• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2020
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 03/2020/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 31 tháng 3 năm 2020

THÔNG TƯ

Quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

 Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

 Căn cứ Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

 Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ,

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh   

Thông tư này quy định về tiêu huỷ tiền giấy (cotton, polymer) và tiền kim loại không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành (sau đây gọi là tiền tiêu hủy).

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hội đồng tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Hội đồng tiêu hủy);

2. Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Hội đồng giám sát);

3. Các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền.

Điều 3. Thẩm quyền quyết định tiêu hủy tiền

1. Căn cứ số liệu tồn kho tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành tại Kho tiền Trung ương, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ trình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thời gian tiêu huỷ tiền, số lượng, giá trị từng loại tiền tiêu huỷ.

2. Hội đồng tiêu huỷ tổ chức tiêu hủy tiền tại Cục Phát hành và Kho quỹ ở Hà Nội (sau đây gọi là Cụm tiêu hủy phía Bắc) và tại Chi cục Phát hành và Kho quỹ ở thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Cụm tiêu hủy phía Nam).

Trường hợp cần thiết phải tổ chức tiêu hủy tiền tại cơ sở khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Điều 4. Nguyên tắc tiêu hủy tiền

1. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản và bí mật Nhà nước trong công tác tiêu hủy tiền.

2. Tiền tiêu hủy được kiểm đếm chọn mẫu làm căn cứ để Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy quyết định tỉ lệ kiểm đếm từng loại tiền trước khi tiêu hủy.

3. Tiêu huỷ theo số tiền thực tế đã nhận từ Kho tiền Trung ương sau khi có kết quả kiểm đếm, phân loại của Hội đồng tiêu hủy.

 4. Tiền sau khi đã tiêu hủy thành phế liệu phải bảo đảm không thể khôi phục để sử dụng lại như tiền.

Điều 5. Phương pháp tiêu hủy tiền

1.  Tiền tiêu hủy là tiền giấy được tiêu hủy bằng hệ thống máy cắt hủy chuyên dùng.

2.   Tiền tiêu hủy là tiền kim loại được tiêu hủy bằng phương pháp nấu chảy hoặc máy hủy tiền kim loại chuyên dùng.

Chương II

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG TIÊU HỦY

Điều 6. Hội đồng tiêu hủy

1. Hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy, thành phần gồm:

a) Chủ tịch: Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ;

b) 01 (một) Phó Chủ tịch thường trực: Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ trực tiếp phụ trách Cụm tiêu hủy phía Bắc;

c) 01 (một) Phó Chủ tịch là Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán;

d) 01 (một) Phó Chủ tịch là Chi cục trưởng Chi cục Phát hành và Kho quỹ tại thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp phụ trách Cụm tiêu hủy phía Nam;

e) Các ủy viên gồm một số Trưởng phòng và/hoặc Phó trưởng phòng của Cục Phát hành và Kho quỹ; Phó Chi cục trưởng, một số Trưởng phòng và/hoặc Phó trưởng phòng của Chi cục Phát hành và Kho quỹ tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có một ủy viên kiêm thư ký Hội đồng tiêu hủy và hai ủy viên kiêm thư ký tại Cụm tiêu hủy phía Bắc và Cụm tiêu hủy phía Nam.

2. Giúp việc Hội đồng tiêu hủy gồm có các tổ chuyên trách; tại từng cụm tiêu hủy được tổ chức thành 04 (bốn) tổ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này. 

Điều 7. Nhiệm vụ của Hội đồng tiêu hủy

1. Hội đồng tiêu hủy chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiêu hủy tiền tại các cụm tiêu hủy theo quy định tại Thông tư này dưới sự giám sát của Hội đồng giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác tiêu hủy tiền.

2. Có biện pháp xử lý kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong quá trình tiêu hủy tiền.

3. Tổ chức tổng kết, đánh giá và đề xuất hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác tiêu hủy tiền.

4. Bảo quản hồ sơ, tài liệu liên quan trong công tác tiêu hủy tiền theo quy định.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy

1. Chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và trước pháp luật về công tác tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.

2. Ban hành nội quy, quy chế làm việc của Hội đồng tiêu hủy.

3. Chỉ đạo, điều hành chung; xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Hội đồng tiêu hủy; quyết định tỷ lệ kiểm đếm từng loại tiền tiêu hủy.

4. Phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng tiêu hủy; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ của các tổ chuyên trách theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch; ủy viên, ủy viên kiêm thư ký Hội đồng tiêu hủy

1. Phó Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy

a) Chấp hành sự phân công, chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy.

b) Giúp Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy tiền.

c) Phó Chủ tịch thường trực thay mặt Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành công việc của Hội đồng tiêu hủy khi được ủy quyền.

d) Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu hủy phân công nhiệm vụ cho các ủy viên, Tổ trưởng, Tổ phó và nhân viên tổ chuyên trách thuộc cụm tiêu hủy do mình phụ trách; phê duyệt kế hoạch nhận tiền tiêu hủy từ Kho tiền Trung ương của cụm tiêu hủy.

2. Ủy viên, ủy viên kiêm thư ký Hội đồng tiêu hủy

a) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy về nhiệm vụ được phân công.

b) Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng tiêu hủy có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả tiêu hủy tiền định kỳ và đột xuất theo quy định; tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy thực hiện các chế độ liên quan đến quyền lợi của công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền; tổng hợp báo cáo những hành vi vi phạm các quy định về tiêu hủy tiền; phối hợp với thư ký Hội đồng giám sát hoàn thành các thủ tục cần thiết phục vụ công tác sơ kết, tổng kết công tác tiêu hủy tiền. 

Điều 10. Nhiệm vụ của các tổ chuyên trách

1. Tổ giao nhận và bảo quản tiền tiêu huỷ (sau đây gọi là Tổ 1): Tiếp nhận các loại tiền tiêu hủy từ Kho tiền Trung ương để bảo quản trong kho tiền tiêu huỷ; xuất giao cho Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy và Tổ cắt huỷ tiền; bảo quản tiền do các tổ chuyên trách gửi lại; nhập kho tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông chọn ra từ kiểm đếm tiền tiêu hủy.

2. Tổ kiểm đếm tiền tiêu huỷ (sau đây gọi là Tổ 2): Nhận tiền từ Tổ 1, thực hiện kiểm đếm tờ (miếng) số tiền đã nhận và xử lý thừa, thiếu, tiền lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông trước khi giao sang Tổ cắt huỷ tiền; kiểm đếm tờ (miếng) trong trường hợp bó (túi) tiền thừa hoặc thiếu thếp, các bó (túi) tiền niêm phong, đóng gói không đúng quy cách phát hiện trong quá trình giao nhận.

3. Tổ cắt huỷ tiền (sau đây gọi là Tổ 3): Thực hiện cắt huỷ số tiền nhận từ Tổ 1 và Tổ 2 bằng thiết bị chuyên dùng và thu hồi phế liệu đã được cắt hủy.

4. Tổ tổng hợp (sau đây gọi là Tổ 4): Thực hiện các công việc hành chính, kế toán, thống kê; theo dõi việc nhập, xuất phế liệu tiền tiêu hủy; đề xuất nhu cầu mua sắm vật tư, vật liệu phục vụ công tác tiêu hủy tiền.

5. Mỗi tổ chuyên trách có Tổ trưởng và Tổ phó giúp việc do Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu hủy xem xét, quyết định.

Điều 11. Nhiệm vụ của Tổ trưởng tổ chuyên trách

1. Chấp hành sự phân công của Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu hủy và chịu trách nhiệm trước Hội đồng tiêu hủy về nhiệm vụ được giao.

2. Trực tiếp hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn tài sản do tổ mình phụ trách theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.    

3. Khi phát hiện các hành vi tham ô, lợi dụng lấy cắp tài sản, Tổ trưởng phối hợp với công chức giám sát lập biên bản báo cáo Hội đồng tiêu hủy và Hội đồng giám sát để xử lý kịp thời.

Điều 12. Công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền

 1. Công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền phải đủ tiêu chuẩn chức danh theo quy định pháp luật và được quản lý theo Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ luật Lao động và các văn bản liên quan.

 2. Trường hợp cần thiết, Cục Phát hành và Kho quỹ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trưng tập công chức, người lao động từ các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tham gia công tác tiêu hủy tiền.

Chương III

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TIÊU HUỶ TIỀN

Điều 13. Quản lý kho tiền tiêu hủy

1. Việc quản lý kho tiền tiêu hủy và bảo quản tiền tiêu hủy thực hiện theo quy định về quản lý kho tiền và bảo quản tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với Kho tiền Trung ương.

2. Thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy

a) Tham gia quản lý kho tiền tiêu hủy tại mỗi cụm tiêu hủy gồm 03 (ba) thành viên: Ủy viên Hội đồng tiêu hủy, nhân viên thực hiện nhiệm vụ kế toán kho tiền tiêu hủy và thủ kho tiền tiêu hủy.

b) Thành viên tham gia quản lý kho tiền tiêu hủy do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

c) Trách nhiệm của thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy

(i) Ủy viên Hội đồng tiêu hủy chịu trách nhiệm về công tác tổ chức quản lý, đảm bảo an toàn tài sản và hoạt động của kho tiền tiêu hủy; có nhiệm vụ giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh ngoài cửa kho tiền; trực tiếp mở, khoá cửa để giám sát việc xuất, nhập, bảo quản tài sản trong kho tiền tiêu hủy; trực tiếp tham gia kiểm kê và ký xác nhận trên sổ quỹ, sổ theo dõi từng loại tài sản, biên bản kiểm kê (hoặc sổ kiểm kê), thẻ kho.

 (ii) Nhân viên thực hiện nhiệm vụ kế toán kho tiền tiêu hủy chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc xuất, nhập và bảo quản tài sản trong kho tiền tiêu hủy; có nhiệm vụ quản lý và giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh ngoài cửa kho tiền; trực tiếp mở, khoá cửa để xuất, nhập tài sản, bảo quản trong kho tiền tiêu hủy; kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa sổ kế toán và sổ quỹ đảm bảo khớp đúng; trực tiếp tham gia kiểm kê và ký xác nhận trên sổ quỹ, sổ theo dõi từng loại tài sản, biên bản kiểm kê (hoặc sổ kiểm kê), thẻ kho.

(iii) Thủ kho tiền tiêu hủy có trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối các loại tài sản bảo quản trong kho tiền; quản lý và giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh trong cửa kho tiền; thực hiện việc xuất, nhập tiền tiêu hủy kịp thời, đầy đủ theo đúng chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp; mở sổ theo dõi từng loại tiền tiêu hủy, thẻ kho và các sổ sách cần thiết khác; ghi chép và bảo quản các sổ sách, giấy tờ đầy đủ, rõ ràng, chính xác; tổ chức sắp xếp, bảo quản tài sản trong kho gọn gàng, khoa học, đảm bảo vệ sinh kho tiền.

3. Trường hợp thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy nghỉ làm việc theo chế độ, đi công tác, đi học trong thời gian ít hơn 15 ngày làm việc, Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy (đối với Cụm tiêu hủy phía Bắc) và Phó Chủ tịch phụ trách Cụm tiêu hủy phía Nam (đối với Cụm tiêu hủy phía Nam) xem xét, quyết định cử người thay thế. Trường hợp nghỉ từ 15 ngày làm việc trở lên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

Điều 14. Xuất kho tiền Trung ương giao Hội đồng tiêu hủy

1. Căn cứ số lượng, giá trị của các loại tiền tiêu huỷ theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và kế hoạch nhận tiền của từng cụm tiêu hủy, Cục Phát hành và Kho quỹ lập lệnh điều chuyển để Vụ Tài chính - Kế toán (đối với Cụm tiêu hủy phía Bắc) và Phòng Kế toán - Tài vụ thuộc Chi cục Phát hành và Kho quỹ (đối với Cụm tiêu hủy phía Nam) lập phiếu xuất kho tiền tiêu hủy từ Kho tiền Trung ương nhập kho tiền tiêu huỷ.

2. Căn cứ chứng từ xuất kho tiền tiêu hủy, Kho tiền Trung ương lập Biên bản giao nhận tiền và tiến hành giao tiền tiêu hủy cho từng cụm tiêu hủy.

Điều 15. Quy định về giao nhận, bảo quản tiền tiêu huỷ

1. Tổ trưởng Tổ 1 nhận tiền do Kho tiền Trung ương giao để nhập kho tiền tiêu hủy theo bao (thùng) nguyên niêm phong kẹp chì, trên giấy niêm phong ghi đầy đủ, rõ ràng các yếu tố theo quy định về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có sự giám sát của kiểm soát nội bộ Cục Phát hành và Kho quỹ.

2. Tiền tiêu hủy bảo quản trong kho tiền tiêu hủy phải được phân loại, sắp xếp gọn gàng, khoa học và không làm thay đổi tình trạng đóng bao (thùng), bó (túi) tiền tiêu hủy.

3. Căn cứ chứng từ xuất kho tiền tiêu hủy, Hội đồng tiêu huỷ thực hiện lấy ngẫu nhiên số tiền theo tỷ lệ kiểm đếm từng loại tiền do Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy phê duyệt để Tổ 1 xuất giao cho Tổ 2 kiểm đếm tờ (miếng); số tiền còn lại không phải kiểm đếm tờ (miếng) được xuất giao cho Tổ 3 để cắt hủy.

Điều 16. Quy định về kiểm đếm tiền tiêu hủy

1. Căn cứ chứng từ xuất kho tiền tiêu hủy, các thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy thực hiện xuất kho để Tổ 1 giao sang Tổ 2 có sự giám sát của kiểm soát nội bộ Cục Phát hành và Kho quỹ.

 2. Tổ trưởng Tổ 2 nhận theo bao (thùng) nguyên niêm phong kẹp chì, trên giấy niêm phong ghi đầy đủ, rõ ràng các yếu tố theo quy định về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao cho từng kiểm ngân có sự giám sát của Hội đồng giám sát theo phương thức như sau:

 a) Giao nhận theo bó đủ 10 thếp (tiền giấy), túi (tiền kim loại) nguyên niêm phong, trên niêm phong ghi đầy đủ các yếu tố theo quy định về niêm phong tiền mặt.

  Đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông bị biến dạng: giao nhận theo túi, bao nguyên niêm phong theo quy cách đóng gói, niêm phong tiền bị biến dạng.

 b) Đối với bó (túi) tiền đóng không đủ 1.000 tờ (miếng), bó lẻ, túi lẻ, giao nhận theo bó (túi) tiền nguyên niêm phong, trên niêm phong ghi đầy đủ các yếu tố theo quy định.

3. Kiểm ngân sau khi nhận đủ số bó (túi) tiền do Tổ trưởng giao, ký nhận trên sổ giao nhận tiền nội bộ, tiến hành kiểm đếm để xác định số lượng tờ (miếng), phát hiện thừa, thiếu, tiền lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông. Nếu bó (túi) tiền đủ số lượng tờ (miếng), đúng loại tiền ghi trên niêm phong thì hủy ngay giấy niêm phong và thực hiện đóng bó (túi), niêm phong mới.

4. Quy cách đóng bó (túi) tiền, thùng tiền kim loại sau khi kiểm đếm tờ (miếng).

 a) Đối với tiền giấy: dùng 01 (một) tờ tiền trong thếp để gấp ngang thếp tiền, xếp 10 (mười) thếp tiền cùng loại thành 01 (một) bó, dùng dây (sợi se, nilon...) buộc chặt 02 (hai) vòng ngang, 01 (một) vòng dọc bó tiền, dán niêm phong lên mặt có nút buộc bó tiền.

Đối với tiền giấy biến dạng không thể đóng bó như trên: đóng vào 01 (một) túi vải đủ 1.000 tờ, dùng dây (sợi se, nilon,...) buộc thắt chặt miệng túi, dán niêm phong sát nút buộc miệng túi tiền. 

b) Đối với tiền kim loại, đóng vào túi vải đủ 1.000 miếng, dùng dây (sợi se, nilon...) buộc thắt chặt miệng túi, dán niêm phong sát nút buộc miệng túi tiền. Túi tiền kim loại được đóng trong thùng và dán niêm phong theo quy cách:

(i) 01 thùng mệnh giá 5.000 đồng: 50 túi;

(ii) 01 thùng mệnh giá 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng: 75 túi;

(iii) 01 thùng mệnh giá 200 đồng: 100 túi;

c) Khi dán giấy niêm phong bao, bó (túi) tiền phải tách riêng cho hai đầu dây cách nhau. Trên niêm phong bao (thùng), bó (túi) tiền ghi đầy đủ các yếu tố ngày, tháng, năm kiểm đếm, loại tiền, số tờ (miếng), thành tiền, họ tên và chữ ký người kiểm đếm.

5. Trong khi kiểm đếm nếu phát hiện tiền thừa, thiếu, tiền lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông trong bó (túi) tiền, kiểm ngân báo cho công chức giám sát kiểm đếm của Hội đồng giám sát, Tổ trưởng hoặc nhân viên làm nhiệm vụ theo dõi, xử lý tiền thừa, thiếu và người chứng kiến (nếu có) để kiểm tra lại và ký tên xác nhận vào mặt sau của tờ lót niêm phong bó (túi) tiền đó, đồng thời ký xác nhận vào sổ theo dõi tiền thừa, thiếu trong kiểm đếm.

6. Nhân viên làm nhiệm vụ theo dõi, xử lý tiền thừa, thiếu thuộc Tổ 2 được Hội đồng tiêu hủy cho tạm ứng một số tiền trong số tiền đã nhận từ Tổ 1 theo từng mệnh giá để bù vào các bó (túi) tiền thiếu tờ (miếng), có tiền lẫn loại, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền giả. Số tiền tạm ứng được mở sổ sách theo dõi, kiểm kê hàng ngày có sự giám sát của Hội đồng giám sát và gửi vào kho tiền tiêu hủy. Số tiền tạm ứng còn lại được tiêu huỷ vào ngày cuối cùng khi tiêu huỷ loại tiền cùng mệnh giá.

7. Bảo quản tiền trong giờ nghỉ giải lao và giờ nghỉ buổi trưa

Trước giờ nghỉ giải lao và giờ nghỉ buổi trưa, bó (túi) tiền đang kiểm đếm được đóng bó (túi) tạm thời bằng dây (sợi se, nilon, chun...); bó (túi) tiền đã kiểm đếm và chưa kiểm đếm được sắp xếp, bảo quản riêng biệt, gọn gàng.

Cửa phòng kiểm đếm tiền phải được khóa và niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng Tổ 2 và công chức giám sát của Hội đồng giám sát.

8. Xử lý cuối ngày làm việc

a) Kiểm ngân giao lại cho Tổ trưởng Tổ 2 số tiền đã kiểm đếm xong, số tiền chưa kiểm đếm hết trong ngày (nếu có) và ký nhận trên sổ giao nhận tiền nội bộ. Tổ trưởng Tổ 2 tổ chức thực hiện đóng bao (thùng), dán niêm phong hoặc xếp vào xe lưới có khóa, dán niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng Tổ 2 và Tổ trưởng Tổ giám sát kiểm đếm để gửi vào kho tiền tiêu hủy. Việc giao nhận giữa kiểm ngân và Tổ trưởng Tổ 2 có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.

b) Lập biên bản xác nhận và tổng hợp tiền thừa, thiếu trong các bó (túi) tiền tiêu hủy theo từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, từng tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn kèm bảng kê niêm phong và giấy niêm phong bó (túi) tiền thừa, thiếu. Đối với tiền giả lẫn trong tiền đang kiểm đếm lập biên bản riêng và xử lý theo quy định.

c) Tổ trưởng Tổ 2 lập biên bản xác nhận kết quả kiểm đếm tiền tiêu hủy, trong đó xác định tổng số tiền đã kiểm đếm, số tiền chưa kiểm đếm, tiền thừa, thiếu, tiền lẫn loại, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông lẫn vào tiền tiêu hủy, tiền giả phát hiện qua kiểm đếm có ký xác nhận của Tổ trưởng Tổ giám sát kiểm đếm.

d) Tiền lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông được mở sổ sách theo dõi có sự giám sát của Hội đồng giám sát và gửi vào kho tiền tiêu hủy.

đ) Cửa phòng kiểm đếm tiền phải được khóa và niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng Tổ 2 và công chức giám sát của Hội đồng giám sát.

Điều 17. Quy định về cắt huỷ tiền

1. Căn cứ chứng từ xuất kho tiền tiêu hủy, Tổ trưởng Tổ 3 nhận tiền từ Tổ 1 và Tổ 2 theo phương thức giao nhận bó (túi) nguyên niêm phong theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 16 Thông tư này.

2. Thực hiện cắt hủy số tiền đã nhận bằng hệ thống máy cắt hủy chuyên dùng để hủy tiền thành phế liệu; thu hồi và bảo quản phế liệu đúng nơi quy định.

3. Trong giờ nghỉ giải lao và giờ nghỉ buổi trưa số tiền chưa cắt hủy được sắp xếp gọn gàng, riêng biệt. Cửa phòng cắt hủy tiền phải được khóa, niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng Tổ 3 và công chức giám sát của Hội đồng giám sát.

 4. Cuối mỗi ngày làm việc, Tổ trưởng Tổ 3 lập Biên bản xác nhận kết quả tiêu hủy hoàn toàn, có ký xác nhận của Tổ trưởng Tổ giám sát cắt huỷ tiền; số tiền chưa cắt hủy hết trong ngày (nếu có) được Tổ trưởng Tổ 3 tổ chức đóng bao (thùng), dán niêm phong hoặc xếp vào xe lưới có khóa, dán niêm phong có xác nhận của Tổ trưởng Tổ giám sát cắt hủy tiền để gửi vào kho tiền tiêu hủy.   

5. Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ hướng dẫn quy trình tiêu hủy tiền giấy, tiền kim loại bằng máy hủy tiền chuyên dùng.

Điều 18. Quy định về việc đảm bảo an ninh, an toàn kho tiền tiêu hủy, khu vực giao nhận, kiểm đếm tiền và cắt hủy tiền

1. Nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt hủy tiền phải riêng biệt, có cửa và khóa chắc chắn; trong giờ giải lao, giờ nghỉ trưa công chức, người lao động không được ở lại nơi làm việc, Tổ trưởng là người ra sau cùng khoá và niêm phong cửa, niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng và công chức giám sát. Trong giờ làm việc, nhân viên tiêu hủy tiền vào, ra các khu vực này phải ký xác nhận vào sổ theo dõi.

2. Nhân viên tiêu hủy tiền thuộc Tổ 1, Tổ 2, Tổ 3 chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tài sản trong phạm vi được giao.

3. Khi vào làm việc trong kho tiền tiêu huỷ, nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt huỷ tiền, công chức, người lao động tham gia công tác tiêu huỷ tiền và những người có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền phải đeo thẻ, mặc trang phục do Hội đồng tiêu huỷ và Hội đồng giám sát trang cấp theo quy định; không được mang thiết bị liên lạc, ghi hình, cặp, túi xách, tiền mặt, chất dễ cháy, nổ trái quy định vào nơi làm việc.

Đối với những trường hợp không có nhiệm vụ thực hiện công tác tiêu hủy tiền, khi cần vào, ra kho tiền tiêu hủy, nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt hủy tiền phải được sự cho phép bằng văn bản của Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu hủy.

4. Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ hướng dẫn yêu cầu về trang thiết bị, cửa ra vào đảm bảo an toàn cho các khu vực quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu hủy có văn bản giao việc quản lý và sử dụng chìa khóa sử dụng hàng ngày, bảo quản chìa khóa dự phòng cửa phòng giao nhận, phòng kiểm đếm, phòng cắt hủy và các cửa nội bộ khác thuộc khu vực tiêu hủy tiền (nếu có); chìa khóa các phương tiện bảo quản tiền (két sắt, thùng tôn, xe lưới) cho các cá nhân có liên quan.

Chương IV

XỬ LÝ THỪA, THIẾU TIỀN TIÊU HỦY,

KIỂM KÊ, HẠCH TOÁN VÀ TỔNG HỢP, BÁO CÁO

Điều 19. Xử lý thừa, thiếu tiền tiêu hủy

1. Trong quá trình giao nhận tiền tiêu hủy, trường hợp phát hiện bao (thùng) tiền thừa hoặc thiếu bó (túi), lẫn bó (túi) tiền khác mệnh giá; niêm phong, đóng bao (thùng) tiền không đúng quy cách, hai bên giao nhận lập biên bản tại chỗ dưới sự giám sát của công chức giám sát và xử lý thừa, thiếu, lẫn loại (nếu có) theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trường hợp phát hiện bó (túi) tiền thừa hoặc thiếu thếp; niêm phong, đóng bó (túi) tiền không đúng quy cách, hai bên giao nhận lập biên bản tại chỗ dưới sự giám sát của công chức giám sát và giao sang Tổ 2 để kiểm đếm tờ (miếng) và xử lý thừa, thiếu, lẫn loại (nếu có) theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Định kỳ hàng tháng, căn cứ vào biên bản kiểm đếm, bảng tổng hợp số tiền thừa, thiếu theo địa bàn tỉnh, thành phố và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng tiêu huỷ gửi bảng tổng hợp, biên bản thừa, thiếu kèm niêm phong bó (túi) tiền có thừa, thiếu cho từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; gửi Vụ Tài chính - Kế toán bảng tổng hợp số tiền thừa, thiếu, xác định số tiền chênh lệch thừa hoặc chênh lệch thiếu để làm thủ tục báo Có hoặc báo Nợ cho từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

3. Việc xử lý kết quả thừa hoặc thiếu tiền tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với từng cá nhân có tên trên niêm phong bó (túi), bao (thùng) tiền thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 20. Xử lý tiền lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông phát hiện qua kiểm đếm

1. Đối với tiền lẫn loại không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành và tiền giả phát hiện qua kiểm đếm được tiêu hủy vào cuối đợt tiêu hủy.

2. Đối với tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông phát hiện qua kiểm đếm được nhập Quỹ dự trữ phát hành tại Kho tiền Trung ương vào cuối đợt tiêu hủy.

Điều 21. Kiểm kê kho tiền tiêu hủy

1. Tiền tiêu hủy bảo quản trong kho được kiểm kê mỗi tháng 01 (một) lần vào thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng. Việc kiểm kê do Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu huỷ, ủy viên Hội đồng tiêu hủy tham gia quản lý kho tiền, Trưởng phòng Tiêu huỷ tiền, nhân viên thực hiện nhiệm vụ kế toán kho tiền tiêu huỷ thực hiện và có thể trưng tập thêm người giúp việc kiểm kê, dưới sự giám sát của Hội đồng giám sát.

2. Phương pháp kiểm kê kho tiền tiêu hủy được thực hiện theo quy định hiện hành về kiểm kê tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Biên bản kiểm kê tiền tiêu huỷ được lập thành 05 (năm) bản: Hội đồng tiêu hủy giữ 04 (bốn) bản; 01 (một) bản gửi Hội đồng giám sát.

Điều 22. Thu, chi về tiêu hủy tiền

1. Hàng năm, Cục Phát hành và Kho quỹ, Chi cục Phát hành và Kho quỹ tổng hợp, lập dự toán thu, chi phục vụ tiêu hủy tiền gửi Vụ Tài chính - Kế toán theo quy định.

2. Các khoản thu, chi về tiêu hủy tiền được hạch toán theo quy định hiện hành.

Điều 23. Sổ sách theo dõi tiền tiêu hủy  

1. Việc xuất, nhập giữa Kho tiền Trung ương với Hội đồng tiêu hủy, giao nhận nội bộ giữa các tổ chuyên trách được theo dõi đầy đủ, kịp thời, chính xác theo chế độ kế toán hiện hành.

2. Thủ kho tiền tiêu huỷ mở sổ tổng hợp và sổ chi tiết theo dõi nhập, xuất các loại tiền; mở thẻ kho theo dõi từng loại tiền bảo quản trong kho.

3. Tổ trưởng Tổ 2, Tổ trưởng Tổ 3 mở sổ tổng hợp và sổ chi tiết theo dõi các loại tiền (nhập, xuất, còn lại) tại từng tổ, số tiền tạm ứng; tổng hợp báo cáo kết quả kiểm đếm, kết quả cắt huỷ hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

4. Việc giao nhận tiền giữa các tổ chuyên trách được lập biên bản giao nhận tiền, ghi sổ theo dõi và thực hiện ký nhận đầy đủ giữa các bên có liên quan.

Điều 24. Tổng hợp và báo cáo

1. Hàng tháng, hàng quý và hàng năm, Hội đồng tiêu huỷ tổng hợp số liệu về tiêu huỷ tiền, kết quả tiêu hủy tiền tại mỗi cụm tiêu hủy báo cáo Chủ tịch Hội đồng tiêu huỷ và gửi cho Hội đồng giám sát.

2. Kết thúc năm tiêu hủy tiền, các cụm tiêu hủy tổng hợp số liệu, lập biên bản kết quả tiêu huỷ hoàn toàn tại mỗi cụm, có xác nhận của Hội đồng giám sát. Biên bản được lập thành 05 (năm) bản: 01 (một) bản gửi Vụ Tài chính - Kế toán, 02 (hai) bản gửi Cục Phát hành và Kho quỹ, 01 (một) bản gửi Hội đồng giám sát, 01 (một) bản lưu tại cụm tiêu hủy.

3. Hội đồng tiêu huỷ làm báo cáo tổng kết công tác tiêu huỷ tiền cả năm trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, báo cáo tổng kết gồm các nội dung:

a) Tổ chức công tác tiêu huỷ tiền;

b) Số liệu các loại tiền tiêu hủy đã tiêu huỷ thực tế;

c) Tình hình chấp hành quy định tiêu huỷ tiền, nội quy làm việc;

d) Kiến nghị, đề xuất.

4. Hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả công tác tiêu huỷ tiền gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính.

Chương V

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÔNG CHỨC,

NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA CÔNG TÁC TIÊU HUỶ TIỀN

Điều 25. Trách nhiệm của công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền

1. Khi vào làm việc trong kho tiền tiêu huỷ, nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt huỷ tiền, công chức, người lao động tham gia công tác tiêu huỷ tiền có trách nhiệm thực hiện đúng nội quy, quy chế làm việc do Chủ tịch Hội đồng tiêu huỷ quy định và các quy định tại Thông tư này.

2. Các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong công tác tiêu hủy tiền.

Điều 26. Quyền lợi của công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền

Thành viên Hội đồng tiêu huỷ và công chức, người lao động tham gia công tác tiêu huỷ tiền ngoài tiền lương, phụ cấp lương, tiền công được trả theo quy định, được hưởng chế độ bồi dưỡng về tiêu hủy tiền và các chế độ khác theo văn bản hướng dẫn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 27. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tiêu hủy tiền được khen thưởng theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

2. Tập thể, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Trường hợp làm thiếu, mất tiền phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Công chức, người lao động tham gia công tác tiêu huỷ tiền nếu tham ô, lợi dụng lấy cắp tài sản thì phải bồi thường 100% giá trị tài sản thiếu và buộc thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Điều 28. Trách nhiệm của Cục Phát hành và Kho quỹ

1. Xây dựng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch tiêu hủy các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành.

2. Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy và cử thành viên tham gia quản lý kho tiền tiêu hủy.

3. Phối hợp với Hội đồng giám sát và Hội đồng tiêu hủy thực hiện công tác tiêu hủy tiền theo quy định.

4. Hướng dẫn quy trình giao nhận, kiểm đếm, cắt hủy tiền giấy, tiền kim loại và sổ sách, báo cáo dùng trong công tác tiêu hủy tiền. 5. Thực hiện thanh quyết toán và hạch toán các khoản thu, chi phục vụ công tác tiêu hủy tiền theo chế độ quy định.

6. Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phương án bán phế liệu tiền tiêu hủy và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 29. Trách nhiệm của Vụ Kiểm toán nội bộ

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát tiêu hủy tiền theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành.

Điều 30. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ

Đầu mối, phối hợp với Cục Phát hành và Kho quỹ tham mưu trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các thủ tục tuyển dụng lao động hợp đồng; trưng tập công chức, người lao động từ các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tham gia công tác tiêu hủy tiền.

Điều 31. Trách nhiệm của Vụ Tài chính - Kế toán

1. Tổ chức thực hiện công tác kế toán tiêu hủy tiền.

2. Hướng dẫn nghiệp vụ hạch toán kế toán trong công tác tiêu hủy tiền.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày   15  tháng  5   năm 2020.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 27/2012/TT-NHNN ngày 25/9/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiêu hủy tiền.

 Điều 33. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.   

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.