• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 141/2007/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 5 tháng 9 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chế độ tiền lương đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế

__________________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật Doanh nghiệp ngày 28 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khoá XI;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chế độ tiền lương, phụ cấp lương và quản lý tiền lương đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là công ty mẹ) và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong công ty mẹ và các công ty con theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng công ty mẹ (không kể Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng).

3 .Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng công ty con.

4. Người được cử làm đại diện phần vốn góp của công ty mẹ tại công ty con.

Điều 3. Chế độ tiền lương đối với công ty mẹ và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế thực hiện theo các nguyên tắc sau:

1. Tiền lương phải gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với tiền công trên thị trường và từng bước hội nhập.

2. Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các công ty trong việc xác định tiền lương và trả lương, tiền thưởng cho người lao động.

3. Nhà nước quy định chế độ tiền lương đối với công ty mẹ và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế. Công ty mẹ hướng dẫn, quản lý tiền lương đối với các công ty con phù hợp với chính sách của Tập đoàn kinh tế và quy định của pháp luật về lao động.

Điều 4. Chế độ tiền lương đối với công ty mẹ

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong công ty mẹ được xếp lương, phụ cấp lương như sau:

a) Đối với công ty mẹ là công ty nhà nước thực hiện theo các thang lương, bảng lương và phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước;

b. Đối với công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện theo Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

2. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viện, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng và Trưởng phòng, Phó trưởng phòng được xếp lương và phụ cấp lương như sau:

a) Đối với công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

- Hệ số mức lương chức vụ:

+ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch chuyên trách Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch Công ty chuyên trách): 8,80 - 9,10;

+ Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên: 7,90 - 8,20;

+ Tổng gián đốc: 8,50 - 8,80;

+ Phó Tổng giám đốc: 7,90 - 8,20;

+ Kế toán trưởng: 7,60 - 7,90.

- Hệ số phụ cấp giữ chức vụ:

+ Trưởng phòng, Kiểm soát viên chuyên trách và tương đương: 0,8;

+ Phó trưởng phòng và tương đương: 0,7.

- Hệ số phụ cấp trách nhiệm công việc:

+ Chủ tịch không chuyên trách Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty không chuyên trách): 0,8;

+ Thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên: 0,7.

Hệ số mức lương và phụ cấp lương quy định tại điểm này được tính so với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ công bố, làm căn cứ tính các chế độ đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

b) Đối với công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập và giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập được xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

3. Quản lý tiền lương đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và các chức danh Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng thực hiện như sau:

a) Đối với công ty mẹ là công ty nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty nhà nước và Điều 4 Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung;

Đối với công ty có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 và có lợi nhuận kế hoạch cao hơn từ 5% trở lên so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ công bố để làm căn cứ tính đơn giá tiền lương.

Đơn giá tiền lương phải đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện. Đối với công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.

b) Đối với công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện theo Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ.

4. Chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm đối với Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc thực hiện như sau:

a) Đối với công ty mẹ là công ty nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty nhà nước;

Quỹ tiền lương kế hoạch của thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc phải báo cáo đại diện chủ sở hữu thẩm định trước khi thực hiện. Đối với công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì đăng ký quỹ tiền lương kế hoạch với Bộ Lao động - Thương hình và Xã hội, Bộ Tài chính.

b) Đối với công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện theo Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ.

5. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh để xác định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, bao gồm từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động tài chính và các hoạt động khác của công ty mẹ theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chế độ tiền lương đối với công ty con trong Tập đoàn kinh tế

1. Đối với công ty thành viên hạch toán độc lập trong thời gian chưa chuyển đổi theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 ; Tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ là chủ sở hữu:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng được xếp lương và phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ;

Đối với công ty đủ các điều kiện sau đây thì thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng được xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt hoặc Tổng công ty:

- Xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt đối với công ty đủ các điều kiện sau đây:

+ Giữ vai trò trọng yếu trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;

+ Có vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng trở lên; lợi nhuận từ 70 tỷ đồng trở lên; nộp ngân sách nhà nước từ 70 tỷ đồng trở lên;

+ Có từ 10 đơn vị thành viên trở lên.

- Xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đối với công ty đủ các điều kiện sau đây:

+ Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; lợi nhuận từ 50 tỷ đồng trở lên; nộp ngân sách nhà nước từ 50 tỷ đồng trở lên;

+ Có từ 05 đơn vị thành viên trở lên.

b) Quản lý tiền lương, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:

- Đối với công ty thành viên hạch toán độc lập, Tổng công ty, công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con thực hiện theo quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP và Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ;

- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ.

c) Đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương kế hoạch của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc phải báo cáo công ty mẹ thẩm định trước khi thực hiện

2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài

Việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn tư; hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Riêng đối với các công ty do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì kế hoạch tiền lương đăng ký với công ty mẹ trước khi thực hiện.

3 . Đối với công ty ở nước ngoài

Việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng theo quy định của pháp luật nước sở tại.

Riêng đối với công ty ở nước ngoài do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ thì báo cáo công ty mẹ thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, quỹ tiền lương, tiền thưởng để thẩm định trước khi thực hiện.

Điều 6. Trách nhiệm của công ty mẹ và công ty con

1.Trách nhiệm của công ty mẹ:

a) Xây dựng, ban hành chính sách lao động, tiền lương trong Tập đoàn kinh tế;

b) Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt hoặc Tổng công ty đối vớt công ty con có đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này;

c) Tiếp nhận bản đăng ký đơn giá tiền lương và thẩm định quỹ tiền lương kế hoạch của công ty con là công ty thành viên hạch toán độc lập; Tổng công ty, công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

d) Chỉ đạo để người đại diện phần vốn góp hướng dẫn, yêu cầu công ty con xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, phương án tiền lương, tiền thưởng phù hợp với chính sách của Tập đoàn kinh tế và báo cáo công ty mẹ tình hình thực hiện của công ty con do mình làm đại diện phần vốn góp;

đ) Quý I hàng năm, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính tình hình thực hiện chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương năm trước và kế hoạch của năm kế hoạch của công ty mẹ và công ty con xếp lương, phụ cấp lương theo hạng đặc biệt trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Tập đoàn kinh tế còn lại báo cáo đại diện chủ sở hữu là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Lập kế hoạch chi trả phụ cấp trách nhiệm và tiền thưởng đối với những người được cử làm đại diện phần vốn góp tại các công ty con theo quy định của pháp luật;

g) Xác định quỹ tiền lương thực hiện, quỹ tiền thưởng và trả lương, tiền thưởng cho người lao động gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo quy chế trả lương, quy chế thưởng của công ty;

h) Kiểm tra, giám sát công ty con trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.

2. Trách nhiệm của công ty con:

a) Đối với công ty thành viên hạch toán độc lập; Tổng công ty, công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu:

Đề nghị công ty mẹ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt hoặc Tổng công ty;

- Quý I hàng năm, báo cáo công ty mẹ tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước và kế hoạch của năm kế hoạch theo quy định tại Điều 5 Nghị định này và Điều lệ của công ty, đồng thời gửi cho cơ quan thuế tại địa phương đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương kế hoạch để làm căn cứ tính thuế;

- Xác định quỹ tiền lương thực hiện, quỹ tiền thưởng và trả lương, tiền thưởng cho người lao động gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo quy chế trả lương, quy chế thưởng của công ty.

b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài:

Xây dựng thang tương, bảng lương, các chế độ phụ cấp lương và đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, nơi công ty đóng trụ sở chính;

Quý I hàng năm, báo cáo công ty mẹ tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước và kế hoạch của năm kế hoạch theo quy định tại Điều 5 Nghị định này và Điều lệ của công ty, đồng thời gửi cho cơ quan thuế tại địa phương đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương kế hoạch để làm căn cứ tính thuế;

- Xác định quỹ tiền lương thực hiện, quỹ tiền thưởng và trả lương, tiền thưởng cho người lao động gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo quy chế trả lương, quy chế thưởng của công ty.

c) Đối với công ty ở nước ngoài:

- Thực hiện chế độ báo cáo về lao động, tiền lương, tiền thưởng theo quy định của pháp luật nước sở tại;

- Quý I hàng năm, báo cáo công ty mẹ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước và kế hoạch của năm kế hoạch.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Tập đoàn kinh tế do mình là đại diện chủ sở hữu

1.Tiếp nhận đăng ký kế hoạch sử dụng lao động, đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương kế hoạch của công ty mẹ.

2. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt và Tổng công ty đối với các công ty con; kiểm tra việc xác định quỹ tiền lương của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty mẹ và công ty con được xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt trong Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Điều 7 Nghị định này trình Thủ tướng Chính phủ xếp lương và phụ cấp lương theo Tổng công ty đặc biệt hoặc Tổng công ty đối với công ty con có đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này; kiểm tra việc xác định đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương kế hoạch của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiếm soát viên, Tổng giám đốc công ty mẹ và công ty con theo Tổng công ty đặc biệt.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này đối với Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Việc xác định đơn giá tiền lương và quỹ lương kế hoạch năm 2007 của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty mẹ và công ty con được thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.

Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hội đồng quản trị Tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm thi hành Nghị đinh này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.