QUYẾT ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
_______________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 537/TTr-STNMT ngày 18 tháng 8 năm 2017, Công văn số 5275/STNMT-CCQLĐĐ ngày 16 tháng 10 năm 2017, Công văn số 6064/STNMT-CCQLĐĐ ngày 30 tháng 11 năm 2017 và Công văn số 29/STNMT-CCQLĐĐ ngày 04 tháng 01 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy trình thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quy trình Chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Đất đai.
2. Trường hợp tại xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) nơi có đất bị thu hồi không có điều kiện về quỹ đất thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện để xác định địa phương không có điều kiện về quỹ đất để bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi để thực hiện việc bồi thường bằng tiền. Nội dung này được thể hiện trong thông báo thu hồi đất.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Giá đất cụ thể để bồi thường, đấu giá, giao đất, cho thuê đất
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 74, Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai; Điều 15, Điều 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quy định về giá đất (gọi tắt là Nghị định số 44/2014/NĐ-CP), Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
2. Chậm nhất đến ngày 01 tháng 12 hàng năm, các chủ đầu tư thực hiện công trình dự án phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đấu giá đất trong năm tiếp theo phải rà soát và đăng ký danh mục gửi về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh hoặc huyện (sau này gọi là Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện) để tổng hợp danh mục các công trình, dự án trên địa bàn của toàn huyện để:
a) Chuyển cho Phòng Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.
b) Chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể.
c) Trường hợp, công trình dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phát sinh sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể thì các sở, ngành, địa phương gửi văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt bổ sung.
3. Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đấu giá đất có trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định của pháp luật về đấu thầu và hợp đồng để thực hiện xác định giá đất cụ thể cho từng công trình, dự án theo quy định. Kết quả thực hiện nộp hồ sơ về Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận để thẩm tra, tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định theo quy định hiện hành.
4. Kinh phí thuê Đơn vị tư vấn và thẩm định giá đất cụ thể xác định như sau:
a) Phục vụ việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được sử dụng từ nguồn kinh phí thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án.
b) Công trình đấu giá đất: Phục vụ thu ngân sách của tỉnh do ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện theo kế hoạch phân khai kinh phí hàng năm; phục vụ thu ngân sách của huyện do ngân sách huyện đảm bảo thực hiện theo kế hoạch phân khai kinh phí hàng năm.
c) Công trình giao đất, cho thuê đất do ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện theo kế hoạch phân khai kinh phí hàng năm.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Đất đai, Điều 4 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.”
4. Sửa đổi Khoản 3, Khoản 5 và bổ sung Khoản 7 Điều 11 như sau:
“3. Việc giải quyết đất ở theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này chỉ được thực hiện khi các cặp vợ chồng không có đất ở, nhà ở nào khác tại xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi và đã sinh sống ổn định trên diện tích đất thu hồi trước thời điểm Nhà nước có thông báo thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
5. Việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu tiền sử dụng đất các trường hợp tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 4 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, tiền sử dụng đất các trường hợp tại Điểm b Khoản 2 Điều này được thực hiện theo Khoản 2 Điều 31 Quy định này; tiền sử dụng đất các trường hợp theo Khoản 4 Điều này được xác định theo giá đất cụ thể tính bằng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định giao đất; giá bán nhà ở, căn hộ tái định cư là giá do chủ đầu tư đề nghị được Sở Xây dựng thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
7. Hộ gia đình, cá nhân được giải quyết giao đất ở mà không đủ điều kiện bố trí tái định cư nhưng thuộc đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp, tiền bồi thường ít (giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn giá trị lô đất ở được giao) mà có nguyện vọng được ghi nợ tiền sử dụng đất. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và giao Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện xét tính pháp lý từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể trong việc xác định đối tượng, điều kiện xem xét giải quyết đất ở và cho ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
“Điều 16. Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đối với đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Đối tượng và điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
2. Mức hỗ trợ ổn định đời sống cho các đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thực hiện theo quy định sau:
a) Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.
Trường hợp phải di chuyển đến các xã đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 24 tháng. Cụ thể: xã Phan Dũng thuộc huyện Tuy Phong; xã Phan Lâm, xã Phan Sơn, xã Phan Tiến thuộc huyện Bắc Bình; xã Đông Giang, xã Đông Tiến, xã La Dạ thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; xã Mỹ Thạnh thuộc huyện Hàm Thuận Nam; xã La Ngâu thuộc huyện Tánh Linh.
b) Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Điểm a Khoản này để sinh sống thì thời gian hỗ trợ là 36 tháng.
c) Mức hỗ trợ ổn định đời sống tại Điểm a và Điểm b Khoản này được tính bằng tiền tương đương 30 (ba mươi) kg gạo trong một tháng cho một nhân khẩu có tên trong sổ hộ khẩu và tại thời điểm có thông báo thu hồi đất theo giá gạo trung bình của địa phương do Sở Tài chính công bố.
Những trường hợp phát sinh trong hộ sau thời điểm thông báo thu hồi đất đến thời điểm có quyết định thu hồi đất như: Trẻ em mới sinh, vợ hoặc chồng của người có tên trong hộ khẩu, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người đi học xa trở về sống chung trong hộ cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống.
d) Việc xác định diện tích đất nông nghiệp để tính hỗ trợ ổn định đời sống nêu trên thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
3. Mức hỗ trợ mỗi hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp để ổn định sản xuất là 1.000 đồng/m² (một nghìn đồng trên mét vuông) nhân (x) với diện tích đất thu hồi, nhằm mục đích hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.
4. Mức hỗ trợ ổn định sản xuất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) mà ngừng sản xuất kinh doanh từ 03 tháng trở lên thì được hỗ trợ bằng tiền, cụ thể như sau:
a) Tổ chức, cá nhân hộ sản xuất kinh doanh, có kê khai và hạch toán sổ sách kế toán theo quy định, có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh (kể cả cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh có thu nhập thấp được miễn thuế theo quyết định của Chi cục Thuế huyện, thị xã, thành phố), nộp thuế theo hình thức khoán thu theo tỷ lệ thu nhập chịu thuế của ngành thuế, có giấy phép đăng ký kinh doanh, nếu giải tỏa toàn bộ nhà xưởng cơ sở sản xuất kinh doanh thì mức hỗ trợ là 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
Trường hợp giải tỏa một phần nhà xưởng cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thời gian ngừng sản xuất dưới 03 tháng thì mức hỗ trợ là 15% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
b) Cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh (kể cả cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh có thu nhập thấp được miễn thuế theo quyết định của Chi cục Thuế huyện, thị xã, thành phố), nộp thuế theo hình thức khoán thu theo tỷ lệ thu nhập chịu thuế của ngành thuế, không có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng có nộp thuế, mức hỗ trợ là 20% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó nếu giải tỏa toàn bộ nhà xưởng cơ sở sản xuất kinh doanh; mức 10% nếu giải tỏa một phần nhà xưởng cơ sở sản xuất kinh doanh.
c) Cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh không đăng ký sản xuất kinh doanh, không nộp thuế thì không được hỗ trợ.
d) Cơ quan Thuế có trách nhiệm xác định cụ thể mức thu nhập sau thuế để làm cơ sở cho Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường báo cáo Hội đồng bồi thường cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với khoản hỗ trợ này trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
đ) Thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh được xác định theo thông báo ngừng hoạt động của cơ quan quản lý về đầu tư, kinh doanh hoặc đơn xin xác nhận ngừng sản xuất của người được hỗ trợ có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã nơi có đất thu hồi, Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường và chủ đầu tư công trình.
5. Mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp, nông, lâm trường quốc doanh, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng là cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp và đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, không được bồi thường đất được hỗ trợ bằng giá đất nông nghiệp của loại đất đó trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định và diện tích đất thực tế thu hồi, nhưng không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
6. Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc. Mức trợ cấp ngừng việc được tính bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với hệ số cấp bậc công việc của ngành nghề tương ứng theo quy định hiện hành của Nhà nước, thời gian hỗ trợ là 06 tháng; chi trả một lần cho người lao động khi thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
7. Thời gian chi trả tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất theo quy định tại Điều này được thực hiện một lần, tại thời điểm thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.”
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
“Điều 24. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 84 Luật Đất đai; Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
2. Mức hỗ trợ theo hình thức bằng tiền mức 2,5 (hai phẩy năm) lần giá đất nông nghiệp cùng loại theo bảng giá đất Ủy ban nhân dân tỉnh quy định đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
3. Người được hỗ trợ nếu còn trong độ tuổi lao động, có nhu cầu được đào tạo nghề giải quyết việc làm, thì ngoài việc hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, còn được hỗ trợ đào tạo nghề giải quyết việc làm theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Mức hỗ trợ cụ thể được thực hiện theo Điểm 4 Công văn số 600/UBND-KGVX ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề theo chương trình hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
“Điều 25. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật Đất đai và Điều 21 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
2. Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở, còn trong độ tuổi lao động, có nhu cầu được đào tạo nghề thì được hỗ trợ theo Điểm 4 Công văn số 600/UBND-KGVX ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề theo chương trình hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.”
9. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 29 như sau:
“3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ khác như sau:
a) Hỗ trợ khác bảo đảm ổn định có chỗ ở.
a.1) Người đủ điều kiện được giao đất tái định cư, đã bàn giao đất cho Nhà nước nhưng chưa nhận được đất tái định cư thì được hỗ trợ 2.000.000 (hai triệu) đồng/tháng/hộ để thuê nhà ở. Thời gian hỗ trợ được tính từ khi bàn giao đất cho Nhà nước đến khi được giao đất tái định cư.
a.2) Người bị thu hồi đất phải di chuyển mà không còn chỗ ở khác (kể cả trường hợp quy định trên), trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới tại khu tái định cư thì được hỗ trợ 2.000.000 (hai triệu) đồng/tháng/hộ để thuê nhà ở. Thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà ở tối đa là 6 tháng kể từ ngày giao đất tái định cư.
a.3) Trước khi giao đất tái định cư, Hội đồng bồi thường cấp huyện phải có thông báo bằng văn bản cho từng hộ về thời gian bố trí đất tại khu tái định cư làm cơ sở cho việc tính hỗ trợ tiền thuê nhà ở.
a.4) Đối với trường hợp tự tạo lập chỗ ở mới (không nhận đất tái định cư) thì cũng được hỗ trợ 2.000.000 (hai triệu) đồng/tháng/hộ và thời gian được hỗ trợ là 06 tháng.
b) Hỗ trợ đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi.
b.1) Đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (kể cả sinh sống trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng mà đất không đủ điều kiện bồi thì được hỗ trợ 50% giá loại đất nông nghiệp bị thu hồi theo Bảng giá đất của Ủy ban nhân dân tỉnh; diện tích được tính hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
b.2) Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở hoặc đất có nhà ở không thuộc đối tượng được hỗ trợ quy định tại Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 23 Quy định này thì được hỗ trợ ổn định đời sống là 1.000.000 (một triệu) đồng/nhân khẩu đối với trường hợp không phải di chuyển chỗ ở và 1.500.000 (một triệu, năm trăm nghìn) đồng/nhân khẩu đối với trường hợp phải di chuyển chỗ ở. Nhân khẩu được xác định theo sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú tại thời điểm thông báo thu hồi đất.
c) Hỗ trợ khen thưởng đối với người có đất hoặc có tài sản bị thu hồi chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và kế hoạch thu hồi đất, giao mặt bằng trước hoặc đúng thời gian. Mức thưởng cho mọi trường hợp tối thiểu không dưới 1.000.000 (một triệu) đồng/trường hợp và tối đa không quá 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng/trường hợp. Tiền hỗ trợ khen thưởng được phê duyệt trong phương án bồi thường do chủ đầu tư chi trả. Cụ thể mức thưởng như sau:
c.1) Đối với trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ dưới 10 triệu đồng, mức thưởng 01 (một) triệu đồng;
c.2) Tiền bồi thường, hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, mức thưởng 05 (năm) triệu đồng;
c.3) Tiền bồi thường, hỗ trợ từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, mức thưởng 10 (mười) triệu đồng;
c.4) Tiền bồi thường, hỗ trợ thu hồi từ 500 triệu đồng trở lên, mức thưởng 15 (mười lăm) triệu đồng.
c.5) Đối với trường hợp hiến đất, mức thưởng là 1.000.000 (một triệu) đồng cho một trường hợp. Đối với trường hợp đặc biệt có diện tích hiến đất lớn hoặc công trình có tính đặc thù thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho từng trường hợp cụ thể, nhưng không được vượt quá 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng cho mỗi trường hợp.
d) Hỗ trợ đối với nhà cửa, vật kiến trúc xây dựng không đủ điều kiện bồi thường do vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai và cắm mốc giới được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền thì được hỗ trợ như sau:
d.1) Hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường theo quy định tại Điều 35 Quy định này đối với các nhà, công trình tạo lập trước 15 tháng 10 năm 1993.
d.2) Hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường theo quy định tại Điều 35 Quy định này đối với nhà, công trình tạo lập từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004.
d.3) Hỗ trợ bằng 30% mức bồi thường theo quy định tại Điều 35 Quy định này đối với các trường hợp còn lại trừ tiết d.4 Điểm này (kể cả trường hợp có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền).
d.4) Nhà, công trình xây dựng không đủ điều kiện bồi thường được tạo lập kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau không được hỗ trợ.
đ) Hộ gia đình bị thu hồi đất có mức sống thuộc diện hộ nghèo (có sổ công nhận hộ nghèo) thì được hỗ trợ là 5.000.000 (năm triệu) đồng/hộ.
e) Hỗ trợ gia đình chính sách, hộ gia đình đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà nước theo xác nhận của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội khi phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi nhà ở, đất ở như sau:
e.1) Người hoạt động Cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động Cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, thân nhân của liệt sỹ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên: Được hỗ trợ 7.000.000 (bảy triệu) đồng/hộ dân.
e.2) Hộ gia đình có người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội khác của Nhà nước: Được hỗ trợ 5.000.000 (năm triệu) đồng/hộ dân.
e.3) Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều người thuộc diện được hưởng một trong các mức hỗ trợ trên thì hộ gia đình chỉ được tính hỗ trợ một lần theo mức cao nhất.
g) Hỗ trợ khác cho người có đất bị thu hồi được xác định không phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
g.1) Về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: Đối với nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp được tính bằng 50% số tiền tương đương 30 (ba mươi) kg gạo trong một tháng. Số tháng hỗ trợ căn cứ vào tỷ lệ đất bị thu hồi như theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 23.
g.2) Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm: Đối với nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp được tính bằng 50% mức bình quân của khoản hỗ trợ theo Khoản 2 Điều 24 Quy định này chia cho tổng số khẩu trong hộ.
g.3) Đối với nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) thì không được hỗ trợ.
h) Hỗ trợ khác đối với diện tích đất thuộc hành lang an toàn lưới điện cao áp từ 110 kV trở lên như sau:
h.1) Đất nông nghiệp thuộc hành lang an toàn lưới điện cao áp từ 110 kV trở lên ngoài mức hỗ trợ theo Điểm b Khoản 3 Điều 15 Quy định này, còn được hỗ trợ khác bằng 20% mức bồi thường tính trên diện tích đất trong hành lang, theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
h.2) Đối với diện tích đất không đủ điều kiện hỗ trợ theo Khoản 3 Điều 15 Quy định này được hỗ trợ khác bằng 30% mức bồi thường tính trên diện tích đất trong hành lang, theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
i) Ngoài việc hỗ trợ quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và các khoản hỗ trợ khác theo quy định tại Điều này, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và tình hình đặc thù của từng dự án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định các biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất và có chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất.”
10. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 5 Điều 36 như sau:
“1. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang sử dụng bị ảnh hưởng phải di dời hoặc phá dỡ thì mức bồi thường bằng tiền tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định.
a) Trường hợp công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc sở hữu của đơn vị nhà nước mà không còn nhu cầu sử dụng thì không được bồi thường.
b) Trường hợp công trình hạ tầng kỹ thuật của người có tài sản bị phá dỡ nhưng không có nhu cầu xây dựng mới hoặc chưa lập kịp hồ sơ dự án xây dựng mới thì được bồi thường theo giá trị công trình theo hồ sơ đã lập trước đây. Người có tài sản có trách nhiệm cung cấp hồ sơ trước đây của công trình cho Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường để đưa vào phương án bồi thường. Người có tài sản được tự tháo dỡ công trình theo tiến độ bàn giao đất và tận dụng tài sản tháo dỡ.
c) Trường hợp công trình hạ tầng đang sử dụng, phải di chuyển mà chưa được xếp loại vào cấp tiêu chuẩn kỹ thuật thì Sở quản lý chuyên ngành xác định cấp tiêu chuẩn kỹ thuật để tính bồi thường.
5. Căn cứ chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt, trường hợp chủ sở hữu công trình là đơn vị nhà nước có trách nhiệm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Triển khai công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đang sử dụng:
a) Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ giải phóng mặt bằng phải hình thành gói thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ.
b) Trường hợp phần công việc này do đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý thực hiện thì áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.”
11. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 43 như sau:
“1. Việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chỉ thực hiện đối với các dự án đầu tư. Không thực hiện việc thẩm định này đối với các trường hợp sau:
a) Các công trình, dự án theo Khoản 61 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
b) Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích đối với hộ gia đình, cá nhân không thực hiện dự án đầu tư.
c) Dự án nhận chuyển nhượng mà chủ đầu tư trước đó đã đầu tư xây dựng hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt.”
12. Bổ sung Khoản 8 Điều 45 như sau:
“8. Trong quá trình thực hiện kiểm đếm, xác định tính pháp lý về đất đai, tài sản có trên đất có phát sinh đối tượng sử dụng đất, sai lệch về diện tích và các thông tin khác so với thông báo thu hồi đất trước đây. Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường đề nghị chủ đầu tư, đơn vị đo đạc bản đồ thực hiện chỉnh sửa hồ sơ địa chính và có văn bản đề nghị cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp ra thông báo điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với kiểm đếm, xác định tính pháp lý về đất đai.”
13. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 51 như sau:
“2. Tổ chức trực tiếp làm nhiệm vụ bồi thường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
a) Thời gian niêm yết, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong khu vực có đất thu hồi là hai mươi ngày, kể từ ngày niêm yết hoặc lấy ý kiến.
b) Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi. Trường hợp, sau khi tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi mà tất cả người bị thu hồi đất có tên theo dự thảo phương án bồi thường thống nhất và cùng ký vào biên bản cuộc họp thì việc hoàn chỉnh và trình phê duyệt phương án bồi thường không phải chờ kết thúc niêm yết tại Điểm a Khoản này và Khoản 1 Điều 52 Quy định này.”
14. Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 3 Điều 52 như sau:
“b) Cơ quan tài chính trong thời gian 05 ngày làm việc, thẩm định, kiểm tra các nội dung: Việc thực hiện áp giá bồi thường, hỗ trợ; đối chiếu số liệu về bồi thường, hỗ trợ của từng hồ sơ so với bảng tổng hợp bồi thường, hỗ trợ; thẩm định kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, đồng thời phối hợp cùng cơ quan tài nguyên và môi trường rà soát việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.”
15. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 53 như sau:
“4. Chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì người có đất hoặc có tài sản bị thu hồi phải bàn giao đất cho Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường. Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.”
16. Sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 54 như sau:
“7. Khi chi trả tiền bồi thường thì người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước khi được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật đất đai. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thu Giấy chứng nhận đã cấp chuyển cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đóng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để quản lý, cụ thể như sau:
a) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích thửa đất hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp thu hồi một phần diện tích thửa đất hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không được yêu cầu người sử dụng đất nộp thêm hồ sơ xin cấp lại. Kết quả giải quyết chuyển lại cho Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường trả lại cho hộ gia đình, cá nhân.
b) Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất là tổ chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chuyển về Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh quản lý đối với trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích thửa đất hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp thu hồi một phần diện tích thửa đất theo quy định để chuyển lại cho Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường trả lại cho người sử dụng đất.
c) Thời hạn giải quyết xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.”
17. Chuyển Điều 56 từ chương VII sang chương VI và sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 56. Kết quả thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
1. Sau khi đã hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn thành việc chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người có đất bị thu hồi. Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường, hỗ trợ có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản xác nhận việc hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường, hỗ trợ để quản lý diện tích đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiến hành lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất theo quy định hiện hành.”
18. Bãi bỏ các Điều 57, Điều 58, Điều 59 thuộc Chương VII.
19. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 70 như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất do Nhà nước quản lý không phải giải phóng mặt bằng và giao đất, cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện dự án, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:
a) Dự án đầu tư thuộc địa bàn hoặc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
b) Dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư bằng văn bản hoặc lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng chưa giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư mà nay phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.
Đối với diện tích đất còn lại của dự án do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng hoặc diện tích đất do Nhà nước quản lý phải giải phóng mặt bằng thì Chủ đầu tư thực hiện nhận quyền sử dụng đất, tài sản có trên đất hoặc bồi thường, di dời công trình, vật kiến trúc có trên đất theo quy định pháp luật đất đai.”
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 72 như sau:
“Điều 72. Xử lý các trường hợp đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dở dang
1. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của Luật Đất đai.
2. Đối với các dự án có các trường hợp đã có quyết định thu hồi đất chi tiết, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi tiết cho từng người có đất bị thu hồi hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
3. Đối với dự án thuộc đối tượng tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai, chủ đầu tư đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai. Đến nay, dự án đã có quyết định thu hồi đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi tiết cho từng người dân thì tiếp tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
4. Đối với dự án còn lại đang thực hiện dở dang, thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà đã lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì Trung tâm Phát triển quỹ đất có trách nhiệm rà soát từng dự án cụ thể để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý như sau:
a) Dự án mà chủ đầu tư không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lập thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, làm cơ sở cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu hủy quyết định thu hồi đất và yêu cầu chủ đầu tư dừng thực hiện dự án.
b) Dự án mà chủ đầu tư đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát năng lực, tính khả thi và quyết tâm của nhà đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức thu hồi đất. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
5. Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho phép thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận hết được toàn bộ diện tích đất của người sử dụng đất trong phạm vi dự án thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư.
6. Đối với dự án đầu tư đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chi tiết) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường hoặc mới chi trả một phần số tiền bồi thường, hỗ trợ thì việc xử lý bồi thường chậm thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.
7. Đối với các công trình dự án trọng điểm để đáp ứng tiến độ của dự án trong khi chờ quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường cho người bị thu hồi đất. Trường hợp có sự đồng ý của người bị thu hồi đất thì tạm áp dụng Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định để tính toán bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Sau khi có quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo rà soát để tính toán phê duyệt bổ sung cho người dân theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.”
21. Sửa đổi, bổ sung Điều 73 như sau:
“Điều 73. Thẩm quyền điều chỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành
1. Thẩm quyền điều chỉnh quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày Luật đất đai có hiệu lực thi hành: Thực hiện theo Khoản 62 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
2. Thẩm quyền điều chỉnh quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trước đây: Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện điều chỉnh quyết định thu hồi đất mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành thu hồi đất chi tiết của hộ gia đình, cá nhân trước ngày Luật đất đai có hiệu lực thi hành.”
22. Bãi bỏ Phụ lục số 1. Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ Khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định. Việc xử lý các trường hợp phát sinh như sau:
a) Các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xác định đối tượng theo Phụ lục số 1 trước đây và đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định thì tiếp tục thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt.
b) Các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xác định đối tượng theo Phụ lục số 1 trước đây mà chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì được sử dụng kết quả xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã để Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện kết luận việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Trường hợp người bị thu hồi đất có kiến nghị thì Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để xác định lại theo quy định Khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ, Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 2 Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2018.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn căn cứ Quyết định thi hành./.