• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/09/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 30/11/2023
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 18/2011/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 22 tháng 7 năm 2011

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, được sửa đổi, bổ sung

theo Thông tư  số 13/2010/TT-BKHCN ngày 31/7/2010 và Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008,

được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009

_______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ);

Căn cứ Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN (sau đây gọi là “Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2010”) và Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2009/TT-BKHCN ngày 27/3/2009 (sau đây gọi là “Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN sửa đổi năm 2009”) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi năm 2010 như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 7.2.e như sau:

“e. Đối tượng nêu trong đơn phải được phân nhóm, phân loại chính xác theo quy định. Nếu người nộp đơn không tự phân nhóm, phân loại hoặc phân nhóm, phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện việc này và người nộp đơn phải nộp phí dịch vụ phân nhóm, phân loại theo quy định”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm 7.3.c như sau:

“c) Các tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên (bản sao đơn (các đơn) đầu tiên, có xác nhận của cơ quan nhận đơn, trừ đơn PCT); danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đơn đăng ký nhãn hiệu đầu tiên; giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm 20.3 như sau:

“20.3. Duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế

a) Để được duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong vòng 06 tháng trước ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực. Lệ phí duy trì hiệu lực có thể được nộp muộn hơn thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí cho mỗi tháng nộp muộn.

b) Cục Sở hữu trí tuệ xem xét yêu cầu duy trì hiệu lực trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và lệ phí duy trì hiệu lực. Trường hợp yêu cầu hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ  ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế.

Trường hợp yêu cầu duy trì hiệu lực có thiếu sót hoặc không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu trong thời hạn đã ấn định, người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối duy trì hiệu lực”.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm 20.4.a như sau:

“a) Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí không được gia hạn.

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có nhiều phương án thì Bằng độc quyền có thể được gia hạn đối với tất cả hoặc một số phương án, trong đó phải có phương án cơ bản.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm đối với toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm 33.5.e như sau:

“e. Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Sở hữu trí tuệ, và nên được mô tả chi tiết như sau:

(i) Bộc lộ hoàn toàn bản chất của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ, trong đó nêu đầy đủ các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp, đồng thời chỉ ra các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất nêu tại điểm 33.5.c trên đây, phù hợp với các đặc điểm tạo dáng được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ;

(ii) Các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ được trình bày lần lượt theo thứ tự: các đặc điểm hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc (nếu có);

(iii) Đối với sản phẩm có các trạng thái sử dụng khác nhau (ví dụ: sản phẩm có nắp hoặc có thể gập lại được …) thì mô tả kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm ở các trạng thái khác nhau;

(iv) Nếu kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì chỉ rõ các đặc điểm khác biệt của những phương án còn lại so với phương án cơ bản (phương án đầu tiên nêu trong đơn);

(v) Nếu kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì mô tả kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ đó”.

6. Sửa đổi, bổ sung điểm 33.6 như sau:

“33.6. Yêu cầu đối với bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp

Người nộp đơn phải nộp 04 bộ ảnh chụp hoặc 04 bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng đều có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó và theo các hướng dẫn sau đây:”.

7. Sửa đổi, bổ sung điểm 37.4.e như sau:

“e) Phần “Danh mục các hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu” trong Tờ khai phải được phân nhóm phù hợp với Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ Thỏa ước Nice được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Nếu người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phân loại và người nộp đơn phải nộp phí dịch vụ phân loại theo quy định.”

8. Sửa đổi, bổ sung điểm 37.5 như sau:

“37.5. Yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu:

Ngoài mẫu nhãn hiệu được gắn trên Tờ khai, đơn phải kèm theo 05 mẫu nhãn hiệu giống nhau và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:”.

9. Sửa đổi, bổ sung điểm 47.1 như sau:

“47.1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN quy định tại Phụ lục D của Thông tư này;

b) 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

c) Bản gốc văn bằng bảo hộ;

d) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

e) Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

g) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

10. Sửa đổi, bổ sung điểm 53.2 như sau:

“53.2. Hồ sơ yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề

Hồ sơ yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) 02 bản Tờ khai yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (Chứng chỉ hành nghề), làm theo mẫu 01-CCHN quy định tại Phụ lục E của Thông tư này;

b) Bản sao thông báo đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức;

c) 02 ảnh 3x4 (cm);

d) Bản sao Chứng minh nhân dân;

đ) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

11. Sửa đổi, bổ sung điểm 59.2 như sau:

“59.2. Đăng ký dự kiểm tra:

a) Chỉ người nào có đủ các điều kiện quy định tại các điểm từ a đến đ khoản 2 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ mới được đăng ký dự kiểm tra theo quy định tại điểm này.

b) Hồ sơ đăng ký dự kiểm tra được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

(i) 02 bản Tờ khai đăng ký dự kiểm tra, làm theo mẫu 05-KTNV quy định tại Phụ lục E của Thông tư này;

(ii) Bản sao Bằng tốt nghiệp đại học (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

(iii) Tài liệu chứng minh người đăng ký dự kiểm tra đã được đào tạo về pháp luật sở hữu công nghiệp hoặc đã có kinh nghiệm trong hoạt động này:

- Bản sao Chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực); hoặc

- Luận văn tốt nghiệp đại học, sau đại học về đề tài sở hữu công nghiệp và giấy xác nhận của cơ sở đào tạo nơi thực hiện luận văn; hoặc

- Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác (có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi công tác) chứng minh thời gian ít nhất 05 năm liên tục trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp hoặc công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, xét xử, pháp chế, tư vấn pháp luật về sở hữu công nghiệp; nghiên cứu khoa học có chức danh nghiên cứu viên, giảng dạy về sở hữu công nghiệp (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

(iv) 02 ảnh 3x4 (cm);

(v) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm 59.5 như sau:

“59.5. Tổ chức kiểm tra

a) Việc kiểm tra được tổ chức định kỳ 02 năm/lần.

b) Bài kiểm tra do Hội đồng kiểm tra chấm theo đáp án và thang điểm được duyệt.

c) Kết quả kiểm tra được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho người dự kiểm tra. Người dự kiểm tra có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ phúc tra và Hội đồng kiểm tra có trách nhiệm phúc tra theo quy định của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Kết quả kiểm tra chỉ có giá trị trong thời hạn 05 năm cho việc đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp”.

13. Sửa đổi mục “Phân nhóm”, “Phân loại” của các mẫu Tờ khai 01-SC, 03-KDCN, 04-NH tại Phụ lục A như sau:

Bổ sung Chú thích: “Nếu người nộp đơn không tự phân nhóm, phân loại hoặc phân nhóm, phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện việc này và người nộp đơn phải nộp phí dịch vụ phân nhóm, phân loại theo quy định.”

14. Sửa đổi mục “Các tài liệu có trong đơn” của các mẫu Tờ khai 01-SC, 02-TKBT, 03-KDCN, 04-NH, 05-CDĐL tại Phụ lục A, 01-SĐĐ, 02-CGĐ, 03-YCTĐ tại Phụ lục B, 01-SĐVB, 02-GHVB, 03-PBVB, 04-CDHB, 05-KN, 06-ĐKQT, 07-ĐKCĐ, 08-SĐQT tại Phụ lục C, 01-HĐCN, 02-HĐSD, 03-SĐHĐ, 04-CGBB tại Phụ lục D, 01-CCHN, 02-CLCC, 05-KTNV tại Phụ lục E và 01-YCTCSC, 02-YCTCKD và 03-YCTCNH tại Phụ lục F như sau:

Thay thế “Chứng từ phí, lệ phí” bằng “Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

15. - Bỏ mục “Thời hạn gia hạn” và sửa đổi, bổ sung mục “Đối tượng yêu cầu gia hạn” của mẫu Tờ khai số 02-GHVB tại Phụ lục C như sau:

“- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp - Các phương án cần gia hạn: ….

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu - Các nhóm hoặc sản phẩm, dịch vụ cần gia hạn: …”

16. Bỏ mục “Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú của chủ đơn” của mẫu Tờ khai số 01-CCHN và 05-KTNV tại Phụ lục E.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN sửa đổi năm 2009 như sau:

1. Sửa đổi quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Mục II như sau:

“b) Môn pháp luật sở hữu công nghiệp là nội dung kiểm tra bắt buộc đối với tất cả các chuyên ngành giám định.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công tác soạn thảo và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thanh tra về sở hữu công nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, nghiên cứu, giảng dạy pháp luật về sở hữu công nghiệp tại tổ chức nghiên cứu, đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp, hoặc tư vấn về pháp luật sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa người đại diện sở hữu công nghiệp thì được miễn kiểm tra môn pháp luật sở hữu công nghiệp.

c) Các môn chuyên ngành giám định gồm môn giám định sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích) và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, môn giám định kiểu dáng công nghiệp, môn giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) và môn giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác là nội dung kiểm tra đối với chuyên ngành giám định tương ứng.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công tác giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế, trực tiếp thực hiện hoặc xét duyệt kết quả về thẩm định (xét nghiệm) nội dung đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), hoặc đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế thì được miễn kiểm tra môn chuyên ngành giám định tương ứng.

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục trực tiếp tiến hành thủ tục xác lập, thực thi quyền sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa người đại diện sở hữu công nghiệp thì được miễn 01 môn chuyên ngành giám định tương ứng với lĩnh vực mà mình đã thực hiện nhiều vụ việc nhất.”

2. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Mục II như sau:

“4. Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra

Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) 02 Tờ khai đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này;

b) Bản sao Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

c) Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác chứng minh thực tế hoạt động chuyên môn (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực), nếu người đăng ký dự kiểm tra có yêu cầu được miễn môn kiểm tra nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 Mục II của Thông tư này;

d) 02 ảnh 3x4 (cm);

đ) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 6 Mục II như sau:

“Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày tổ chức kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thông báo kết quả kiểm tra cho người tham dự kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này cho những người đạt yêu cầu đối với tất cả các môn kiểm tra, trong đó ghi rõ chuyên ngành giám định tương ứng với môn kiểm tra và ấn định thời hạn giá trị của Giấy chứng nhận (làm tài liệu nộp hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên) là 05 năm kể từ ngày cấp”.

4. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Mục III như sau:

“2. Hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên

Hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) 02 Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên, làm theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu công nghiệp do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra cấp theo quy định tại điểm c khoản 6 Mục II của Thông tư này;

c) Bản sao Chứng minh nhân dân;

d) 02 ảnh 3x4 (cm);

đ) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

5. Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Mục III như sau:

“c) Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục III của Thông tư này cũng được áp dụng đối với thủ tục cấp lại Thẻ giám định viên, trừ tài liệu quy định tại điểm b khoản 2 và thời hạn Cục Sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ là 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ”.

6. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Mục IV như sau:

“2. Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định

Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

a) 02 Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định, làm theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ chức hành nghề luật sư (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

c) Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên sở hữu công nghiệp hoạt động cho tổ chức (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);

d) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

7. Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Mục IV như sau:

“c) Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục IV của Thông tư này cũng được áp dụng đối với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định, trừ các tài liệu quyết định tại điểm b và điểm c khoản 2 và thời hạn Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét hồ sơ là 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ”.

8. Thay thế các mẫu Tờ khai tại Phụ lục I, II và III bằng các mẫu Tờ khai quy định tại Phụ lục I, II và III của Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.