QUYẾT ĐỊNH
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
__________________
BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản là tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo đảm sự bền vững về nguồn lợi thuỷ sản và phát triển khai thác thuỷ sản, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá.
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước.
Tên giao dịch quốc tế: The National Directorate of Aquatic Resources Exploitation and Protection, viết tắt l: NADAREP.
Trụ sở của Cục đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Đề xuất, xây dựng và trình Bộ trưởng các dự thảo chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, hàng năm, chương trình, dự án về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
2. Đề xuất và trình Bộ trưởng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản do Bộ trưởng phân công.
3. Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
4. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá.
5. Về khai thác thuỷ sản:
a. Thực hiện quản lý nhà nước các hoạt động khai thác thuỷ sản của người và phương tiện trong nước và nước ngoài, trong nội địa và trên các vùng biển Việt Nam, các nghề, phương tiện, đối tượng, mùa vụ khai thác thuỷ sản; vùng cấm khai thác, vùng hạn chế khai thác; phân công, phân cấp quản lý hoạt động khai thác, quản lí ngư trường theo quy định của pháp luật;
b. Thực hiện quản lý nhà nước về cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động nghề cá thuộc lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật.
6. Về đăng kí, đăng kiểm phương tiện nghề cá:
a. Quản lý và hướng dẫn thực hiện công tác đăng kí, đăng kiểm phương tiện và thiết bị an toàn nghề cá. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác đăng kí, kiểm định kĩ thuật an toàn các thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thuỷ sản như: nồi hơi, bình chịu áp lực, thiết bị lạnh;
b. Thực hiện việc kiểm tra điều kiện sản xuất theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở chế tạo cơ khí phục vụ khai thác thuỷ sản; cơ sở đóng, sửa tàu cá; cơ sở chế tạo, lắp đặt thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về mặt an toàn trong ngành Thuỷ sản.
7. Về quản lý cảng cá, bến cá:
Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cảng cá, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá.
8. Về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:
a. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện danh mục các loài thuỷ sản cần được bảo vệ, danh mục các loài thuỷ sản cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu (trừ giống thuỷ sản); việc bảo tồn giống, quĩ gen, đa dạng sinh học thuỷ sản, bảo vệ các khu bảo tồn nội địa, khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật;
b. Kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài thuỷ sản.
9. Về thanh tra, kiểm tra:
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp với các ngành, các cấp trong việc đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật;
Xử lý theo thẩm quyền và quản lý, hướng dẫn xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản theo quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực được giao;
Chủ trì giải quyết tranh chấp về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo thẩm quyền;
Phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý tàu nước ngoài hoạt động nghề cá trái phép trên các vùng biển Việt Nam.
10. Về phòng chống lụt bão và phối hợp tìm kiếm cứu nạn:
Thường trực phòng chống lụt bão và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong ngành Thuỷ sản;
Tham mưu giúp Bộ phối hợp với các Bộ, Ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá, giữ gìn trật tự an ninh trên biển.
11. Tổ chức thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
12. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đăng ký và đăng kiểm phương tiện nghề cá cho cán bộ thuộc hệ thống khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản;
13. Tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả các đề tài, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, công nghệ kỹ thuật mới về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nhằm nâng cao năng lực hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
14. Thực hiện hợp tác quốc tế về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
15. Thực hiện các dịch vụ về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
16. Quản lý, sử dụng lao động, tài sản, tài chính của Cục và các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Thống nhất quản lý chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và kết quả hoạt động của hệ thống tổ chức thuộc phạm vi Cục quản lý ở địa phương
17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản gồm có:
1. Văn phòng Cục;
2. Phòng Bảo vệ Nguồn lợi và Môi trường thuỷ sản;
3. Phòng Quản lý Khai thác và Cảng cá;
4. Phòng đăng kiểm tàu cá và Cơ khí khai thác;
5. Thường trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn;
6. Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trung ương;
7. Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản .
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo; những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Quy chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trình Bộ trưởng quyết định;
Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.