• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/10/2023
HĐND TỈNH BÌNH THUẬN
Số: 13/2023/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 10 tháng 10 năm 2023

NGHỊ QUYẾT
Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 17 (CHUYÊN ĐỀ)


Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm  2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 củan Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ;
Căn cứ Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018;

Xét Tờ trình số 3575/TTr-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 111/BC-HĐND ngày 02 tháng 10 năm 2023 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.


QUYẾT NGHỊ:


Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, kỳ họp thứ 17 (chuyên đề) thông qua ngày 10 tháng 10 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2023./.

CHỦ TỊCH

Nguyễn Hoài Anh

QUY ĐỊNH
Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh

(Kèm theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng được cử đi đào tạo
a) Cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện; công chức xã, phường, thị trấn.
b) Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
2. Đối tượng được cử đi bồi dưỡng
a) Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
b) Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố; chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong các cơ sở tôn giáo được tỉnh phê duyệt danh sách.
3. Đối tượng được thu hút
a) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
b) Người có trình độ thạc sĩ.
c) Người có trình độ tiến sĩ.
d) Chuyên gia trong nước.
4. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh.

5. Nghị quyết này không áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Danh mục các ngành, lĩnh vực cần đào tạo sau đại học, thu hút
1. Chuyển đổi số, công nghệ số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
2. Quản lý hành chính, quản lý văn hóa, quản lý đô thị, quản lý xây dựng, quản trị tài chính, quản lý và phát triển nguồn nhân lực, quản lý tài nguyên, môi trường.
3. Quy hoạch và phát triển đô thị, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển đô thị thông minh, kiến trúc, công trình phòng chống thiên tai, xử lý sự cố môi trường.
4. Nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng, chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản, chế biến và bảo quản thực phẩm; công nghệ sau thu hoạch; bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, luyện kim, y khoa.
5. Du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể thao, dịch vụ và lữ hành.
6. Dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải, hàng không và xuất nhập khẩu (logistics), thương mại quốc tế.

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhân lực chất lượng cao là người làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, được các Trường Đại học và tương đương hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp tỉnh trở lên khẳng định giỏi chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị qua thực tiễn.
2. Chuyên gia trong nước là những người tinh thông về một ngành chuyên môn khoa học, kỹ thuật và được các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo có uy tín hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh trở lên của Việt Nam giới thiệu, tiến cử bằng văn bản
.

Chương II
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TRONG NƯỚC


Điều 5. Đào tạo đại học
1. Đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đào tạo
Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Quy định này được cử đi đào tạo đại học khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn hoặc theo yêu cầu về chuẩn hóa trình độ chuyên môn.

b) Không trong thời hạn xử lý kỷ luật.
c) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ học phí: Hỗ trợ 100% học phí theo hóa đơn, biên lai thu học phí của cơ sở đào tạo.
b) Hỗ trợ nghiên cứu, học tập: 1.500.000 đồng/tháng thực học.
c) Hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Điều 6. Đào tạo sau đại học
1. Điều kiện cử đi đào tạo
Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Quy định này được cử đi đào tạo sau đại học khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đáp ứng điều kiện tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
b) Không trong thời hạn xử lý kỷ luật.
c) Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đào tạo hằng năm, chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực cần đào tạo sau đại học, thu hút.
d) Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ, có nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý cử đi học lên trình độ tiến sĩ ở những ngành, lĩnh vực cần đào tạo sau đại học, thu hút thì tiếp tục được cử đi đào tạo.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ học phí: Hỗ trợ 100% học phí theo hóa đơn, biên lai thu học phí của cơ sở đào tạo.
b) Hỗ trợ chi phí nghiên cứu, học tập:
Trình độ tiến sĩ: Hỗ trợ 220.000.000 đồng/học viên/khóa học.
Trình độ thạc sĩ: Hỗ trợ 120.000.000 đồng/học viên/khóa học.
c) Hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND.

Điều 7. Đào tạo trung cấp lý luận chính trị
1. Đối tượng hỗ trợ
Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ học phí: Hỗ trợ 100% học phí theo biên lai thu học phí của cơ sở đào tạo.
b) Hỗ trợ tiền tài liệu: Hỗ trợ 100% tiền tài liệu học tập bắt buộc theo hóa đơn, biên lai thu tiền của cơ sở đào tạo.
c) Các khoản chi phí khác, gồm:
Hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung theo từng đợt học: học trong tỉnh hưởng 40.000 đồng/ngày thực học; học ngoài tỉnh hưởng 50.000 đồng/ngày thực học.
Hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập: Theo giá vé phương tiện vận tải hành khách theo quy định tại thời điểm cử đi đào tạo gồm một lượt đi và về theo từng đợt học, các ngày nghỉ lễ trong năm theo quy định của Chính phủ, các ngày nghỉ tết (Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số).
Hỗ trợ thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ trong những ngày đi học tập trung theo từng đợt học tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo và đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ): 300.000 đồng/người/ngày
.
Không hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, tiền thuê chỗ nghỉ khi tham gia đào tạo theo hình thức trực tuyến.
Điều 8. Khuyến khích trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị
Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi cử đi đào tạo lý luận chính trị, tốt nghiệp xếp loại giỏi trở lên được khuyến khích như sau:
1. Đào tạo cao cấp lý luận chính trị
Mức khuyến khích: 12.000.000 đồng/người.
2. Đào tạo trung cấp lý luận chính trị
Mức khuyến khích: 6.000.000 đồng/người.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người được cử đi đào tạo
1. Quyền của người được cử đi đào tạo
Được tiếp nhận, phân công, bố trí vào các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh sau khi hoàn thành khóa học.
2. Nghĩa vụ của người được cử đi đào tạo

a) Chấp hành nghiêm quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành khóa đào tạo theo đúng tiến độ.
b) Chịu sự quản lý và phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành khóa học.

Điều 10. Đền bù kinh phí đào tạo
Việc đền bù kinh phí đào tạo được thực hiện theo quy định từ Điều 7 đến Điều 14 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Điều 11. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, tin học, tiếng dân tộc, lý luận chính trị
1. Đối tượng hỗ trợ
Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố; chức sắc, chức việc tôn giáo, người
có uy tín trong các cơ sở tôn giáo được tỉnh phê duyệt danh sách.
2. Mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ học phí: Hỗ trợ 100% học phí theo hoá đơn, biên lai của cơ sở bồi dưỡng hoặc theo hợp đồng bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền ký kết.
b) Hỗ trợ một phần tiền ăn:
Các lớp tổ chức ở trong tỉnh: Mức hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày.
Các lớp tổ chức ở ngoài tỉnh: Mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày.
c) Các khoản chi phí khác, gồm:
Hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập: Theo giá vé phương tiện vận tải hành khách theo quy định tại thời điểm cử đi bồi dưỡng gồm một lượt đi và về, các ngày nghỉ lễ trong năm theo quy định của Chính phủ, các ngày nghỉ tết (Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số).
Hỗ trợ thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ (trong trường hợp cơ sở bồi dưỡng và đơn vị tổ chức bồi dưỡng xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ): 300.000 đồng/người/ngày.


Chương III
CHÍNH SÁCH THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRONG NƯỚC VỀ CÔNG TÁC TẠI TỈNH


Điều 12. Điều kiện thu hút
1. Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi và phù hợp với ngành, lĩnh vực cần đào tạo sau đại học, thu hút (trừ đối tượng quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 2 Quy định này).

3. Còn ít nhất 120 tháng công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (đối với trường hợp thu hút vào làm công chức, viên chức).
4. Có lý lịch rõ ràng; không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Điều 13. Quyền lợi của người được thu hút
1. Thu hút vào làm công chức, viên chức
a) Được hưởng chế độ thu hút theo quy định tại Điều 15 Quy định này.
b) Được tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức, viên chức và bố trí phù hợp với chuyên môn đào tạo.
2. Thu hút theo hình thức mời chuyên gia
a) Được hưởng chế độ thu hút theo quy định tại Điều 16 Quy định này.
b) Được thống nhất thời gian thực hiện dự án.
c) Được quyết định các nội dung chuyên môn liên quan đến dự án.
d) Được tạo điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; được đề nghị bổ sung hoặc giới thiệu nhân sự để cùng tham gia dự án.

Điều 14. Nghĩa vụ của người được thu hút
1. Thu hút vào làm công chức, viên chức
a) Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức.
b) Có cam kết công tác lâu dài tại tỉnh 10 năm (đủ 120 tháng). Hình thức cam kết bằng hợp đồng dân sự.
c) Chịu sự quản lý và phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền.
2. Thu hút theo hình thức mời chuyên gia
Thực hiện theo những nội dung đã ký kết theo hợp đồng dân sự.

Điều 15. Chế độ thu hút vào làm công chức, viên chức
Người thu hút vào làm công chức, viên chức được hưởng chế độ theo một trong hai hình thức, cụ thể:
1. Trường hợp nhận chế độ một lần
a) Đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc: 600.000.000 đồng.
b) Đối với thạc sĩ: 700.000.000 đồng.
c) Đối với tiến sĩ: 800.000.000 đồng.
2. Trường hợp nhận chế độ hằng năm, trong thời gian 10 năm
a) Đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc: 60.000.000 đồng/năm.
b) Đối với thạc sĩ: 70.000.000 đồng/năm.

c) Đối với tiến sĩ: 80.000.000 đồng/năm.
Điều 16. Chế độ thu hút theo hình thức mời chuyên gia
1. Được hưởng tiền thu hút: 80.000.000 đồng/tháng (22 ngày thực tế làm việc).
2. Được thanh toán tiền thuê chỗ ở: 1.000.000 đồng/ngày thực tế làm việc.
3. Được thanh toán chi phí đi lại 1 lượt (đi và về) từ nơi ở đến nơi làm việc/ngày thực tế làm việc, theo giá vé phương tiện vận tải hành khách công cộng hiện hành tại tỉnh.
4. Được khuyến khích bằng tiền khi hoàn thành dự án: Mỗi một dự án hoàn thành, nghiệm thu đạt yêu cầu, được hưởng khuyến khích 0,5% tổng kinh phí chi trả cho dự án đó, nhưng không quá 1.000.000.000 đồng/người/dự án.
Trường hợp có nhiều chuyên gia cùng tham gia 01 dự án thì thực hiện mức khuyến khích cho nhóm bằng 0,5% tổng kinh phí chi trả cho dự án đó, nhưng không quá 1.500.000.000 đồng/nhóm/dự án.

Điều 17. Đền bù kinh phí thu hút
1. Thu hút vào làm công chức, viên chức
a) Đối với người hưởng chế độ thu hút 01 lần
Trong thời gian thực hiện cam kết, người hưởng chế độ thu hút có năm xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ cộng thêm thời gian cam kết phục vụ tương ứng với số năm xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ.
Người hưởng chế độ thu hút tự ý bỏ việc; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; không thực hiện theo sự phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền thì đền bù số tiền thu hút đã nhận. Việc thực hiện đền bù theo cách tính như sau:

S = F\120 x (120 - T1)

Trong đó:
S là tổng số tiền đền bù cho ngân sách nhà nước (đơn vị tính: đồng).
F là tổng số tiền thu hút đã nhận 01 lần (đơn vị tính: đồng).
T1 là tổng số tháng đã phục vụ theo cam kết.
b) Đối với người hưởng chế độ thu hút hằng năm
Trong thời gian thực hiện cam kết, người hưởng chế độ thu hút có năm xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ thì không hưởng chế độ thu hút của năm đó.
Trường hợp tự ý bỏ việc; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; không thực hiện theo sự phân công, 
bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền thì đền bù số tiền thu hút đã nhận của năm đang thực hiện cam kết. Việc thực hiện đền bù theo cách tính như sau:

S = F\12 x (12 - T2)

Trong đó:
S là số tiền đền bù cho ngân sách nhà nước (đơn vị tính: đồng).
F là tổng số tiền thu hút đã nhận trong năm (đơn vị tính: đồng).
T2 là tổng số tháng đã phục vụ trong năm nhận tiền thu hút để tính đền bù.
c) Trường hợp người hưởng chế độ thu hút không thể tiếp tục công tác theo cam kết vì những nguyên nhân khách quan theo quy định của pháp luật hiện hành thì không đền bù kinh phí thu hút.
2. Thu hút theo hình thức mời chuyên gia
a) Cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng, dừng áp dụng các chế độ thu hút và người được thu hút phải hoàn trả ngân sách tỉnh toàn bộ kinh phí thu hút đã được nhận khi thực hiện không đúng các nội dung đã ký kết hoặc thực hiện không đạt yêu cầu, không hiệu quả theo hợp đồng
.
b) Trường hợp dự án được chia thành nhiều giai đoạn, đã hoàn thành một số giai đoạn theo ký kết thì chỉ hoàn trả ngân sách khoản kinh phí thu hút đã được nhận trong giai đoạn không đạt yêu cầu, không hiệu quả.
c) Trường hợp không thể tiếp tục thực hiện những nội dung đã ký kết hợp đồng vì những nguyên nhân khách quan theo quy định của pháp luật hiện hành thì không đền bù kinh phí thu hút.


Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 18. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Kinh phí hỗ trợ đào tạo cán bộ, công chức và kinh phí thực hiện thu hút nguồn nhân lực do ngân sách nhà nước cấp.
2. Kinh phí hỗ trợ đào tạo viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: Chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Kinh phí hỗ trợ đào tạo viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Chi từ các nguồn tài chính của đơn vị, từ Quỹ phát triển hoạt 
động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Kinh phí hỗ trợ nghiên cứu, học tập sau đại học của cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh cử đi đào tạo do các cơ quan, đơn vị và địa phương có người đi học lập dự toán và quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp từ nguồn
kinh phí đào tạo ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện theo phân cấp.
5. Kinh phí hỗ trợ đào tạo đại học cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn hoặc theo yêu cầu về chuẩn hóa trình độ chuyên môn do ngân sách nhà nước cấp.
6. Kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố; chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong các cơ sở tôn giáo được tỉnh phê duyệt danh sách do ngân sách nhà nước cấp.

Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ, công chức, viên chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí và đang tổ chức thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì tiếp tục thực hiện theo kế
hoạch đã được phê duyệt cho đến khi kết thúc khóa học.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy định dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế./.

 



 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hoài Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.