• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/01/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 40/2005/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 16 tháng 12 năm 2005

CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác trợ giúp

phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

 

Nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện vai trò quan trọng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua bốn năm triển khai thực hiện, cùng với nhiều cơ chế, chính sách khác, Nghị định đã có tác động to lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua.

 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định số 90/2001/NĐ-CP còn chậm, nhiều nội dung chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong việc trợ giúp doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành còn hạn chế; thiếu những giải pháp phù hợp với điều kiện và yêu cầu cụ thể của khu vực doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở cả trung ương và địa phương còn lỏng lẻo, phân tán; chưa tập trung chỉ đạo sát sao, kịp thời giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo bước chuyển tích cực trong thực thi chính sách, phát triển và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sâu sát việc thực hiện có kết quả các giải pháp và nhiệm vụ về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp quy định tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 09/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 04 năm 2005 về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và số 27/2003/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2003 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các Bộ, ngành và địa phương chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Trong quý I năm 2006 chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tài chính thống nhất biện pháp để giải quyết nhanh việc đăng ký kinh doanh, khắc dấu, cấp mã số thuế, bán hoá đơn....

b) Trong tháng 01 năm 2006 hoàn thành việc xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

c) Trong năm 2006, hệ thống cơ quan quản lý xúc tiến trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cơ bản được hình thành và triển khai các hoạt động xúc tiến phát triển doanh nghiệp có hiệu quả.

d) Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các Bộ, ngành và Hiệp hội doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 - 2008 theo Quyết định số 143/2004/QĐ-TTg ngày 10 tháng 08 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Chương trình trợ giúp thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quý I năm 2006 hoàn thành bước đầu việc nâng cấp trang Web thông tin doanh nghiệp, trước hết cung cấp các thông tin cơ bản về đăng ký kinh doanh, văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, môi trường đầu tư trong và ngoài nước....

e) Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp khẩn trương xây dựng Chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

g) Tăng cường chỉ đạo, phối hợp điều hành để nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án có sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và nước ngoài, trên cơ sở đó, đàm phán thu hút nhiều hơn nguồn lực từ bên ngoài cho việc trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

h) Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hàng năm tổng hợp tình hình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền.

3. Bộ Tài chính:

a) Trong quý II năm 2006, đánh giá việc triển khai lập Quỹ bảo lãnh tín dụng trong thời gian qua, đề xuất giải pháp cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để đẩy nhanh việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương, góp phần tích cực giải quyết nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách về tín dụng xuất nhập khẩu; đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp, đảm bảo bình đẳng, ổn định, thông thoáng và minh bạch nhằm tạo điều kiện khuyến khích phát triển sức sản xuất của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cải cách hành chính trong việc thực hiện các chế độ ưu đãi đầu tư, đơn giản hoá các thủ tục để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mới, các ngành dịch vụ có chất lượng cao và sản xuất các sản phẩm mũi nhọn; đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn, các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề....

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Trong quý I năm 2006, sửa đổi và bổ sung Thông tư số 06/2003/TT-NHNN ngày 10 tháng 4 năm 2003 về việc hướng dẫn một số nội dung về góp vốn thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức, đảm bảo tính khả thi trong việc trợ giúp tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Bộ Thương mại:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành nghề nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, thống nhất chỉ đạo triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu để nâng cao tính hiệu quả và tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Thu thập và phổ biến thông tin về thị trường, phục vụ cho công tác dự báo; giúp cho việc định hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Trong quý I năm 2006, rà soát các cơ chế, chính sách về đất đai, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2003, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cần thiết để giải quyết các vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó lưu ý tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực nông thôn, địa bàn khó khăn, kém phát triển.

b) Hướng dẫn các địa phương xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý, khai thác sử dụng diện tích đất của các khu, cụm công nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Trong quý II năm 2006, nghiên cứu đề án thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dựng cơ chế quản lý thích hợp để cung cấp thông tin về công nghệ, thiết bị, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Trong năm 2006, nghiên cứu đề án hình thành mô hình doanh nghiệp công nghệ phù hợp với việc thiết lập thị trường công nghệ; cơ chế khuyến khích liên kết, hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để các sản phẩm khoa học, công nghệ được mua bán, trao đổi như các dạng hàng hoá khác.

c) Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành xây dựng cơ chế phù hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm và dịch vụ, mua bán trao đổi, góp vốn và hợp tác đầu tư bằng giá trị tài sản vô hình là quyền sở hữu công nghiệp.

8. Bộ Ngoại giao:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo các Cơ quan đại diện ở nước ngoài nghiên cứu đề xuất các dự án, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác, quảng bá tiếp thị sản phẩm ở nước ngoài.

b) Nghiên cứu đề xuất giải pháp phù hợp khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin về khoa học công nghệ, thị trường xuất khẩu sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông tin về đối tác liên doanh hợp tác đầu tư về Việt Nam và ra nước ngoài.

9. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2006 củng cố tổ chức, bố trí cán bộ có đủ năng lực, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Chỉ đạo chặt chẽ các Sở, ngành thực hiện các chính sách của Nhà nước về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Chủ động xây dựng các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, trước hết tập trung triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, trợ giúp cung cấp thông tin và Chương trình trợ giúp về công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

c) Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo để sớm có tổ chức Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển.

10. Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp:

a) Xúc tiến các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Tích cực tham gia xây dựng thể chế, chính sách và các chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; là đầu mối tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp về cơ chế chính sách của Nhà nước. Tích cực tham gia triển khai các Chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cho các thành viên trong hiệp hội doanh nghiệp.

c) Kết nối và tổ chức mời các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, hợp tác phát triển của các nước đến Việt Nam hoặc trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường, tìm hiểu đối tác, trao đổi, giới thiệu và tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư, phát triển thầu phụ, xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, v.v... của Việt Nam sang các nước.

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường hợp tác với các tổ chức nước ngoài liên quan đến lĩnh vực cung cấp tài chính, lĩnh vực tư vấn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội trợ giúp các doanh nghiệp thành viên phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

11. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh, nghiên cứu áp dụng công nghệ, đổi mới trang thiết bị, tăng năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chấp hành đúng pháp luật, đề cao văn hoá trong kinh doanh. Có kế hoạch đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế; chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi và đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị biện pháp xử lý./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.