• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/11/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 121/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 21 tháng 10 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn

______________________

 

CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Nghị định này quy định về số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã); quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, chế độ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc ở xã và tổ dân phố ở phường, thị trấn (sau đây gọi chung là thôn và tổ dân phố).

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

1. Cán bộ chuyên trách cấp xã bao gồm:

a) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy cấp xã (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng); Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy cấp xã);

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

d) Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc;

đ) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.

2. Công chức cấp xã bao gồm:

a) Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy);

b) Chỉ huy trưởng quân sự;

c) Văn phòng - Thống kê;

d) Địa chính - Xây dựng;

đ) Tài chính - Kế toán;

e) Tư pháp - Hộ tịch;

g) Văn hóa - Xã hội.

3. Cán bộ không chuyên trách cấp xã bao gồm:

a) Trưởng Ban Tổ chức đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và 01 cán bộ Văn phòng Đảng ủy;

b) Phó Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy);

c) Phó Chỉ huy trưởng quân sự;

d) Cán bộ kế hoạch - giao thông - thủy lợi - nông, lâm, ngư, diêm nghiệp;

đ) Cán bộ lao động - thương binh và xã hội;

e) Cán bộ dân số - gia đình và trẻ em;

g) Thủ quỹ - văn thư - lưu trữ;

h) Cán bộ phụ trách đài truyền thanh;

i) Cán bộ quản lý nhà văn hóa;

k) Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; Phó các đoàn thể cấp xã: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh;

l) Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

4. Cán bộ không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố gồm: Bí thư Chi bộ thôn; trưởng thôn; công an viên ở thôn và Bí thư Chi bộ, tổ trưởng dân phố ở phường, thị trấn.

Điều 3. Số lượng cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã

Số lượng cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 và 2 Điều 2 của Nghị định này được quy định như sau:

1. Đối với xã đồng bằng, phường và thị trấn:

Dưới 10.000 dân được bố trí không quá 19 cán bộ, công chức;

Từ 10.000 dân trở lên, cứ thêm 3.000 dân được bố trí thêm 01 cán bộ, công chức, nhưng tối đa không quá 25 cán bộ, công chức.

2. Đối với xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo:

Dưới 1.000 dân được bố trí không quá 17 cán bộ, công chức;

Từ 1.000 dân đến dưới 5.000 dân được bố trí không quá 19 cán bộ, công chức;

Từ 5.000 dân trở lên, cứ thêm 1.500 dân được bố trí thêm 01 cán bộ, công chức, nhưng tối đa không quá 25 cán bộ, công chức.

3. Việc bố trí thêm cán bộ, công chức cấp xã ở mỗi xã tăng theo số dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Điều 4. Chế độ tiền lương đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã

1. Cán bộ chuyên trách cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này được hưởng chế độ tiền lương như sau:

a) Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ cấp xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy xã): hệ số 2,0 mức lương tối thiểu;

b) Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Chi bộ cấp xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy cấp xã), Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân: hệ số 1,9 mức lương tối thiểu;

c) Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Thường trực Đảng ủy (nơi chưa có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc: hệ số 1,8 mức lương tối thiểu;

d) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: hệ số 1,7 mức lương tối thiểu;

đ) Các chức vụ trên nếu được tái cử, kể từ nhiệm kỳ thứ hai (từ tháng 61 trở đi) được hưởng phụ cấp thêm 5% hàng tháng theo mức lương chức vụ đảm nhiệm;

e) Trường hợp công chức cấp xã được bầu giữ các chức vụ qua bầu cử quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này nếu xếp lương theo chức vụ bầu cử mà thấp hơn mức lương của chức danh chuyên môn hiện hưởng thì được hưởng lương chức vụ đó và bảo lưu hệ số chênh lệch giữa mức lương chuyên môn và mức lương chức vụ.

2. Công chức cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định này được hưởng chế độ tiền lương như sau:

a) Công chức cấp xã tốt nghiệp đào tạo đại học trở lên phù hợp chuyên môn của chức danh được hưởng lương theo bảng lương hành chính, ngạch chuyên viên; tốt nghiệp trung cấp phù hợp chuyên môn của chức danh được hưởng lương theo ngạch cán sự; tốt nghiệp sơ cấp phù hợp chuyên môn của chức danh được hưởng lương theo ngạch nhân viên văn thư. Được nâng lương theo niên hạn như đối với cán bộ, công chức ngạch tương ứng ở cấp huyện trở lên;

b) Người đang tập sự công chức cấp xã được hưởng 85% lương theo các ngạch công chức tương ứng; thời gian hưởng lương tập sự thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước;

c) Công chức cấp xã đang công tác chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn theo quy định thì được hưởng: hệ số lương bằng 1,09 mức lương tối thiểu;

d) Riêng đối với trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, hưởng theo lương chức danh, nếu thấp hơn mức sinh hoạt phí hiện hưởng thì được bảo lưu khoản chênh lệch để bằng mức sinh hoạt phí hiện hưởng cho đến hết năm 2005 sau đó hưởng theo lương chức danh.

Điều 5. Chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

1. Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ và Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ và bảo hiểm y tế theo Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ; khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động, nếu có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí.

2. Cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ, có đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và còn thiếu tối đa 5 năm thì đủ tuổi nghỉ hưu, chưa nhận trợ cấp một lần về bảo hiểm xã hội và tự nguyện đóng tiếp 15% tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức lương trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú cho đến khi đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng chế độ hưu trí.

Điều 6. Chế độ áp dụng đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là người đang được hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động

Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động được hưởng 40% lương chức danh theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Điều 7. Chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố

Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng cán bộ không chuyên trách cho từng xã, phường, thị trấn và mức phụ cấp cụ thể cho từng chức danh cán bộ không chuyên trách.

Điều 8. Đào tạo, bồi dưỡng

Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở xã, ở thôn và tổ dân phố khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì được hưởng chế độ như cán bộ, công chức ở cấp trên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở xã, ở thôn thuộc các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì được cấp toàn bộ chi phí học tập, ăn ở, đi lại.

Điều 9. Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách

Nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ cho các đối tượng quy định tại Nghị định này thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị định này thay thế Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

Bãi bỏ các chế độ quy định đối với cán bộ xã, phường, thị trấn tại Điều 12 Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về công an xã; tiết 3 khoản 1 và tiết 1 khoản 3 Điều 1 Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2000 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 12. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.