• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/08/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 20/06/2009
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 19/2004/QĐ-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 14 tháng 7 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH 

Về việc ban hành Quy chế tuyển chọn Giải thưởng Chất lượng Việt Nam

_____________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá ngày 24 tháng 12 năm 1999;

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003;

Căn cứ Quyết định số 1352/QĐ-TĐC ngày 5/8/1995 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) về Giải thưởng Chất lượng;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tuyển chọn Giải thưởng Chất lượng Việt Nam".

Quy chế này được áp dụng để tuyển chọn và trao tặng Giải thưởng Chất lượng Việt Nam cho các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Việt Nam từ năm 2004.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 47/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 15/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc ban hành Quy chế tuyển chọn Giải thưởng Chất lượng Việt Nam.

Điều 3. Các ông Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chánh Văn phòng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phổ biến và tổ chức thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

TUYỂN CHỌN GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/2004 /QĐ-BKHCN

ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (sau đây viết tắt là GTCLVN) được xét tặng hàng năm cho các doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chí của GTCLVN.

Giải thưởng Chất lượng Việt Nam gồm 02 loại:

Giải Vàng Chất lượng Việt Nam;

Giải thưởng Chất lượng Việt Nam.

Điều 2. Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định trao tặng GTCLVN cho doanh nghiệp trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Quốc gia về GTCLVN (sau đây gọi là Hội đồng Quốc gia) và Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

1. GTCLVN được xét tặng cho các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tổng số điểm đạt được theo các tiêu chí của GTCLVN quy định tại Chương II của Quy chế này và không hạn chế về số lượng doanh nghiệp tham gia theo 4 loại hình doanh nghiệp sau đây:

a. Doanh nghiệp sản xuất lớn;

b. Doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ;

c. Doanh nghiệp dịch vụ lớn;

d. Doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.

2. Giải Vàng chất lượng Việt Nam (sau đây viết tắt là Giải Vàng CLVN) được xét tặng cho các doanh nghiệp xuất sắc nhất theo tuyển chọn của Hội đồng Quốc gia trong số các doanh nghiệp đạt GTCLVN. Giải Vàng CLVN có số lượng tối đa là 6 giải, bao gồm:

a. 02 giải đối với doanh nghiệp sản xuất lớn;

b. 02 giải đối với doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ;

c. 01 giải đối với doanh nghiệp dịch vụ lớn;

d. 01 giải đối với doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.

Điều 3. Việc tuyển chọn GTCLVN được tiến hành theo 2 cấp: cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp sơ tuyển) và cấp quốc gia (cấp chung tuyển). Hoạt động của Hội đồng tuyển chọn GTCLVN các cấp được quy định tại Chương III của Quy chế này.

Điều 4. Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ xét tuyển các doanh nghiệp đăng ký tham dự GTCLVN theo Quy chế này. Đối với doanh nghiệp đã được tặng Giải Vàng CLVN và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thì sau 3 năm mới được tham gia lại.

CHƯƠNG II

CÁC TIÊU CHÍ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG

Điều 5. Việc đánh giá xét tặng GTCLVN được căn cứ vào hoạt động quản lý các hệ thống chất lượng thực tế và hiệu quả đạt được của doanh nghiệp tham dự trên cơ sở 7 tiêu chí sau đây:

1. Vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp;

2. Hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp;

3. Định hướng khách hàng và thị trường của doanh nghiệp;

4. Thông tin và phân tích hoạt động của doanh nghiệp;

5. Phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp;

6. Quản lý các quá trình hoạt động của doanh nghiệp;

7. Kết quả hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các tiêu chí trên được đánh giá với từng loại hình doanh nghiệp tham dự giải và theo phương pháp chuyên gia đánh giá, cho điểm. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí là 1000 điểm. Doanh nghiệp được xét tặng GTCLVN phải có số điểm từ 600 điểm trở lên. Doanh nghiệp được xét tặng Giải Vàng CLVN phải có số điểm từ 800 điểm trở lên. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quy định và hướng dẫn cụ thể nội dung các tiêu chí trên cùng với thang điểm cho từng hạng mục của tiêu chí.

CHƯƠNG III

HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN

GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM

Điều 6. Hội đồng Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Số lượng thành viên Hội đồng gồm từ 9 đến 11 thành viên là đại diện của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan. Hội đồng gồm Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và các ủy viên.

Điều 7. Hội đồng Quốc gia có nhiệm vụ xem xét và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng GTCLVN cho các doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển đề nghị tặng GTCLVN, tuyển chọn các doanh nghiệp xuất sắc nhất để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giải Vàng CLVN và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Điều 8. Chủ tịch Hội đồng điều khiển các phiên họp của Hội đồng. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt thì Phó Chủ tịch Hội đồng thay mặt Chủ tịch điều khiển các phiên họp của Hội đồng. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc bàn bạc thống nhất của các thành viên có mặt. Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự. Các quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng đồng ý.

Điều 9. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực của Hội đồng Quốc gia về GTCLVN thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Xây dựng và hướng dẫn các tiêu chí của GTCLVN;

2. Ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc tuyển chọn các doanh nghiệp được trao tặng GTCLVN;

3. Tổ chức việc đào tạo, tập huấn cho các chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp tham gia GTCLVN;

4. Thực hiện các hoạt động đánh giá theo quy định;

5. Tạo các điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động của Hội đồng Quốc gia;

6. Thực hiện chức năng thư ký cho Hội đồng Quốc gia.

Điều 10. Hội đồng sơ tuyển có từ 5 đến 7 thành viên là đại diện của Sở, Ban, ngành và các tổ chức có liên quan. Hội đồng sơ tuyển gồm Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và các ủy viên. Thành viên Hội đồng là các những người am hiểu trong lĩnh vực chất lượng và nắm vững các yêu cầu của GTCLVN.

Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quyết định thành lập Hội đồng sơ tuyển trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thường trực và thực hiện chức năng Thư ký của Hội đồng sơ tuyển.

Điều 11. Hội đồng sơ tuyển tiến hành xem xét, đánh giá và tuyển chọn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia giải để đề nghị trao tặng GTCLVN theo thủ tục quy định. Hoạt động của Hội đồng sơ tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế này. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tạo các điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động của Hội đồng sơ tuyển.

CHƯƠNG IV

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAM GIA

VÀ TRÌNH TỰ TUYỂN CHỌN GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM

Điều 12. Các doanh nghiệp tham gia GTCLVN phải lập hồ sơ bao gồm:

1. Bản đăng ký tham dự GTCLVN;

2. Báo cáo giới thiệu hoạt động chung của doanh nghiệp;

3. Báo cáo tự đánh giá theo các tiêu chí của GTCLVN;

4. Bản sao giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.

Hồ sơ tham dự GTCLVN được nộp cho Thư ký của Hội đồng sơ tuyển sở tại theo thời hạn quy định.

Điều 13. Ở cấp sơ tuyển, việc đánh giá tuyển chọn được tiến hành theo 2 vòng.

- Vòng 1: Đánh giá trên hồ sơ

Các chuyên gia đánh giá do Hội đồng sơ tuyển cử ra tiến hành đánh giá hồ sơ tham dự giải của doanh nghiệp (việc đánh giá do ít nhất 3 chuyên gia thực hiện một cách độc lập). Hội đồng sơ tuyển tiến hành xem xét trên cơ sở đồng thuận ý kiến đánh giá của các chuyên gia và chọn các doanh nghiệp được đưa ra đánh giá tại chỗ.

- Vòng 2: Đánh giá tại chỗ

Hội đồng cử đại diện và chuyên gia trực tiếp đến doanh nghiệp được chọn ra ở vòng 1 để xem xét đánh giá tại chỗ. Căn cứ báo cáo đánh giá thống nhất của nhóm chuyên gia và kết quả đánh giá tại chỗ, Hội đồng xem xét, quyết định các doanh nghiệp được đề nghị tặng GTCLVN.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc bàn bạc thống nhất của các thành viên có mặt. Các quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng đồng ý.

Điều 14. Thư ký Hội đồng sơ tuyển gửi Hồ sơ đề nghị xét tặng GTCLVN về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Hồ sơ bao gồm:

1. Hồ sơ tham dự GTCLVN của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này;

2. Báo cáo đánh giá thống nhất của các chuyên gia cùng với bảng điểm tổng hợp;

3. Biên bản đánh giá tại chỗ;

4. Các biên bản và đề nghị của Hội đồng sơ tuyển.

Điều 15. Hội đồng Quốc gia đánh giá tuyển chọn các doanh nghiêp được đề nghị tặng giải trên cơ sở xem xét hồ sơ đánh giá và các văn bản đề nghị của Hội đồng sơ tuyển. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Quốc gia cử các chuyên gia tới xem xét kết quả đánh giá tại cơ sở để bổ sung các thông tin cho việc tuyển chọn.

Hội đồng Quốc gia quyết định danh sách các doanh nghiệp để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng GTCLVN, doanh nghiệp xuất sắc nhất của mỗi loại hình doanh nghiệp để trao tặng Giải Vàng CLVN và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Đối với các doanh nghiệp không được Hội đồng Quốc gia đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng GTCLVN, Hội đồng Quốc gia thông báo kết quả tới Hội đồng sơ tuyển tỉnh, thành phố có liên quan để thông báo cho doanh nghiệp biết.

CHƯƠNG V

CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 16. Kinh phí để tổ chức GTCLVN hàng năm được huy động từ kinh phí sự nghiệp khoa học (SNKH), Quỹ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam và đóng góp của các doanh nghiệp tham dự.

1. Kinh phí SNKH sử dụng cho việc tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, tập huấn và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn GTCLVN các cấp và được cân đối trong kế hoạch khoa học công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

2. Kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp để hỗ trợ các hoạt động đánh giá (gồm đánh giá trên hồ sơ và đánh giá tại chỗ), tổ chức lễ trao giải thưởng cho các doanh nghiệp đoạt giải .

3. Quỹ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được hình thành từ việc đóng góp tự nguyện của mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và một phần từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học để hỗ trợ cho hoạt động của Giải thưởng chất lượng Việt Nam. Hoạt động của Quỹ GTCLVN sẽ thực hiện theo Quy chế riêng.

Điều 17. Các doanh nghiệp đạt GTCLVN được phép thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác về đơn vị mình, được sử dụng biểu tượng của GTCLVN trên ấn phẩm của doanh nghiệp theo quy định sau:

1. Biểu tượng phải ghi rõ tên Giải thưởng chất lượng Việt Nam và năm đạt giải .

2. Biểu tượng không được dùng theo cách gây hiểu lầm sản phẩm của doanh nghiệp đã được nhận GTCLVN.

Điều 18. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức lễ trao GTCLVN hàng năm cho các doanh nghiệp được tặng Giải.

Điều 19. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Mạnh Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.