THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn
trong hoạt động của tổ chức tín dụng
___________________
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, như sau:
Điều 1. Sửa đổi một số Điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng:
1. Khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau:
“2. Các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Thông tư này gồm:
a) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;
b) Giới hạn tín dụng;
c) Tỷ lệ khả năng chi trả;
d) Giới hạn góp vốn, mua cổ phần;
đ) Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”.
2. Điểm 1.1.c và Điểm 1.1.d Khoản 1 Điều 12 được sửa đổi như sau:
“c) Số dư tiền gửi không kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng gửi không kỳ hạn gửi tại các tổ chức tín dụng khác, trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội;
d) Số dư tiền gửi có kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng gửi có kỳ hạn đến hạn thanh toán gửi tại các tổ chức tín dụng khác, trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội;”
3. Mục 5 được sửa đổi như sau:
“Mục 5. TỶ LỆ CẤP TÍN DỤNG TỪ NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG
'Điều 18. Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động
1. Tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác quy định tại Thông tư này và việc cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được vượt quá tỷ lệ dưới đây:
1.1. Đối với ngân hàng: 80%
1.2. Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 85%
2. Cấp tín dụng quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm các hình thức cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán, chiết khấu giấy tờ có giá và công cụ chuyển nhượng.
3. Nguồn vốn huy động quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm:
3.1. Tiền gửi của cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn;
3.2. Tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức, bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
3.3. 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng).
3.4. Tiền vay của tổ chức trong nước, tiền vay của tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước để bù đắp thiếu hụt tạm thời đối với các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định tại Khoản 1, Điều 14) và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài;
3.5. Vốn huy động từ tổ chức, cá nhân dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá.”
4. Phụ lục 2 về Bảng theo dõi tỷ lệ khả năng chi trả được sửa đổi như sau:
a) “Đơn vị: triệu đồng” được sửa đổi thành “Đơn vị: triệu đồng/EUR/GBP/USD”;
b) Giới hạn quy định: “Lớn hơn 1” tại cột (5) được sửa đổi thành “Lớn hơn hoặc bằng 1”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2010.
2. Việc sửa đổi, bổ sung và thay thế Thông tư này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.