• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/06/2004
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 677/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 18 tháng 6 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn La

____________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ

Hoạt động của ban chỉ đạo nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La

_____________________

(Ban hành kèm theo Quyết định số 677/QĐ-TTg

 ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Nhà nước) thực hiện việc chỉ đạo xây dựng Dự án thủy điện Sơn La theo Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo Nhà nước quy định tại Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Nhà nước :

1. Ban Chỉ đạo Nhà nước được sử dụng quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Mọi quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước, hoặc quyết định của người được Trưởng Ban ủy quyền phải được triển khai thực hiện như quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban Chỉ đạo Nhà nước được mời các chuyên gia trong và ngoài nước để tham khảo ý kiến khi cần thiết.

Điều 4. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước do Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước duyệt và được tính vào chi phí của Dự án thủy điện Sơn La.

Chương II

LỀ LỐI LÀM VIỆC

Điều 5.

1. Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước bao gồm : Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban, các Bộ trưởng, Phó trưởng ban và các ủy viên là : Thứ trưởng Bộ Công nghiệp; Thứ trưởng Bộ Xây dựng là Trưởng Tiểu ban chuyên trách về xây dựng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Trưởng Tiểu ban di dân tái định cư, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà.

Trưởng ban, các Phó trưởng ban, các ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Ban Chỉ đạo Nhà nước làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban hoặc người được Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

Điều 6. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước triệu tập và chủ tọa các phiên họp thường kỳ hàng quý hoặc 6 tháng một lần và các phiên họp bất thường theo yêu cầu. Trưởng ban được ủy nhiệm cho Phó trưởng ban thường trực hoặc Phó trưởng ban khác chủ tọa các phiên họp. Các thành viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ, đúng thành phần và chuẩn bị nội dung báo cáo theo quy định.

Điều 7. Nội dung phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá các mặt hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các nhà thầu; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

Điều 8. Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công từng thành viên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách và những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; Ban Chỉ đạo Nhà nước là đầu mối phối hợp chỉ đạo hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đề ra.

Điều 9. Chế độ thông tin báo cáo :

- Báo cáo định kỳ : hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, năm; các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ do Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công để kịp thời xử lý các yêu cầu và kiến nghị đề ra.

- Vào tháng 9 hàng năm Ban Chỉ đạo Nhà nước nghe Bộ Công nghiệp và chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm của các dự án thành phần và thông qua kế hoạch, tiến độ cho năm tiếp theo.

- Các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo nội dung của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước yêu cầu; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình xây dựng Dự án thủy điện Sơn La.

Điều 10. Chế độ đi công tác :

Căn cứ vào yêu cầu công việc, các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chủ động đi công tác để nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC

Điều 11. Phân công trách nhiệm giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước.

1. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước :

a) Quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Nhà nước được ban hành tại Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Chỉ đạo chung hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, thông qua kế hoạch công tác, cuộc họp, trực tiếp trao đổi làm việc và kiểm tra hiện trường; chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

c) Quyết định những cơ chế, chính sách và giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án thuỷ điện Sơn La.

d) Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn, tổng thầu xây dựng, các nhà thầu và các đơn vị có liên quan thực hiện Dự án thủy điện Sơn La.

đ) Ủy quyền cho Phó trưởng ban thường trực hoặc các thành viên khác của Ban Chỉ đạo Nhà nước giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng ban khi cần thiết.

2. Phó trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp :

a) Giúp Trưởng ban điều hành giải quyết công việc thuộc Dự án thủy điện Sơn La theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công nghiệp và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

b) Thừa ủy quyền Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết các vấn đề liên ngành, các vấn đề liên quan đến công nghệ, thiết bị trong quá trình thực hiện dự án.

c) Trực tiếp chỉ đạo Tổ tổng hợp.

d) Chịu trách nhiệm chỉ đạo giải quyết các vấn đề :

- Thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán Dự án thủy điện Sơn La.

- Ban hành định mức, đơn giá xây dựng, lắp đặt áp dụng cho Dự án công trình thuỷ điện Sơn La.

3. Các Phó trưởng ban :

a) Phó trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Xây dựng :

- Giúp Trưởng ban điều hành giải quyết công việc thuộc Dự án thủy điện Sơn La theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

- Thừa ủy quyền Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng trong quá trình thực hiện dự án.

- Trực tiếp chỉ đạo Tiểu ban chuyên trách xây dựng công trình.

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo giải quyết các vấn đề :

+ Ban hành và hướng dẫn chủ đầu tư công trình Dự án thủy điện Sơn La áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật.

+ Nghiệm thu nhà nước đảm bảo chất lượng và an toàn công trình và hồ chứa theo yêu cầu đề ra.

b) Phó trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Giúp Trưởng ban chịu trách nhiệm điều hành giải quyết công việc di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

- Thừa ủy quyền Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực đền bù di dân, tái định cư trong quá trình thực hiện dự án.

- Trực tiếp chỉ đạo Tiểu ban chuyên trách về công tác di dân, tái định cư.

c) Phó trưởng ban, ông Thái Phụng Nê, phái viên của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến Dự án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La; phối hợp với Phó trưởng ban thường trực đôn đốc các thành viên của Ban Chỉ đạo Nhà nước và Tổ tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao; thực hiện nhiệm vụ được Trưởng ban phân công; báo cáo kịp thời về tình hình thực hiện Dự án lên Thủ tướng Chính phủ;

4. ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam :

a) Thực hiện chức năng chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La điều hành Ban Quản lý dự án, Công ty Tư vấn xây dựng điện I và các đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, có hiệu quả các kết luận của Ban Chỉ đạo Nhà nước về khảo sát thiết kế và quản lý đầu tư, xây dựng công trình.

Kiểm tra, đôn đốc tổng thầu xây dựng và các nhà thầu khác thực hiện tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình theo hợp đồng tổng thầu xây dựng đã ký.

b) Báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước tại các cuộc họp về những nội dung sau :

- Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo Nhà nước;

- Tình hình thực hiện tiến độ của Dự án;

- Những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp tháo gỡ.

c) Thực hiện công tác đào tạo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật và các điều kiện cần thiết cho vận hành, đảm bảo việc chạy thử, nghiệm thu, nhận bàn giao và vận hành khai thác công trình một cách có hiệu quả an toàn.

d) Đảm bảo cấp đủ vốn cho xây dựng công trình và di dân, tái định cư (phần vốn của EVN) theo phương án huy động vốn của Liên Bộ Tài chính - Công nghiệp.

đ) Đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, các Tiểu ban chuyên trách và Tổ tổng hợp.

5. Ủy viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà :

- Điều hành công tác xây lắp công trình thuỷ điện Sơn La theo hợp đồng tổng thầu xây dựng đã ký với chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình. Phối hợp với chủ đầu tư tổ chức điều độ và giải quyết kịp thời các vướng mắc giữa các thành viên của tổng thầu xây dựng.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị xây lắp đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng xây lắp công trình.

6. Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư :

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác giám định đầu tư; thẩm định quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; giải quyết công việc thuộc chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Dự án thủy điện Sơn La.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, trước hết là chính sách đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất tại vùng tái định cư của Dự án.

c) Hàng năm tổng hợp và cân đối kế hoạch vốn đầu tư cho Dự án thủy điện Sơn La, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Tài chính :

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng chính sách, chế độ liên quan đến vốn ngân sách nhà nước để thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối, đảm bảo vốn và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc cấp vốn, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán các nguồn vốn theo quy định hiện hành.

c) Thực hiện việc bảo lãnh vay vốn để chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La nhập thiết bị vật tư trong nước chưa sản xuất được.

8. Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải :

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải, chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm giao thông đường bộ, đường thủy thông suốt và hoàn thành dự án đường giao thông tránh ngập theo yêu cầu về kế hoạch tiến độ xây dựng công trình thủy điện Sơn La.

9. Ủy viên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ :

Sắp xếp chương trình công tác của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước; đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

10. Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp : giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chỉ đạo, điều hành Tổ tổng hợp của Ban Chỉ đạo Nhà nước.

11. Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng : làm Trưởng Tiểu ban chuyên trách về xây dựng công trình thủy điện Sơn La.

12. Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn : làm Trưởng Tiểu ban chuyên trách về di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La.

13. Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh : Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

- Thành lập Ban Chỉ đạo di dân, tái định cư của tỉnh.

- Trực tiếp tổ chức thực hiện các dự án về di dân, tái định cư trên địa bàn tỉnh bao gồm :

+ Thành lập Ban Quản lý Dự án di dân, tái định cư của tỉnh.

+ Chỉ đạo công tác tuyên truyền nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về di dân, tái định cư.

+ Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hiệu chỉnh quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Chỉ đạo quy hoạch chi tiết các khu di dân, tái định cư; tổ chức thẩm định quy hoạch các khu di dân, tái định cư không liên quan tới tỉnh khác để phê duyệt; cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định quy hoạch chi tiết các khu di dân, tái định cư liên quan tới tỉnh khác để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

+ Chỉ đạo cụ thể về việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với công tác di dân tái định cư cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương và chính sách chung do Thủ tướng Chính phủ quy định.

+ Xây dựng kế hoạch tiến độ về di dân, tái định cư trên địa bàn từng tỉnh; tổ chức việc bồi thường, di chuyển dân, tái định cư; đề xuất các chính sách có liên quan đến di dân, tái định cư, trình Ban Chỉ đạo Nhà nước xem xét, quyết định.

+ Tổ chức xây dựng các khu di dân, tái định cư; ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho dân khu tái định cư và dân sở tại liên quan.

- Đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xây dựng công trình thủy điện Sơn La; thực hiện đoàn kết dân tộc trên địa bàn di dân, tái định cư.

14. Các ủy viên khác thực hiện các nhiệm vụ sau đây :

a) Chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện công việc của Dự án và các kết luận của Ban Chỉ đạo thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình.

b) Đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của Dự án.

Điều 12. Việc thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Tổ tổng hợp, Tiểu ban chuyên trách về xây dựng, Tiểu ban chuyên trách về di dân tái định cư do các Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước là Bộ trưởng các Bộ : Công nghiệp, Xây dựng và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Quy chế này áp dụng cho Ban Chỉ đạo Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện.

Điều 14. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước, trước Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ và trước Thủ tướng Chính phủ về những công việc được Ban Chỉ đạo Nhà nước phân công; sử dụng cán bộ, phương tiện, các trang thiết bị do đơn vị mình quản lý để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Điều 15. Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có vướng mắc Ban Chỉ đạo Nhà nước tổng hợp ý kiến, đề xuất nội dung cần bổ sung, sửa đổi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.