• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/08/2021
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 10/2021/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 30 tháng 6 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ THÔNG TIN, DỮ LIỆU QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường, bao gồm:

1. Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường đối với chất lượng không khí xung quanh, tiếng ồn và độ rung, nước mặt, nước dưới đất, nước biển, nước mưa, đất, trầm tích.

2. Quy định về kỹ thuật quan trắc các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định của Công ước Stockholm và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa POP.

3. Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường đối với nước thải, khí thải công nghiệp, bùn thải từ hệ thống xử lý nước.

4. Quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

5. Quy định về các yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật của trạm quan trắc chất lượng nước mặt và chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục.

6. Quy định về các yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật của hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục.

7. Yêu cầu về việc nhận, truyền và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục.

8. Quản lý, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quan trắc môi trường.

2. Chương II Thông tư này không áp dụng cho quan trắc môi trường đối với các hoạt động dầu khí trên biển.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng các phương pháp quan trắc môi trường

1. Việc áp dụng các phương pháp quan trắc môi trường phải tuân thủ theo các phương pháp được quy định tại Thông tư này và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về môi trường.

2. Phương pháp tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc của quốc gia khác được chấp nhận áp dụng nếu có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các phương pháp tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

3. Các phương pháp quan trắc môi trường quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các phương pháp mới.

4. Chương trình quan trắc môi trường có các thông số chưa được quy định về kỹ thuật quan trắc tại Thông tư này thì phải áp dụng các phương pháp tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

Điều 4. Giải thích thuật ngữ

Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Bảo đảm chất lượng (quality assurance - viết tắt là QA) trong quan trắc môi trường: là một hệ thống tích hợp các hoạt động quản lý và kỹ thuật trong một tổ chức nhằm bảo đảm cho hoạt động quan trắc môi trường đạt được các tiêu chuẩn chất lượng đã quy định.

2. Kiểm soát chất lượng (quality control - viết tắt là QC) trong quan trắc môi trường: là việc thực hiện các biện pháp để đánh giá, theo dõi và kịp thời điều chỉnh để đạt được độ chụm, độ chính xác của các phép đo nhằm bảo đảm cho hoạt động quan trắc môi trường đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

3. Mẫu kiểm soát chất lượng (quality control sample - gọi chung là mẫu QC): là mẫu thực hoặc mẫu được tạo từ chuẩn được sử dụng để kiểm soát chất lượng cho quá trình quan trắc tại hiện trường và phân tích môi trường trong phòng thí nghiệm.

4. Độ chụm (precision): là mức độ gần nhau giữa các kết quả thử nghiệm độc lập nhận được trong điều kiện quy định.

5. Độ lặp lại (repeatability): là độ chụm trong các điều kiện lặp lại.

6. Độ tái lập (reproducibility): là độ chụm trong điều kiện tái lập.

7. Độ chính xác (accuracy): là mức độ gần nhau giữa kết quả thử nghiệm và giá trị quy chiếu được chấp nhận.

8. Mẻ mẫu (sample batch): là một nhóm mẫu thực được xử lý, phân tích trong cùng một điều kiện, với cùng một quy trình, phương pháp và trong cùng một khoảng thời gian. Mỗi mẻ mẫu phân tích phải bao gồm cả các mẫu kiểm soát chất lượng - mẫu QC.

9. Mẫu trắng hiện trường (field blank sample): là mẫu vật liệu sạch được sử dụng để kiểm soát sự nhiễm bẩn trong quá trình quan trắc tại hiện trường. Mẫu trắng hiện trường được xử lý, bảo quản, vận chuyển và phân tích các thông số trong phòng thí nghiệm tương tự như mẫu thực.

10. Mẫu lặp hiện trường (field replicate/duplicate sample): là hai mẫu trở lên được lấy tại cùng một vị trí, cùng một thời gian, được xử lý, bảo quản, vận chuyển và phân tích các thông số trong phòng thí nghiệm tương tự như nhau. Mẫu lặp hiện trường được sử dụng kiểm soát sai số trong hoạt động quan trắc tại hiện trường, phân tích trong phòng thí nghiệm và để đánh giá độ chụm của kết quả quan trắc.

11. Mẫu trắng vận chuyển (trip blank sample): là mẫu vật liệu sạch được sử dụng để kiểm soát sự nhiễm bẩn trong quá trình vận chuyển mẫu. Mẫu trắng vận chuyển được vận chuyển cùng với mẫu thực trong cùng một điều kiện, được bảo quản, phân tích các thông số trong phòng thí nghiệm tương tự như mẫu thực.

12. Mẫu trắng thiết bị (equipment blank sample): là mẫu vật liệu sạch được sử dụng để kiểm soát sự nhiễm bẩn của thiết bị lấy mẫu, đánh giá sự ổn định và độ nhiễu của thiết bị. Mẫu trắng thiết bị được xử lý như mẫu thực bằng thiết bị lấy mẫu, được bảo quản, vận chuyển và phân tích các thông số trong phòng thí nghiệm như mẫu thực.

13. Mẫu trắng phương pháp (method blank sample): là mẫu vật liệu sạch, được sử dụng để kiểm soát sự nhiễm bẩn dụng cụ và hóa chất, chất chuẩn trong quá trình phân tích mẫu. Mẫu trắng phương pháp được trải qua các bước xử lý, phân tích như mẫu thực.

14. Mẫu lặp phương pháp phòng thí nghiệm (laboratory replicate/ duplicate sample): gồm hai hoặc nhiều hơn các phần của cùng một mẫu được đồng nhất, được phân tích với cùng một phương pháp. Mẫu lặp phương pháp phòng thí nghiệm là mẫu được sử dụng để đánh giá độ chụm của kết quả phân tích.

15. Mẫu chuẩn, chất chuẩn (reference material): là vật liệu, đủ đồng nhất và ổn định về một hoặc nhiều tính chất quy định, được thiết lập phù hợp với việc sử dụng đã định trong một quá trình đo.

16. Mẫu chuẩn được chứng nhận (certified reference material - viết tắt là CRM): là mẫu chuẩn có kèm theo giấy chứng nhận, trong đó một hay nhiều giá trị về tính chất của nó được chứng nhận, theo đó các giá trị về tính chất được biểu thị ra và mỗi giá trị được chứng nhận có kèm theo thông tin về độ không đảm bảo tương ứng ở mức tin cậy quy định.

17. Mẫu kiểm soát phòng thí nghiệm (laboratory control sample): là một mẫu đã biết trước nồng độ được chuẩn bị từ chất chuẩn có nồng độ nằm trong phạm vi đo của thiết bị hoặc khoảng làm việc của đường chuẩn được sử dụng để kiểm tra quá trình hoạt động thiết bị, theo dõi quá trình phân tích.

18. Mẫu thêm chuẩn (spike sample/matrix spike): là mẫu đã được bổ sung một lượng chất cần phân tích biết trước nồng độ trên nền mẫu thực. Mẫu thêm chuẩn được chuẩn bị và phân tích như mẫu thực để đánh giá quá trình phân tích.

19. So sánh liên phòng thí nghiệm (interlaboratory comparisons): là việc tổ chức thực hiện và đánh giá các phép đo hoặc phép thử trên cùng mẫu thử hoặc trên mẫu thử tương tự nhau bởi hai hay nhiều phòng thí nghiệm theo những điều kiện xác định.

20. Thử nghiệm thành thạo (proficiency testing): là hoạt độ đánh giá việc thực hiện của các bên tham gia đo, phân tích theo tiêu chí đã được thiết lập thông qua các so sánh liên phòng thí nghiệm.

21. Kế hoạch bảo đảm chất lượng (quality assurance project plan - viết tắt là QAPP): là bản kế hoạch mô tả toàn bộ các thủ tục bảo đảm chất lượng cần thiết, các hoạt động kiểm soát chất lượng và các hoạt động kỹ thuật khác cần được thực hiện của một chương trình quan trắc môi trường, để bảo đảm các kết quả thu được đáp ứng các yêu cầu đề ra.

22. Giới hạn phát hiện của phương pháp (method detection limit - viết tắt là MDL): là nồng độ nhỏ nhất của chất trong mẫu khi phân tích cho ra tín hiệu sai khác đáng kể so với tín hiệu của mẫu trắng với độ tin cậy 99%, nồng độ chất cần phân tích lớn hơn 0 và được xác định từ việc phân tích mẫu nền có chứa chất phân tích.

23. Giới hạn phát hiện của thiết bị (instrument detection limit - viết tắt là IDL): là giá trị thấp nhất của một chất cần phân tích được phát hiện lớn hơn năm lần tín hiệu nhiễu của thiết bị.

24. Kiểm tra kỹ thuật: là kiểm tra trạng thái hoạt động bình thường và cơ cấu chỉnh của phương tiện đo theo tài liệu kỹ thuật.

25. Kiểm định (kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng và kiểm định sau sửa chữa): là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của thiết bị quan trắc môi trường theo yêu cầu kỹ thuật đo lường và thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường.

26. Hiệu chuẩn: là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

27. Quan trắc môi trường định kỳ: là hoạt động lấy mẫu, đo các thông số ngay tại hiện trường hoặc được bảo quản và vận chuyển về để xử lý, phân tích các thông số trong phòng thí nghiệm theo một kế hoạch lập sẵn về không gian và thời gian.

28. Quan trắc tự động, liên tục là quá trình đo đạc, phân tích liên tục theo thời gian các thông số môi trường bằng các thiết bị đo hoặc phân tích tự động.

29. Trạm/hệ thống quan trắc tự động cố định là trạm/hệ thống quan trắc được lắp đặt cố định và lâu dài tại vị trí xác định và có khả năng tự động quan trắc các thông số môi trường.

30. Phương pháp lấy mẫu đẳng động lực (isokinetic) là phương pháp lấy mẫu bảo đảm điều kiện vận tốc hút của bơm lấy mẫu tại đầu hút mẫu bằng vận tốc khí thải tại điểm hút mẫu.

31. Thiết bị đo trực tiếp là thiết bị được đưa vào môi trường cần đo và hiển thị tức thời giá trị của thông số đo.

32. Độ phân giải của thiết bị đo là sự thay đổi nhỏ nhất ở các giá trị đo được (không phải là giá trị 0) mà một thiết bị đo có thể đáp ứng để cho một số đo xác định.

33. Thời gian đáp ứng là khoảng thời gian giữa thời điểm khi giá trị đại lượng đầu vào của phương tiện đo hoặc hệ thống đo chịu sự thay đổi đột ngột giữa hai giá trị đại lượng không đổi đã quy định và thời điểm khi số chỉ tương ứng nằm trong giới hạn quy định quanh giá trị ổn định cuối cùng của nó.

34. Khoảng đo (khoảng làm việc) của thiết bị đo: là tập hợp các giá trị đại lượng cùng loại có thể đo được bằng thiết bị quan trắc tự động đã cho với độ không đảm bảo đo thiết bị cụ thể, trong những điều kiện xác định.

35. Liên kết chuẩn đo lường: là tính chất của kết quả đo nhờ đó kết quả có thể liên hệ tới mốc quy chiếu (chuẩn đo lường quốc tế hoặc chuẩn đo lường quốc gia) thông qua một chuỗi không đứt đoạn các phép hiệu chuẩn được lập thành tài liệu, mỗi phép hiệu chuẩn đóng góp vào độ không đảm bảo đo.

Chương II

KỸ THUẬT QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG ĐỊNH KỲ

Điều 5. Xây dựng chương trình quan trắc chất lượng môi trường định kỳ

1. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường định kỳ được thiết kế xây dựng phù hợp với mục tiêu quan trắc môi trường. Việc xác định mục tiêu quan trắc chất lượng môi trường phải căn cứ vào chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường, thông tin cần thu thập theo yêu cầu của cơ quan nhà nước về môi trường.

2. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc chất lượng môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương hiện hành và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc đưa vào chương trình quan trắc với tần suất phù hợp.

3. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường định kỳ cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường phải được xây dựng bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường.

4. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường định kỳ phải được thiết kế bao gồm việc lập kế hoạch thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Quan trắc chất lượng không khí xung quanh

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc chất lượng không khí xung quanh quy định tại Phụ lục 2.1 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường.

2. Đối với chương trình quan trắc chất lượng môi trường cấp quốc gia và các thành phố trực thuộc Trung ương, tối thiểu phải lựa chọn các thông số: khí tượng, SO2, CO, NO2, TSP, PM2,5 với tần suất quan trắc tối thiểu 02 tháng/đợt (06 đợt/năm). Tùy thuộc vào mục tiêu chương trình quan trắc, đặc điểm của vị trí quan trắc, lựa chọn thêm các thông số khác để đưa vào chương trình quan trắc với tần suất phù hợp.

3. Đối với chương trình quan trắc chất lượng môi trường cấp tỉnh, tối thiểu phải lựa chọn các thông số: khí tượng, SO2, CO, NO2, TSP, PM10 với tần suất quan trắc tối thiểu 02 tháng/đợt (06 đợt/năm). Tùy thuộc vào mục tiêu chương trình quan trắc, đặc điểm của vị trí quan trắc, lựa chọn thêm thông số bụi PM2,5  và các thông số khác để đưa vào chương trình quan trắc với tần suất phù hợp.

Điều 7. Quan trắc tiếng ồn, độ rung

1. Thông số quan trắc tiếng ồn bao gồm: mức âm tương đương (Leq), mức âm tương đương cực đại (Lmax).

2. Thông số quan trắc độ rung: mức gia tốc rung (dB) hoặc gia tốc rung (m/s2).

3. Phương pháp quan trắc tiếng ồn tuân theo TCVN 7878 (gồm 2 phần TCVN 7878-1:2018 và TCVN 7878-2:2018) - Âm học - Mô tả, đo và đánh giá tiếng ồn môi trường.

4. Phương pháp quan trắc độ rung: tuân theo TCVN 6963:2001 - Rung và chấn động - Rung động do các hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp - Phương pháp đo.

5. Đối với chương trình quan trắc chất lượng môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tần suất quan trắc tiếng ồn, độ rung tối thiểu 02 tháng/đợt (06 đợt/năm).

Điều 8. Quan trắc chất lượng nước mặt

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc chất lượng nước mặt quy định tại Phụ lục 2.2 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường.

2. Đối với chương trình quan trắc chất lượng môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tối thiểu phải lựa chọn các thông số: pH, TSS, DO, COD, BOD5, NH4+; lựa chọn Tổng Nitơ hoặc NO3-; lựa chọn Tổng Phôtpho hoặc PO43-; tổng Coliforms với tần suất quan trắc tối thiểu 02 tháng/đợt (06 đợt/năm). Tùy thuộc vào mục tiêu chương trình quan trắc, đặc điểm của vị trí quan trắc, lựa chọn thêm các thông số khác để đưa vào chương trình quan trắc với tần suất phù hợp.

Điều 9. Quan trắc chất lượng nước dưới đất

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc chất lượng nước dưới đất quy định tại Phụ lục 2.3 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường.

2. Đối với chương trình quan trắc chất lượng môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tối thiểu phải lựa chọn các thông số: pH, TDS, chỉ số pecmanganat, NH4+, NO3-, Fe, As với tần suất quan trắc tối thiểu 03 tháng/đợt (04 đợt/năm). Tùy thuộc vào mục tiêu chương trình quan trắc, đặc điểm của vị trí quan trắc, lựa chọn thêm các thông số khác để đưa vào chương trình quan trắc với tần suất phù hợp.

Điều 10. Quan trắc chất lượng nước biển

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc chất lượng nước biển quy định tại Phụ lục 2.4 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường.

2. Đối với chương trình quan trắc chất lượng môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tối thiểu phải lựa chọn các thông số: pH, DO, TSS, NH4+, PO43-, dầu mỡ khoáng, với tần suất quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tối thiểu 02 tháng/đợt (06 đợt/năm); các thông số pH, As, Cd, dầu mỡ khoáng cho nước biển gần bờ và nước biển xa bờ với tần suất tối thiểu 02 đợt/năm. Tùy thuộc vào mục tiêu chương trình quan trắc, đặc điểm của vị trí quan trắc, lựa chọn thêm các thông số khác để đưa vào chương trình quan trắc với tần suất phù hợp.

Điều 11. Quan trắc nước mưa

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc nước mưa quy định tại Phụ lục 2.5 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số theo yêu cầu của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường.

2. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc.

3. Tần suất và thời gian quan trắc:

a) Mẫu nước mưa theo trận: các mẫu nước mưa được lấy theo mỗi trận mưa và phải xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc mỗi trận mưa;

b) Mẫu nước mưa theo ngày: trường hợp không thể thực hiện việc lấy và phân tích mẫu theo mỗi trận mưa thì lấy mẫu theo ngày (liên tục trong 24 giờ ). Thời gian lấy mẫu của một ngày bắt đầu từ 8 giờ sáng và mẫu phải được giữ nguyên vẹn trong và sau khi lấy (được bảo quản lạnh hoặc thêm các hóa chất bảo quản thích hợp);

c) Mẫu nước mưa theo tuần: trường hợp không thể thực hiện việc lấy và phân tích mẫu theo ngày thì có thể tiến hành lấy mẫu theo tuần (gộp các mẫu ngày lại trong vòng 01 tuần hoặc lấy liên tục trong 01 tuần khi mẫu được giữ nguyên vẹn trong và sau khi lấy, được bảo quản lạnh hoặc sử dụng các hóa chất bảo quản phù hợp).

Điều 12. Quan trắc chất lượng đất

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc chất lượng đất quy định tại Phụ lục 2.6 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số chất ô nhiễm trong đất hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường.

2. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về môi trường và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc với tần suất quan trắc tối thiểu 02 đợt/năm.

Điều 13. Quan trắc chất lượng trầm tích

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc chất lượng trầm tích quy định tại Phụ lục 2.7 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường.

2. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về môi trường và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc với tần suất quan trắc tối thiểu 02 đợt/năm.

Chương III

KỸ THUẬT QUAN TRẮC CÁC CHẤT Ô NHIỄM HỮU CƠ KHÓ PHÂN HỦY (POP) TRONG NGUYÊN LIỆU, NHIÊN LIỆU, VẬT LIỆU, SẢN PHẨM, HÀNG HÓA, THIẾT BỊ

Điều 14. Danh sách các chất POP theo quy định của Công ước Stockholm và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa POP

Danh sách các chất POP, lĩnh vực sử dụng, phát sinh các chất POP theo quy định tại các phụ lục A, B, C của Công ước Stockholm và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa POP được quy định tại Phụ lục 3.1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Quan trắc các chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị

1. Phương pháp quan trắc các chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị quy định tại Phụ lục 3.2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế có liên quan và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quan trắc các chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị.

Chương IV

KỸ THUẬT QUAN TRẮC NƯỚC THẢI, KHÍ THẢI VÀ BÙN THẢI TỪ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC

Điều 16. Quan trắc nước thải

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc nước thải quy định tại Phụ lục 4.1 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc môi trường.

2. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về môi trường, loại hình sản xuất, quy mô, đặc điểm nguồn thải và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc và vị trí lấy mẫu quan trắc.

3. Tần suất quan trắc nước thải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 17. Quan trắc khí thải

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc khí thải quy định tại Phụ lục 4.2 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc môi trường.

2. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về môi trường, loại hình sản xuất, quy mô, đặc điểm nguồn thải và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc.

3. Đối với các thông số SO2, NOx (NO và NO2), CO và O2: ngoài việc lấy mẫu tại hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm, có thể sử dụng phương pháp đo trực tiếp tại hiện trường khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Mẫu khí thải được lấy vào thời điểm cơ sở đang hoạt động ổn định và đạt tối thiểu 50% công suất thiết kế.

5. Tần suất quan trắc khí thải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Ống khói phải có điểm (cửa) lấy mẫu khí thải với đường kính hoặc độ rộng theo quy định, có nắp đậy để điều chỉnh độ mở rộng, bố trí sàn thao tác đảm bảo an toàn, thuận lợi khi thực hiện việc lấy mẫu. Vị trí điểm lấy mẫu, đường kính hoặc độ rộng theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 18. Quan trắc bùn thải từ hệ thống xử lý nước

1. Thông số quan trắc và phương pháp quan trắc bùn thải từ hệ thống xử lý nước quy định tại Phụ lục 4.3 ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với bùn thải từ hệ thống xử lý nước hoặc theo yêu cầu của các chương trình quan trắc môi trường.

2. Căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về môi trường, loại hình sản xuất, quy mô, đặc điểm nguồn thải và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc nhằm phân định bùn thải từ hệ thống xử lý nước theo quy định về quản lý chất thải.

Chương V

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG VÀ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG TRONG QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

Điều 19. Yêu cầu về diện tích phòng thí nghiệm, công tác bảo vệ môi trường và an toàn lao động

1. Tổ chức tham gia hoạt động quan trắc môi trường phải có phòng thí nghiệm đủ diện tích để bố trí hợp lý các phân khu chức năng, tách biệt các hoạt động thử nghiệm không tương thích để không làm ảnh hưởng lẫn nhau và bố trí đủ không gian cần thiết theo yêu cầu cho từng hoạt động thử nghiệm.

2. Chất thải từ hoạt động của phòng thí nghiệm phải được phân loại theo tính chất, được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định pháp luật. Nước thải có tính chất nguy hại từ hoạt động phân tích, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm phải được phân loại, lưu giữ theo tính chất, thành phần riêng biệt nhằm tránh các tương tác hóa học phát sinh chất độc hại ra môi trường.

3. Các hoạt động xử lý mẫu và phân tích mẫu làm bay hơi các chất độc hại ra môi trường phải thực hiện trong tủ hút.

4. Phải xây dựng chương trình, nội quy, quy định về phòng chống cháy nổ và an toàn lao động tại phòng thí nghiệm và khi đi quan trắc hiện trường để phổ biến, hướng dẫn cho toàn thể người lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người thực hiện quan trắc hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm.

5. Người tham gia thực hiện quan trắc hiện trường phải được huấn luyện về an toàn lao động theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy định pháp luật liên quan.

Điều 20. Hệ thống quản lý chất lượng quan trắc môi trường

1. Tổ chức tham gia hoạt động quan trắc môi trường phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 hoặc tương đương để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ nhằm đảm bảo chất lượng kết quả quan trắc. Hệ thống quản lý chất lượng phải thiết lập bằng văn bản và phổ biến cho người lao động để biết và thực hiện. Hệ thống quản lý chất lượng phải được duy trì và liên tục cải tiến phù hợp với phạm vi hoạt động, bảo đảm tính khách quan và chính xác của các kết quả quan trắc.

2. Hàng năm, tổ chức phải lập kế hoạch và tự đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng. Việc đánh giá bao gồm đánh giá hệ thống hồ sơ tài liệu liên quan đến quản lý chất lượng và đánh giá các hoạt động quan trắc môi trường nhằm kiểm tra và xác nhận mức độ tuân thủ của tổ chức thực hiện đối với các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng. Sau khi đánh giá, tổ chức phải có các biện pháp khắc phục, cải tiến các lỗi phát hiện (nếu có).

Điều 21. Hoạt động thử nghiệm thành thạo

1. Tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo do các đơn vị có năng lực phù hợp theo ISO/IEC 17043:2010 tổ chức. Trong thời hạn của Giấy chứng nhận, Tổ chức phải tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo tối thiểu trên 01 nền mẫu cho các thông số đã được chứng nhận, theo các nhóm sau đây:

a) Tham gia tối thiểu 01 lần/năm đối với phân tích các thông số đã được chứng nhận thuộc nhóm thông số cơ bản gồm có: BOD5, COD, TSS, NH3+, Cl-, F-, NO3-, NO2-, PO43-;

b) Tham gia tối thiểu 01 lần/năm đối với phân tích các thông số đã được chứng nhận thuộc nhóm thông số kim loại gồm có: As, Cd, Pb, Tổng Cr, Cu, Zn, Ni, Mn, Hg, Fe;

c) Tham gia tối thiểu 01 lần trong thời hạn của Giấy chứng nhận đối với phân tích nhóm thông số được chứng nhận gồm có: Tổng phenol, Xyanua (CN-), chất hoạt động bề mặt, Hóa chất bảo vệ thực vật clo, Hóa chất bảo vệ thực vật photpho, PCB, Dioxin, PAHs.

2. Đối với các thông số quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này nhưng không có đơn vị trong nước đủ năng lực tổ chức chương trình thử nghiệm thành thạo, tổ chức có thể tham gia các chương trình thử nghiệm liên phòng với quy mô tối thiểu 03 phòng thí nghiệm tham gia hoặc tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo do các tổ chức quốc tế có năng lực phù hợp theo ISO/IEC 17043:2010 tổ chức.

3. Trường hợp kết quả tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo có giá trị │Zscore│> 2, tổ chức phải có các biện pháp khắc phục, phòng ngừa các lỗi đã phát hiện.

Điều 22. Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong hoạt động quan trắc hiện trường

Tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường phải thực hiện các yêu cầu về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng như sau:

1. Thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ thực hiện quan trắc môi trường. Người thực hiện quan trắc hiện trường phải được đào tạo với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và chỉ được giao chính thức thực hiện quan trắc hiện trường khi được đánh giá là đạt theo yêu cầu của tiêu chí nội bộ và đã tham gia các khóa đào tạo về an toàn phục vụ công tác đi hiện trường được đánh giá là đạt yêu cầu.

2. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất và chất chuẩn, phương tiện vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động theo chương trình, kế hoạch quan trắc hiện trường đã thiết lập.

3. Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn: được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của từng phương pháp quan trắc, được đựng trong các bình chứa phù hợp, có dán nhãn thể hiện đầy đủ các thông tin về: tên hoặc loại hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn; tên nhà sản xuất; nồng độ; ngày chuẩn bị; người chuẩn bị; thời gian sử dụng và các thông tin khác (nếu có). Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn phải được để tại khu vực riêng biệt, bảo quản phù hợp, đảm bảo an toàn. Đơn vị quan trắc phải có sổ kho hóa chất thể hiện lượng hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn nhập và xuất để sử dụng, định kỳ thực hiện kiểm kê và theo dõi thời hạn sử dụng của hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn.

4. Phải kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và đảm bảo các thiết bị được hiệu chuẩn định kỳ theo quy định trước khi ra hiện trường.

5. Thực hiện lấy mẫu theo phương pháp phù hợp. Các mẫu được chứa vào dụng cụ chứa mẫu phải sạch và phù hợp với từng thông số quan trắc, không làm ảnh hưởng hoặc biến đổi chất lượng của mẫu và được dán nhãn để nhận biết. Nhãn mẫu thể hiện các thông tin về thông số quan trắc, mã mẫu (ký hiệu mẫu), thời gian lấy mẫu và các thông tin khác (nếu có).

6. Mẫu kiểm soát chất lượng (mẫu QC) được lấy tại hiện trường là mẫu trắng vận chuyển, mẫu trắng thiết bị, mẫu trắng hiện trường, mẫu lặp hiện trường hoặc các mẫu QC khác với số lượng phù hợp theo yêu cầu của chương trình quan trắc hoặc chương trình bảo đảm chất lượng quan trắc hiện trường đề ra. Chương trình quan trắc có số lượng dưới 30 mẫu thì tối thiểu phải lấy 01 mẫu lặp hiện trường (trừ các mẫu về mặt kỹ thuật không thực hiện được việc lấy mẫu lặp như các mẫu khí thải, bụi,…) và 01 mẫu trắng hiện trường hoặc mẫu trắng thiết bị. Chương trình quan trắc có số lượng từ 30 mẫu trở lên thì số lượng mẫu kiểm soát chất lượng được lấy tại hiện trường bằng 10% tổng lượng mẫu của chương trình quan trắc. Các mẫu QC hiện trường phải được giao nhận, mã hóa và phân tích trong phòng thí nghiệm như các mẫu khác.

7. Biên bản đo và lấy mẫu hiện trường được thực hiện và hoàn thành ngay sau khi kết thúc việc lấy mẫu tại hiện trường. Mẫu biên bản quan trắc hiện trường quy định tại Biểu 2, Biểu 3 và Biểu 4 của Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Phương pháp bảo quản và vận chuyển mẫu: mẫu được bảo quản và xử lý sơ bộ (nếu có) tại hiện trường phải phù hợp với các thông số quan trắc. Việc vận chuyển mẫu phải bảo toàn mẫu về chất lượng và số lượng. Thời gian vận chuyển và nhiệt độ bảo quản mẫu trong quá trình vận chuyển tuân theo các tiêu chuẩn lấy mẫu, phân tích hoặc các văn bản, quy định hiện hành đối với từng thông số quan trắc. Cần có phương án vận chuyển hợp lý để đảm bảo quy định thời gian tiến hành phân tích sau khi lấy mẫu đối với một số thông số quan trắc.

9. Giao và nhận mẫu: phải có biên bản giao và nhận mẫu, trong đó có đầy đủ tên, chữ ký của các bên có liên quan.

10. Phương pháp quan trắc tại hiện trường được lựa chọn phù hợp và được quy định tại Phụ lục 2, Phụ lục 3, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Đối với các thông số đo tại hiện trường thì phải sử dụng chất chuẩn (dung dịch chuẩn, khí chuẩn) để kiểm soát chất lượng các kết quả đo tại hiện trường. Khi thực hiện đo tại hiện trường phải tiến hành đo lặp mẫu để lấy trung bình của các kết quả đo.

Điều 23. Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong hoạt động phân tích môi trường

Tổ chức thực hiện hoạt động phân tích môi trường phải thực hiện các yêu cầu về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng như sau:

1. Có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ thực hiện phân tích môi trường. Người thực hiện phân tích phải được đào tạo trong lĩnh vực phân tích môi trường phù hợp với công việc được giao và chỉ được giao chính thức thực hiện phân tích khi được đánh giá là đạt theo yêu cầu của tiêu chí nội bộ.

2. Các phương pháp phân tích phải được phê duyệt để đánh giá sự phù hợp theo điều kiện áp dụng thực tế của phòng thí nghiệm trước khi đưa vào triển khai thực hiện. Việc phê duyệt phương pháp phải được lập thành báo cáo theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Xây dựng quy trình thao tác chuẩn (SOP) cho các phương pháp phân tích đã được phê duyệt. Một quy trình thao tác chuẩn tối thiểu phải bao gồm các nội dung theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn: được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của từng phương pháp quan trắc, được đựng trong các bình chứa phù hợp, có dán nhãn thể hiện đầy đủ các thông tin về: tên hoặc loại hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn; tên nhà sản xuất; nồng độ; ngày chuẩn bị; người chuẩn bị; thời gian sử dụng và các thông tin khác (nếu có). Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn phải được đặt tại khu vực riêng biệt, bảo quản phù hợp, đảm bảo an toàn. Đơn vị quan trắc phải có sổ kho hóa chất thể hiện lượng hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn nhập và xuất để sử dụng, định kỳ thực hiện kiểm kê và theo dõi thời hạn sử dụng của hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn.

5. Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và hiệu chuẩn các thiết bị phân tích môi trường.

6. Kiểm soát các điều kiện môi trường phòng thí nghiệm, bảo đảm không ảnh hưởng đến kết quả phân tích hoặc không ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng của các phép phân tích.

7. Quản lý mẫu: khi tiếp nhận để phân tích, mẫu phải đáp ứng các điều kiện về bảo quản mẫu phù hợp với từng thông số phân tích theo quy định. Mẫu phải được mã hóa và mã mẫu được gắn với mẫu trong suốt thời gian lưu mẫu tại tổ chức thực hiện phân tích môi trường. Sau khi được phân tích xong, các mẫu phải được lưu giữ và bảo quản theo chỉ dẫn trong các tiêu chuẩn phân tích, lấy mẫu tương ứng hoặc trong quy định hiện hành để sử dụng trong trường hợp cần kiểm tra và phân tích lại.

8. Kiểm soát chất lượng trong hoạt động phân tích môi trường: ngoài các mẫu QC hiện trường được phân tích, mẫu QC phòng thí nghiệm phải được phân tích trong từng mẻ mẫu. Số lượng mẫu QC tối thiểu cần thực hiện trong mỗi mẻ mẫu phải đủ để kiểm tra sự nhiễm bẩn của dụng cụ, hóa chất, thuốc thử, các yếu tố ảnh hưởng và đánh giá độ chụm, độ chính xác của kết quả phân tích. Tùy thuộc vào phương pháp phân tích áp dụng, mẫu QC sử dụng trong phòng thí nghiệm gồm: mẫu trắng thiết bị, mẫu trắng phương pháp, mẫu lặp, mẫu thêm chuẩn, mẫu chuẩn đối chứng, mẫu chuẩn được chứng nhận, mẫu chuẩn thẩm tra hoặc mẫu QC khác do phương pháp tiêu chuẩn và chương trình quan trắc yêu cầu hoặc chương trình bảo đảm chất lượng của tổ chức đề ra.

9. Xây dựng tiêu chí chấp nhận kiểm soát chất lượng theo phương pháp tiêu chuẩn yêu cầu và theo quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 24. Sử dụng và quản lý thiết bị quan trắc môi trường

1. Thiết bị quan trắc môi trường trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm soát về đo lường (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường.

2. Sử dụng thiết bị quan trắc môi trường phải bảo đảm theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, quy trình sử dụng thiết bị, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam.

3. Trước khi sử dụng, các thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm tra (kiểm tra bên ngoài, kiểm tra kỹ thuật và kiểm tra độ chính xác). Trường hợp phát hiện thiết bị không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định thì phải ngừng sử dụng, lập biên bản và lưu lại trong hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường.

4. Bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị quan trắc môi trường: phải lập kế hoạch và thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế định kỳ các thiết bị quan trắc môi trường theo hướng dẫn của nhà sản xuất và quy trình sử dụng thiết bị.

5. Hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường: tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường. Hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường được lưu giữ tại tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường và sẵn sàng xuất trình hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường gồm:

a) Danh mục và đặc tính kỹ thuật của thiết bị quan trắc; hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất;

b) Quy trình thao tác chuẩn, quy trình kiểm tra;

c) Sổ theo dõi giao nhận, sử dụng thiết bị;

d) Sổ theo dõi việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế linh, phụ kiện;

đ) Hồ sơ kiểm soát về đo lường của thiết bị quan trắc;

e) Giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và các hồ sơ chứng minh chủ sở hữu thiết bị.

Điều 25. Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường

1. Số liệu quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải được kiểm tra, xử lý thống kê và đánh giá.

a) Kiểm tra kết quả: kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của kết quả quan trắc và phân tích môi trường. Việc kiểm tra dựa trên hồ sơ của mẫu (biên bản quan trắc tại hiện trường, biên bản giao và nhận mẫu, biên bản đo tại hiện trường, biểu ghi kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm, …) kết quả mẫu QC (mẫu trắng, mẫu lặp, mẫu chuẩn,…);

b) Kết quả quan trắc và phân tích môi trường chỉ được chấp nhận sau khi xem xét, đánh giá kết quả phân tích các mẫu QC đảm bảo độ tin cậy theo tiêu chí kiểm soát chất lượng của phòng thí nghiệm;

c) Xử lý thống kê: căn cứ theo lượng mẫu và nội dung của báo cáo, việc xử lý thống kê có thể sử dụng các phương pháp khác nhau nhưng tối thiểu phải có các số liệu thống kê về giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất, giá trị trung bình, số giá trị vượt chuẩn;

d) Đánh giá kết quả: so sánh, đối chiếu các kết quả quan trắc đã được kiểm tra, xử lý thống kê với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

2. Toàn bộ tài liệu, dữ liệu, hồ sơ có liên quan đến hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải được tập hợp đầy đủ, bảo đảm tính trung thực, kịp thời và được lưu giữ, quản lý theo quy định.

3. Hồ sơ gốc của hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải được lưu giữ và sẵn sàng cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Hồ sơ gốc bao gồm:

a) Hồ sơ quan trắc hiện trường gồm: biên bản lấy mẫu tại hiện trường, biên bản giao và nhận mẫu, phiếu kết quả đo tại hiện trường, biên bản đo lặp mẫu tại hiện trường (nếu có), dữ liệu gốc được lưu trong bộ nhớ từ các thiết bị đo trực tiếp tại hiện trường hoặc được sao lưu trực tiếp từ bộ nhớ các thiết bị đo trực tiếp tại hiện trường, kết quả tính toán, quan trắc hiện trường;

b) Hồ sơ phân tích môi trường gồm: biên bản phân tích, báo cáo kết quả phân tích, dữ liệu gốc được lưu trong bộ nhớ của các thiết bị phân tích hoặc được sao lưu trực tiếp từ bộ nhớ các thiết bị phân tích;

c) Hồ sơ thực hiện công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng hiện trường và phân tích môi trường tối thiểu bao gồm biên bản lấy mẫu và kết quả mẫu kiểm soát chất lượng hiện trường, kết quả kiểm tra thiết thiết bị bằng chất chuẩn tại hiện trường, kết quả mẫu kiểm soát chất lượng trong hoạt động phân tích môi trường.

4. Dữ liệu trong hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải bảo đảm đầy đủ, thống nhất với hồ sơ quan trắc hiện trường và hồ sơ phân tích môi trường; phù hợp, thống nhất với thời gian, vị trí lấy mẫu và thời gian, thông số phân tích; phù hợp, thống nhất với phương pháp, thiết bị quan trắc; phù hợp với tiêu chí chấp nhận kết quả phép đo.

5. Trường hợp nghi ngờ có sai sót trong các hoạt động quan trắc môi trường thì phải kiểm tra lại số liệu hoặc huỷ bỏ, không sử dụng số liệu cho mục đích viết báo cáo kết quả quan trắc. Các tài liệu, số liệu ban đầu trước khi hủy bỏ phải được lưu giữ như hồ sơ gốc để sử dụng trong các trường hợp cần tra cứu.

Chương VI

YÊU CẦU KỸ THUẬT CƠ BẢN VÀ ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT CỦA TRẠM QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT VÀ KHÔNG KHÍ XUNG QUANH TỰ ĐỘNG, LIÊN TỤC

Điều 26. Yêu cầu cơ bản đối với trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục

1. Thông số quan trắc:

a) Nhóm thông số bắt buộc gồm các thông số: nhiệt độ, pH, hàm lượng ôxy hoà tan (DO), Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Nhu cầu oxy hoá học (COD);

b) Ngoài các thông số quan trắc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, căn cứ vào mục tiêu quan trắc, đặc điểm khu vực quan trắc, trạm quan trắc nước mặt tự động có thể quan trắc các thông số gồm có: độ đục, TDS, NH4+, Tổng Nitơ, Tổng Phôtpho, PO43-, NO3-, TOC và các thông số khác theo mục tiêu quan trắc.

2. Vị trí quan trắc và các yêu cầu kỹ thuật:

a) Vị trí quan trắc:

Căn cứ vào mục tiêu quan trắc, các cơ quan, tổ chức có thể lắp đặt các trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục để theo dõi diễn biến chất lượng nước và cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường, ưu tiên việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động đảm bảo các tiêu chí sau đây:

a1) Điểm ở thượng lưu thuộc Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Luật Tài nguyên nước;

a2) Khu vực thượng lưu các dòng sông, gần biên giới với các quốc gia lân cận để theo dõi đánh giá chất lượng nước từ các quốc gia giáp ranh biên giới đổ vào Việt Nam;

a3) Điểm ở hạ lưu lân cận khu vực tập trung cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô xả thải lớn, tiềm ẩn nguy cơ về sự cố môi trường để theo dõi, kịp thời cảnh báo các hiện tượng ô nhiễm môi trường;

b) Yêu cầu kỹ thuật đối với vị trí quan trắc:

b1) Địa điểm lắp đặt trạm quan trắc được lựa chọn trên cơ sở xem xét các yếu tố: việc xây dựng trạm phải có tính khả thi, vị trí lấy mẫu có tính đại diện, nhu cầu quan trắc dài hạn, khả năng đảm bảo an toàn và duy trì chi phí vận hành trạm;

b2) Địa điểm lắp đặt trạm có điều kiện thuận lợi về giao thông, điện, nước sạch, viễn thông, khoảng cách phù hợp tới điểm quan trắc, khả năng lấy mẫu trong mùa khô, an toàn trong vận hành và bảo dưỡng, và các điều kiện cơ bản khác đảm bảo cho việc xây dựng nhà trạm;

b3) Đối với trạm quan trắc trên sông phải lựa chọn vị trí quan trắc ở đoạn sông thẳng, có chất lượng nước đồng đều; vận tốc và chế độ dòng chảy ổn định, có khoảng cách tối thiểu 01 km về phía hạ lưu các điểm xả nước thải hoặc cửa sông. Việc lựa chọn vị trí quan trắc tự động cần nhất quán, tương đồng với việc lựa chọn các vị trí quan trắc thông thường để đảm bảo tính liên tục của dữ liệu quan trắc;

b4) Đối với trạm quan trắc trên hồ (nguồn nước tĩnh), phải lựa chọn vị trí quan trắc ở những khu vực có chế độ trao đổi thủy lực tốt, mang tính đại diện cho chất lượng nước của hồ, tránh chọn vị trí quan trắc tại các khu vực nước tù, nước đọng hoặc những khu vực dễ xảy ra hiện tượng lắng trầm tích hoặc sinh sôi thực vật thủy sinh.

3. Yêu cầu cơ bản về thiết bị đối với các trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục:

a) Căn cứ vào thông số quan trắc và nguyên lý đo, phân tích của thiết bị quan trắc để xác định phương án lắp đặt thiết bị quan trắc phù hợp, cụ thể:

- Phương án trực tiếp: các đầu đo được đặt trực tiếp tại vị trí quan trắc chất lượng nước mặt; vị trí đặt các đầu đo phải cách ít nhất 10 cm từ bề mặt nước mặt và ít nhất 15 cm từ đáy, có tính tới đảm bảo việc đo đạc trong mùa cạn;

- Phương án gián tiếp: nước mặt được bơm lên nhà trạm vào thùng chứa mẫu để đo trực tiếp bằng các đầu đo nhúng trực tiếp vào thùng hoặc chuyển tới hệ thiết bị phân tích tự động (nếu có);

b) Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu (datalogger): để thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của hệ thống về cơ quan quản lý. Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu được quy định chi tiết tại Điều 39 Thông tư này;

c) Dung dịch chuẩn để kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc của trạm;

d) Camera: khuyến khích lắp đặt camera để cung cấp hình ảnh trực tuyến tại vị trí đặt các thiết bị quan trắc của trạm;

đ) Yêu cầu kỹ thuật của các thiết bị phụ trợ khác cho trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 27. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục

Trạm quan trắc nước mặt tự động tối thiểu phải đáp ứng được các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật như sau:

1. Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Bảng 1. Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục

STT

Thông số quan trắc

Đơn vị đo

Độ chính xác

Khoảng đo

Độ phân giải

Thời gian đáp ứng

(% giá trị đọc)

(% khoảng đo)

1

Nhiệt độ

oC

± 5%

± 3%

0 ÷ 80oC

0,1

≤ 5 giây

2

pH

-

± 0,1

± 0,1

0 ÷ 14

0,1

≤ 5 giây

3

TSS

mg/L

± 5 %

± 2%

0 ÷ 500

0,1

≤ 10 giây

4

COD

mg/L

± 5%

± 5%

0 ÷ 100

0,5

≤ 15 phút

5

DO

mg/L

± 5%

± 5%

0 ÷ 20

0,1

≤ 120 giây

6

NO3-

mg/L

± 5%

± 3%

0 ÷ 50

0,5

≤ 10 phút

7

PO43-

mg/L

± 5%

± 5%

0 ÷ 2

-

≤ 10 phút

8

NH4+

mg/L

± 5%

± 5%

0 ÷ 5

0,2

≤ 30 phút

9

Tổng P

mg/L

± 5 %

± 3 %

0 ÷ 2

0,1

≤ 30 phút

10

Tổng N

mg/L

± 5 %

± 3%

0 ÷ 20

0,1

≤ 30 phút

11

TOC

mg/L

± 5 %

± 2 %

0 ÷ 100

0,1

≤ 30 phút

Trong đó:

- Về yêu cầu độ chính xác của thiết bị đo tại Bảng 1: đặc tính kỹ thuật của thiết bị quan trắc có thể lựa chọn áp dụng độ chính xác theo giá trị đọc hoặc độ chính xác theo khoảng đo;

- Đối với quy định về khoảng đo tại Bảng 1: khoảng đo quy định tại Bảng 1 được sử dụng để tham chiếu. Thiết bị quan trắc tự động phải có khả năng cài đặt được ít nhất 01 khoảng đo có giới hạn đo cận trên của khoảng đo không vượt quá giới hạn đo cận trên của khoảng đo quy định tại Bảng 1 và phù hợp với mục tiêu quan trắc theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Quy định về khoảng đo không bắt buộc áp dụng đối với các thiết bị sử dụng độ chính xác theo giá trị đọc.

2. Dung dịch chuẩn để kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc các thông số quy định tại Bảng 1 của trạm phải đảm bảo yêu cầu sau:

- Phải có độ chính xác tối thiểu ± 5% (đối với pH là ± 0,1 pH) và phải được liên kết chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường;

- Dung dịch chuẩn phải đáp ứng tối thiểu 01 điểm nồng độ trong dải đo của từng thiết bị tương ứng với từng thông số được quy định tại Bảng 1, trừ thông số nhiệt độ.

3. Khuyến khích sử dụng các thiết bị quan trắc đồng bộ của cùng một hãng sản xuất và đã được cấp chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế gồm: Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA), Tổ chức chứng nhận Anh (mCERTs), Cơ quan kiểm định kỹ thuật Đức (TÜV).

4. Có khả năng lưu giữ và kết xuất tự động kết quả quan trắc và thông tin trạng thái của thiết bị đo (tối thiểu bao gồm các trạng thái: đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị). Các thông số lưu lượng, nhiệt độ không yêu cầu thông báo trạng thái hiệu chuẩn.

Điều 28. Yêu cầu về quản lý, vận hành trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục

1. Trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục phải có đầy đủ các hồ sơ liên quan gồm có: hồ sơ thông tin về trạm, hồ sơ về bảo dưỡng, thay thế thiết bị tại trạm, hồ sơ thiết bị, bản vẽ thiết kế kỹ thuật và các quy trình vận hành, bảo dưỡng, thay thế và sửa chữa trạm.

2. Đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng (QA/QC) đối với trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục: trước khi trạm được đưa vào vận hành, Đơn vị vận hành trạm có trách nhiệm xây dựng quy trình thao tác chuẩn (SOP) trong quá trình quản lý, vận hành trạm. Quy trình thao tác chuẩn phải bao gồm các nội dung sau: quy trình vận hành, quy trình kiểm tra, bảo dưỡng các đầu đo và thiết bị, quy trình quản lý số liệu, quy trình khắc phục sự cố.

3. Cán bộ vận hànht phải được đào tạo đầy đủ về công tác quản lý và vận hành trạm, khắc phục sự cố và công tác an toàn lao động.

4. Kiểm định, hiệu chuẩn và kiểm tra định kỳ đối với thiết bị quan trắc tự động, liên tục

a) Thiết bị phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường;

b) Thiết bị (trừ thiết bị đo nhiệt độ) phải được kiểm tra định kỳ bằng chất chuẩn theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng phải bảo đảm tối thiểu 01 tháng/lần bởi đơn vị vận hành trạm; phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo theo quy định khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của chất chuẩn có sai lệch ≥ 10%. Khuyến khích kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của chất chuẩn có sai lệch < 10%. Quá trình kiểm tra thiết bị bằng chất chuẩn và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị phải được ghi lại trong nhật ký vận hành trạm;

c) Khuyến khích kiểm tra thiết bị định kỳ thông qua việc đối chứng với kết quả quan trắc định kỳ theo các phương pháp quy định tại Phụ lục 2.2 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Hoạt động bảo trì sửa chữa, thay thế linh phụ kiện phải được đơn vị vận hành trạm lập kế hoạch và được quy định chi tiết trong quy trình vận hành chuẩn (SOP).

5. Việc quản lý, vận hành trạm phải có nhật ký vận hành ghi chép đầy đủ các nội dung: tình trạng hoạt động các thiết bị đo và các thiết bị phụ trợ khác; tình trạng truyền, nhận dữ liệu tại trạm; quá trình kiểm tra thiết bị bằng dung dịch chuẩn và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị (nếu có).

6. Đơn vị vận hành trạm căn cứ vào quy mô và phương pháp quan trắc của trạm để bố trí cán bộ quản lý và vận hành trạm theo các quy định về định mức sử dụng diện tích nhà xưởng, thiết bị và biên chế cho trạm quan trắc môi trường.

Điều 29. Phân loại các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục

Các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục được phân loại theo mục đích quan trắc cụ thể như sau:

1. Trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh là các trạm quan trắc đáp ứng quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 30 và Điều 31 Thông tư này nhằm mục đích theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng không khí tại vị trí, khu vực quan trắc và được sử dụng dữ liệu để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước, công bố thông tin cho cộng đồng về chất lượng không khí thường xuyên, liên tục thông qua chỉ số chất lượng không khí (AQI).

2. Trạm quan trắc tham khảo là các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật quy định Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều 30 và Điều 31 Thông tư này, được sử dụng để quan trắc chất lượng không khí nhằm mục đích sử dụng nội bộ, nghiên cứu khoa học, cung cấp dữ liệu cho các mô hình tính toán, dự báo ô nhiễm và công bố số liệu quan trắc theo nồng độ chất ô nhiễm.

Điều 30. Yêu cầu cơ bản đối với trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục

Trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như sau:

1. Thông số quan trắc:

Căn cứ vào mục tiêu quan trắc và đặc điểm khu vực quan trắc để lựa chọn các thông số môi trường cần quan trắc cho phù hợp và theo quy định dưới đây:

a) Nhóm các thông số tối thiểu đối với các trạm chất lượng không khí nhằm công bố thông tin qua chỉ số AQI gồm có: bụi PM2,5; ôzôn (O3) và một trong ba thông số nitơ đioxit (NO2), lưu huỳnh đioxit (SO2), cacbon monoxit (CO).

b) Nhóm các thông số khác: bụi tổng (TSP), bụi PM10, bụi PM1, benzen (C6H6), toluen (C7H8), ethyl benzen (C8H10), xylen (C8H10), metan (CH4) và các thông số độc hại khác.

c) Căn cứ theo mục tiêu quan trắc, các trạm quan trắc tham khảo có thể lựa chọn các thông số quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này.

2. Vị trí đặt trạm: trạm phải được đặt ở nơi thoáng gió, có thể đo được các thông số về khí tượng, không bị che chắn, đáp ứng mục tiêu quan trắc và đại diện cho chất lượng môi trường của khu vực quan trắc. Căn cứ vào mục tiêu quan trắc và yêu cầu kỹ thuật của từng loại trạm để lựa chọn vị trí cho phù hợp, cụ thể như sau:

a) Trạm nền: đặt tại các khu vực có ít tác động nhất từ các nguồn khí thải;

b) Trạm tổng hợp: trạm tổng hợp được đặt tại các khu vực có ảnh hưởng của nhiều nguồn tác động (đô thị, dân cư, giao thông, xây dựng, công nghiệp,…);

c) Trạm dân cư: đặt tại các khu vực điển hình của khu dân cư, không gần các trục đường lớn có nhiều phương tiện đi lại;

d) Trạm ven đường (giao thông): đặt tại đoạn đường thẳng, tránh gần các lối rẽ, điểm nút giao thông; đặt tại các đường cao tốc, đường quốc lộ có mật độ giao thông lớn nhất trong các tuyến đường của khu vực;

đ) Trạm công nghiệp: đặt trong khu dân cư gần nhất theo hướng gió chủ đạo so với khu công nghiệp, nguồn thải lớn. Đối với nguồn thải có ống khói cao có thể cần sử dụng mô hình lan truyền ô nhiễm không khí để xác định khu vực có mức độ ô nhiễm cao nhất, từ đó xác định vị trí đặt trạm.

3. Yêu cầu cơ bản về thiết bị đối với các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục:

a) Thiết bị quan trắc tự động, liên tục: gồm một hoặc nhiều thiết bị đo và phân tích có khả năng đo tự động, liên tục và đưa ra kết quả quan trắc của các thông số trong không khí xung quanh;

b) Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu (data logger): để thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về cơ quan nhà nước về môi trường. Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu được quy định chi tiết tại Điều 39 Thông tư này;

c) Bình khí chuẩn hoặc chất chuẩn chuyên dùng khác: cung cấp chất chuẩn cho công tác kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc của trạm;

d) Camera: khuyến khích lắp đặt camera để cung cấp hình ảnh trực tuyến tại vị trí đặt các thiết bị quan trắc của trạm;

đ) Yêu cầu kỹ thuật đối với các thiết bị phụ trợ khác cho trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 31. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục

1. Trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục phải sử dụng các thiết bị đo theo Danh mục các phương pháp và thiết bị quan trắc tương đương do Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA) công bố hoặc các thiết bị quan trắc đã được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế gồm: Tổ chức chứng nhận Anh (mCERTs), Cơ quan kiểm định kỹ thuật Đức (TÜV).

2. Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Bảng 2. Đặc tính kỹ thuật đối với thiết bị quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục

STT

Thông số quan trắc

Đơn vị đo

Độ chính xác

Khoảng đo

Độ phân giải

Thời gian

đáp ứng

(% giá trị đọc)

(% khoảng đo)

1

Nhiệt độ

oC

± 5%

± 5%

0 ÷ 80oC

0,1

≤ 120 giây

2

NO2

µg/Nm3

± 5%

± 5%

0 ÷ 500

0,1

≤ 300 giây

ppb

± 5%

± 5%

0 ÷ 250

0,1

3

CO

µg/Nm3

± 5%

± 5%

0 ÷ 100.000

0,1

≤ 200 giây

ppb

± 5%

± 5%

0 ÷ 85.000

0,1

4

SO2

µg/Nm3

± 5%

± 5%

0 ÷ 1.000

0,1

≤ 200 giây

ppb

± 5%

± 5%

0 ÷ 400

0,1

5

O3

µg/Nm3

± 5%

± 5%

0 ÷ 500

0,1

≤ 200 giây

ppb

± 5%

± 5%

0 ÷ 250

0,1

6

Bụi PM10

µg/Nm3

± 5%

± 3%

0 ÷ 500

0,1

≤ 60 giây

7

Bụi PM2,5

µg/Nm3

± 5%

± 3%

0 ÷ 150

0,1

≤ 60 giây

Trong đó:

- Về yêu cầu độ chính xác của thiết bị quan trắc tại Bảng 2: đặc tính kỹ thuật của thiết bị quan trắc có thể lựa chọn áp dụng độ chính xác theo giá trị đọc hoặc độ chính xác theo khoảng đo;

- Đối với quy định về khoảng đo tại Bảng 2: khoảng đo quy định tại Bảng 2 được sử dụng để tham chiếu. Thiết bị quan trắc tự động phải có khả năng cài đặt được ít nhất 01 khoảng đo có giới hạn đo cận trên của khoảng đo không vượt quá giới hạn đo cận trên của khoảng đo quy định tại Bảng 2 và phù hợp với mục tiêu quan trắc theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Quy định về khoảng đo không bắt buộc áp dụng đối với các thiết bị sử dụng độ chính xác theo giá trị đọc.

3. Chất chuẩn

a) Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn thiết bị quan trắc tự động chất lượng không khí xung quanh đối với các thông số quy định tại Bảng 2;

b) Chất chuẩn phải còn hạn sử dụng, có độ chính xác tối thiểu ± 5% và phải được liên kết chuẩn theo quy định của pháp luật đo lường.

4. Có khả năng lưu giữ và kết xuất tự động kết quả quan trắc và thông tin trạng thái của thiết bị đo (tối thiểu bao gồm các trạng thái: đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị). Thông số nhiệt độ không yêu cầu thông báo trạng thái hiệu chuẩn.

Điều 32. Yêu cầu về quản lý, vận hành trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục

1. Trạm phải có đầy đủ các hồ sơ liên quan đến trạm: Hồ sơ thông tin về trạm, hồ sơ về bảo dưỡng, thay thế trạm, hồ sơ thiết bị, bản vẽ thiết kế kỹ thuật và các quy trình vận hành, bảo dưỡng, thay thế và sửa chữa trạm.

2. Đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng (QA/QC) đối với trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục: trước khi trạm được vận hành, Đơn vị vận hành trạm có trách nhiệm xây dựng quy trình thao tác chuẩn (SOP) trong quá trình quản lý, vận hành trạm. Quy trình thao tác chuẩn phải bao gồm các nội dung sau: quy trình vận hành, quy trình kiểm tra, bảo dưỡng các đầu đo và thiết bị, quy trình quản lý số liệu, quy trình khắc phục sự cố.

3. Cán bộ vận hành trạm phải được đào tạo đầy đủ về công tác quản lý và vận hành trạm, khắc phục sự cố và công tác an toàn lao động.

4. Kiểm định, hiệu chuẩn và kiểm tra định kỳ đối với thiết bị quan trắc tự động, liên tục

a) Thiết bị phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường;

b) Thiết bị quan trắc (trừ thiết bị đo nhiệt độ, bụi PM10, bụi PM2,5) phải được kiểm tra định kỳ bằng chất chuẩn theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng phải bảo đảm tối thiểu 01 tháng/lần bởi đơn vị vận hành trạm; phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của chất chuẩn có sai lệch ≥ 10%. Khuyến khích kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của chất chuẩn có sai lệch < 10%. Quá trình kiểm tra thiết bị bằng chất chuẩn và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị phải được ghi lại trong nhật ký vận hành trạm;

c) Khuyến khích kiểm tra định kỳ thông qua việc đối chứng với kết quả quan trắc định kỳ theo các phương pháp quy định tại Phụ lục 2.1 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Hoạt động bảo trì, sửa chữa, thay thế linh phụ kiện phải được đơn vị vận hành lập kế hoạch và được quy định chi tiết trong quy trình vận hành chuẩn (SOP).

5. Việc quản lý, vận hành trạm phải có nhật ký vận hành ghi chép đầy đủ các nội dung: tình trạng hoạt động các thiết bị đo và các thiết bị phụ trợ khác; tình trạng truyền, nhận dữ liệu tại trạm; quá trình kiểm tra thiết bị bằng chất chuẩn và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị (nếu có).

6. Nhân lực quản lý và vận hành: căn cứ vào quy mô và phương pháp quan trắc của trạm để bố trí cán bộ quản lý và vận hành trạm theo quy định về định mức sử dụng diện tích nhà xưởng, thiết bị và biên chế cho trạm quan trắc môi trường.

Chương VII

QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU CƠ BẢN VÀ ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT CỦA HỆ THỐNG QUAN TRẮC NƯỚC THẢI VÀ KHÍ THẢI TỰ ĐỘNG, LIÊN TỤC

Điều 33. Yêu cầu cơ bản đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục

1. Thông số và vị trí quan trắc: căn cứ vào đặc thù của nguồn thải, hệ thống xử lý nước thải và yêu cầu quản lý, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các cơ sở thực hiện quan trắc tự động các thông số ô nhiễm và xác định vị trí lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định pháp luật.

2. Thành phần cơ bản của hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục:

a) Thiết bị quan trắc tự động, liên tục: căn cứ vào thông số quan trắc và nguyên lý đo, phân tích của thiết bị quan trắc để xác định phương pháp lắp đặt thiết bị quan trắc phù hợp, cụ thể:

- Phương pháp trực tiếp: các thiết bị quan trắc (đầu đo pH, nhiệt độ,...) được đặt trực tiếp tại vị trí quan trắc sau hệ thống xử lý nước thải, vị trí đặt các đầu đo phải cách ít nhất 10 cm từ bề mặt nước thải và ít nhất 15 cm từ đáy;

- Phương pháp gián tiếp: nước thải sau khi xử lý được bơm lên nhà trạm vào thùng chứa mẫu để đo trực tiếp bằng các đầu đo nhúng trực tiếp vào thùng hoặc chuyển tới hệ thiết bị phân tích tự động (nếu có);

b) Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu: được sử dụng để thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của hệ thống về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu được quy định chi tiết tại Điều 39 Thông tư này;

c) Chất chuẩn: để kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc của hệ thống;

d) Thiết bị lấy mẫu tự động: để lấy và lưu mẫu nước khi một trong những thông số được giám sát vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Camera: để cung cấp hình ảnh trực tuyến tại vị trí đặt các thiết bị quan trắc và vị trí cửa xả của hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra nguồn tiếp nhận, cụ thể như sau:

đ1) Trường hợp theo phương án lắp đặt thiết bị trực tiếp: 01 camera được lắp tại vị trí cửa xả của hệ thống xử lý nước thải;

đ2) Trường hợp theo phương án lắp đặt thiết bị gián tiếp: 01 camera được lắp bên trong nhà trạm và 01 camera được lắp bên ngoài nhà trạm tại vị trí cửa xả của hệ thống xử lý nước thải;

đ3) Camera phải bảo đảm có khả năng quay (ngang, dọc), có khả năng xem ban đêm, đảm bảo quan sát rõ ràng các đối tượng cần giám sát; có khả năng ghi lại hình ảnh theo khoảng thời gian, đặt lịch ghi hình;

e) Yêu cầu kỹ thuật đối với các thiết bị phụ trợ khác cho hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 34. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục

Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục tối thiểu phải đáp ứng được các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật như sau:

1. Thiết bị quan trắc tự động, liên tục

a) Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục trong hệ thống tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây:

Bảng 3. Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục

STT

Thông số quan trắc

Đơn vị đo

Độ chính xác

Độ phân giải

Thời gian đáp ứng

(% giá trị đọc)

(% khoảng đo)

1

Lưu lượng

m3/h

± 5%

± 5%

-

≤ 5 phút

2

Nhiệt độ

oC

± 5%

± 5%

0,1

≤ 5 giây

3

Độ màu

Pt-Co

± 5%

± 5%

-

≤ 5 phút

4

pH

-

± 0,2 pH

± 0,2 pH

0,1

≤ 5 giây

5

TSS

mg/L

± 5%

± 3%

0,1

≤ 10 giây

6

COD

mg/L

± 5%

± 3%

0,5

≤ 15 phút

7

NH4+

mg/L

± 5 %

± 5 %

0,2

≤ 30 phút

8

Tổng Phôtpho

mg/L

± 5 %

± 3 %

0,1

≤ 30 phút

9

Tổng Nitơ

mg/L

± 5 %

± 3%

0,1

≤ 30 phút

10

TOC

mg/L

± 5%

± 5%

0,1

≤ 30 phút

11

Clo dư

mg/L

± 5 %

± 2%

0,1

≤ 30 phút

Trong đó:

- Về yêu cầu độ chính xác của thiết bị đo tại Bảng 3: đặc tính của thiết bị quan trắc có thể lựa chọn áp dụng độ chính xác theo giá trị đọc hoặc độ chính xác theo khoảng đo;

b) Thiết bị quan trắc tự động phải có ít nhất 01 khoảng đo có khả năng đo được giá trị ≥ 3 lần của giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được áp dụng cho cơ sở (trừ thông số nhiệt độ và pH);

c) Khuyến khích sử dụng các thiết bị quan trắc đồng bộ, được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế gồm có: Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA), Tổ chức chứng nhận Anh (mCERTs), Cơ quan kiểm định kỹ thuật Đức (TÜV);

d) Có khả năng lưu giữ và kết xuất tự động kết quả quan trắc và thông tin trạng thái của thiết bị đo (tối thiểu bao gồm các trạng thái: đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị). Các thông số lưu lượng, nhiệt độ không yêu cầu thông báo trạng thái hiệu chuẩn.

2. Chất chuẩn

a) Chất chuẩn để kiểm tra định kỳ phải còn hạn sử dụng, có độ chính xác tối thiểu ± 5% (đối với pH là ± 0,1 pH) và phải được liên kết chuẩn theo quy định về pháp luật đo lường;

b) Chất chuẩn phải đáp ứng tối thiểu 01 điểm nồng độ trong dải đo của từng thiết bị tương ứng với từng thông số được quy định tại Bảng 3, trừ thông số nhiệt độ và lưu lượng.

3. Thiết bị lấy và lưu mẫu tự động

Thiết bị lấy và lưu mẫu tự động phải có các tính năng sau:

a) Tự động lấy mẫu (định kỳ, đột xuất hoặc theo thời gian) và lưu mẫu trong tủ bảo quản ở nhiệt độ 4 ± 2oC với thời gian phù hợp để phân tích các thông số;

b) Có khả năng nhận tín hiệu điều khiển từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ việc tự động lấy mẫu từ xa;

c) Tủ lấy mẫu tự động phải được niêm phong và quản lý bởi Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 35. Yêu cầu về quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục

1. Cài đặt khoảng đo của hệ thống: khi vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục để truyền số liệu về đơn vị tiếp nhận, thiết bị phải được cài đặt khoảng đo có khả năng đo được giá trị ≥ 3 lần của giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được áp dụng cho cơ sở.

2. Bảo đảm chất lượng của hệ thống

a) Nhân lực quản lý và vận hành: phải có đủ nhân lực am hiểu về hệ thống để thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy trì và vận hành hệ thống;

b) Hồ sơ quản lý của hệ thống phải được lưu giữ tại đơn vị vận hành hệ thống và sẵn sàng xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ quản lý hệ thống bao gồm:

b1) Danh mục các thông số quan trắc;

b2) Danh mục, đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc của nhà sản xuất thiết bị;

b3) Hướng dẫn sử dụng thiết bị;

b4) Bản vẽ thiết kế và mô tả về hệ thống;

b5) Quy trình vận hành chuẩn (SOP): tối thiểu bao gồm các nội dung về quy trình khởi động và vận hành hệ thống; quy trình kiểm tra hệ thống hàng ngày; tần suất và quy trình kiểm tra độ chính xác của thiết bị bằng dung dịch chuẩn; quy trình pha hóa chất, chất chuẩn và dựng đường chuẩn của các thiết bị phân tích (nếu có); tần suất và quy trình bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị quan trắc; tần suất kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị; tần suất thay thế phụ kiện, vật tư tiêu hao theo khuyến cáo của nhà sản xuất; quy trình khắc phục các lỗi, sự cố phát sinh; quy trình sao lưu dữ liệu; quy trình kiểm tra và báo cáo dữ liệu, quy định về an toàn trong vận hành hệ thống và quy trình lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải phát sinh;

b6) Các trang thiết bị và linh phụ kiện dự phòng;

b7) Sổ nhật ký vận hành hệ thống, Sổ nhật ký về hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị;

b8) Sổ tay một số lỗi thường gặp và cách khắc phục các sự cố trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống;

b9) Sổ theo dõi, kiểm tra hoạt động hàng ngày của hệ thống;

b10) Giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc của hệ thống theo quy định;

b11) Biên bản kiểm tra hệ thống bằng dung dịch chuẩn.

3. Trước khi hệ thống được đưa vào vận hành chính thức, đơn vị vận hành hệ thống phải gửi hồ sơ liên quan về Sở Tài nguyên và Môi trường, bao gồm:

a) Thông tin về đơn vị đầu tư và vận hành hệ thống: tên, địa chỉ của đơn vị;

b) Thời gian lắp đặt thiết bị (thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc) và thời gian, kết quả thực hiện việc kiểm soát chất lượng của hệ thống tuân theo quy định tại Khoản 6 Điều này;

c) Bản vẽ thiết kế và mô tả về hệ thống; danh mục thông số quan trắc và phương án lắp đặt thiết bị quan trắc (trực tiếp, gián tiếp); thông tin mô tả và hình ảnh, sơ đồ, bản đồ của vị trí quan trắc;

d) Danh mục và đặc tính kỹ thuật của các thiết bị đo và phân tích; hãng sản xuất và model thiết bị; giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị; hệ thống thu thập, lưu giữ dữ liệu quan trắc; địa chỉ IP tĩnh (giao thức truyền dữ liệu) gắn liền với hệ thống.

4. Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và kiểm tra định kỳ đối với thiết bị quan trắc tự động, liên tục

a) Thiết bị phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường;

b) Thiết bị phải được kiểm tra định kỳ bằng chất chuẩn theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng phải bảo đảm tối thiểu 01 tháng/lần bởi đơn vị vận hành hệ thống; phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của dung dịch chuẩn có sai lệch ≥ 10%. Khuyến khích kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của dung dịch chuẩn có sai lệch < 10%. Quá trình kiểm tra thiết bị bằng chất chuẩn và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị phải được ghi lại trong nhật ký vận hành hệ thống;

c) Khuyến khích kiểm tra định kỳ thông qua việc đối chứng với kết quả quan trắc các thông số trong chương trình quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở (nếu có);

d) Hoạt động bảo trì sửa chữa, thay thế linh phụ kiện phải được đơn vị vận hành hệ thống lập kế hoạch và được quy định chi tiết trong quy trình vận hành chuẩn (SOP).

5. Trường hợp cần thực hiện việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích chủ cơ sở phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Tài nguyên và Môi trường; nêu rõ kế hoạch thực hiện, thời gian kết thúc việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích;

b) Trong thời gian thiết bị quan trắc tự động ngừng hoạt động từ 48 tiếng trở lên, chủ cơ sở phải thực hiện quan trắc tối thiểu 01 lần/ngày đối với các thông số không được đo đạc bằng thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục cho tới khi thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục hoạt động trở lại. Kết quả quan trắc phải được lưu giữ và gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

6. Thực hiện kiểm soát chất lượng của hệ thống trước khi đưa vào vận hành chính thức và định kỳ 01 lần/năm bởi một đơn vị độc lập có năng lực thực hiện theo quy trình như sau:

a) Kiểm tra vị trí quan trắc đáp ứng theo quy định;

b) Kiểm tra tính năng thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của hệ thống;

c) Kiểm tra các thành phần, đặc tính kỹ thuật và tính năng khác của hệ thống;

d) Đánh giá độ chính xác tương đối của hệ thống, gồm:

d1) Thực hiện quan trắc đối chứng:

d1.1) Quan trắc đối chứng là việc quan trắc sử dụng các phương pháp quan trắc định kỳ được quy định tại Phụ lục 4.1 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc các phương pháp được Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA) chấp nhận là phương pháp tương đương để đối chứng và so sánh kết quả thu được với kết quả quan trắc của hệ thống;

d1.2) Thực hiện quan trắc đối chứng riêng biệt cho từng thông số;

d1.3) Số mẫu quan trắc đối chứng tối thiểu 06 mẫu/thông số/1 lần;

d2) Tính toán và đánh giá kết quả quan trắc đối chứng thông qua độ chính xác tương đối (RA) như sau:

d2.1) Tính toán theo quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này;

d2.2) Đánh giá kết quả RA như sau:

- Dữ liệu quan trắc của hệ thống được chấp nhận sử dụng khi RA nằm trong giới hạn cho phép tại Bảng 4 dưới đây:

Bảng 4. Giới hạn cho phép các thông số khi sử dụng để đánh giá thông qua độ chính xác tương đối

TT

Thông số

Giới hạn cho phép của RA (%)

1

pH

≤ 20

2

TSS

≤ 30

3

Độ màu

≤ 20

3

COD

≤ 20

5

N-NH4+

≤ 20

6

Tổng P

≤ 20

7

Tổng N

≤ 20

8

TOC

≤ 20

9

Clo dư

≤ 30

- Đối với các thông số không quy định tại Bảng 4, kết quả giá trị RA cho các thông số phải được gửi cho cơ quan tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động để xem xét, quyết định việc tiếp nhận và quản lý số liệu;

đ) Các thông tin kiểm soát chất lượng được ghi chép vào Biên bản kiểm tra các đặc tính kỹ thuật, tính năng và độ chính xác tương đối của hệ thống tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 36. Yêu cầu cơ bản đối với hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục

1. Thông số quan trắc: căn cứ vào đặc thù của nguồn thải, hệ thống xử lý khí thải và yêu cầu quản lý, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện các thông số quan trắc tự động theo quy định pháp luật.

2. Vị trí lỗ quan trắc:

a) Cách xác định vị trí lỗ quan trắc: tuân thủ theo quy định về xác định vị trí lỗ lấy mẫu tại Khoản 1 Mục III Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đối với những chất ô nhiễm dạng khí: trường hợp ống khói không đáp ứng đủ điều kiện để xác định được vị trí lỗ quan trắc theo quy định tại Khoản 1 Mục III Phụ lục 5 thì việc lựa chọn vị trí lỗ quan trắc phải thỏa mãn điều kiện: không ở miệng ống khói; không ở vị trí ống bị co thắt, giãn nở; không ở gần quạt đẩy, quạt hút và ưu tiên chọn nơi có dòng khí chuyển động ổn định;

c) Đối với trường hợp cơ sở có nhiều nguồn phát sinh khí thải có tính chất giống nhau được thải ra môi trường thông qua 01 ống khói chung thì có thể lựa chọn thực hiện quan trắc tự động tại ống dẫn của từng nguồn thải hoặc quan trắc tự động trên ống khói chung. Đối với trường hợp cơ sở có nhiều nguồn phát sinh khí thải có tính chất khác nhau được thải ra môi trường thông qua 01 ống khói chung thì phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động cho từng nguồn thải.

3. Thành phần cơ bản của hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục:

a) Thiết bị quan trắc tự động, liên tục: Căn cứ vào thông số và nguyên lý đo, phân tích của thiết bị quan trắc để xác định phương pháp lắp đặt thiết bị quan trắc phù hợp, cụ thể:

- Phương pháp trực tiếp trên thân ống khói (in-situ): thiết bị quan trắc được gắn trực tiếp trên thân ống khói để đo các thông số khí thải và không sử dụng ống dẫn mẫu;

- Phương pháp gián tiếp thông qua việc trích hút mẫu (extractive): mẫu khí thải được trích từ trong thân ống khói nhờ ống hút mẫu và được dẫn theo ống dẫn mẫu tới thiết bị quan trắc;

b) Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu: để thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về cơ quan nhà nước về môi trường. Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu được quy định chi tiết tại Điều 39 Thông tư này;

c) Chất chuẩn: phục vụ cho công tác kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc của hệ thống;

d) Camera: lắp đặt camera để cung cấp hình ảnh trực tuyến tại vị trí đặt các thiết bị quan trắc của hệ thống đảm bảo yêu cầu sau:

- Có camera quan sát được khí thải phát sinh từ tất cả các ống khói của cơ sở, đảm bảo quan sát được khí thải phát từ miệng các ống khói và quan sát được bộ điều khiển (data controller) lắp tại khu vực ống khói (nếu có), truyền hình ảnh về Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Có camera lắp đặt bên trong nhà trạm đảm bảo quan sát bộ điều khiển (data controller) của thiết bị quan trắc để phục vụ mục tiêu an ninh cho nhà trạm, truyền và trích xuất dữ liệu camera khi được yêu cầu;

- Camera phải bảo đảm có khả năng quay (ngang, dọc); có khả năng xem ban đêm, đảm bảo quan sát rõ ràng các đối tượng cần giám sát; có khả năng ghi lại hình ảnh theo khoảng thời gian, đặt lịch ghi hình;

đ) Yêu cầu kỹ thuật đối với các thiết bị phụ trợ khác cho hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 37. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục

Hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục tối thiểu phải đáp ứng được các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật như sau:

1. Thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục

a) Đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục của hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu tại Bảng 5 dưới đây:

Bảng 5. Đặc tính kỹ thuật thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục

STT

Thông số

Đơn vị đo

Độ chính xác

Độ phân giải

Thời gian đáp ứng

(% giá trị đọc)

(% khoảng đo)

1

Nhiệt độ

oC

± 5%

± 5%

-

≤ 120 giây

2

Áp suất

kPa

± 5%

± 5%

-

≤ 120 giây

mbar

3

NO

mg/m3

± 5%

± 5%

1 mg/m3

≤ 200 giây

ppm

1 ppm

4

NO3

mg/m3

± 5%

± 5%

1 mg/m3

≤ 300 giây

ppm

1 ppm

5

CO

mg/m3

± 5%

± 5%

1 mg/m3

≤ 200 giây

ppm

1 ppm

6

SO2

mg/m3

± 5%

± 5%

1 mg/m3

≤ 200 giây

ppm

1 ppm

7

O2

%V

± 0,5%

± 0,5%

0,1 %V

≤ 200 giây

8

H2S

mg/m3

± 5%

± 5%

0,1 mg/m3

≤ 300 giây

ppm

0,1 ppm

9

NH3

mg/m3

± 5%

± 5%

0,1 mg/m3

≤ 300 giây

ppm

0,1 ppm

10

Hơi Hg

mg/m3

± 5%

± 5%

0,1 mg/m3

≤ 900 giây

11

Bụi (PM)

mg/m3

± 10%

± 5%

0,1 mg/m3

≤ 60 giây

Trong đó:

- Về yêu cầu độ chính xác của thiết bị đo tại Bảng 5: đặc tính của thiết bị quan trắc có thể lựa chọn áp dụng độ chính xác theo giá trị đọc hoặc độ chính xác theo khoảng đo;

b) Thiết bị quan trắc tự động phải có ít nhất 01 khoảng đo có khả năng đo được giá trị ≥ 3 lần của giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được áp dụng cho cơ sở (trừ các thông số nhiệt độ, lưu lượng, áp suất);

c) Đối với thông số nhiệt độ, áp suất, bụi và lưu lượng, thiết bị đo phải gắn trên thân ống khói;

d) Đối với các thông số sử dụng phương án lắp đặt thiết bị quan trắc thông qua việc trích hút mẫu (extractive) thì hệ thống phải đáp ứng yêu cầu như sau:

d1) Ống hút mẫu (probe): làm bằng vật liệu thép không gỉ, được đặt vuông góc với thành ống khói. Ống hút mẫu có độ dài 01 m hoặc bằng 30% đường kính trong của ống khói (hoặc đường kính tương đương đối với ống khói hình chữ nhật);

d2) Ống dẫn mẫu từ vị trí lỗ quan trắc tới thiết bị quan trắc không bị co thắt, giãn nở hoặc không bị gấp khúc một góc nhỏ hơn 90 độ;

d3) Dòng khí thải đi qua ống dẫn mẫu phải được làm nóng để loại hết hơi ẩm trước khi đi vào thiết bị đo và phân tích;

đ) Khuyến khích sử dụng các thiết bị quan trắc đồng bộ, được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế: Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA), Tổ chức chứng nhận Anh (mCERTs), Cơ quan kiểm định kỹ thuật Đức (TÜV);

e) Có khả năng lưu giữ và kết xuất tự động kết quả quan trắc và thông tin trạng thái của thiết bị đo, tối thiểu bao gồm các trạng thái: đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị. Trạng thái hiệu chuẩn không áp dụng đối với các thông số nhiệt độ, áp suất, lưu lượng, bụi (PM).

2. Chất chuẩn

a) Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn thiết bị quan trắc tự động khí thải đối với các thông số quy định tại Bảng 5 (trừ các thông số nhiệt độ, bụi (PM), áp suất);

b) Đối với hệ thống quan trắc tự động sử dụng hệ trích hút mẫu (extractive), chất chuẩn phải được dẫn tới vị trí khí thải đi vào ống dẫn mẫu về sơ đồ hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục. Đối với hệ thống quan trắc trực tiếp trên ống khói thì chấp nhận cách kiểm tra bằng chất chuẩn theo hướng dẫn của nhà sản xuất;

c) Chất chuẩn phải còn hạn sử dụng, có độ chính xác tối thiểu ± 5% và phải được liên kết chuẩn theo quy định của pháp luật đo lường;

d) Nồng độ chất chuẩn phải đáp ứng trong khoảng 10%-70% khoảng đo của từng thiết bị tương ứng với từng thông số được quy định tại Bảng 5.

Điều 38. Yêu cầu về quản lý, vận hành hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục

1. Cài đặt khoảng đo của hệ thống: khi vận hành hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục để truyền số liệu về đơn vị tiếp nhận, thiết bị phải được cài đặt khoảng đo có khả năng đo được giá trị ≥ 3 lần của giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được áp dụng cho cơ sở.

2. Bảo đảm chất lượng của hệ thống:

a) Nhân lực quản lý và vận hành: phải có đủ nhân lực được đào tạo về hệ thống để thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy trì và vận hành hệ thống;

b) Hồ sơ quản lý liên quan đến hệ thống phải được lưu giữ tại đơn vị vận hành hệ thống và sẵn sàng xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ quản lý hệ thống bao gồm:

b1) Danh mục các thông số quan trắc;

b2) Danh mục, đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc của hệ thống;

b3) Hướng dẫn sử dụng thiết bị;

b4) Bản vẽ thiết kế và mô tả về hệ thống;

b5) Quy trình vận hành chuẩn (SOP): tối thiểu bao gồm các nội dung về quy trình khởi động và vận hành hệ thống; quy trình kiểm tra hệ thống hàng ngày; quy trình kiểm tra ống dẫn mẫu và kiểm tra bằng khí chuẩn (với tần suất 01 tháng/lần); tần suất và quy trình bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị quan trắc; tần suất kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị; tần suất thay thế phụ kiện, vật tư tiêu hao theo khuyến cáo của nhà sản xuất; quy trình khắc phục các lỗi, sự cố phát sinh; quy trình sao lưu dữ liệu; quy trình kiểm tra và báo cáo dữ liệu, quy định về an toàn trong vận hành hệ thống và quy trình lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải phát sinh;

b6) Các trang thiết bị và linh phụ kiện dự phòng;

b7) Sổ nhật ký vận hành hệt thống, Sổ nhật ký về hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị;

b8) Sổ tay một số lỗi thường gặp và cách khắc phục các sự cố trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống;

b9) Sổ theo dõi, kiểm tra hoạt động hàng ngày của hệ thống;

b10) Giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc của hệ thống theo quy định;

b11) Biên bản kiểm tra hệ thống bằng chất chuẩn.

3. Trước khi hệ thống được đưa vào vận hành chính thức, đơn vị vận hành hệ thống phải gửi hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường, bao gồm:

a) Thông tin về đơn vị vận hành hệ thống: tên và địa chỉ, loại hình sản xuất, dây chuyền công nghệ, công suất thiết kế;

b) Thời gian lắp đặt thiết bị (thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc) và thời gian, kết quả kiểm soát chất lượng của hệ thống theo quy định tại Khoản 6 Điều này;

c) Bản vẽ thiết kế và mô tả về hệ thống; danh mục thông số quan trắc và phương án lắp đặt thiết bị quan trắc; thông tin về ống khói (chiều cao, đường kính), vị trí và hình ảnh lỗ quan trắc trên ống khói;

d) Danh mục và đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc, ống hút mẫu; hãng sản xuất và model thiết bị; giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị; hệ thống thu thập, lưu giữ dữ liệu quan trắc; tên hệ thống và địa chỉ IP tĩnh gắn liền với hệ thống.

4. Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và kiểm tra định kỳ đối với thiết bị quan trắc tự động, liên tục

a) Thiết bị phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường;

b) Thiết bị (trừ thiết bị đo nhiệt độ, áp suất, bụi PM) phải được kiểm tra định kỳ bằng chất chuẩn theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng phải bảo đảm tối thiểu 01 tháng/lần bởi đơn vị vận hành hệ thống; phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo theo quy định khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của chất chuẩn có sai lệch ≥ 10%. Khuyến khích thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị nồng độ của chất chuẩn có sai lệch < 10%. Quá trình kiểm tra thiết bị bằng mẫu chuẩn và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị phải được ghi lại trong nhật ký vận hành;

c) Khuyến khích kiểm tra định kỳ các các thiết bị quan trắc tự động thông qua việc đối chứng với kết quả quan trắc các thông số trong chương trình quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở (nếu có);

d) Đối với các thiết bị đo nhiệt độ, áp suất, bụi PM, lưu lượng, đơn vị vận hành hệ thống thực hiện kiểm tra định kỳ thông qua việc đối chứng với kết quả quan trắc các thông số này trong chương trình quan trắc môi trường định kỳ của cơ sở (nếu có); phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo theo quy định khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị đo trong chương trình quan trắc môi trường định kỳ có sai lệch ≥ 10%. Khuyến khích thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn lại thiết bị đo khi giá trị đo được trên thiết bị đo so với giá trị đo trong chương trình qua trắc môi trường định kỳ có sai lệch < 10%. Quá trình kiểm tra thiết bị và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị phải được ghi lại trong nhật ký vận hành;

đ) Hoạt động bảo trì sửa chữa, thay thế linh phụ kiện phải được đơn vị vận hành hệ thống lập kế hoạch và được quy định chi tiết trong quy trình vận hành chuẩn (SOP).

5. Trường hợp cần thực hiện việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích chủ cơ sở phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Tài nguyên và Môi trường trong đó nêu rõ kế hoạch thực hiện, thời gian kết thúc việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích;

b) Trong thời gian thiết bị quan trắc tự động ngừng hoạt động từ 48 giờ trở lên thì thực hiện quan trắc (đối với các thông số thuộc nhóm bắt buộc phải quan trắc tự động theo quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước) như sau:

- Chủ cơ sở phải thực hiện quan trắc tối thiểu 01 lần/02 ngày đối với các thông số khí thải không được đo đạc bằng thiết bị quan trắc tự động, liên tục cho tới khi thiết bị quan trắc tự động, liên tục hoạt động trở lại;

- Chủ cơ sở phải thực hiện quan trắc tối thiểu 01 lần/07 ngày đối với thông số bụi (PM) không được đo đạc bằng thiết bị quan trắc tự động, liên tục cho tới khi thiết bị quan trắc tự động, liên tục hoạt động trở lại;

- Sau khi hoàn thành việc đo đạc, phân tích, kết quả quan trắc phải được lưu giữ và gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

6. Thực hiện kiểm soát chất lượng của hệ thống trước khi đưa vào vận hành chính thức và định kỳ 01 lần/năm bởi một đơn vị độc lập có đủ năng lực thực hiện theo quy trình như sau:

a) Kiểm tra vị trí lỗ quan trắc: đáp ứng theo quy định tại Khoản 2 Điều 36;

b) Kiểm tra ống hút mẫu (probe): đáp ứng theo quy định tại Điểm d1 Khoản 1 Điều 37;

c) Kiểm tra ống dẫn mẫu: sử dụng khí chuẩn để kiểm tra ống dẫn mẫu theo quy định tại Điểm d2 Khoản 1 Điều 37. Trong thời gian đo khí chuẩn toàn bộ hệ thống bơm và thiết bị quan trắc vẫn hoạt động ở chế độ tương tự như chế độ đo và phân tích dòng khí thải, cụ thể như sau:

c1) Thời gian đo để kiểm tra bằng chất chuẩn tối thiểu là 20 phút/lần đo;

c2) Kết quả đo chất chuẩn nếu có sai khác ≤ 5% so với giá trị nồng độ chất chuẩn thì đạt yêu cầu về ống dẫn mẫu. Sau khi tiến hành kiểm tra, lưu lại thông tin về kết quả kiểm tra bằng chất chuẩn;

d) Kiểm tra tính năng đo và trả kết quả theo đơn vị mg/m3 đối với các thiết bị quan trắc thông số ô nhiễm;

đ) Kiểm tra tính năng thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động liên tục của hệ thống;

e) Kiểm tra thành phần, tính năng khác của hệ thống;

g) Đánh giá độ chính xác tương đối của hệ thống gồm:

g1) Thực hiện quan trắc đối chứng:

g1.1) Quan trắc đối chứng là việc quan trắc sử dụng các phương pháp quan trắc định kỳ được quy định tại Phụ lục 4.2 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc được Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA) chấp nhận là phương pháp tương đương để đối chứng và so sánh kết quả thu được với kết quả quan trắc của hệ thống;

g1.2) Thực hiện quan trắc đối chứng riêng biệt cho từng thông số;

g1.3) Thực hiện lấy mẫu quan trắc đối chứng ít nhất 06 mẫu/thông số/01 lần thực hiện quan trắc đối chứng;

g1.4) Trong thời gian thực hiện quan trắc đối chứng, công suất hoạt động của cơ sở phải bảo đảm tối thiểu 50% công suất thiết kế;

g2) Đánh giá kết quả quan trắc đối chứng thông qua độ chính xác tương đối (RA) như sau:

g2.1) Tính toán kết quả quan trắc đối chứng, sử dụng kết quả quan trắc đối chứng giữa hệ thống và phương pháp quan trắc đối chứng để tính toán: độ sai khác, độ lệch chuẩn, hệ số tin cậy và độ chính xác tương đối (RA) cho từng thiết bị và từng thông số riêng biệt theo Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này;

g2.2) Đánh giá kết quả RA như sau:

- Dữ liệu quan trắc của hệ thống được chấp nhận sử dụng khi RA ≤ 20%;

- Đối với các thông số không quy định tại Bảng 5, kết quả giá trị RA cho các thông số phải được gửi cơ quan tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động để xem xét, quyết định việc nhận và quản lý số liệu;

h) Các thông tin kiểm soát chất lượng được ghi chép vào Biên bản kiểm tra các đặc tính kỹ thuật, tính năng và độ chính xác tương đối của hệ thống tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương VIII

YÊU CẦU VỀ VIỆC NHẬN, TRUYỀN VÀ QUẢN LÝ DỮ LIỆU QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TỰ ĐỘNG LIÊN TỤC

Điều 39. Yêu cầu đối với hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu (data logger) tại các trạm, hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục

Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại các trạm, hệ thống có lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường (chất lượng nước, chất lượng không khí xung quanh, nước thải, khí thải) tự động, liên tục phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như sau:

1. Nhận, lưu giữ và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tại data logger

a) Hệ thống phải kết nối trực tiếp đến các thiết bị đo, phân tích, bộ điều khiển (data controller), hệ thống lấy mẫu tự động (nếu có), không kết nối thông qua thiết bị khác;

b) Tín hiệu đầu ra của hệ thống là dạng số (digital);

c) Bảo đảm lưu giữ liên tục ít nhất là 60 ngày dữ liệu gần nhất. Các dữ liệu lưu giữ tối thiểu gồm: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo, thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị);

d) Đối với các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, các cổng kết nối không sử dụng để truyền, nhận dữ liệu về cơ quan quản lý phải được niêm phong bởi cơ quản quản lý nhà nước tại địa phương;

đ) Bảo đảm hiển thị các thông tin bao gồm: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo (theo đơn vị được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng để so sánh), thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo và trích xuất dữ liệu tại hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu;

2. Truyền dữ liệu quan trắc môi trường

a) Truyền dữ liệu theo phương thức FTP hoặc FTPs hoặc sFTP tới địa chỉ máy chủ bằng tài khoản và địa chỉ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp; đường truyền internet tối thiểu ở mức 30Mb/s. Trường hợp đơn vị truyền và đơn vị tiếp nhận đủ khả năng đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật, khuyến khích việc sử dụng các phương thức truyền dữ liệu hiện đại hơn phương thức quy định;

b) Dữ liệu phải được truyền theo thời gian thực chậm nhất sau 05 phút khi kết quả quan trắc được hệ thống trả ra, mỗi lần 01 tệp dữ liệu và các tệp này được lưu giữ vào các thư mục. Đối với các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, dữ liệu phải được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường từ địa chỉ IP tĩnh đã thông báo với Sở Tài nguyên và Môi trường;

c) Bảo đảm đồng bộ thời gian thực theo chuẩn quốc tế múi giờ Việt Nam (GMT+7);

d) Trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn, ngay sau khi phục hồi, hệ thống phải tự động thực hiện truyền các dữ liệu của khoảng thời gian bị gián đoạn. Trong trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn quá 12 tiếng, đơn vị vận hành hệ thống phải có thông báo ngay bằng văn bản và thư điện tử (email) về nguyên nhân, các biện pháp khắc phục về sự cố gián đoạn này với Cơ quan tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục;

đ) Cho phép nhận tín hiệu điều khiển việc lấy mẫu tự động từ xa (nếu có) và lấy dữ liệu khi có yêu cầu.

3. Định dạng và nội dung tệp dữ liệu

a) Dữ liệu được định dạng theo dạng tệp; *.txt;

b) Nội dung tệp dữ liệu bao gồm 05 thông tin chính: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo, thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị). Cấu trúc, nội dung, quy định tên của tệp dữ liệu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Thông tin từ các camera được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng phương thức truyền RTSP. Dữ liệu camera phải được lưu trữ tối thiểu trong thời gian 03 tháng.

4. Bảo mật và tính toàn vẹn của dữ liệu

a) Sau khi hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đi vào hoạt động chính thức, hệ thống data logger phải được kiểm soát truy cập bằng tài khoản và mật khẩu, các cổng kết nối phải được niêm phong. Tài khoản, mật khẩu tối cao (Admin, Host, Superhost, Master, Supervisor) của data logger phải được cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc quản lý, kiểm soát các cổng kết nối, cấu hình và quá trình nâng cấp phần mềm điều khiển (firmware) của data logger;

b) Cơ sở và các đơn vị vận hành hệ thống phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về bảo mật, tính toàn vẹn của dữ liệu, tài khoản truy cập máy chủ FTP và địa chỉ IP tĩnh nơi truyền dữ liệu.

Điều 40. Yêu cầu đối với hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại các Sở Tài nguyên và Môi trường

Hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại Sở Tài nguyên và Môi trường tối thiểu đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Tiếp nhận và quản lý dữ liệu từ cơ sở

a) Có tối thiểu 02 máy chủ có cấu hình tối thiểu như sau: bộ vi xử lý 2,5 GHz; bộ nhớ trong (RAM) 64 GB; ổ cứng 2 TB;

b) Đường truyền internet tối thiểu ở mức 30 Mb/s;

c) Phải có địa chỉ IP tĩnh và thông báo địa chỉ IP tĩnh này với Bộ Tài nguyên và Môi trường;

d) Có tối thiểu 02 màn hình (tối thiểu 40 inch) phục vụ hiển thị, theo dõi và giám sát dữ liệu quan trắc tự động liên tục theo thời gian thực;

đ) Cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ FTP để cơ sở truyền dữ liệu và cho phép cơ sở xem được các file dữ liệu mà cơ sở đã truyền lên trong 03 năm gần nhất;

e) Dữ liệu nhận được tại Sở Tài nguyên và Môi trường phải được xác thực theo địa chỉ IP tĩnh của cơ sở và tài khoản truy cập FTP đã được cấp cho cơ sở;

g) Có trách nhiệm thiết lập, quản lý tài khoản và mật khẩu truy cập hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục của cơ sở.

2. Yêu cầu về quản lý dữ liệu

a) Phải có cơ sở dữ liệu bảo đảm lưu giữ dữ liệu từ tất cả các trạm, hệ thống quan trắc tự động liên tục trên địa bàn tỉnh để quản lý tối thiểu những thông tin cơ bản: tên trạm/hệ thống, thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo, thời gian đo và trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị);

b) Phải sử dụng phần mềm do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển và cung cấp để truyền dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Yêu cầu truyền dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Tổng cục Môi trường)

a) Dữ liệu truyền về bao gồm: dữ liệu quan trắc và dữ liệu từ camera giám sát;

b) Dữ liệu quan trắc được định dạng theo dạng tệp *.txt;

c) Kết nối và truyền dữ liệu qua phương thức FTP hoặc FTPs hoặc sFTP tới địa chỉ máy chủ bằng tài khoản và địa chỉ FTP do Tổng cục Môi trường cung cấp. Trường hợp các Sở Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường đủ khả năng đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật, khuyến khích sử dụng các phương thức truyền dữ liệu hiện đại hơn phương thức quy định;

d) Truyền dữ liệu quan trắc tự động theo tần suất 01 lần/giờ về Bộ Tài nguyên và Môi trường và chậm nhất 10 ngày khi có yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dữ liệu quan trắc truyền về là giá trị trung bình 01 giờ theo giờ chẵn (1:00 giờ, 2:00 giờ, 3:00 giờ… 24:00 giờ) của các thông số. Nội dung tệp dữ liệu về giá trị trung bình 01 giờ bao gồm các thông tin chính: thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo, thời gian đo, trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị). Cấu trúc, nội dung, quy định tên của tệp dữ liệu về giá trị đo trung bình 01 giờ theo quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm nhu cầu cung cấp, sử dụng thông tin và đạt tối thiểu 80% tổng số kết quả quan trắc đối với từng thông số quan trắc;

e) Bảo đảm đồng bộ thời gian thực theo chuẩn quốc tế múi giờ Việt Nam (GMT+7);

g) Trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn, ngay sau khi phục hồi, hệ thống phải tự động thực hiện truyền các dữ liệu của khoảng thời gian bị gián đoạn. Trong trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn quá 12 tiếng, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử (email) về nguyên nhân, các biện pháp khắc phục về sự cố gián đoạn này với Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Tổng cục Môi trường);

h) Sở Tài nguyên và Môi trường phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về bảo mật, tính toàn vẹn của dữ liệu, tài khoản truy cập máy chủ FTP và địa chỉ IP tĩnh của cơ sở.

Điều 41. Yêu cầu đối với hệ thống truyền, nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục tại Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hệ thống nhận, quản lý dữ liệu tại Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

1. Tiếp nhận, lưu giữ dữ liệu

a) Có tối thiểu 03 máy chủ, mỗi máy chủ có cấu hình tối thiểu như sau: bộ vi xử lý 2,5 GHz; Bộ nhớ trong (RAM) 256 GB; ổ cứng 20 TB;

b) Bảo đảm đường truyền internet tốc độ tối thiểu là 100 Mb/s và có địa chỉ IP tĩnh;

c) Có tối thiểu 08 màn hình (tối thiểu 40 inch) phục vụ hiển thị, theo dõi và giám sát dữ liệu quan trắc tự động liên tục theo thời gian thực;

d) Cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ FTP để Sở Tài nguyên và Môi trường truyền dữ liệu;

đ) Kết quả quan trắc từ các trạm, hệ thống quan trắc môi trường tự động truyền trực tiếp về Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm nhu cầu cung cấp, sử dụng thông tin và đạt tối thiểu 80% tổng số kết quả quan trắc đối với từng thông số của trạm, hệ thống quan trắc.

2. Yêu cầu về quản lý dữ liệu

a) Có cơ sở dữ liệu để lưu giữ và quản lý dữ liệu từ tất cả các trạm, hệ thống quan trắc tự động với những thông tin tối thiểu sau: tên trạm/hệ thống, thông số đo, kết quả đo, đơn vị đo, thời gian đo và trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị);

b) Có phần mềm đáp ứng các chức năng tối thiểu sau: trích xuất dữ liệu theo hình thức bảng biểu, biểu đồ; quản lý, hiển thị dữ liệu (tên trạm/hệ thống, thông số, thời gian, đơn vị đo, kết quả đo và trạng thái của thiết bị đo (đang đo, hiệu chuẩn và báo lỗi thiết bị); tính toán so sánh và biên tập dữ liệu (tính toán giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, giá trị trung bình, so sánh kết quả đo với QCVN); theo dõi và cảnh báo trực tuyến (kết quả đo vượt giá trị giới hạn quy định tại QCVN, gián đoạn trong truyền dữ liệu); quản trị hệ thống (tạo và phân quyền các tài khoản);

c) Yêu cầu nhận dữ liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường: dữ liệu nhận được phải xác thực theo địa chỉ IP tĩnh của Sở Tài nguyên và Môi trường và tài khoản truy cập FTP đã được cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Yêu cầu về truyền dữ liệu từ các trạm quan trắc chất lượng nước, chất lượng không khí tự động, liên tục do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý:

a) Truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước, chất lượng không khí phải bảo đảm nhu cầu cung cấp, sử dụng thông tin và đạt tối thiểu 80% tổng số kết quả quan trắc dự kiến của trạm quan trắc;

b) Trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn, ngay sau khi phục hồi, hệ thống phải tự động thực hiện truyền các dữ liệu của khoảng thời gian bị gián đoạn. Trong trường hợp việc truyền dữ liệu bị gián đoạn quá 12 tiếng, các đơn vị được giao quản lý, vận hành trạm phải có thông báo bằng văn bản và thư điện tử (email) về nguyên nhân, các biện pháp khắc phục về sự cố gián đoạn này với Tổng cục Môi trường, nêu rõ kế hoạch thực hiện, thời gian khắc phục về sự cố gián đoạn hoặc kế hoạch thực hiện việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo và phân tích.

Chương IX

QUẢN LÝ, CUNG CẤP, CHIA SẺ THÔNG TIN, DỮ LIỆU QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG

Điều 42. Dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường

1. Dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường gồm: kết quả quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, kết quả quan trắc chất lượng môi trường tự động, liên tục của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường theo quy định.

2. Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường, bao gồm: báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường theo đợt và theo năm (đối với quan trắc định kỳ); báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường theo quý và năm (đối với quan trắc tự động, liên tục).

3. Hình thức dữ liệu, báo cáo quan trắc chất lượng môi trường:

a) Định dạng dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường: dữ liệu quy định tại Khoản 1 Điều 42 Thông tư này được lưu trong tệp (file) máy tính định dạng word (.doc hoặc .docx) đối với báo cáo quan trắc chất lượng môi trường; dạng file excel (.xls hoặc .xlsx) đối với kết quả quan trắc định kỳ; file text đối với kết quả quan trắc tự động, liên tục;

b) Mẫu báo cáo kết quả quan trắc định kỳ thực hiện theo quy định tại Biểu A1, Biểu A2; mẫu báo cáo kết quả quan trắc tự động, liên tục thực hiện theo quy định tại Biểu A3, Biểu A4 Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 43. Chế độ báo cáo dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường

1. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được giao kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường quốc gia có trách nhiệm gửi Tổng cục Môi trường báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường theo năm (đối với quan trắc định kỳ và quan trắc tự động, liên tục) quy định tại Khoản 2 Điều 42 Thông tư này. Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường theo năm phải được gửi trước ngày 15 tháng 2 của năm tiếp theo. Báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ theo đợt và báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường tự động, liên tục theo quý được lưu giữ tại đơn vị.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Tổng cục Môi trường) báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường theo năm (đối với quan trắc định kỳ và quan trắc tự động, liên tục) quy định tại Khoản 2 Điều 42 Thông tư này trước ngày 15 tháng 2 của năm tiếp theo. Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường định kỳ theo đợt và báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường liên tục theo quý được lưu giữ tại đơn vị.

3. Các báo cáo kết quả quan trắc phải có chữ ký, đóng dấu của cơ quan báo cáo, gửi 01 bản đến cơ quan tiếp nhận thông qua Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử hoặc gửi trực tiếp báo cáo được đóng quyển. Trường hợp gửi trực tiếp bằng báo cáo đóng quyển thì gửi kèm các tệp báo cáo được gửi qua thư điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.

Điều 44. Quản lý, lưu trữ cung cấp và chia sẻ số liệu quan trắc môi trường

1. Cơ quan được giao quản lý dữ liệu quan trắc môi trường có trách nhiệm lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Tổng cục Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường địa phương đảm bảo thống nhất, đồng bộ và liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Định kỳ hàng năm, Tổng cục Môi trường cập nhật, công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường.

4. Định kỳ hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật, công bố kết quả quan trắc môi trường của địa phương trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.

5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, quan trắc môi trường cấp tỉnh khi thực hiện quan trắc chất lượng môi trường phục vụ mục đích công bố, công khai thông tin phải tuân thủ các quy định về yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường tại Thông tư này và các quy định pháp luật về công bố, công khai thông tin.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 45. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2021, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Chương III Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

3. Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường và Chương III Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường hết hiệu lực thi hành kể từ khi Thông tư này có hiệu lực.

Điều 46. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các phương pháp, kỹ thuật quan trắc đã được chứng nhận trong các Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường được tiếp tục sử dụng cho tới khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực; khuyến khích các Tổ chức có Giấy chứng nhận còn hiệu lực đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận theo các phương pháp, kỹ thuật quan trắc quy định tại Thông tư này.

2. Các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục quy định tại Khoản 1 Điều 29 Thông tư này, trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục và các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đã được đầu tư, vận hành trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật tại Thông tư này được tiếp tục sử dụng trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Sau 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các thiết bị này phải được nâng cấp, thay thế bởi các thiết bị đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Thông tư này.

Điều 47. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Môi trường) để kịp thời xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Tuấn Nhân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.