

1. Người lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật đầu ngành được cấp có thẩm quyền điều động đến hoặc tuyển dụng vào làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được hưởng phụ cấp thu hút. Thời gian được hưởng phụ cấp thu hút không quá năm (05) năm kể từ ngày người lao động đến làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cụ thể như sau:

a) Đối với người lao động có trình độ đại học trở lên

- Mức 50% áp dụng đối với người có trình độ tiến sỹ;

- Mức 40% áp dụng đối với người có trình độ thạc sỹ;

- Mức 30% áp dụng đối với người có trình độ đại học;

b) Đối với công nhân kỹ thuật đầu ngành, áp dụng mức 20%.

2. Phụ cấp thu hút được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của ngạch, bậc lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), của người lao động.

Điều 6. Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với người đảm nhận công việc đòi hỏi trách nhiệm cao

Người lao động trực tiếp tham gia nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, bảo quản vận chuyển sản phẩm quốc phòng là vũ khí, trang bị hoặc đảm nhiệm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc. Mức phụ cấp bằng 0,5; 0,3; 0,2; 0,1 so với mức lương cơ sở. Đối tượng áp dụng các mức phụ cấp trách nhiệm công việc cụ thể như sau:

1. Mức 0,5: Áp dụng đối với người trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm, chế thử, sản xuất, chế tạo, sửa chữa đạn dược, thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ, dụng cụ nổ quân dụng các loại, chất phóng xạ;

2. Mức 0,3: Áp dụng đối với người trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm, chế thử, sản xuất, chế tạo, sửa chữa sản phẩm vũ khí, trang bị quân sự, vật tư chuyên dụng quốc phòng khác ngoài các sản phẩm nêu tại Khoản 1 Điều này; người làm nhiệm vụ thủ kho, bảo quản, bảo dưỡng, bốc xếp, vận chuyển các sản phẩm vũ khí trang bị, vật tư chuyên dụng quốc phòng nêu tại Khoản 1 Điều này;

3. Mức 0,2: Áp dụng đối với người chế tạo dụng cụ, sửa chữa máy móc thiết bị hoặc làm các nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật khác phục vụ chế thử, sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị, vật tư chuyên dụng quốc phòng; người làm nhiệm vụ thủ kho, bảo quản, bảo dưỡng, bốc xếp, vận chuyển vũ khí trang bị, vật tư chuyên dụng quốc phòng khác ngoài các sản phẩm nêu tại Khoản 1 Điều này;

4. Mức 0,1: Áp dụng đối với người làm nhiệm vụ bảo vệ, canh gác các kho vũ khí trang bị, vật tư chuyên dụng quốc phòng.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 02 năm 2014.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn.

Các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính phối hợp kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị gửi ý kiến về liên Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Thượng tướng Lê Hữu Đức

Nguyễn Duy Thăng

Nguyễn Công Nghiệp

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.