• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/09/2019
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 10/2019/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 31 tháng 7 năm 2019

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2016/TT-NHNN

ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; Nghị định số 43/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;

Căn cứ Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng (sau đây gọi là Thông tư số 36/2016/TT-NHNN).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2016/TT-NHNN

1. Khoản 2 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh).”

2. Điểm b khoản 5 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh).”

3. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 4. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra và thanh tra lại

1. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng:

a) Ra quyết định thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, gồm các cuộc thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, các cuộc thanh tra chuyên ngành lớn, phức tạp, các cuộc thanh tra lại hoặc khi xét thấy cần thiết;

b) Quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra ngân hàng hoặc có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quyết định của mình;

c) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; trường hợp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quyết định của mình;

d) Quyết định việc thanh tra lại vụ việc đã được Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.

 2. Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng được giao (trừ các cuộc thanh tra do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh tra) theo kế hoạch thanh tra hằng năm đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hoặc theo yêu cầu của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

3. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ra quyết định thanh tra đối với các đối tượng sau:

a) Đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khi xét thấy cần thiết;

b) Đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khác theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

c) Đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc trách nhiệm của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo yêu cầu của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

4. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh:

a) Ra quyết định thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc trách nhiệm của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khác theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đối tượng thanh tra ngân hàng theo yêu cầu của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;

b) Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra ngân hàng hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý được giao và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về quyết định của mình.

5. Khi xét thấy cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.”

4. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 6. Tiêu chuẩn của Trưởng Đoàn thanh tra

1. Công chức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cử làm Trưởng Đoàn thanh tra phải từ Trưởng phòng hoặc Thanh tra viên chính hoặc tương đương trở lên và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;

b) Am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

c) Có khả năng tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

2. Công chức được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cử làm Trưởng Đoàn thanh tra phải từ Phó Trưởng phòng hoặc Thanh tra viên trở lên và phải đáp ứng các tiêu chuẩn tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này.”

5. Khoản 7 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“7. Trường hợp tạm dừng việc thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có văn bản thông báo gửi đối tượng thanh tra và báo cáo với người ra quyết định thanh tra. Thời gian tạm dừng việc thanh tra không tính vào thời gian thanh tra.”

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2019./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đoàn Thái Sơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.