• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/03/2006
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 1002/2006/NQ-UBTVQH11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 3 tháng 3 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch

Kiểm toán viên nhà nước

_________________

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước,

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Chức danh Kiểm toán viên nhà nước

1. Kiểm toán viên dự bị là công chức nhà nước nhưng chưa đủ thời gian năm năm công tác liên tục theo chuyên ngành được đào tạo hoặc chưa đủ thời gian ba năm làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán Nhà nước, được Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán viên dự bị, thực hiện nhiệm vụ trợ giúp nghiệp vụ kiểm toán trong hoạt động kiểm toán;

2. Kiểm toán viên là công chức nhà nước có chuyên môn về nghiệp vụ kiểm toán, được Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán viên theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiệp vụ kiểm toán tương đối phức tạp;

3. Kiểm toán viên chính là công chức nhà nước có chuyên môn về nghiệp vụ kiểm toán, được Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán viên chính theo quy định của pháp luật, tổ chức triển khai kế hoạch kiểm toán và thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán phức tạp;

4. Kiểm toán viên cao cấp là công chức nhà nước có chuyên môn sâu về nghiệp vụ kiểm toán, được Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán viên cao cấp theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước và theo quy định của pháp luật, thực hiện xây dựng các đề án, kế hoạch kiểm toán hàng năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn và dài hạn của Kiểm toán Nhà nước; hướng dẫn các cuộc kiểm toán có độ phức tạp cao, liên quan đến nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên dự bị

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Kiểm toán Nhà nước;

2. Trợ giúp nghiệp vụ kiểm toán trong hoạt động kiểm toán;

3. Thực hiện một số nghiệp vụ kiểm toán đơn giản.

Điều 3. Tiêu chuẩn của Kiểm toán viên dự bị

Kiểm toán viên dự bị phải có các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đáp ứng các tiêu chuẩn chung của kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 29 của Luật Kiểm toán nhà nước;

2. Có kiến thức cơ bản về nhà nước, pháp luật;

3. Nắm vững Luật Kiểm toán nhà nước và nắm được quy trình kiểm toán, chuẩn mực, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán thuộc lĩnh vực kiểm toán được phân công; nắm được quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán;

4. Được cấp chứng chỉ Kiểm toán viên dự bị;

5. Ngoại ngữ, tin học trình độ B hoặc tương đương.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước;

2. Tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm toán của Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán;

3. Thực hiện nghiệp vụ kiểm toán tương đối phức tạp; tham gia lập biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán; kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán;

4. Tham gia xây dựng các văn bản về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực kiểm toán được phân công;

5. Hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm toán viên dự bị.

Điều 5. Tiêu chuẩn của Kiểm toán viên nhà nước

Kiểm toán viên phải có các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức ở ngạch tương đương theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đáp ứng các tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại Điều 29 của Luật Kiểm toán nhà nước;

2. Nắm được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật về Kiểm toán Nhà nước; có kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội;

3. Nắm vững các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực kiểm toán được phân công;

4. Có kỹ năng khảo sát, thu thập, phân tích, đánh giá bằng chứng kiểm toán;

5. Phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chứng chỉ ngạch kiểm toán viên;

6. Ngoại ngữ, tin học trình độ B hoặc tương đương;

7. Có thời gian làm việc liên tục từ năm năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có đủ thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán Nhà nước từ ba năm trở lên.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên chính

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước;

2. Xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán và tham gia xây dựng kế hoạch kiểm toán của Đoàn kiểm toán;

3. Triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán trong phạm vi trách nhiệm được phân công; thực hiện nghiệp vụ kiểm toán phức tạp; lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán;

4. Tham gia thẩm định các báo cáo kiểm toán hoặc tái thẩm định báo cáo kiểm toán theo kiến nghị của đơn vị được kiểm toán; đề xuất xử lý các kiến nghị về báo cáo kiểm toán;

5. Tham gia tổng kết, đánh giá về công tác kiểm toán;

6. Tham gia xây dựng các văn bản về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực kiểm toán được phân công;

7. Tham gia xây dựng nội dung, chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước thuộc lĩnh vực kiểm toán được phân công;

8. Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán đối với Kiểm toán viên ở các ngạch dưới.

Điều 7. Tiêu chuẩn của Kiểm toán viên chính

Kiểm toán viên chính phải có các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức ở ngạch tương đương theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

1. Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm toán nhà nước; hiểu biết về quản lý nhà nước, về kinh tế - xã hội; nắm vững định hướng phát triển của Kiểm toán Nhà nước;

2. Hiểu rõ đối tượng kiểm toán thuộc lĩnh vực kiểm toán được phân công; nắm được đặc điểm của một số đối tượng kiểm toán khác;

3. Nắm vững và vận dụng thành thạo các quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước thuộc lĩnh vực kiểm toán được phân công; hiểu rõ quy định của pháp luật về một số lĩnh vực kiểm toán khác;

4. Hiểu biết các thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế;

5. Có khả năng tham gia xây dựng chiến lược phát triển ngành, kế hoạch kiểm toán dài hạn, trung hạn và hàng năm; có khả năng tham gia phân tích, đánh giá, tổng hợp, lập báo cáo kiểm toán;

6. Có khả năng chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở hoặc tham gia nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp nhà nước về lĩnh vực kiểm toán;

7. Phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và chứng chỉ ngạch Kiểm toán viên chính;

8. Ngoại ngữ, tin học trình độ B hoặc tương đương;

9. Có thâm niên tối thiểu ở ngạch Kiểm toán viên là 7 năm hoặc ở ngạch tương đương là 9 năm.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên cao cấp

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước;

2. Khi được phân công, Kiểm toán viên cao cấp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm toán của các Đoàn kiểm toán;

b) Thực hiện các cuộc kiểm toán phức tạp, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực; chỉ đạo phân tích, đánh giá, lập báo cáo kiểm toán;

c) Chủ trì thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng hoặc tái thẩm định các báo cáo kiểm toán theo kiến nghị của đơn vị được kiểm toán và đề xuất biện pháp xử lý các kiến nghị về báo cáo kiểm toán;

d) Chủ trì tổng kết, đánh giá về công tác kiểm toán;

đ) Chủ trì nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản liên quan đến các lĩnh vực hoạt động kiểm toán, các chuẩn mực kiểm toán;

e) Xây dựng nội dung, chương trình và biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước;

3. Triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động kiểm toán;

4. Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán đối với kiểm toán viên ở các ngạch dưới.

Điều 9. Tiêu chuẩn của Kiểm toán viên cao cấp

Kiểm toán viên cao cấp phải có các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức ở ngạch tương đương theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

1. Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và có khả năng triển khai vận dụng vào hoạt động kiểm toán nhà nước; nắm vững các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội liên quan đến các lĩnh vực kiểm toán;

2. Nắm vững đặc điểm của các đối tượng kiểm toán ở từng lĩnh vực;

3. Nắm vững và có khả năng chỉ đạo áp dụng các quy trình, chuẩn mực, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ ở các lĩnh vực kiểm toán vào hoạt động kiểm toán;

4. Hiểu biết về thông lệ, các chuẩn mực kiểm toán quốc tế và có khả năng đề xuất ứng dụng vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

5. Có khả năng xây dựng chiến lược phát triển ngành, kế hoạch kiểm toán dài hạn, trung hạn và khả năng về tổng kết, nghiên cứu lý luận chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán; có khả năng xây dựng chuẩn mực kiểm toán và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực kiểm toán;

6. Có khả năng chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước về lĩnh vực kiểm toán nhà nước;

7. Có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc tương đương;

8. Phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp và chứng chỉ ngạch Kiểm toán viên cao cấp;

9. Ngoại ngữ, tin học phải đạt trình độ C hoặc tương đương.

Điều 10. Bổ nhiệm, miễn nhiệm ngạch kiểm toán viên

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày đăng Công báo./.

 

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.