THÔNG TƯ
Ban hành các yêu cầu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
trong chế biến sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu
_________________________
Căn cứ Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Căn cứ Nghị định 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21/11/2007; Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26/7/2003; Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các yêu cầu đảm bảo, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu như sau:
Điều 1. Phạm vi điều hành và đối tượng áp dụng
1. Phục vụ điều chỉnh: Thông tư này quy định các yêu cầu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu.
2. Đối tượng áp dụng:
a. Các cơ sở chế biến sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu;
b. Lô hàng cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường.
Điều 2. Các cơ sở chế biến được xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa khi đảm bảo các yêu cầu sau
1. Đã được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Nguyên liệu cá tra, basa dùng để chế biến sản phẩm xuất khẩu.
a. Có xuất xứ từ các cơ sở nuôi nằm trong vùng nuôi được phép thu hoạch theo qui định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 130/2008/QĐ-BNN ngày 31/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.
b. Được cơ sở chế biến lấy mẫu kiểm nghiệm có kết đạt yêu cầu về chi tiêu an toàn thực phẩm theo kế hoạch được quy định trong Chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) của cơ sở.
c. Được cơ sở chế kiểm tra chất lượng cảm quan đạt yêu cầu tại khâu tiếp nhận nguyên liệu (cá còn sống, khỏe mạnh, không có các dấu hiệu bệnh lý, ký sinh trùng).
3. Yêu cầu trong chế biến và xuất khẩu sản phẩm:
a. Tỷ lệ nước mạ băng so với khối lượng tịnh của sản phẩm dạng phi lê đông lạnh xuất khẩu phải tuân thủ đúng quy định của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu nhưng không vượt quá 20%.
b. Chỉ được phép sử dụng các hóa chất phụ gia, hỗ trợ chế biến trong danh mục cho phép theo quy định của thị trường nhập khẩu hoặc quy định hiện hành của Việt Nam. Dư lượng hóa chất phụ gia, hỗ trợ chế biến trong sản phẩm không được vượt quá giới hạn tối đa cho phép.
c. Các lô hàng sản phẩm cá tra, basa trước khi xuất khẩu được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra, chứng nhận về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của nước nhập khẩu hoặc quy định của Việt Nam.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm:
1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định nêu tại Khoản 1, Khoản 2; Điểm a, b Khoản 3 Điều 2 của Thông tư đối với các cơ sở trong quá trình chế biến sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu.
2. Thực hiện kiểm tra, chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các lô hàng cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu đến tất cả các thị trường trên thế giới.
3. Phối hợp với Tổng cục Hải Quan kiểm soát các lô hàng cá tra, basa xuất khẩu theo quy định tại Thông tư này.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các cơ sở chế biến cá tra, basa xuất khẩu chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.