• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/11/2011
QUỐC HỘI
Số: 11/2011/QH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 9 tháng 11 năm 2011

NGHỊ QUYẾT

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012

____________________

 

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Trên cơ sở xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và ý kiến đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ

I. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011

Năm 2011 kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước, thiên tai, dịch bệnh cùng với những khó khăn, hạn chế, yếu kém tích tụ từ nhiều năm qua đã làm gia tăng biến động về kinh tế vĩ mô, tác động đến sản xuất và đời sống người dân. Với sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6%, các cân đối vĩ mô đã chuyển biến theo hướng tích cực. Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Các vấn đề biên giới, lãnh thổ trên đất liền, trên biển và hải đảo được giải quyết một cách thỏa đáng, phù hợp luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, nền kinh nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, lạm phát ở mức cao; mặt trái của các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... đã ảnh hưởng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.  Ðời sống của người dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao còn nhiều mặt bất cập. Các vấn đề xã hội như tội phạm, tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường vẫn gây bức xúc trong nhân dân.

II. VỀ MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2012

Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục có những biến động khó lường. Trong nước, những hạn chế, yếu kém bộc lộ sâu sắc hơn, điều hành kinh tế vĩ mô sẽ gặp khó khăn trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Tình hình và xu hướng nêu trên sẽ tạo ra cả những thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, phát huy tối đa sức mạnh nội lực của cả đất nước.

1. Mục tiêu tổng quát

Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Các chỉ tiêu kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% - 6,5%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Nhập siêu khoảng 11% - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%.

b) Các chỉ tiêu xã hội

Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 46%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 16,6%.

Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 21,5 giường.

c) Các chỉ tiêu môi trường

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 70%.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.

Cơ cấu lại đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách định hướng và tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư. Nâng cao chất lượng và tính bền vững của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính. Nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống; giảm dần việc huy động đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư từ thị trường vốn; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán; tăng hiệu quả hoạt động bảo hiểm; kiểm soát hiệu quả các quỹ đầu tư, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường.

Cơ cấu lại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa tài chính và kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh góp phần tăng tính an toàn của nền kinh tế. Tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

2. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chấp hành và tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc của các cấp chính quyền trong thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Ðiều hành chặt chẽ, thận trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất - nhập khẩu... kiểm soát để chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, ổn định theo từng tháng và đạt mục tiêu cả năm. Ưu tiên sử dụng số vượt thu ngân sách nhà nước năm 2011 để giảm bội chi, tăng trả nợ hoặc giảm vay nợ. Kiểm soát chặt chẽ và giảm tối đa nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Chủ động kiểm soát giá, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường; tăng cường kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá và công tác quản lý thị trường ngăn chặn nạn đầu cơ, kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại.

3. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Rà soát và điều chỉnh đồng bộ các chính sách đất đai, thuế, tín dụng, lao động, thị trường để tăng sức thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có giải pháp cụ thể khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai, dịch bệnh để tăng sản lượng lương thực, thực phẩm; ưu tiên các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; xây dựng và phát triển các cụm liên hoàn kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Tổ chức thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, thương mại phục vụ nông nghiệp và nông thôn; rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp trên các vùng, nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có; tập trung đầu tư mới các dự án sản xuất điện, các sản phẩm hóa dầu, tiếp tục triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu.

4. Triển khai thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, năm 2012 tập trung tổng kết thiết thực việc thi hành và xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 làm nền tảng cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, minh bạch. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tính pháp quyền trong bộ máy hành pháp. Tăng đầu tư cho con người, bố trí nguồn lực đáp ứng thực hiện cải cách tiền lương. Tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các trường đại học vừa nâng cấp từ các trường cao đẳng và các trường đại học mới thành lập. Phát huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong việc thẩm định các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ trong những ngành, lĩnh vực then chốt đã cơ bản bảo đảm về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Rà soát, đánh giá các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm để bố trí vốn đầu tư dứt điểm cho các dự án có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong 2 năm 2012-2013. Khai thác có hiệu quả quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gắn kết quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng giao thông để tăng thêm nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.

5. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hỗ trợ kịp thời người dân. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách chịu tác động lớn khi Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng điện, xăng dầu, than và giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, hỗ trợ cho nông dân tham gia lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực y tế, việc làm, dạy nghề và giảm nghèo; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh cơ chế điều hành chính sách giảm nghèo, tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt hiệu quả tốt hơn.

6. Tăng cường cơ chế, chính sách, biện pháp trồng, bảo vệ rừng. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các tài nguyên khác. Công bố Chương trình quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng từng vùng, địa phương và kế hoạch triển khai cụ thể để người dân yên tâm và chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Tập trung đẩy mạnh khắc phục ô nhiễm môi trường trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, bệnh viện, thường xuyên thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

7. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ðổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trên cơ sở xác định Tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm trong cải cách tư pháp. Tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cho các cơ quan Tư pháp. Tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, xét xử, chống bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bổ trợ Tư pháp.

8. Tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trong các khu vực phòng thủ địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm, biên giới, hải đảo; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh trong chiến lược quy hoạch, kế hoạch và từng dự án đầu tư phát triển; đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; đầu tư phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, khu vực biển đảo. Ðẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở vững mạnh, toàn diện, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc. Ðẩy mạnh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng; xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ. Ngăn chặn các tệ nạn xã hội, kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông, từng bước giải quyết tình hình ùn tắc giao thông trong các thành phố lớn.

9. Tiếp tục mở rộng và xử lý hài hòa quan hệ đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và đối tác tiềm năng, bạn bè truyền thống, đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững hơn, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ đất nước. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế. Ðấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của nước ta trong các vụ tranh chấp thương mại; củng cố các cơ chế chỉ đạo và triển khai các thỏa thuận quốc tế. Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược, bám sát các diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề nảy sinh đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao theo chức năng của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ðoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tạo tiền đề hoàn thành toàn diện Kế hoạch 5 năm 2011- 2015.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 9-11-2011./.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.