• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/04/2017
BỘ XÂY DỰNG-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 28 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới

___________________________

 

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới ; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; văn bản số 221/TB- VPCP ngày 20 tháng 8 năm 2010 thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới (gọi tắt là quy hoạch nông thôn mới).

2. Quy hoạch nông thôn mới bao gồm quy hoạch định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp.

3. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, quản lý quy hoạch nông thôn mới.

Điều 2. Nguyên tắc lập quy hoạch.

1. Quy hoạch nông thôn mới phải phù hợp với Quyết định số 491//QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đồ án quy hoạch nông thôn mới phải tuân thủ các đồ án quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt (quy hoạch vùng Huyện, vùng Tỉnh, Quy hoạch chung đô thị …)

3. Đối với những xã đã có quy hoạch đáp ứng các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới thì không phải phê duyệt lại; đối với những xã đã và đang lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 cần phải rà soát, bổ sung để phù hợp với việc lập quy hoạch theo Thông tư này.

4. Công tác lập quy hoạch NTM thống nhất thực hiện theo Thông tư này. Quy hoạch nông thôn mới được duyệt là cơ sở để quản lý sử dụng đất, lập dự án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Điều 3. Lấy ý kiến đối với đồ án quy hoạch nông thôn mới.

1. Trong quá trình lập đồ án quy hoạch nông thôn mới, Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trước khi thông qua Hội đồng nhân dân xã.

2. Nội dung lấy ý kiến: những định hướng cơ bản về phát triển dân cư, các công trình hạ tầng công cộng, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, môi trường.

Điều 4. Trình tự lập và quản lý quy hoạch nông thôn mới.

1. Trình tự lập quy hoạch

a) Trước khi tiến hành lập đồ án quy hoạch nông thôn mới, Ủy ban nhân dân xã tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch và trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

b) Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, Ủy ban nhân dân xã tổ chức lập đồ án quy hoạch, quy định quản lý theo quy hoạch và thông qua Hội đồng nhân dân xã trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt đồ án. Đối với những xã thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân xã thì Ủy ban nhân dân xã tổ chức lấy ý kiến các ban, ngành trong xã trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

c) Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới và ban hành Quy định quản lý theo quy hoạch được duyệt. Sau khi đồ án được phê duyệt, Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch.

2. Quản lý, thực hiện quy hoạch nông thôn mới.

a) Tổ chức công bố, công khai và cung cấp thông tin quy hoạch.

b) Cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng kỹ thuật và ranh giới phân khu chức năng.

c) Xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa.

d) Lưu trữ hồ sơ quy hoạch nông thôn mới.

Điều 5. Quản lý, thanh quyết toán kinh phí quy hoạch.

1. Kinh phí quy hoạch do Ngân sách Nhà nước cấp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động lập kế hoạch kinh phí quy hoạch và quy định mức kinh phí quy hoạch cho cấp xã phù hợp với thực tế trong tỉnh. Mức kinh phí cụ thể tham khảo sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Việc quản lý, thanh quyết toán kinh phí quy hoạch thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chương II

LẬP QUY HOẠCH XÂY DỰNG XÃ NÔNG THÔN MỚI

Điều 6. Lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nông thôn mới.

Nhiệm vụ quy hoạch là các yêu cầu đối với việc lập đồ án quy hoạch nông thôn mới; sau khi có nhiệm vụ quy hoạch, Ủy ban nhân dân xã trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt bằng quyết định. Nội dung nhiệm vụ quy hoạch gồm:

1. Tên đồ án; Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch;

2. Mục tiêu yêu cầu về nội dung nghiên cứu của đồ án;

3. Dự báo quy mô dân số, đất đai, quy mô xây dựng;

4. Nhu cầu tổ chức không gian (sản xuất, sinh sống, trung tâm; phát triển mới và cải tạo chỉnh trang thôn, bản).

5.Yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

6. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu:

7. Hồ sơ sản phẩm của đồ án;

8. Kinh phí; Tiến độ, trách nhiệm thực hiện đồ án:

Điều 7. Lập đồ án quy hoạch nông thôn mới

Nội dung đồ án quy hoạch nông thôn mới bao gồm :

1. Phân tích và đánh giá hiện trạng tổng hợp.

2. Dự báo tiềm năng và định hướng phát triển.

3. Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã.

4. Quy hoạch sử dụng đất.

5. Quy hoạch sản xuất.

6. Quy hoạch xây dựng.

Điều 8. Phân tích và đánh giá hiện trạng tổng hợp:

1. Phân tích và đánh giá tổng hợp hiện trạng về điều kiện tự nhiên (đặc điểm địa lý, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, thổ nhưỡng, tài nguyên: nước, rừng, biển…), môi trường và các hệ sinh thái để từ đó xác định nguồn lực và tiềm năng phát triển.

2. Đánh giá việc thực hiện các quy hoạch đã có.

3. Đánh giá hiện trạng về nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, di tích, danh thắng du lịch.

4. Phân tích, đánh giá hiện trạng và biến động sử dụng đất.

Điều 9. Dự báo tiềm năng và định hướng phát triển

1. Dự báo tiềm năng.

a) Đánh giá tiềm năng đất đai phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phục vụ dân cư, công trình hạ tầng và sản xuất. Dự báo quy mô đất, xây dựng cho từng loại công trình cấp xã, thôn, bản và đất ở;

b) Dự báo loại hình, tính chất kinh tế chủ đạo như: kinh tế thuần nông, nông lâm kết hợp; chăn nuôi; tiểu thủ công nghiệp; du lịch hoặc định hướng phát triển đô thị; quy mô sản xuất, sản phẩm chủ đạo, khả năng thị trường định hướng giải quyết đầu ra;

c) Dự báo quy mô dân số, lao động, số hộ theo các giai đoạn quy hoạch;

2. Định hướng phát triển dân số, hạ tầng, kinh tế (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), môi trường trên địa bàn xã :

a) Xác định những tiềm năng của xã về nhân lực, nguồn lực kinh tế - xã hội ; điều kiện tự nhiên.

b) Xác định các chỉ tiêu phát triển chung và cụ thể cho từng lĩnh vực theo hướng phù hợp với tiềm năng, nguồn lực để đảm bảo tính khả thi và phát triển bền vững.

Điều 10. Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã.

1. Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã cần nghiên cứu các phương án cơ cấu tổ chức không gian, lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và hiện trạng của xã. Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã là căn cứ để triển khai các quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

2. Định hướng tổ chức hệ thống khu dân cư mới và cải tạo thôn xóm cũ: Xác định qui mô dân số, chỉ tiêu đất cho từng nhóm hộ, qui mô chiếm đất và nhu cầu đất của toàn thôn. Đối với vùng nhiều sự cố thiên tai cần cảnh báo và nêu rõ các giải pháp phòng chống cho người và gia súc.

3. Định hướng tổ chức hệ thống các công trình công cộng , bảo tồn công trình văn hoá lịch sử, xác định vị trí, quy mô, định hướng kiến trúc cho các công trình công cộng cấp xã; các khu vực có tính đặc thù khác;

4. Định hướng tổ chức hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật toàn xã kết nối các thôn, bản với vùng sản xuất, với trung tâm xã và vùng liên xã (bao gồm hạ tầng phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống); đối với vùng nhiều sự cố thiên tai cần cảnh báo và nêu rõ các giải pháp phòng chống.

Điều 11. Quy hoạch sử dụng đất.

1. Lập quy hoạch sử dụng đất.

a. Xác định cụ thể diện tích các loại đất trên địa bàn xã đã được cấp huyện phân bổ.

b. Xác định diện tích đất cho nhu cầu phát triển, cụ thể: diện tích đất lúa nương, đất trồng cây hàng năm còn lại, đất nông nghiệp khác, đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp của xã, đất nghĩa trang, nghĩa địa do xã quản lý, đất sông, suối, đất phát triển hạ tầng của xã và đất phi nông nghiệp khác.

c. Trong quá trình lập quy hoạch nông thôn mới, cần xác định diện tích những loại đất khi chuyển mục đích sử dụng phải xin phép theo quy định của pháp luật hiện hành. Xác định diện tích các loại đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng.

2. Lập kế hoạch sử dụng đất: Phân chia các chỉ tiêu sử dụng đất theo mục đích sử dụng, diện tích đất phải chuyển mục đích sử dụng, diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng.

a. Phân kỳ sử dụng đất theo 2 giai đoạn: 2011 – 2015 và 2016 – 2020.

b. Lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho giai đoạn 2011 – 2015.

3. Hệ thống chỉ tiêu và biểu quy hoạch sử dụng đất (xem Phụ lục).

4. Đối với các xã chưa triển khai lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 thì thực hiện theo điều này (không lập quy hoạch sử dụng đất riêng).

Điều 12. Quy hoạch sản xuất.

1. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp:

a. Xác định tiềm năng, quy mô của từng loại hình sản xuất (những cây trồng, vật nuôi hiện là thế mạnh của địa phương và định hướng những cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương; dự báo khả năng sản xuất, sản lượng theo từng giai đoạn; Định hướng phát triển đầu ra cho sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao, có giá trị trên thị trường).

b. Phân bổ khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa ngành trồng trọt (lúa, màu, cây công nghiệp, cây ăn quả); khu chăn nuôi; khu nuôi trồng thủy sản; nhà xưởng bảo quản, chế biến; công nghiệp và dịch vụ. Hạng mục quy hoạch phải rõ vị trí theo thôn, bản.

c. Xác định mạng lưới hạ tầng gồm: giao thông nội đồng (thể hiện đường đến lô diện tích 1ha trở lên); thủy lợi (kênh mương tự nhiên và nhân tạo đến kênh cấp

3). Hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất, hệ thống cấp và thoát nước thải khu ao nuôi thuỷ sản.

d. Giải pháp chủ yếu để phát triển đạt yêu cầu của quy hoạch.

2. Quy hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ:

a. Tiềm năng phát triển công nghiệp - dịch vụ: Tài nguyên, đất đai, lao động.

b. Lựa chọn loại ngành công nghiệp, dịch vụ cần phát triển và giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

c. Xác định chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ của xã (tỷ trọng giá trị công nghiệp, dịch vụ trên giá trị tổng sản lượng sản xuất trên địa bàn).

d. Giải pháp chủ yếu để đạt yêu cầu phát triển theo quy hoạch.

Điều 13. Quy hoạch xây dựng.

1. Đối với thôn, bản và khu dân cư mới:

a) Xác định quy mô dân, số hộ theo đặc điểm sinh thái, tập quán văn hóa; công trình công cộng từng thôn, khu dân cư mới.

b) Xác định hệ thống thôn, bản và khu dân cư mới.

c) Cơ cấu phân khu chức năng, tổ chức không gian; Yêu cầu, nguyên tắc, định hướng giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, xác định vị trí, quy mô khu trung tâm thôn, dân cư tập trung; khu sản xuất, các khu vực có khả năng phát triển, hạn chế phát triển, khu vực không xây dựng và các nhu cầu khác; các vùng đặc thù, các công trình đầu mối, kết nối hạ tầng;

d) Cải tạo chỉnh trang thôn, bản, nhà ở: Định hướng giải pháp tổ chức không gian ở, các qui định về kiến trúc, màu sắc, hướng dẫn cải tạo nhà, tường rào, cổng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, kiến trúc, vật liệu truyền thống của địa phương,

e) Các chỉ tiêu cơ bản về dân số, đất, công trình công cộng thôn, khu dân cư cũ và xây dựng mới;

2. Đối với trung tâm xã:

a) Xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất, dự báo quy mô xây dựng mới hoặc cải tạo, định hướng kiến trúc đặc trưng đối với khu trung tâm và từng công trình công cộng cấp xã;

b) Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc về tổ chức không gian kiến trỳc, tầng cao, giải pháp kiến trúc công trình công cộng và dịch vụ, cây xanh, các vùng phỏt triển, vùng hạn chế xây dựng, vùng cấm xây dựng, vùng bảo tồn;

c) Các chỉ tiêu về quy hoạch đất đai, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trung tâm xã.

d) Xác định các dự án ưu tiên đầu tư tại trung tâm xã và các thôn, bản, khu vực được lập quy hoạch.

3. Quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: giao thông, thoát nước, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, vệ sinh môi trường, nghĩa trang toàn xã, các thôn, bản và vùng sản xuất và liên xã, xác định hệ thống, vị trí, quy mô danh mục công trình, định hướng giải pháp cải tạo chỉnh trang, tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt cắt chính đáp ứng yêu cầu phát triển của từng giai đoạn quy hoạch và bảo vệ môi trường.

4. Về lập quy hoạch xây dựng thực hiện theo các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 32/2009/TT-BXD, ngày 30/9/2010 của Bộ Xây dựng. Xác định các dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện: tại trung tâm xã; các thôn, bản; vùng sản xuất và khu vực được lập quy hoạch; Khái toán nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất cho giai đoạn 2010-2015.

Điều 14. Đánh giá hiệu quả của quy hoạch nông thôn mới về kinh tế- xã hội và môi trường.

Trong đồ án quy hoạch nông thôn mới cần thuyết minh, làm rõ hiệu quả của định hướng phát triển không gian và các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Điều 15. Thành phần hồ sơ đồ án quy hoạch nông thôn mới.

1. Thuyết minh tổng hợp kèm theo các bản vẽ thu nhỏ khổ A3, các phụ lục tính toán, hướng dẫn thiết kế và minh họa.

2. Bản vẽ của đồ án quy hoạch được thể hiện trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất có tỷ lệ từ 1/5.000 đến 1/10.000, riêng đối với các xã có diện tích từ 20.000 ha trở lên thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/25.000, bao gồm:

a) Bản vẽ hiện trạng tổng hợp;

b) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

c) Bản vẽ định hướng quy hoạch phát triển không gian xã nông thôn mới.

d) Bản đồ quy hoạch sử dụng đất; Bản vẽ quy hoạch nông nghiệp; bản vẽ quy hoạch xây dựng.

đ) Bản vẽ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.

e) Đối với các khu trung tâm, khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000. Cần thể hiện rõ: Hệ thống giao thông nội khu (đến lô 1 ha trở lên); Hệ thống cấp điện; Hệ thống cấp nước sản xuất và thoát nước thải; Khu vực xử lý môi trường.

3. Quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch và dự thảo quyết định phê duyệt đồ án.

4. Đĩa CD lưu trữ toàn bộ nội dung thuyết minh và bản vẽ

Điều 16. Nội dung phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới.

1. Vị trí và quy mô quy hoạch:

a) Ranh giới, quy mô diện tích.

b) Quy mô và cơ cấu dân số, lao động của xã theo từng giai đoạn quy hoạch.

2. Mục tiêu, nội dung, yêu cầu của đồ án:

a) Cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

b) Làm cơ sở pháp lý cho việc lập đề án, dự án dầu tư.

c) Định hướng sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất, sinh sống, hệ thống công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ sản xuất toàn xã.

3. Tiền đề, quy mô quy hoạch:

a) Quy mô, cơ cấu dân số, lao động.

b) Quy mô, nhu cầu đất xây dựng

4. Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất:

a) Diện tích, cơ cấu các loại đất;

b) Diện tích đất chuyển mục đích sử dụng;

c) Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng.

5. Cơ cấu phân khu chức năng, tổ chức không gian đồ án quy hoạch:

a) Cơ cấu phân khu chức năng, yêu cầu và nguyên tắc, định hướng giải pháp tổ chức không gian kiến trúc hệ thống trung tâm xã, hệ thống thôn, bản, các khu dân cư tập trung; khu sản xuất, các khu vực có khả năng phát triển, hạn chế phát triển, không phát triển, khu bảo vệ và các nhu cầu khác; các vùng đặc thù, các công trình đầu mối, kết nối hạ tầng.

b) Trung tâm xã: Xác định vị trí, ranh giới quy mô diện tích, qui mô xây dựng; yêu cầu xây dựng, các chỉ tiêu cơ bản của tõng công trình công cộng, dịch vụ và cây xanh, được xây dựng mới hoặc cải tạo; (gồm các công trình giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ cấp xã phù hợp với khả năng, đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của xã theo từng giai đoạn quy hoạch).

c) Định hướng phân bổ hệ thống dân cư thôn, bản, khu dân cư mới: Xác định quy mô dân số, số hộ, trung tâm thôn, định hướng cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công trình văn hoá, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ, khuôn viên nhà ở; các chỉ tiêu về đất đai và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường của từng thôn hoặc khu dân cư mới;

d) Quy hoạch sản xuất: Xác định ph¹m vi ranh giíi, quy mô từng loại hình sản xuất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, các chỉ tiêu về đất đai, bảo vệ môi trường của từng khu vực;

6. Quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, thoát nước, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, vệ sinh môi trường, nghĩa trang toàn xã, các thôn, bản và vùng sản xuất.

7. Tổng hợp chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của xã theo đồ án quy hoạch chung.

8. Danh mục các dự án ưu tiên theo kỳ kế hoạch để đạt tiêu chí nông thôn mới.

9. Quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch.

10. Tiến độ, giải pháp tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Trách nhiệm các Bộ.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kiểm tra, đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, định kỳ 6 tháng báo cáo Ban chỉ đạo.

Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

Ủy ban nhân dân các cấp kiện toàn bộ máy quản lý xây dựng tại địa phương để có đủ năng lực thực hiện việc lập, thẩm đinh quy hoạch, chỉ đạo, đôn đốc, truyên truyền, kiểm tra việc quy hoạch, quản lý xây dựng nông thôn mới.

1. Uỷ ban nhân dân xã là chủ đầu tư, có trách nhiệm tổ chức lập, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch nông thôn mới.

2. Cơ quan thẩm định: Phòng hạ tầng, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch nông thôn mới trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện.

3. Uỷ ban nhân dân huyện quyết định phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch nông thôn mới, đồng thời ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch;

4. Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Tài nguyên và môi trường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch nông thôn mới (kiểm tra: năng lực tư vấn, chất lượng đồ án và việc thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt); Chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về lập, quản lý quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn.

5. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện công tác quy hoạch nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu, tiến độ Ban chỉ đạo Trung ương đã đề ra. Định kỳ 6 tháng báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Điều 19. Điều khoản thi hành.

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2011.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Xây dựng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Đình Toàn

Hồ Xuân Hùng

Nguyễn Mạnh Hiển

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.