• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/08/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 1014/2005/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 11 tháng 7 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của

 Quy trình kỹ thuật nghiệp vụ chuyển tiền điện tử trong

 hệ thống Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số

134/2000/QĐ-NHNN2 ngày 18/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

________________________

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/6/2003;

Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt nam;

Căn cứ Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

Căn cứ Quyết định số 44/2002/QĐ-TTg ngày 21/03/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn của các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6, điểm 1.1 khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 9 và Phụ lục số 1a, 1b, 2, 3 tại Quy trình kỹ thuật nghiệp vụ chuyển tiền điện tử trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 134/2000/QĐ-NHNN2 ngày 18/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như sau:

1. Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1/Các thời điểm khống chế áp dụng trong chuyển tiền điện tử được quy định như sau:

a/Đối với Ngân hàng Nhà nước A (Ngân hàng A):
- Về tiếp nhận chứng từ chuyển tiền của khách hàng là các Tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước: chỉ tiếp nhận trong ngày làm việc; và chỉ tiếp nhận đến 15 giờ 30 hàng ngày;
- Về xử lý chuyển tiền đi của Ngân hàng A hàng ngày: chỉ xử lý chuyển đi cho đến thời điểm 15 giờ 45 trừ những ngày quyết toán năm và trường hợp có sự cố kỹ thuật truyền tin hoặc lý do khách quan khác, cụ thể như sau:
+ Tất cả các chứng từ chuyển tiền nhận từ thời điểm 11 giờ 30 trở về trước và các chuyển tiền giá trị cao, chuyển tiền khẩn được xử lý chuyển đi Ngân hàng Nhà nước B (Ngân hàng B) ngay trong ngày, trừ trường hợp có sự cố kỹ thuật, truyền tin hoặc lý do khách quan khác;
+ Các chứng từ chuyển tiền nhận sau 11 giờ 30 cho đến 15 giờ 30 sẽ được tiếp tục xử lý chuyển đi Ngân hàng B trong ngày hoặc sang ngày làm việc kế tiếp; trong trường hợp có sự cố kỹ thuật, truyền tin hoặc lý do khách quan khác thì sẽ chuyển đi sau khi sự cố đã được khắc phục;

+ Trường hợp cá biệt, có nhận chứng từ chuyển tiền sau 15 giờ 30 thì được xử lý chuyển đi vào buổi sáng của ngày làm việc kế tiếp.

b/Đối với Vụ Kế toán - Tài chính:

Thời điểm ngừng nhận Lệnh chuyển tiền đến của các Ngân hàng A muộn nhất là 15 giờ 45 và ngừng chuyển Lệnh chuyển tiền đi cho các Ngân hàng B là 16 giờ. Từ 16 giờ, Vụ Kế toán - Tài chính sẽ đối chiếu và xác nhận số liệu chuyển tiền đi và chuyển tiền đến trong ngày với tất cả các đơn vị chuyển tiền điện tử;

c/Từ 16 giờ trở đi, các đơn vị chuyển tiền điện tử phải đối chiếu và xác nhận số liệu chuyển tiền đi, đến trong ngày với Vụ Kế toán - Tài chính. Sau khi đơn vị chuyển tiền điện tử hoàn thành việc đối chiếu và xác nhận với Vụ Kế toán - Tài chính thì mới được coi là hoàn tất công việc trong ngày, trừ trường hợp có sự cố kỹ thuật, truyền tin không thể đối chiếu và xác nhận xong trong ngày thì việc đối chiếu, xác nhận được thực hiện vào buổi sáng của ngày làm việc kế tiếp.”

d/ Vụ trưởng Vụ Kế toán – Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị chuyển tiền điện tử áp dụng các thời điểm khống chế trong chuyển tiền điện tử của hệ thống Ngân hàng Nhà nước trong những ngày quyết toán năm và trong trường hợp phát sinh sự cố kỹ thuật, truyền tin hoặc lý do khách quan khác, nhưng phải đảm bảo an toàn tài sản và thực hiện đầy đủ, kịp thời việc kiểm soát, đối chiếu chuyển tiền theo đúng chế độ quy định.”

2. Điểm 1.1 khoản 1 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1/Nhiệm vụ xử lý của Kế toán viên giữ tài khoản của khách hàng hoặc tài khoản nội bộ (sau đây gọi tắt là kế toán viên giao dịch):

1.1 -Đối với chứng từ giấy:

- Phải kiểm soát tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ;

- Đối chiếu kiểm soát số dư tài khoản của đơn vị để đảm bảo đủ thanh toán chuyển tiền;

- Hạch toán vào tài khoản thích hợp (nếu chứng từ hợp lệ, hợp pháp, đủ số dư);

- Nhập vào máy vi tính (tạo) các yếu tố sau đây theo chứng từ gốc chuyển tiền :

+ Tài khoản chuyển tiền điện tử của Ngân hàng Nhà nước;

+ Người phát lệnh và người nhận lệnh;

+ Địa chỉ/số CMND của người phát lệnh và người nhận lệnh;

+ Tài khoản của người phát lệnh và người nhận lệnh;

+ Ngân hàng phục vụ người phát lệnh, người nhận lệnh;

+ Tên và Mã Ngân hàng của Ngân hàng gửi lệnh và Ngân hàng nhận lệnh: Ngân hàng gửi lệnh là ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước có tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước A, để Ngân hàng Nhà nước A trích tài khoản và chuyển tiền đi, Ngân hàng nhận lệnh là ngân hàng hay Kho bạc Nhà nước có tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước B và được Ngân hàng Nhà nước B chuyển tiền vào tài khoản của Ngân hàng nhận lệnh này. Tên và Mã Ngân hàng của Ngân hàng gửi lệnh và Ngân hàng nhận lệnh phải ghi đúng theo quy định tại Quyết định số 1247/2003/QĐ-NHNN ngày 20/10/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định về hệ thống Mã Ngân hàng dùng trong giao dịch thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước; và Thông báo Mã Ngân hàng hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán - Tài chính);

+ Mã số thuế của người nộp thuế

+ Mục lục Ngân sách của người nộp Ngân sách

+ Nội dung chuyển tiền;

+ Số tiền.

- Kiểm soát lại các dữ liệu đã nhập và ký vào chứng từ, sau đó chuyển chứng từ giấy đồng thời truyền dữ liệu qua mạng vi tính cho kế toán chuyển tiền điện tử (từ đây gọi tắt là kế toán viên chuyển tiền) xử lý tiếp.”

3. Khoản 1 điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1/ Kiểm soát Lệnh chuyển tiền đến:

- Người kiểm soát: Khi nhận được Lệnh chuyển tiền của Ngân hàng A (qua Vụ Kế toán - Tài chính), người kiểm soát phải sử dụng mật mã và chương trình tính, kiểm soát chữ ký điện tử của Vụ Kế toán - Tài chính (từ đây gọi tắt là chương trình) để xác định tính đúng đắn, chính xác của Lệnh chuyển tiền đến, sau đó chuyển qua mạng vi tính cho kế toán viên chuyển tiền để xử lý tiếp.

- Kế toán viên chuyển tiền phải in Lệnh chuyển tiền đến - dưới dạng chứng từ điện tử ra giấy đảm bảo đủ số liên cần thiết để hạch toán, giao cho khách hàng và lưu trữ (tối đa không quá 3 liên bản chính). Sau đó kiểm soát kỹ các yếu tố của Lệnh chuyển tiền đến để xác định:

+ Có đúng Lệnh chuyển tiền gửi cho Ngân hàng mình không?

+ Các yếu tố trên Lệnh chuyển tiền có hợp lệ, hợp pháp và chính xác không? (Lệnh chuyển Nợ có uỷ quyền không?)

+ Nội dung có gì nghi vấn không?

Sau khi kiểm soát xong, kế toán viên chuyển tiền ký vào Lệnh chuyển tiền in ra và chuyển cho kế toán viên giao dịch để xử lý, hạch toán thích hợp.

- Kế toán viên giao dịch: Phải đối chiếu kiểm tra lại trước khi thực hiện hạch toán cho khách hàng.”

4. Phụ lục số 1a,1b, 02, 03 được thay thế bằng Phụ lục số 1a, 1b, 2, 3 đính kèm Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học Ngân hàng, Giám đốc Sở Giao dịch, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Thị Liên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.