• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 14/02/2014
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 41/2011/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 15 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng trên cơ sở rủi ro phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền

_____________________________

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền;

Thực hiện Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1451/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2010 về việc “ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố”;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng trên cơ sở rủi ro phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền như sau:

Mục 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng trên cơ sở rủi ro phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.

2. Đại lý đổi ngoại tệ, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động ngân hàng đại lý là việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác của một ngân hàng tại một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể (sau đây gọi là Ngân hàng đại lý) cho một ngân hàng khác tại một quốc gia, vùng lãnh thổ khác (sau đây gọi là Ngân hàng đối tác).

2. Tổ chức báo cáo là các tổ chức được quy định tại Điều 2 Thông tư này.

3. Dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị thay thế là dịch vụ chuyển tiền, giá trị (như séc, hối phiếu, thẻ thanh toán hoặc giấy tờ có giá khác) từ địa điểm này sang địa điểm khác do cá nhân, tổ chức chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc quản lý thực hiện.

4. Cá nhân có ảnh hưởng chính trị là cá nhân được giao giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước của nước ngoài, bao gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ, quan chức cao cấp của chính phủ, tòa án, quân đội; hoặc người quản lý cao cấp của công ty thuộc sở hữu nhà nước của nước ngoài, quan chức cao cấp của đảng phái chính trị; và thành viên gia đình, những người có quan hệ mật thiết với cá nhân đó.

5. Ngân hàng vỏ bọc là ngân hàng không có trụ sở hữu hình, không chịu sự quản lý, giám sát của bất cứ một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia, vùng lãnh thổ nào.

6. Hoạt động kinh doanh được giới thiệu là hoạt động kinh doanh của tổ chức báo cáo với khách hàng thông qua sự giới thiệu của bên trung gian là thành viên khác trong cùng tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tài chính hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới.

7. Lực lượng đặc nhiệm tài chính là tổ chức liên chính phủ có chức năng nghiên cứu, ban hành và giám sát thực hiện các chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Mục 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cơ sở xác định mức độ rủi ro

1. Mức độ rủi ro rửa tiền có thể dựa trên những cơ sở sau:

a) Loại khách hàng: người cư trú hay người không cư trú; khách hàng là tổ chức hay cá nhân; khách hàng thuộc các danh sách cảnh báo; khách hàng trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cầm đồ, casino, kinh doanh ngành hàng có doanh thu chủ yếu bằng tiền mặt, kinh doanh qua mạng Internet;

b) Loại sản phẩm, dịch vụ khách hàng thường sử dụng: nộp tiền mặt, chuyển khoản, chuyển tiền điện tử, giao dịch thẻ, đổi tiền;

c) Vị trí địa lý nơi khách hàng cư trú hoặc có trụ sở chính: các nước trong danh sách cấm vận nêu tại các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; các nước trong danh sách công khai không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các khuyến nghị về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố định kỳ (sau đây gọi là danh sách công khai); khu vực được nhận định có nhiều hoạt động ma túy;

d) Các cơ sở khác theo quy định nội bộ của tổ chức báo cáo.

2. Các tổ chức báo cáo có thể xác định mức độ rủi ro rửa tiền dựa vào những cơ sở nêu tại Khoản 1 Điều này, nhưng phải chú ý tới các giao dịch và mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với tổ chức, cá nhân từ những nước nằm trong danh sách công khai. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức báo cáo phải kiểm tra cơ sở, mục đích của các giao dịch đó. Nếu nghi ngờ giao dịch có liên quan tới rửa tiền, tổ chức báo cáo phải báo cáo giao dịch đáng ngờ về Cục Phòng, chống rửa tiền.

Điều 5. Phân loại và nhận biết khách hàng theo mức độ rủi ro

1. Tùy theo quy mô và phạm vi hoạt động, giao dịch của khách hàng, các tổ chức báo cáo phải rà soát, phân loại khách hàng theo các mức độ rủi ro cao, trung bình, thấp.

2. Đối với khách hàng có mức độ rủi ro cao, tổ chức báo cáo phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng tăng cường, chặt chẽ cao.

Điều 6. Chủ sở hữu hưởng lợi

1. Tổ chức báo cáo có trách nhiệm nhận biết, cập nhật thông tin và lưu giữ hồ sơ, tài liệu về chủ sở hữu hưởng lợi.

2. Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi phải bao gồm các thông tin nhận biết khách hàng cá nhân theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 22/2009/TT-NHNN ngày 17/11/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền và các thông tin về tỷ lệ sở hữu trong tổ chức hoặc quyền kiểm soát đối với tổ chức của chủ sở hữu hưởng lợi.

Điều 7. Cá nhân có ảnh hưởng chính trị

1. Tổ chức báo cáo có trách nhiệm nhận biết khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị.

2. Trong trường hợp khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị, tổ chức báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường dưới đây:

a) Có chấp thuận của Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) được ủy quyền trước khi thiết lập mối quan hệ hoặc ngay sau khi khách hàng hiện tại được nhận biết là cá nhân có ảnh hưởng chính trị;

b) Thực hiện các biện pháp nhằm tìm hiểu nguồn gốc tiền và tài sản của khách hàng.

Điều 8. Hoạt động ngân hàng đại lý

1. Tổ chức báo cáo không được ký kết hợp đồng đại lý hoặc giao dịch với ngân hàng vỏ bọc.

2. Trong hoạt động ngân hàng đại lý, tổ chức báo cáo là ngân hàng đại lý phải:

a) Đảm bảo có sự phê chuẩn của Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) được ủy quyền trước khi thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý với ngân hàng đối tác.

b) Thu thập thông tin để hiểu về hoạt động của ngân hàng đối tác và đảm bảo ngân hàng đối tác chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền;

c) Hàng năm đánh giá việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác.

d) Thực hiện các biện pháp để đảm bảo quan hệ ngân hàng đại lý không bị lạm dụng cho rửa tiền.

đ) Trường hợp khách hàng của ngân hàng đối tác có thể thanh toán thông qua các tài khoản của ngân hàng đối tác mở tại tổ chức báo cáo, tổ chức báo cáo phải đảm bảo rằng ngân hàng đối tác đã xác minh thông tin nhận biết khách hàng, đã thực hiện giám sát khách hàng liên tục và có khả năng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng nếu được yêu cầu.

Điều 9. Giao dịch bằng phương tiện điện tử và giao dịch không gặp mặt trực tiếp

1. Tổ chức báo cáo phải đánh giá mức độ rủi ro rửa tiền khi áp dụng giao dịch bằng phương tiện điện tử trong giao dịch ngân hàng, thanh toán với khách hàng không gặp mặt trực tiếp như: dịch vụ ngân hàng qua mạng Internet (Internet banking), dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động (mobile banking), thẻ ngân hàng.

2. Tổ chức báo cáo phải bảo đảm việc cập nhật thông tin đối với khách hàng nêu tại Khoản 1 Điều này không kém hiệu quả hơn so với khách hàng đến gặp mặt trực tiếp thông qua các thủ tục như: yêu cầu chứng nhận, bổ sung tài liệu, tiếp xúc độc lập với khách hàng.

Điều 10. Hoạt động kinh doanh được giới thiệu

1. Tổ chức báo cáo khi tiến hành hoạt động kinh doanh được giới thiệu có thể nhận biết khách hàng thông qua bên trung gian nhưng phải đảm bảo rằng:

a) Bên trung gian phải thu thập, lưu giữ và cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin nhận biết khách hàng cho tổ chức báo cáo khi được yêu cầu;

b) Bên trung gian có biện pháp tuân thủ các yêu cầu về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng theo các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính và là đối tượng chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc nhận biết khách hàng dựa vào bên trung gian không loại trừ trách nhiệm của tổ chức báo cáo trong việc nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng.

Điều 11. Dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị thay thế

1. Tổ chức báo cáo phải có biện pháp để nhận biết khách hàng là người cung ứng dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị thay thế.

2. Tổ chức báo cáo khi phát hiện khách hàng cung ứng dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị thay thế phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng tăng cường và báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mục 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2012.

Điều 13. Xử lý vi phạm

1. Người phạm tội có liên quan đến rửa tiền thì bị xử lý theo Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định tại Thông tư này nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật và Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức báo cáo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Trần Minh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.