• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2006
CHÍNH PHỦ
Số: 102/2001/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 31 tháng 12 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan

về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan

________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại các Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; ngoại hối, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý; văn hoá phẩm, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bưu phẩm, bưu kiện; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan.

2. Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Điều 3. Người khai hải quan

1. Người khai hải quan gồm:

a) Người sở hữu đối tượng làm thủ tục hải quan;

b) Người được người sở hữu đối tượng làm thủ tục hải quan ủy quyền hợp pháp;

c) Đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Người khai hải quan có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 Luật Hải quan.

Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan

1. Địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi thực hiện các công việc về thủ tục hải quan quy định tại Điều 17 Luật Hải quan. Địa điểm làm thủ tục hải quan gồm:

a) Trụ sở hải quan cửa khẩu được thành lập tại các cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ;

b) Trụ sở hải quan ngoài cửa khẩu được thành lập tại các khu vực ngoài cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh là trụ sở hải quan cửa khẩu nơi phương tiện vận tải đó xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Điều 5. Địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là nơi cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, gồm:

a) Địa điểm làm thủ tục hải quan cửa khẩu;

b) Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

c) Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định trong trường hợp cần thiết.

Điều 6. Đại lý làm thủ tục hải quan

1. Đại lý làm thủ tục hải quan (sau đây viết là Đại lý) là người thay mặt người có quyền và nghĩa vụ trong việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải (sau đây viết là chủ hàng) khai hải quan và thực hiện các công việc theo thoả thuận tại hợp đồng đại lý làm thủ tục hải quan (sau đây viết là hợp đồng đại lý).

2. Điều kiện làm Đại lý:

a) Là thương nhân đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Có ngành nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Quyền và nghĩa vụ của Đại lý:

a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ ghi trong hợp đồng đại lý;

b) Khai và ký tờ khai hải quan;

c) Yêu cầu chủ hàng bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng đại lý của chủ hàng gây ra;

d) Yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu;

đ) Thực hiện các công việc về thủ tục hải quan theo ủy quyền của chủ hàng ghi trong hợp đồng đại lý;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi được ủy quyền về các nghĩa vụ của người khai hải quan.

5. Quyền và nghĩa vụ của chủ hàng trong việc ủy quyền cho Đại lý:

a) Ký hợp đồng đại lý (trong đó quy định rõ phạm vi ủy quyền, trách nhiệm của người ủy quyền, trách nhiệm của Đại lý);

b) Cung cấp cho Đại lý đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh cho Đại lý do hành vi vi phạm hợp đồng đại lý của chủ hàng gây ra;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật của mình hoặc của Đại lý nếu hành vi vi phạm đó không thuộc lỗi của Đại lý.

Chương 2:

THỦ TỤC HẢI QUAN, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN

MỤC 1: ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 7. Hồ sơ hải quan, đăng ký hồ sơ hải quan

1. Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải nộp và xuất trình hồ sơ hải quan gồm các chứng từ sau:

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu:

Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu;

Bản kê chi tiết hàng hóa đối với lô hàng có nhiều chủng loại;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật;

Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng trong trường hợp cần thiết do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định;

Các chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu:

Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu;

Hóa đơn thương mại;

Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

Bản sao vận tải đơn;

Bản kê chi tiết hàng hóa đối với lô hàng có nhiều chủng loại;

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này;

Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa của tổ chức giám định hàng hoá hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng;

Chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể.

Các giấy tờ trên nếu là bản sao thì phải được người đứng đầu tổ chức kinh doanh hoặc người được người đứng đầu tổ chức kinh doanh ủy quyền xác nhận, ký tên, đóng dấu. Người xác nhận, ký tên, đóng dấu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các giấy tờ này.

2. Trường hợp được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu (sau đây viết là Chi cục trưởng Hải quan) chấp nhận, người khai hải quan được nộp chậm các chứng từ sau:

a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Thời hạn nộp chậm không quá 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

b) Các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan (trừ tờ khai hải quan). Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

3. Trước thời điểm công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu người khai hải quan có văn bản đề nghị, được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận, thì người khai hải quan được rút lại tờ khai hải quan đã đăng ký để bổ sung, sửa chữa hoặc thay tờ khai hải quan khác.

4. Yêu cầu về hồ sơ hải quan và đăng ký hồ sơ hải quan đối với các trường hợp khác:

a) Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng nhập khẩu trước khi hàng hoá đến cửa khẩu trong thời hạn quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu;

b) Chủ hàng thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng ổn định, trong một thời gian nhất định của cùng một hợp đồng mua bán được phép sử dụng một tờ khai hải quan (đăng ký tờ khai một lần) để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng đó trong thời gian giao hàng quy định tại hợp đồng mua bán;

c) Chính sách thuế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xuất khẩu, nhập khẩu thực tế hàng hóa;

d) Người khai hải quan được khai hải quan bằng cách khai trên máy tính của mình đã được nối với mạng máy tính của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

5. Khi làm thủ tục đăng ký hồ sơ hải quan, công chức hải quan có trách nhiệm: kiểm tra các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; kiểm tra nội dung khai hải quan; đối chiếu nội dung khai hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; đăng ký hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp không chấp nhận đăng ký hồ sơ hải quan thì phải ghi rõ lý do không chấp nhận để người khai hải quan biết.

Điều 8. Kiểm tra thực tế hàng hóa

1. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm tổ chức thu thập, trao đổi thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về: quá trình chấp hành pháp luật của chủ hàng; chính sách quản lý xuất nhập khẩu; tính chất, chủng loại, nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Chi cục trưởng Hải quan căn cứ vào cơ sở dữ liệu được xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ hải quan và các thông tin liên quan khác để quyết định hoặc thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá, cách xác định tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá đối với từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể.

3. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa căn cứ quyết định của Chi cục trưởng Hải quan về hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá để áp dụng các biện pháp, cách thức kiểm tra hàng hoá phù hợp với từng lô hàng cụ thể. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì báo cáo Chi cục trưởng Hải quan quyết định việc thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá.

4. Miễn kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

a) Điều kiện đối với chủ hàng hoá được miễn kiểm tra thực tế:

Chủ hàng hoá xuất khẩu có quá trình 01 (một) năm xuất khẩu kể từ ngày làm thủ tục hải quan không bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan.

Chủ hàng hoá nhập khẩu có quá trình 02 (hai) năm nhập khẩu kể từ ngày làm thủ tục hải quan không bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan.

b) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản này được miễn kiểm tra thực tế, gồm:

Đối với hàng hóa xuất khẩu: hàng nông sản, thủy sản; hàng dệt may; giày dép, cao su tự nhiên; hàng thực phẩm tươi sống; hàng thực phẩm chế biến; hàng hóa cần phải được bảo quản đặc biệt; hàng cơ khí điện máy; hàng lỏng, hàng rời; các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá phải căn cứ vào kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức giám định; hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu chế xuất; hàng hoá xuất khẩu thường xuyên; hàng hoá khác do Chính phủ quy định.

Đối với hàng hóa nhập khẩu: thiết bị, máy móc; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa cần phải bảo quản đặc biệt; hàng hoá gửi kho ngoại quan, kho bảo thuế; hàng hoá nhập khẩu để đưa vào khu chế xuất, bảo thuế hoặc khu vực ưu đãi hải quan khác; hàng lỏng, hàng rời và các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất lượng, chủng loại phải căn cứ vào kết luận của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định; hàng hoá nhập khẩu thường xuyên; hàng hoá khác do Chính phủ quy định.

c) Cơ quan hải quan ghi xác nhận hàng hóa thực tế đối với hàng hóa miễn kiểm tra thực tế như sau:

Đối với hàng hoá có kết quả kiểm tra, giám định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định thì cơ quan hải quan ghi xác nhận hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực tế theo kết luận của các cơ quan, tổ chức này.

Đối với hàng hóa khác, cơ quan hải quan ghi xác nhận hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực tế theo nội dung tự kê khai của người khai hải quan. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tự kê khai của mình.

5. Kiểm tra xác suất thực tế hàng hoá không quá 10% của mỗi lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Hải quan. Nếu hàng hoá đóng theo kiện thì tỷ lệ kiểm tra là tỷ lệ số kiện được kiểm tra. Nếu hàng hoá được đóng trong con-ten-nơ thì tỷ lệ kiểm tra là tỷ lệ số con-ten-nơ được kiểm tra hoặc tỷ lệ số kiện trong từng con-ten-nơ.

6. Kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan; lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan như sau:

a) Chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan là chủ hàng đã trên 03 (ba) lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ ngày làm thủ tục hải quan đối với hoạt động nhập khẩu và 01 (một) năm, kể từ ngày làm thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất khẩu với mức phạt của mỗi lần phạt vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan;

b) Trường hợp trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này, chủ hàng đã 01 (một) lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt vượt thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết là Cục trưởng Hải quan) thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng này được áp dụng hình thức kiểm tra thực tế như đối với hàng hóa của chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan;

c) Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, cơ quan hải quan kiểm tra toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo như sau:

Nếu dấu hiệu vi phạm là dấu hiệu gian lận về lượng hàng hoá thì công chức hải quan kiểm đếm hoặc cân, đo toàn bộ lô hàng;

Nếu dấu hiệu vi phạm là dấu hiệu gian lận về chủng loại hàng hoá thì công chức hải quan kiểm tra tất cả các kiện hàng;

Nếu dấu hiệu vi phạm là dấu hiệu gian lận về chất lượng hàng hoá thì công chức hải quan lấy một số mẫu bất kỳ hoặc mẫu có nghi vấn để kiểm tra, phân tích hoặc trưng cầu giám định với sự chứng kiến của người khai hải quan. Việc lấy mẫu hàng được lập biên bản, có chữ ký xác nhận của công chức hải quan và người khai hải quan.

7. Trên cơ sở các quy định tại Điều này, các thông tin cụ thể về chủ hàng, lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan, Cục trưởng Hải quan quyết định việc thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế đối với hàng hoá đã được Chi cục trưởng Hải quan quyết định hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế.

Điều 9. Phân tích, phân loại, giám định và kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá

1. Đối với hàng hoá không thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng nhưng công chức hải quan không thể xác định được tên hàng, lượng hàng, chất lượng hàng, thì xử lý như sau:

a) Công chức hải quan lấy mẫu hàng hoá với sự chứng kiến của người khai hải quan để phân tích hoặc trưng cầu giám định. Việc lấy mẫu hàng hoá phải được lập biên bản, có chữ ký xác nhận của công chức hải quan và người khai hải quan;

b) Trường hợp người khai hải quan không nhất trí kết quả kiểm tra, phân tích hoặc giám định do cơ quan hải quan kết luận (sau đây viết là kết luận lần đầu) thì được lựa chọn một cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành khác giám định lại và phải trả phí giám định;

c) Khi chưa có kết quả giám đinh lại, kết luận lần đầu là cơ sở để cơ quan hải quan căn cứ, làm thủ tục hải quan. Khi có kết quả giám định lại, cơ quan hải quan căn cứ kết qủa giám định lại để làm thủ tục hải quan hàng hoá;

d) Chủ hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của kết quả giám định nếu hàng hoá được giám định ở nước ngoài theo yêu cầu của chủ hàng.

2. Đối với hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thì cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ hải quan và Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá hoặc thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá để làm thủ tục hải quan cho hàng hoá đó.

3. Người khai hải quan có quyền khiếu nại với cơ quan hải quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án về quyết định của cơ quan hải quan, cơ quan, tổ chức, phân tích, phân loại, giám định hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Kiểm tra xuất xứ hàng hóa

1. Việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá phải căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá và hồ sơ hải quan.

2. Quy định đối với Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu, người khai hải quan không phải nộp C/O;

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu, nếu chủ hàng có yêu cầu được hưởng ưu đãi về xuất xứ phù hợp với các thoả thuận, cam kết của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước khác, tổ chức quốc tế, thì phải nộp C/O hoặc chứng từ có giá trị pháp lý tương đương và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của C/O;

c) Đối với hàng hóa mà Việt Nam hoặc tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khoẻ cộng đồng, sản xuất, vệ sinh môi trường thì khi nhập khẩu, người khai hải quan phải nộp C/O của hàng hóa đó.

Điều 11. Thông quan hàng hoá

1. Căn cứ để cơ quan hải quan thông quan hàng hoá gồm:

a) Khai báo của người khai hải quan hoặc kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước, tổ chức giám định đối với hàng hoá miễn kiểm tra thực tế;

b) Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan đối với hàng hoá phải kiểm tra thực tế;

c) Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa của tổ chức giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá;

d) Kết quả giám định đối với hàng hóa có yêu cầu giám định.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc diện chịu các loại thuế do cơ quan hải quan thu, hàng được miễn thuế, hàng gia công, hàng đặc biệt khác được thông quan ngay sau khi có xác nhận của cơ quan hải quan trên tờ khai về kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện có thuế được thông quan sau khi người khai hải quan đã nộp thuế. Hàng hóa có thời gian ân hạn nộp thuế được thông quan sau khi cơ quan hải quan ra thông báo thuế.

Điều 12. Giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Hàng hóa chịu sự giám sát hải quan

Hàng hoá chịu sự giám sát hải quan gồm:

a) Hàng hoá đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu nhưng chưa xuất khẩu;

b) Hàng hoá đã làm xong thủ tục hải quan nhập khẩu nhưng chưa được thông quan;

c) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu giữ trong kho, bãi thuộc phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;

d) Hàng hóa, phương tiên vận tải quá cảnh;

đ) Hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển cửa khẩu.

2. Các phương thức giám sát hải quan

a) Sự giám sát hải quan được thực hiện theo các phương thức sau:

Niêm phong hải quan, bao gồm: niêm phong bằng giấy niêm phong hải quan, niêm phong bằng dây hoặc khoá chuyên dụng hải quan;

Giám sát trực tiếp của công chức hải quan;

Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.

b) Không áp dụng phương thức giám sát trực tiếp của công chức hải quan đối với hàng hoá được lưu giữ, vận chuyển ở ngoài phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cần thiết do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

Điều 13. Hàng hóa chuyển cửa khẩu

1. Hàng hóa chuyển cửa khẩu phải được vận chuyển theo đúng tuyến đường, đến đúng địa điểm quy định ghi trong hồ sơ hải quan.

2. Người vận tải và công chức hải quan đi cùng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa hoặc niêm phong hải quan trong quá trình chuyển cửa khẩu.

3. Trong quá trình chuyển cửa khẩu, nếu xảy ra tai nạn hoặc trường hợp bất khả kháng khác làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc làm mất nguyên trạng hàng hoá, thì trong thời gian sớm nhất có thể, người vận tải, chủ hàng, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải báo cho cơ quan hải quan hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng hàng hoá.

4. Thủ tục hải quan chuyển cửa khẩu:

a) Đối với hàng hóa nhập khẩu có vận tải đơn ghi địa điểm đến là địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu:

Cơ quan hải quan cửa khẩu có trách nhiệm kiểm tra tình trạng bên ngoài của hàng hoá; lập biên bản bàn giao và giao hàng hoá cho người vận tải chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; thông báo cho cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu những thông tin cần lưu ý về hàng hoá.

Cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu tiếp nhận hàng hoá được chuyển đến; đối chiếu hàng hoá và xác nhận vào biên bản bàn giao của cơ quan hải quan cửa khẩu; làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hoá; thông báo cho cơ quan hải quan cửa khẩu kết quả kiểm tra về các thông tin đã được cơ quan hải quan cửa khẩu lưu ý về lô hàng nhập khẩu.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu có vận tải đơn ghi địa điểm đến là địa điểm làm thủ tục hải quan cửa khẩu:

Người khai hải quan phải có đơn xin chuyển cửa khẩu. Trên cơ sở đơn xin chuyển cửa khẩu của người khai hải quan, cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ; đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu; ghi xác nhận vào đơn xin chuyển cửa khẩu và gửi đến cơ quan hải quan cửa khẩu để làm thủ tục chuyển hàng từ cửa khẩu về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.

Khi nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu ghi trong đơn xin chuyển cửa khẩu, cơ quan hải quan cửa khẩu và cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 4 này.

c) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

Cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục hải quan xuất khẩu; lập biên bản bàn giao, giao hàng hoá và hồ sơ cho người khai hải quan chuyển đến cơ quan hải quan cửa khẩu.

Cơ quan hải quan cửa khẩu xuất tiếp nhận hàng hoá; đối chiếu hàng hoá thực tế với biên bản bàn giao của cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; giám sát hàng hóa cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu; xác nhận thực xuất theo quy định.

d) Cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu có trách nhiệm làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan hải quan cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cần lưu ý về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu. Khi nhận được thông tin cần lưu ý về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, cửa khẩu phải kiểm tra về các thông tin đó và thông báo kết quả kiểm tra cho Cục trưởng Hải quan và Chi cục hải quan có liên quan.

Điều 14. Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

1. Khi muốn yêu cầu cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ ủy quyền (sau đây viết là người yêu cầu tạm dừng) phải:

a) Có đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan gửi Chi cục trưởng Hải quan nơi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Nộp một khoản tiền tạm ứng bằng 20% trị giá lô hàng theo giá ghi trong hợp đồng vào tài khoản tạm gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại cho chủ hàng hoá và việc thanh toán các chi phí phát sinh do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan;

c) Xuất trình cho cơ quan hải quan văn bằng bảo hộ hoặc tài liệu chứng minh sở hữu hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ;

d) Đưa ra chứng cứ ban đầu về việc nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình;

đ) Giấy ủy quyền nộp đơn yêu cầu tạm dừng theo quy định của pháp luật (trường hợp được ủy quyền).

2. Thủ tục tạm dừng:

a) Khi người yêu cầu tạm dừng đã đáp ứng đủ các điều kiện đề nghị tạm dừng quy định tại khoản 1 Điều này thì Chi cục trưởng Hải quan quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan (sau đây viết là tạm dừng) đối với lô hàng. Quyết định tạm dừng được gửi cho chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và người yêu cầu tạm dừng. Quyết định tạm dừng phải ghi rõ lý do và thời hạn tạm dừng để các bên liên quan đến lô hàng biết, thực hiện;

b) Thời hạn tạm dừng là 10 (mười) ngày, kể từ ngày quyết định tạm dừng được ban hành;

c) Chi cục trưởng Hải quan quyết định việc kéo dài thêm thời hạn tạm dừng trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có đơn xin kéo dài thời hạn tạm dừng trước ngày quyết định tạm dừng hết hạn. Trong trường hợp này, người yêu cầu tạm dừng phải nộp bổ sung một khoản tiền tạm ứng theo quy định tại khoản 1 Điều này. Thời hạn được kéo dài thêm không quá 10 (mười) ngày kể từ ngày quyết định tạm dừng hết hạn;

d) Kết thúc thời hạn quy định tại điểm b, c khoản này, nếu người yêu cầu tạm dừng không đưa ra được bằng chứng hay kết luận của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng minh lô hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không có cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc Toà án có văn bản yêu cầu cơ quan hải quan bàn giao hàng hoá đang bị tạm dừng làm thủ tục hải quan để giải quyết thì Chi cục trưởng Hải quan được quyết định:

Làm thủ tục thông quan cho lô hàng;

Buộc người yêu cầu tạm dừng phải bồi hoàn cho người xuất khẩu, nhập khẩu mọi thiệt hại trực tiếp do yêu cầu tạm dừng không đúng gây ra, thanh toán các chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh cho cơ quan hải quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Làm thủ tục hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng khoản tiền tạm ứng còn lại sau khi người yêu cầu tạm dừng đã bồi thường, thanh toán cho người xuất khẩu, người nhập khẩu và các chi phí phát sinh liên quan đến yêu cầu tạm dừng. Trường hợp tiền tạm ứng không đủ để thanh toán các chi phí nêu trên thì người yêu cầu tạm dừng có trách nhiệm nộp bổ sung thêm số tiền còn thiếu.

đ) Trường hợp người yêu cầu tạm dừng chứng minh được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ hàng hoá và hàng hóa được xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật; thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ; thanh toán các chi phí phát sinh do việc tạm dừng gây ra. Cơ quan hải quan hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng khoản tiền đã tạm ứng.

MỤC 2: ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÁC

Điều 15. Hàng hóa quá cảnh

1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu. Hàng hoá quá cảnh phải nhập khẩu, xuất khẩu đúng cửa khẩu; vận chuyển đúng tuyến đường theo thời gian quy định ghi tại hồ sơ hải quan; chịu sự giám sát hải quan.

2. Hàng hóa quá cảnh không được bán, tặng, trao đổi tại Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cho phép và phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

3. Hàng hóa quá cảnh không qua lãnh thổ đất liền được lưu kho trong khu vực cửa khẩu.

4. Hàng hoá quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền hoặc hàng hoá quá cảnh khác theo quy định của pháp luật Việt Nam phải có giấy phép quá cảnh thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Chứng từ phải nộp khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá quá cảnh:

a) Bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh giữ nguyên trạng đi thẳng; quá cảnh chuyển tải sang cùng loại phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không (trừ hàng hoá quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không);

b) Tờ khai hải quan hàng hoá quá cảnh và bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh phải lưu kho hoặc thay đổi phương tiện vận tải.

6. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

a) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh tiếp nhận bản kê khai hàng hoá quá cảnh hoặc tờ khai hải quan về lô hàng quá cảnh, niêm phong nơi chứa hàng hoá và xác nhận nguyên trạng hàng hóa trên bản kê khai hàng hóa và tờ khai hải quan (đối với trường hợp phải khai hải quan) và giao cho người điều khiển phương tiện vận tải chuyển đến cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh;

b) Trường hợp hàng hoá quá cảnh thuộc diện không niêm phong được thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa từ cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh đến cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh;

c) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh tiếp nhận bản lược khai hoặc tờ khai hải quan do cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh chuyển đến; kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan hoặc nguyên trạng hàng hoá để đối chiếu với các nội dung xác nhận của cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh trên bản lược khai hàng hóa hoặc tờ khai hải quan quá cảnh để làm thủ tục xuất cảnh.

7. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hoá thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và báo ngay cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng hàng hoá.

Điều 16. Hàng hoá tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm

1. Hàng hoá tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm (dưới đây gọi chung là hàng tạm nhập).

a) Hồ sơ hải quan gồm:

Tờ khai hải quan;

Bản sao vận tải đơn;

Bản kê chi tiết hàng hoá;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (đối với hàng hoá phải xin phép).

b) Hàng tạm nhập được làm thủ tục hải quan tại trụ sở hải quan cửa khẩu hoặc tại trụ sở hải quan ngoài cửa khẩu nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;

c) Thời hạn tạm nhập thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Hàng tạm nhập thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trao đổi tại Việt Nam phải xin phép cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.

2. Hàng hoá của tổ chức, cá nhân Việt Nam tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa ở nước ngoài (dưới đây gọi chung là hàng tạm xuất).

a) Hồ sơ hải quan gồm:

Tờ khai hải quan;

Bản kê chi tiết hàng hoá;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có thẩm quyền (đối với hàng hoá phải xin phép).

b) Hàng tạm xuất được làm thủ tục hải quan tại trụ sở hải quan cửa khẩu hoặc tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

c) Thời hạn tạm xuất thực hiện theo quy đinh của pháp luật.

d) Hàng tạm xuất thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trảo đổi tại thị trường nước ngoài phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.

Điều 17. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập có thời hạn

1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp (dưới đây gọi chung là hàng hóa tạm xuất, tạm nhập) cần thiết cho công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh được tạm xuất, tạm nhập trong thời hạn nhất định, phù hợp với yêu cầu công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Văn bản đề nghị;

c) Bản kê chi tiết hàng hoá;

d) Bản sao vận tải đơn (đối với hàng tạm nhập);

đ) Giấy tờ xác nhận công việc có sử dụng hàng hóa tạm xuất, tạm nhập của cơ quan, tổ chức nơi chủ hàng công tác.

Điều 18. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ việc thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài

1. Các hãng vận tải đường biển, đường hàng không nước ngoài có tàu biển, tàu bay đến sửa chữa ở Việt Nam được phép gửi linh kiện, phụ tùng tới để phục vụ việc sửa chữa.

2. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài do chính tàu bay, tàu biển đó mang theo khi nhập cảnh hoặc gửi trước, gửi sau theo địa chỉ của đại lý hãng tàu hoặc của nhà máy sửa chữa.

3. Người khai hải quan là người điều khiển tàu bay, tàu biển hoặc đại lý hãng tàu hoặc nhà máy sửa chữa. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng linh kiện, phụ tùng tạm nhập đúng mục đích đã khai báo.

4. Hồ sơ hải quan gồm:

Tờ khai hải quan;

Bản kê chi tiết;

Văn bản đề nghị của người khai hải quan;

Bản sao vận tải đơn.

Điều 19. Hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính

1. Hàng hóa thuộc loại hình xuất khẩu, nhập khẩu nào thì áp dụng quy định thủ tục hải quan đối với loại hình xuất khẩu, nhập khẩu đó.

2. Người khai hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính là chủ hàng hoá hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính là đại diện đương nhiên hợp pháp của chủ hàng. Khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây của chủ hàng:

a) Khai hải quan;

b) Xuất trình hàng hoá để hải quan kiểm tra;

c) Nộp thuế (nếu hàng có thuế);

d) Nhận hàng để chuyển trả cho chủ hàng.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính được khai hàng hoá của nhiều chủ hàng trên một tờ khai hải quan.

Điều 20. Hàng hoá mua bán trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh tại khu vực cảng biển, cảng sông của Việt Nam

1. Thương nhân mua bán hàng hóa với những người trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh phải làm thủ tục hải quan, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế và chính sách quản lý hàng hóa theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Bản kê chi tiết (nếu hàng hóa gồm nhiều mặt hàng);

c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 21. Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới

1. Người cư trú trong khu vực biên giới mang hàng hóa qua lại biên giới theo mức quy định thì không phải khai hải quan, nếu vượt mức quy định thì phải khai hải quan và thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu.

2. Nơi không có cơ quan hải quan thì Bộ đội biên phòng thực hiện việc quản lý hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 22. Tài sản di chuyển xuất khẩu, nhập khẩu

1. Người nước ngoài đưa tài sản di chuyển vào Việt Nam phục vụ cho công tác và sinh hoạt trong thời hạn ở Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy xác nhận đến công tác, làm việc tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Bản sao vận tải đơn;

d) Bản kê chi tiết tài sản.

2. Người nước ngoài đưa tài sản di chuyển ra khỏi Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy xác nhận hết thời gian làm việc, cư trú do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Bản kê chi tiết tài sản;

d) Tờ khai nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan kèm theo chứng từ thanh khoản tài sản tạm nhập với cơ quan hải quan và chứng từ nộp thuế đối với hàng hoá thuộc diện phải nộp thuế.

3. Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa từ Việt Nam ra nước ngoài để làm việc hoặc mua tại nước ngoài, khi hết thời hạn chuyển về nước phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh và làm việc ở nước ngoài hoặc cho phép trở về Việt Nam;

c) Tờ khai hải quan xuất khẩu và các chứng từ khác chứng minh đã mang hàng ra nước ngoài hoặc hóa đơn mua hàng ở nước ngoài.

4. Tài sản di chuyển của người Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài mang về nước khi được phép trở về định cư ở Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Quyết định cho phép định cư tại Việt Nam hoặc quyết định cho phép định cư ở nước ngoài (nếu xuất cảnh);

c) Bản kê chi tiết tài sản;

d) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường của gia đình, cá nhân.

Điều 23. Hành lý, ngoại hối, kim khí quý, đá quý, tiền Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu

1. Ngay sau khi tới cửa khẩu, người xuất cảnh, nhập cảnh phải khai và xuất trình hành lý mang theo (bao gồm hành lý xách tay và hành lý ký gửi cùng chuyến) cho cơ quan hải quan kiểm tra khi có yêu cầu. Đối với hành lý gửi trước, gửi sau, khi người sở hữu hành lý đến làm thủ tục nhận hành lý phải xuất trình tờ khai hải quan, hộ chiếu, vận tải đơn.

2. Người nhập cảnh có vật dụng khai là hàng tạm nhập thì khi xuất cảnh phải mang ra đúng vật dụng đó. Người xuất cảnh có vật dụng mang ra, khai là hàng tạm xuất, khi nhập cảnh phải mang về đúng vật dụng đó. Trường hợp hàng tạm nhập bị mất, thất lạc thì phải có giấy xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền.

3. Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo hàng hoá là đá quý, kim khí quý (trừ vàng tiêu chuẩn quốc tế) phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải làm thủ tục hải quan.

4. Người xuất cảnh có mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng tiền mặt Việt Nam, vàng tiêu chuẩn quốc tế vượt mức quy định thì phải có giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khai hải quan tại cửa khẩu.

5. Người nhập cảnh có mang vàng tiêu chuẩn quốc tế vượt quá mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì phải gửi tại kho của cơ quan hải quan số vàng vượt mức quy định và phải mang ra khi xuất cảnh hoặc bán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 24. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp, an ninh, quốc phòng.

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp gồm:

a) Hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Thủ tục hải quan:

a) Đối với hàng hoá phục vụ các yêu cầu khẩn cấp:

Thủ trưởng cơ quan hoặc người đứng đầu doanh nghiệp có văn bản xác nhận hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ các yêu cầu khẩn cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận của mình.

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được thông quan trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan.

Chi cục trưởng Hải quan căn cứ vào tính chất, chủng loại hàng hoá, mức độ khẩn cấp để quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá phù hợp.

b) Đối với hàng hoá phục vụ các yêu cầu về an ninh, quốc phòng:

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận là phục vụ các yêu cầu về an ninh, quốc phòng được thông quan hàng hoá trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan.

Hàng hoá phục vụ các yêu cầu về an ninh, quốc phòng có văn bản xác nhận của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận phải được bảo đảm an toàn cao hoặc có yêu cầu bảo mật đặc biệt (tối mật, tuyệt mật) được miễn kiểm tra thực tế và miễn khai hải quan.

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung văn bản xác nhận của mình.

Điều 25. Ưu đãi, miễn trừ về khai hải quan và kiểm tra hải quan

1. Túi ngoại giao, túi lãnh sự được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan.

2. Hành lý cá nhân và phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức sau đây được miễn kiểm tra hải quan:

a) Phương tiện vận tải, đồ vật dùng vào công việc chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Những người mang hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao hoặc các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của nước ta ở nước ngoài cấp hoặc do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền của những nước đã công nhận Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp;

c) Vợ (hoặc chồng), các con chưa đến tuổi thành niên cùng đi với đối tượng quy định tại điểm b khoản này;

3. Hàng hóa được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Khi có căn cứ để khẳng định phương tiện vận tải, hàng hoá, vật dụng của các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này vi phạm chế độ ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc kiểm tra, xử lý các đối tượng này theo quy định tại Điều 62 Luật Hải quan.

Điều 26. Hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu bị trôi dạt, thất lạc, nhầm lẫn

1. Khi làm thủ tục hải quan để nhận lại hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu bị trôi dạt, thất lạc, nhầm lẫn, chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền phải nộp các giấy tờ sau:

a) Chứng từ chứng minh quyền sở hữu hàng hoá, hành lý ký gửi;

b) Bản kê hàng hoá, hành lý ký gửi (nếu có).

2. Trường hợp không xác định được người nhận hàng hoá, hành lý ký gửi quy định ở Điều này thì xử lý theo quy định tại Điều 45 Luật Hải quan.

MỤC 3 : ĐỐI VỚI HÀNG HÓA TẠI KHO NGOẠI QUAN, KHO BẢO THUẾ

Điều 27. Kho ngoại quan

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài, hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.

Điều 28. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với kho ngoại quan

Kho ngoại quan, hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

Điều 29. Khu vực được thành lập kho ngoại quan

Kho ngoại quan được phép thành lập ở các khu vực sau:

1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Việt Nam với nước ngoài, có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, các khu kinh tế đặc biệt khác (sau đây viết là Khu công nghiệp).

Điều 30. Thành lập kho ngoại quan

1. Điều kiện được thành lập kho ngoại quan:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có chức năng kinh doanh kho bãi, giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Kho, bãi được thành lập tại các khu vực quy định tại Điều 29 Nghị định này; được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan;

d) Có cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện vận tải phù hợp yêu cầu lưu giữ, bảo quản hàng hoá và kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

2. Hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan bao gồm:

a) Đơn xin thành lập kho ngoại quan theo mẫu của Tổng cục Hải quan;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, hệ thống phòng chống cháy, nổ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan;

d) Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi.

Điều 31. Thủ tục xét cấp Giấy phép thành lập kho ngoại quan

1. Hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan được gửi đến Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Cục Hải quan) nơi doanh nghiệp xin phép được thành lập kho ngoại quan.

a) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Cục Hải quan tiến hành:

Kiểm tra hồ sơ;

Khảo sát thực tế kho, bãi;

Báo cáo kết quả và kiến nghị với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, kiến nghị của Cục hải quan, hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định cấp Giấy phép thành lập kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện quy định tại Điều 30 Nghị định này.

2. Định kỳ mỗi năm một lần, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của kho ngoại quan và việc chấp hành pháp luật hải quan của doanh nghiệp được cấp giấy phép. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra đột xuất kho ngoại quan.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định rút Giấy phép hoạt động kho ngoại quan trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp có văn bản đề nghị dừng hoạt động kho ngoại quan;

- Trong 01 (một) năm, chủ kho ngoại quan đã 3 (ba) lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho một lần vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính về hải quan của Chi cục trưởng Hải quan; hoặc 01 (một) lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử phạt với mức phạt vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hải quan của Cục trưởng Hải quan hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Trong thời hạn 06 (sáu) tháng, doanh nghiệp không đưa kho ngoại quan vào hoạt động mà không có lý do chính đáng.

4. Căn cứ vào nhu cầu kinh doanh, kiến nghị của doanh nghiệp và phù hợp với vị trí địa lý và các điều kiện hoạt động của kho ngoại quan, Cục trưởng Hải quan quyết định việc cho phép doanh nghiệp mở rộng, thu hẹp, di chuyển địa điểm kho ngoại quan, nhưng phải bảo đảm điều kiện để cơ quan hải quan quản lý chặt chẽ.

Điều 32. Các dịch vụ được thực hiện đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan

Nếu có sự thoả thuận hoặc ủy quyền bằng văn bản của chủ hàng, chủ kho ngoại quan được phép thực hiện các dịch vụ sau đây đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan:

1. Gia cố bao bì, phân loại hàng hoá, lấy mẫu hàng hóa được thực hiện trong kho ngoại quan, dưới sự giám sát trực tiếp của công chức hải quan;

2. Thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa ra, đưa vào kho ngoại quan;

3. Vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu vào kho ngoại quan, từ kho ngoại quan ra cửa khẩu, từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác;

4. Chuyển quyền sở hữu hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Thuê kho ngoại quan

1. Đối tượng được phép thuê kho ngoại quan:

a) Thương nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế;

b) Thương nhân nước ngoài;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Hợp đồng thuê kho ngoại quan:

Hợp đồng thuê kho ngoại quan do chủ kho ngoại quan và chủ hàng thoả thuận theo quy định của pháp luật. Hợp đồng thuê kho ngoại quan phải quy định rõ tên hàng hoá, chủng loại hàng hoá, khối lượng hàng hoá, chất lượng hàng hoá, thời hạn thuê kho, các dịch vụ quy định tại Điều 32 nếu chủ hàng có yêu cầu, trách nhiệm của các bên ký hợp đồng thuê kho ngoại quan.

3. Thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan không quá 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày, kể từ ngày hàng hóa được gửi vào kho. Chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Hải quan kho ngoại quan biết trước khi hợp đồng thuê kho hết hạn. Trường hợp chủ hàng có đơn đề nghị, được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Hải quan thì thời hạn hợp đồng thuê kho được gia hạn thêm không quá 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng thuê kho hết hạn.

4. Khi hợp đồng thuê kho đã hết hạn mà chủ hàng không làm thủ tục gia hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan thì xử lý như sau:

a) Trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng thuê kho ngoại quan hết hạn, nếu chủ hàng ký hợp đồng gia hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan thì Cục Hải quan xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và chấp nhận hợp đồng gia hạn;

b) Quá thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng mà chủ hàng không ký hợp đồng gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan, nếu chủ hàng có văn bản từ bỏ hàng hoá gửi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá đó.

6. Việc thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan được tiến hành theo quy định của pháp luật. Tiền thu từ việc thanh lý hàng hoá được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí lưu kho, các chi phí khác liên quan đến việc thanh lý hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Hàng hoá đưa vào, đưa ra và lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan

1. Hàng hoá từ Việt Nam đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, hàng hoá từ nước ngoài muốn quá cảnh, lưu kho tại Việt Nam để chờ xuất cảnh sang nước thứ ba hoặc làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam của các đối tượng được phép thuê kho ngoại quan quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định này được đưa vào lưu giữ trong kho ngoại quan, trừ các hàng hoá sau:

a) Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam;

b) Hàng hoá gây nguy hiểm công cộng hoặc ô nhiễm môi trường;

c) Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan gồm:

a) Hàng hóa của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp ở Việt Nam;

b) Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước, chưa phải nộp thuế nhập khẩu.

3. Hàng từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan bao gồm:

a) Hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu;

b) Hàng hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất khẩu;

c) Hàng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải tái xuất khẩu.

4. Hàng hoá lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải phù hợp với hợp đồng thuê kho ngoại quan. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan theo đúng quy định của pháp luật.

5. Việc vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu hoặc từ địa điểm tập kết hàng hoá sau khi đã làm xong thủ tục hải quan (đối với hàng hoá xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan) đến kho ngoại quan hoặc từ kho ngoại quan đến cửa khẩu đều chịu sự giám sát hải quan.

Điều 35. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào kho ngoại quan

1. Đối với hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan: chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp của chủ hàng phải nộp cho Hải quan kho ngoại quan hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan và các chứng từ cần thiết khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

2. Đối với hàng hoá từ Việt Nam đưa vào kho ngoại quan: chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng phải làm đầy đủ thủ tục hải quan như đối với hàng hoá xuất khẩu theo quy định của pháp luật trước khi gửi hàng hoá vào kho ngoại quan; nộp cho Hải quan kho ngoại quan hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, tờ khai hàng đưa vào kho ngoại quan và các chứng từ cần thiết khác để làm thủ tục nhập kho theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Thủ tục hải quan đưa hàng hoá ra khỏi kho ngoại quan

1. Hàng hóa đưa ra nước ngoài:

a) Chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng đưa hàng hoá ra khỏi kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài phải khai hải quan và nộp cho hải quan kho ngoại quan các chứng từ sau:

Tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu;

Giấy ủy quyền xuất hàng (nếu không ghi trong hợp đồng thuê kho);

Phiếu xuất kho theo mẫu của Bộ Tài chính.

b) Hải quan kho ngoại quan đối chiếu bộ chứng từ khai báo khi xuất kho với chứng từ khi làm thủ tục nhập kho và thực tế lô hàng, nếu phù hợp thì làm thủ tục xuất, thực hiện chế độ giám sát hải quan theo quy định tại Điều 12 Nghị định này;

c) Nếu hàng hoá của một hợp đồng được xuất khẩu một lần chưa hết thì được trừ lùi cho đến hết số lượng hàng hóa ghi trong hợp đồng;

d) Trường hợp hết hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ hàng gặp khó khăn trong việc giao hàng thì hàng hoá được phép lưu giữ tại khu vực cửa khẩu biên giới nơi có kho ngoại quan theo quy định sau:

Hàng hoá được gửi vào kho ngoại quan trong khu vực cửa khẩu;

Thời hạn lưu giữ hàng tại kho ngoại quan trong khu vực cửa khẩu không quá 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được đưa vào kho. Quá thời hạn 180 (một trăm tám mươi) ngày, nếu hàng hóa chưa được đưa hết ra khỏi Việt Nam thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá đó theo quy định tại khoản 6 Điều 33 Nghị định này.

2. Hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Việt Nam:

a) Hàng hoá từ nước ngoài gửi kho ngoại quan, hàng hoá từ nước ngoài gửi kho ngoại quan được chuyển quyền sở hữu, hàng hoá gửi kho ngoại quan được Cục Hải quan thanh lý muốn đưa vào, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải làm thủ tục hải quan, thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu như đối với hàng hoá nhập khẩu khác;

b) Thời điểm nhập khẩu thực tế hàng hoá là thời điểm cơ quan hải quan đăng ký tờ khai hải quan hàng nhập khẩu;

c) Hàng hoá gửi kho ngoại quan thuộc diện hàng hoá buộc phải tái xuất theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không được phép nhập khẩu trở lại thị trường Việt Nam.

Điều 37. Quản lý việc lưu giữ, bảo quản hàng hoá gửi kho ngoại quan

1. Chủ kho ngoại quan phải thông báo bằng văn bản cho Hải quan kho ngoại quan biết trước khi thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định này.

2. Việc di chuyển hàng hóa từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Hải quan. Thời hạn của hợp đồng thuê kho ngoại quan mới được tính từ ngày hàng hoá được đưa vào kho ngoại quan đầu tiên.

3. Chủ kho ngoại quan phải mở sổ kế toán theo dõi việc xuất kho, nhập kho theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Định kỳ 45 (bốn mươi lăm) ngày một lần, chủ kho ngoại quan phải báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Hải quan về thực trạng hàng hóa trong kho và tình hình hoạt động của kho.

5. Trong trường hợp muốn tiêu hủy những lô hàng đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc quá thời hạn sử dụng phát sinh trong quá trình lưu kho, chủ kho ngoại quan phải có văn bản thỏa thuận với chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng về việc đồng ý tiêu hủy hàng hoá. Văn bản thoả thuận được gửi cho Cục Hải quan nơi có kho ngoại quan. Thủ tục tiêu hủy hàng hoá thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Kho bảo thuế

Kho bảo thuế là kho được thành lập để lưu giữ nguyên liệu nhập khẩu dùng để cung ứng cho sản xuất của chính doanh nghiệp có kho bảo thuế. Nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế chưa phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Điều 39. Điều kiện thành lập kho bảo thuế

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Có tỷ lệ xuất khẩu ít nhất là 50% sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu gửi kho bảo thuế.

3. Không nợ thuế thuộc diện phải cưỡng chế.

4. Có hệ thống sổ sách, chứng từ theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu, xuất kho, nhập kho đầy đủ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

5. Kho được xây dựng trong khu vực thuận lợi cho việc quản lý, giám sát của cơ quan hải quan.

Điều 40. Thủ tục xin thành lập kho bảo thuế

1. Doanh nghiệp muốn thành lập kho bảo thuế nộp cho Cục Hải quan nơi doanh nghiệp hoạt động hai bộ hồ sơ gồm các chứng từ sau:

a) Đơn xin thành lập kho bảo thuế (theo mẫu của Tổng cục Hải quan);

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng);

c) Sơ đồ thiết kế kho bảo thuế;

d) Quy tắc hoạt động của kho bảo thuế.

2. Chậm nhất 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin thành lập kho bảo thuế, Cục trưởng Hải quan ra văn bản cấp giấy phép thành lập kho bảo thuế hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không đồng ý nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện thành lập kho bảo thuế theo quy định tại Điều 39 Nghị định này.

3. Cục trưởng Hải quan ra quyết định rút Giấy phép hoạt động kho bảo thuế trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp có văn bản gửi Cục trưởng Hải quan đề nghị ngừng hoạt động kho bảo thuế;

b) Doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 39 Nghị định này.

4. Việc xử lý phần nguyên liệu tồn đọng tại kho bảo thuế sau khi Giấy phép hoạt động của kho bảo thuế hết hiệu lực được thực hiện như sau:

a) Trường hợp chủ hàng không còn nhu cầu sử dụng và có văn bản đề nghị thì cơ quan hải quan làm thủ tục cho tái xuất hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp chủ hàng có văn bản xin chuyển sang loại hình kinh doanh khác thì phải đăng ký và khai tờ khai hải quan mới. Cơ quan hải quan tính thuế, ra thông báo thuế. Thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, tính thuế là thời điểm Giấy phép hoạt động kho bảo thuế hết hiệu lực.

Điều 41. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho bảo thuế

Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, trừ thủ tục tính thuế, nộp thuế được thực hiện như sau:

1. Doanh nghiệp phải đăng ký và khai 02 (hai) tờ khai hải quan riêng biệt cho phần nguyên liệu nhập khẩu được bảo thuế và phần nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước.

2. Căn cứ để xác định tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu được bảo thuế là tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm ghi trong giấy phép đầu tư (nếu doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu theo đúng tỷ lệ quy định của giấy phép đầu tư) hoặc tỷ lệ do doanh nghiệp tự xác định, nhưng không dưới 50% sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu gửi kho bảo thuế. Trong cả hai trường hợp trên, doanh nghiệp đều phải có văn bản đăng ký gửi Cục Hải quan quản lý kho bảo thuế trước ngày 01 tháng 01 hàng năm.

3. Căn cứ vào tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước do doanh nghiệp đăng ký, cơ quan hải quan thực hiện việc đăng ký tờ khai, tính thuế, thu thuế nhập khẩu phần nguyên liệu được dùng để sản xuất sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước.

4. Phần nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế để sản xuất hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan chưa tính thuế trên tờ khai nhưng phải xác định rõ tên hàng, chủng loại, lượng hàng này trên tờ khai hải quan và phải vào sổ theo dõi theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Xử lý hàng hoá gửi kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất

Hàng hoá gửi kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất được làm thủ tục hải quan để tái xuất hoặc tiêu hủy. Việc tiêu hủy được thực hiện như sau:

1. Doanh nghiệp có văn bản gửi Cục Hải quan quản lý kho bảo thuế, nêu rõ lý do cần hủy, tên nguyên liệu, chủng loại, số lượng nguyên liệu, tờ khai hải quan nhập khẩu (số, ngày, tháng, năm).

2. Doanh nghiệp tự tổ chức việc tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan hải quan, cơ quan thuế và cơ quan môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Kết quả tiêu hủy phải được lập biên bản có chữ ký xác nhận của chủ kho bảo thuế và đại diện các cơ quan giám sát. Biên bản tiêu hủy là chứng từ thanh khoản hàng hoá gửi kho bảo thuế.

Điều 43. Thanh khoản hàng hoá tại kho bảo thuế

Kết thúc năm kế hoạch (ngày 31 tháng 12 hàng năm), chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo, doanh nghiệp phải lập bảng tổng hợp các tờ khai hải quan nhập khẩu và tổng lượng nguyên liệu đã nhập khẩu theo chế độ bảo thuế, tổng hợp các tờ khai hải quan xuất khẩu và tổng lượng sản phẩm phải xuất khẩu gửi cơ quan hải quan. Sau khi kiểm tra tính chính xác của báo cáo và đối chiếu với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan; căn cứ vào tỷ lệ sản phẩm doanh nghiệp đã đăng ký phải xuất khẩu, cơ quan hải quan tính thuế cho doanh nghiệp như sau:

1. Nếu tỷ lệ xuất khẩu thấp hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay cho phần sản phẩm hoàn chỉnh chênh lệch giữa lượng sản phẩm phải xuất khẩu và lượng sản phẩm thực xuất. Việc nộp chậm thuế được xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Nếu tỷ lệ xuất khẩu thực tế cao hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp được hoàn thuế phần chênh lệch giữa xuất khẩu thực tế và phần đã nộp thuế.

3. Doanh nghiệp có kho bảo thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ của các báo cáo tổng hợp quy định tại Điều này.

Điều 44. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với kho bảo thuế

1. Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan đối với kho bảo thuế chủ yếu được thực hiện khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, gửi kho bảo thuế, khi thanh khoản hàng hoá gửi kho bảo thuế, khi kiểm tra sau thông quan hàng hoá gửi kho bảo thuế. Cơ quan hải quan không trực tiếp giám sát, niêm phong kho bảo thuế.

2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức việc quản lý kho bảo thuế; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát kho bảo thuế.

MỤC 4: ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH

Điều 45. Quy định chung

1. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi phương tiện vận tải đó xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Khi làm thủ tục hải quan, nếu cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì người điều khiển phương tiện vận tải phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan hải quan để kiểm tra, khám xét theo quy định của pháp luật.

2. Cảng vụ, sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế có trách nhiệm thông báo trước cho Chi cục Hải quan hải quan cửa khẩu các thông tin quy định tại Điều 56 Luật Hải quan. Các tổ chức vận tải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Chi cục Hải quan cửa khẩu các thông tin về hàng hoá, hành khách, tổ lái, người làm việc trên các phương tiện vận tải và các thông tin khác có liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của cơ quan hải quan.

3. Các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này được cung cấp bằng văn bản hoặc qua máy tính được nối mạng trực tiếp với Chi cục Hải quan.

4. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh chịu sự giám sát hải quan quy định tại Điều 12 Nghị định này.

5. Phương tiện vận tải quân sự chở hành khách và hàng hoá dân sự khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải làm thủ tục hải quan như các phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khác.

Điều 46. Tầu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Ngay sau khi tầu bay nhập cảnh và cơ quan hàng không hoàn thành thủ tục hàng không cho hành khách xuất cảnh và hàng hoá xuất khẩu, người điều khiển tầu bay hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại cảng hàng không các chứng từ sau:

a) Bản kê khai hàng hoá và hành lý;

b) Danh sách tổ lái và nhân viên làm việc trên tầu bay;

c) Danh sách hành khách.

2. Tầu bay quá cảnh khi dừng kỹ thuật không phải làm thủ tục kê khai hải quan, nhưng phải chịu sự giám sát hải quan.

Điều 47. Tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Thủ tục hải quan:

a) Chậm nhất là 01 (một) giờ trước khi tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh đã sẵn sàng làm thủ tục hải quan, cơ quan cảng vụ và tổ chức vận tải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan tại cảng các thông tin quy định tại khoản 2, 3 Điều 45 Nghị định này;

b) Cơ quan hải quan làm thủ tục cho tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại vị trí quy định. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định tàu biển neo đậu tại địa điểm khác trên vùng biển của Việt Nam thì thủ tục hải quan đối với tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh sẽ được làm tại địa điểm đó.

2. Hồ sơ hải quan gồm:

Thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp khi làm thủ tục hải quan phải xuất trình cho cơ quan hải quan tại cảng nhật ký hành trình tầu (đối với nhập cảnh), sơ đồ xếp hàng trên tầu và nộp các giấy tờ sau:

a) Bản kê khai hàng hoá chuyên chở trên tầu biển;

b) Tờ khai tầu đến đối với nhập cảnh;

c) Bản khai nguyên nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm của tầu;

d) Bản khai chất nổ, chất cháy, thuốc mê, thuốc độc, vũ khí có trên tầu;

đ) Danh sách thuyền viên;

e) Danh sách hành khách (nếu có hành khách);

g) Tờ khai hàng hoá, hành lý của thuyền viên.

3. Không được rút lại và sửa chữa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã nộp cho cơ quan hải quan, trừ trường hợp có lý do chính đáng và việc sửa chữa các chứng từ đó không ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận.

Điều 48. Tầu biển, tầu bay chuyển cảng

1. Tầu biển, tầu bay chuyển cảng là việc tầu biển, tầu bay đang trong thời gian chuyển từ cảng này sang cảng khác để dỡ hàng nhập khẩu hoặc xếp hàng xuất khẩu dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

2. Khi tầu biển, tầu bay chuyển cảng, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp bản kê khai hàng hoá cho cơ quan hải quan.

3. Cơ quan hải quan tại khu vực cảng nơi tầu biển, tầu bay chuyển đi xác nhận hồ sơ và giao cho người điều khiển tầu chuyển đến cơ quan hải quan tại khu vực cảng nơi tầu biển, tầu bay chuyển đến.

4. Hàng hóa chuyển cảng, kho lương thực, thực phẩm của tầu biển chuyển cảng phải được niêm phong hải quan, trừ trường hợp hàng nhập khẩu vẫn nằm trong khoang chứa hàng, chưa di chuyển khỏi tầu.

Điều 49. Tầu liên vận quốc tế xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bằng đường sắt

1. Tầu liên vận quốc tế xuất cảnh: khi tàu xuất cảnh tới ga biên giới, trưởng tầu hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau:

a) Tờ khai thành phần đoàn tầu, danh sách, tờ khai hành lý của tổ lái và những người làm việc trên tầu;

b) Bản kê khai hàng hoá xuất khẩu, kể cả hàng quá cảnh, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tầu chuyên chở hàng hoá);

c) Danh sách hành khách và phiếu gửi hành lý không theo người của hành khách (nếu là tầu chuyên chở hành khách);

d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tầu.

2. Tầu liên vận quốc tế nhập cảnh: khi tầu nhập cảnh tới ga biên giới, trưởng tầu hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau:

a) Tờ khai thành phần đoàn tầu, tờ khai, bản kê hành lý của tổ lái và nhân viên làm việc trên tầu;

b) Bản kê khai hàng hoá nhập khẩu, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tầu chuyên chở hàng hoá);

c) Danh sách hành khách và các phiếu gửi hành lý không theo người (nếu là tầu chuyên chở hành khách);

d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tầu;

đ) Bản trích kê khai hàng hóa dỡ xuống từng ga liên vận nội địa.

3. Tàu liên vận quốc tế tại ga liên vận nội địa: khi tầu tới ga liên vận nội địa, trưởng tầu hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga:

a) Bản trích lược khai hàng hoá nhập khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan tại ga liên vận biên giới;

b) Các vận tải đơn;

c) Giấy giao tiếp hàng quá cảnh (nếu có hàng quá cảnh quốc tế).

4. Người phụ trách tầu liên vận quốc tế hoặc chủ hàng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, toa xe trong quá trình vận chuyển từ ga xếp hàng ở nội địa đến ga xuất cảnh (đối với hàng xuất) và từ ga nhập cảnh tới ga dỡ hàng ở nội địa (đối với hàng nhập).

Điều 50. Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh tới cửa khẩu biên giới phải đỗ đúng nơi quy định để làm thủ tục hải quan. Người khai hải quan phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu những giấy tờ sau đây:

1. Tờ khai hải quan đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

2. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có chuyên chở hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu).

3. Tờ khai hành lý xuất khẩu, nhập khẩu của lái xe.

4. Danh sách hành khách và tờ khai hành lý của hành khách (nếu có hành khách).

Điều 51. Các phương tiện vận tải khác

Đối với các phương tiện vận tải thô sơ khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan những giấy tờ sau:

1. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu).

2. Tờ khai hành lý của người điều khiển phương tiện vận tải và của những người làm việc trên phương tiện vận tải và của hành khách (nếu có).

Điều 52. Phương tiện vận tải tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập có thời hạn

1. Phương tiện vận tải quy định ở điều này gồm xe ô tô du lịch, xe gắn máy, thuyền, xuồng có gắn máy và không gắn máy.

2. Phương tiện vận tải tạm nhập, tái xuất có thời hạn phải khai hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

3. Phương tiện vận tải tạm nhập khẩu để lưu hành trong phạm vi khu vực cửa khẩu, trong thời hạn không quá 48 (bốn tám) giờ hoặc lưu hành trong phạm vi huyện biên giới có cửa khẩu, trong thời hạn không quá 12 (mười hai) giờ phải xin phép Thủ trưởng cơ quan công an khu vực cửa khẩu.

4. Phương tiện vận tải tạm nhập khẩu để lưu hành trong phạm vi tỉnh, thành phố có cửa khẩu, trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày phải được phép của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố nơi phương tiện vận tải tạm nhập lưu hành.

5. Phương tiện vận tải tạm nhập lưu hành ngoài phạm vi tỉnh, thành phố có cửa khẩu phải được phép của Bộ trưởng Bộ Công an.

6. Phương tiện vận tại tạm nhập khẩu để lưu hành tại Việt Nam thuộc diện phương tiện vận tải cấm lưu hành tại Việt Nam phải xin phép Thủ tướng Chính phủ.

7. Phương tiện vận tải tạm xuất có thời hạn nếu tái nhập qua cùng cửa khẩu phải được phép của Chi cục trưởng Hải quan; nếu tái nhập qua cửa khẩu khác cùng tỉnh, thành phố với cửa khẩu xuất thì phải được phép của Cục trưởng Hải quan; nếu tái nhập qua cửa khẩu thuộc tỉnh, thành phố khác thì phải được phép của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

8. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy phép (trừ trường hợp tạm nhập lưu hành tại khu vực cửa khẩu);

c) Giấy đăng ký lưu hành.

Chương 3 :

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 53. Xử lý vi phạm

1. Người khai hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu vi phạm các quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại vật chất (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan hải quan về những quyết định của cơ quan hải quan dưới một cấp. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hải quan với Thủ trưởng các cấp của cơ quan hải quan.

2. Thủ trưởng cơ quan hải quan các cấp khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời các khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi vi phạm pháp luật về hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan theo quy định của pháp lut.

Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 55. Hiệu lực thi hành của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.

Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan, Quyết định số 212/1998/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kho ngoại quan hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Các quy định trước đây trái Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 56. Trách nhiệm thi hành Nghị định

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.