• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2022
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 43/2011/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 20 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong ngành Ngân hàng

__________________________

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia số 34/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong ngành Ngân hàng, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của các đơn vị trong ngành Ngân hàng.

2. Các hồ sơ, tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này được ghi chép trên các vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán, chứng từ điện tử, nếu chuyển đổi ra giấy, có đủ yếu tố pháp lý theo quy định của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước thì được áp dụng thời hạn bảo quản tại Thông tư này.

3. Các hồ sơ, tài liệu được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên (sau đây gọi tắt là đơn vị).

Điều 3. Nguyên tắc xác định thời hạn bảo quản

Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu được xác định trên cơ sở phân tích và đánh giá toàn diện, đúng đắn giá trị thực tiễn và giá trị lịch sử của tài liệu đối với đơn vị, Ngành và Quốc gia.

Thời hạn bảo quản của từng hồ sơ được xác định trên cơ sở tài liệu có giá trị cao nhất trong hồ sơ.

Điều 4. Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ

1. Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ là khoảng thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc.

2. Thời hạn bảo quản của mỗi hồ sơ, tài liệu lưu trữ được quy định theo hai mức: Bảo quản vĩnh viễn và bảo quản có thời hạn được quy định bằng số năm cụ thể, như sau:

a) Bảo quản vĩnh viễn: Là những hồ sơ, tài liệu được lưu giữ vĩnh viễn cho đến khi tài liệu tự hủy hoại hoặc không thể phục hồi; được áp dụng cho loại hồ sơ, tài liệu quan trọng, phản ánh rõ nét chức năng, nhiệm vụ, phục vụ nghiên cứu lâu dài cho hoạt động của cơ quan, đơn vị; có giá trị về kinh tế, chính trị và lịch sử.

b) Bảo quản có thời hạn: Là những hồ sơ, tài liệu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 5. Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ

1. Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ là bảng kê các nhóm hồ sơ, tài liệu có chỉ dẫn thời hạn bảo quản.

2. Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong ngành Ngân hàng được quy định cụ thể tại Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ kèm theo Thông tư này (gọi tắt là Bảng thời hạn bảo quản, hồ sơ, tài liệu).

3. Các hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong Bảng thời hạn bảo quản được phân loại theo các hoạt động, vấn đề và có số thứ tự độc lập, tên gọi cụ thể, tương ứng với thời hạn bảo quản được quy định, bao gồm:

1 Hồ sơ, tài liệu tổng hợp;

2 Hồ sơ, tài liệu về chiến lược phát triển ngân hàng;

3 Hồ sơ, tài liệu về chính sách tiền tệ;

4 Hồ sơ, tài liệu về dự báo, thống kê tiền tệ;

5 Hồ sơ, tài liệu về tín dụng;

6 Hồ sơ, tài liệu về quản lý rủi ro;

7 Hồ sơ, tài liệu về quan hệ với các nhà đầu tư;

8 Hồ sơ, tài liệu về ngoại hối;

9 Hồ sơ, tài liệu về hợp tác quốc tế;

10 Hồ sơ, tài liệu về thành lập, hoạt động, thanh lý các tổ chức tín dụng;

11 Hồ sơ, tài liệu về thanh tra, giám sát;

12 Hồ sơ, tài liệu về kiểm toán;

13 Hồ sơ, tài liệu về hoạt động phòng, chống rửa tiền;

14 Hồ sơ, tài liệu về công tác thanh toán;

15 Hồ sơ, tài liệu về tài chính - kế toán;

16 Hồ sơ, tài liệu về phát hành và kho quỹ;

17 Hồ sơ, tài liệu về khoa học và công nghệ;

18 Hồ sơ, tài liệu về tổ chức, cán bộ, đào tạo;

19 Hồ sơ, tài liệu về công tác thi đua, khen thưởng;

20 Hồ sơ, tài liệu về công tác pháp chế;

21 Hồ sơ, tài liệu về đầu tư xây dựng;

22 Hồ sơ, tài liệu về công tác tuyên truyền, báo chí;

23 Hồ sơ, tài liệu về công tác quản trị;

24 Hồ sơ, tài liệu về công tác hành chính, văn thư, lưu trữ;

25 Hồ sơ, tài liệu về hoạt động của tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Điều 6. Sử dụng Bảng thời hạn bảo quản

Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ làm căn cứ cho công tác xác định giá trị hồ sơ, tài liệu được chính xác, khoa học, đảm bảo tính thống nhất.

1. Việc xác định giá trị tài liệu phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Mức xác định thời hạn bảo quản cho mỗi hồ sơ, tài liệu cụ thể không được thấp hơn mức quy định tại Thông tư này.

b) Khi tiến hành lựa chọn tài liệu giao nộp vào Lưu trữ lịch sử, phải xem xét mức độ đầy đủ của khối (phông) tài liệu, đồng thời lưu ý đến những giai đoạn, thời điểm lịch sử để có thể nâng mức thời hạn bảo quản của tài liệu lên cao hơn so với mức quy định.

c) Đối với hồ sơ, tài liệu lưu trữ đã hết thời hạn bảo quản, phải tiến hành lập Danh mục trình Hội đồng xác định giá trị tài liệu của cơ quan xem xét, đánh giá lại, trình Thủ trưởng đơn vị quyết định có thể kéo dài thêm thời hạn bảo quản, hoặc tiêu hủy.

2. Trường hợp trong thực tế có những hồ sơ, tài liệu lưu trữ chưa được quy định tại Bảng thời hạn bảo quản này, Thủ trưởng đơn vị căn cứ Thông tư này để cụ thể hóa các mức thời hạn bảo quản theo các nhóm hồ sơ, tài liệu lưu trữ tương ứng trong Bảng để xác định.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2012; Thông tư số 20/2009/TT-NHNN ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Ngân hàng Nhà nước quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu trong ngành Ngân hàng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (Chủ tịch Hội đồng thành viên) và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động Ngân hàng, Lãnh đạo tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Thông tư này.

3. Chánh Văn phòng NHNN có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành Ngân hàng thực hiện Thông tư này, hàng năm báo cáo Thống đốc tình hình thực hiện của các đơn vị./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Trần Minh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.