• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/06/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 19/01/2005
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-UỶ BAN QUỐC GIA DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH-UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM
Số: 32/2001/TTLT/BTCCBCP-UBQGDSKHHGĐ-UBBVCSTEVN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 6 tháng 6 năm 2001

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân số,

Gia đình và Trẻ em ở địa phương

____________

 

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ về việc "tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh" và các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia dân số và Kế hoạch hoá gia đình và Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em ở địa phương như sau:

1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân số, Gia đình và trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1. Về chức năng:

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh) là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân số, gia đình, trẻ em trên địa bàn tỉnh; tổ chức sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội của tỉnh nhằm thực hiện luật, công ước quốc tế, các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch về dân số, gia đình và Trẻ em ở tỉnh.

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh chịu sự lãnh đạo toàn diện của Uỷ ban nhân dân tỉnh và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình và Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam.

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh có con dấu và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

2.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh kế hoạch 10 năm, 5 năm, hàng năm, chương trình mục tiêu, các dự án về dân số, Gia đình và Trẻ em theo chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức việc thực hiện kế hoạch, chương trình đó sau khi được phê duyệt;

Quản lý có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các chương trình mục tiêu về dân số, gia đình và trẻ em ở tỉnh;

2.2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản qui phạm pháp luật để cụ thể hoá một số chủ trương, chính sách, chiến lược về dân số, Gia đình và Trẻ em, phù hợp với tình hình, đặc điểm ở tỉnh;

Ban hành các văn bản nghiệp vụ chuyên môn về công tác dân số, Gia đình và Trẻ em ở tỉnh và tổ chức hướng dẫn thực hiện;

2.3. Kiểm tra, thành tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách và chương trình hành động về lĩnh vực dân số, Gia đình, Trẻ em; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc phạm vi nhiệm vụ và thẩm quyền;

2.4. Tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội ở tỉnh về công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi tầng lớp nhân dân, các gia đình nhằm thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em; tổ chức thực hiện "Ngày Dân số", "Ngày Gia đình Việt Nam" và "Tháng hành động vì Trẻ em" hàng năm.

2.5. Ở những tỉnh có các Hội hoạt động về lĩnh vực dân số, Gia đình và Trẻ em thì Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước đối với các Hội này;

2.6. Thực hiện dịch vụ tư vấn về dân số, gia đình, trẻ em;

2.7. Vận động các tổ chức và cá nhân trong nước, nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em; hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em;

2.8. Tổ chức thu thập, xử lý, lưu trữ và phổ biến thông tin về dân số, gia đình, trẻ em phục vụ cho quản lý, điều phối chương trình dân số, gia đình và trẻ em của tỉnh và cả nước;

Tổ chức phân tích, đánh giá tình hình thực hiện luật, công ước, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động, về dân số, gia đình và trẻ em; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình và Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam;

2.9. Tổ chức việc nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác dân số, gia đình, trẻ em ở tỉnh;

2.10. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em ở tỉnh.

3. Tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh

3.1. Lãnh đạo Uỷ ban gồm có:

- Chủ nhiệm

- Các Phó Chủ nhiệm chuyên trách

- Các Uỷ viên kiêm nhiệm là đại diện lãnh đạo của các cơ quan: Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Thể dục - thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và mời lãnh đạo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia là thành viên. Ngoài các thành phần nêu trên, căn cứ vào điều kiện và tình hình cụ thể ở địa phương mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc bổ sung thêm các thành viên khác, như: Sở Tư pháp, Hội Cựu chiến binh và Bộ đội biên phòng (đối với những tỉnh miền núi có biên giới quốc gia)

Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia Dân số và kế hoạch hoá gia đình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam ban hành.

Các uỷ viên kiêm nhiệm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh.

3.2. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ

Bộ máy Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh có Văn phòng và một số phòng chuyên môn nghiệp vụ. Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể ở địa phương, tính chất, khối lượng nhiệm vụ, yêu cầu quản lý Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định số lượng các phòng chuyên môn và Văn phòng nhưng bảo đảm ở những tỉnh có dân số từ 1.500.000 người trở lên không quá 4 phòng chuyên môn, ở những tỉnh có dân số dưới 1.500.000 người không quá 3 phòng chuyên môn.

Biên chế của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trong tổng số biên chế được giao.

3.3. Các đơn vị sự nghiệp, bao gồm:

- Quỹ Bảo trợ trẻ em

- Trung tâm Tư vấn, dịch vụ dân số, gia đình và trẻ em.

Cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

II. NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ NHIỆM VỤ VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ, GIA ĐÌNH, TRẺ EM Ở QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ VÀ THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH (SAU ĐÂY GỌI CHUNG LÀ HUYỆN)

1. Xây dựng kế hoạch 10 năm, 5 năm, hàng năm, chương trình mục tiêu, các dự án về dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn huyện và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

2. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch, chương trình, các dự án đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách về dân số, gia đình, trẻ em;

Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em thuộc thẩm quyền;

3. Quyết định kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội ở huyện thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi tầng lớp nhân dân, các gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện chính sách dân số và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bễn vững; tổ chức thực hiện "Ngay dân số", "Ngày Gia đình Việt Nam", "Tháng hành động vì trẻ em" hàng năm;

4. Thực hiện một số chương trình, dự án về dân số, gia đình, trẻ em ở huyện theo hướng dẫn của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh; Tổ chức vận động, xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện; Thực hiện, lồng ghép và quản lý các nguồn lực theo chương trình, mục tiêu; Thực hiện dịch vụ tư vấn về dân số, gia đình và trẻ em; Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em;

5. Tổ chức thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin về dân số, gia đình, trẻ em phục vụ cho quản lý, điều phối chương trình dân số, gia đình và trẻ em ở huyện; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh;

6. Tổ chức việc ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác dân số, gia đình, trẻ em ở huyện;

7. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em ở huyện.

Để giúp Uỷ ban nhân dân huyện quản lý Nhà nước về công tác dân số, gia đình và trẻ em, Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ khoản 3 Điều 1 Nghị định số 12/2001/NĐ-CP của Chính phủ và đặc điểm, tình hình ở địa phương, quyết định tổ chức làm công tác dân số, gia đình và trẻ em ở huyện theo hướng: thành lập Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em là một cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện hoặc bố trí công chức làm việc theo chế độ chuyên viên, tham mưu cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước về dân số, gia đình, trẻ em trên địa bàn huyện.

Biên chế công chức làm công tác dân số, gia đình, trẻ em do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định trong tổng biên chế được giao.

III. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (SAU ĐÂY GỌI CHUNG LÀ XÃ)

1. Thực hiện kế hoạch hàng năm về công tác dân số, gia đình, trẻ em theo kế hoạch, chương trình công tác do Uỷ ban nhân dân huyện giao;

2. Tổ chức việc hướng dẫn, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chủ trương, cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch về dân số, gia đình, trẻ em; tổ chức thực hiện "Ngày dân số", "Ngày gia đình Việt Nam" và "Tháng hành động vì trẻ em";

3. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách về dân số, gia đình, trẻ em ở xã;

4. Thực hiện chương trình, dự án từ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước do Uỷ ban nhân dân huyện giao; xây dựng và quản lý việc sử dụng có hiệu quả Quỹ Bảo trợ trẻ em xã và các nguồn vốn dành cho công tác dân số, gia đình và trẻ em;

5. Quản lý hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em đến tận thôn, xóm, bản, tổ nhân dân để cung cấp dịch vụ, tư vấn và thu nhập thông tin làm báo cáo định kỳ liên quan đến hoạt động dân số, gia đình và trẻ em.

Căn cứ quy định của pháp luật và nhiệm vụ công tác dân số, gia đình và trẻ em ở xã nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn cụ thể việc tổ chức và hoạt động của Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em xã.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các mục I, II, III trong Thông tư Liên tịch số 13/1998/TTLT-TCCP-BV&CSTEVN ngày 07/01/1998 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và thay thế các mục I, II, III trong Thông tư Liên Bộ số 31/TTLB ngày 10/11/1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Uỷ ban Quốc gia Dân số và kế hoạch hoá gia đình.

2. Ban tổ chức chính quyền tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình và Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam để nghiên cứu giải quyết.

 

Bộ trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Bộ trưởng Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình

Bộ trưởng Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Đỗ Quang Trung

Trần Thị Trung Chiến

Trần Thị Thanh Thanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.