QUYẾT ĐỊNH
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Quy định tạm thời xác định các đề tài khoa học
và công nghệ của Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 ban hành kèm theo Quyết định
số 06/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/04/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 06 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 05 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 82/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 05 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu và danh mục các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001 - 2005;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ nông nghiệp, Vụ Quản lý khoa học xã hội và tự nhiên và Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung Điều 5 của "Quy định tạm thời về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ của Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005" ban hành kèm theo Quyết định số 06/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/04/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường như sau:
"Điều 5. Xác định các đề tài cấp Nhà nước
Mỗi đề tài cấp Nhà nước đều phải được xác định theo hai bước:
Bước 1. Xác định Danh mục đề tài cấp Nhà nước
Bước 2. Xác định đề cương tóm tắt của từng đề tài
Bước 1. Xác định Danh mục đề tài cấp Nhà nước
1. Thành lập các Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước tư vấn xác định đề tài
- Đối với Chương trình: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành lập một số Hội đồng khoa học và công nghệ (gọi tắt là Hội đồng) theo chuyên ngành hẹp để tư vấn xác định các đề tài thuộc Chươngtrình.
- Đối với các đề tài độc lập: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành lập các Hội đồng theo từng chuyên ngành hẹp để tư vấn xác định các đề tài.
- Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, các nhà doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách am hiểu lĩnh vực cần tư vấn.
Các chuyên viên của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm thư ký giúp việc Hội đồng.
2. Nhiệm vụ của các Hội đồng
a) Hội đồng xem xét, phân tích dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài dự kiến đưa vào Chương trình khoa học và công nghệ hoặc Danh mục tổng hợp sơ bộ các đề tài độc lập do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cung cấp về những nội dung:
- Sự phù hợp với mục tiêu của Chương trình (đối với các đề tài thuộc Chương trình).
- Tính cấp thiết - sự cần thiết phải thực hiện đề tài:
+ Ý nghĩa thực tiễn của đề tài (trực tiếp hoặc góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề cấp bách của sản xuất và đời sống,... có khả năng tác động to lớn, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước);
+ Ý nghĩa khoa học của đề tài (tính mới, tính tiên tiến về công nghệ).
- Tính khả thi (sự phù hợp về thời gian nghiên cứu, kinh phí có thể đáp ứng được, năng lực khoa học và công nghệ trong nước có thể thực hiện được).
Hội đồng thảo luận về những đề tài đề nghị cho thực hiện và về những đề tài không cần thực hiện.
b) Hội đồng bỏ phiếu để xếp các đề tài vào 2 loại sau đây:
- Đề nghị thực hiện
- Không thực hiện.
c) Hội đồng bỏ phiếu để phân loại những đề tài đã được đề nghị thực hiện:
- Hội đồng thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung hoặc chính xác hoá tên, đối tượng nghiên cứu, nêu sơ bộ mục tiêu và sản phẩm dự kiến cho từng đề tài.
- Sau đó, Hội đồng phân loại các đề tài vào 2 mức A hoặc B (A là mức cao hơn, cần ưu tiên thực hiện hơn).
3. Tư liệu làm việc của Hội đồng gồm có:
3.1. Các tài liệu nghiệp vụ: Bản "Quy định tạm thời về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ của Nhà nước giai đoạn 2001-2005" kèm theo quyết định số 06/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/04/2001 và Quyết định sửa đổi Điều 5 Quy định này của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
- Bản "Quy định tạm thời về phương thức làm việc của Hội đồng Khoa học và công nghệ xác định các đề tài cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005" của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và tài liệu nghiệp vụ khác.
3.2. Các tài liệu chuyên môn:
a) Phương hướng phát triển khoa học và công nghệ và Danh mục các Chương trình khoa học và công nghệ của Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 được Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 82/2001/QĐ-TTg ngày 24/05/2001 của Thủ tướng Chính phủ); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt mục tiêu, nội dung chủ yếu của Chương trình (đối với Hội đồng tư vấn xác định các đề tài thuộc Chương trình).
b) Dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ các đề tài của Nhà nước do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổng hợp từ những yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đề xuất của các cơ quan tổng hợp, các Bộ/Ngành, tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học, doanh nghiệp:
- Đối với Chương trình khoa học và công nghệ: dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài thuộc phạm vi nghiên cứu theo chuyên ngành hẹp của Chương trình.
- Đối với đề tài độc lập: dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài theo chuyên ngành hẹp của Hội đồng.
c) Những tài liệu và thông tin khác (thông tin về Sở hữu công nghiệp, thông tin về những công trình đã được thực hiện ở trong nước,... - nếu có) liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của đề tài.
4. Kết quả làm việc của các Hội đồng
Kết quả làm việc của các Hội đồng là Danh mục các đề tài dự kiến thuộc Chương trình khoa học và công nghệ hoặc Danh mục dự kiến các đề tài độc lập theo chuyên ngành tương ứng gửi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Căn cứ vào kết quả làm việc của các Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường xem xét thông qua Danh mục dự kiến các đề tài thuộc từng Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và Danh mục dự kiến các đề tài độc lập cấp Nhà nước để chuẩn bị đề cương tóm tắt cho từng đề tài.
Bước 2. Xác định đề cương tóm tắt của từng đề tài
Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước tư vấn xác định đề tài bước 1 tiếp tục nhiệm vụ tư vấn bước 2: xây dựng đề cương tóm tắt của từng đề tài.
Đề cương tóm tắt của đề tài là các yêu cầu cơ bản của Nhà nước - đơn đặt hàng của Nhà nước - đối với vấn đề cần nghiên cứu. Thông thường đề cương tóm tắt của đề tài gồm các yếu tố cơ bản sau:
- Tên đề tài;
- Mục tiêu cần đạt;
- Kết quả và sản phẩm dự kiến, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu (nếu có).
1. Nhiệm vụ (đồng thời là kết quả làm việc) của Hội đồng:
Nhiệm vụ của Hội đồng tại bước 2 là xác định được đề cương tóm tắt của từng đề tài trong Danh mục dự kiến đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông qua theo Chuyên ngành của Hội đồng.
Đề cương tóm tắt phải thể hiện được tính cấp thiết của đề tài với mục tiêu và đối tượng nghiên cứu rõ ràng, phù hợp thời gian nghiên cứu (thông thường 2 năm, tối đa 3 năm) và có tính khả thi cao.
2. Tài liệu làm việc của Hội đồng
Hội đồng sẽ được cung cấp các tài liệu chuyên môn và nghiệp vụ như đã nêu tại Điều 5 Bước 1 mục 3 trên đây, trong đó:
- Danh mục các đề tài thuộc từng chuyên ngành của Chương trình khoa học và công nghệ của Nhà nước đã được thông qua sẽ thay cho dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài thuộc phạm vi nghiên cứu của Chương trình.
- Danh mục các đề tài độc lập của Nhà nước thuộc từng chuyên ngành đã được thông qua sẽ thay cho dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài thuộc chuyên ngành của Hội đồng.
Căn cứ kết quả làm việc của các Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xác định đề cương tóm tắt của từng đề tài, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phê duyệt đề cương tóm tắt kèm theo Danh mục các đề tài thuộc từng Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và Danh mục các đề tài độc lập cấp Nhà nước để giao trực tiếp hoặc thông báo và tổ chức tuyển chọn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định chi tiết về Phương thức làm việc của Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xác định đề tài cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ nông nghiệp, Vụ Quản lý khoa học xã hội và tự nhiên, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.