• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 42/2012/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 11 tháng 5 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

_____________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội khóa XIII về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa,

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại các vùng trồng lúa trên cả nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất lúa khác.

2. Đất chuyên trồng lúa nước là đất đang trồng hoặc có đủ điều kiện trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm.

3. Đất lúa khác bao gồm đất lúa nước chỉ trồng được một vụ lúa nước trong năm và đất lúa nương.

4. Đất lúa nương là đất có các điều kiện phù hợp cho trồng lúa nương.

5. Gây ô nhiễm đất trồng lúa là các hoạt động đưa vào trong đất các chất độc hại, vi sinh vật và ký sinh trùng có hại làm thay đổi kết cấu, thành phần các chất của đất, làm ảnh hưởng không có lợi đến sản xuất lúa, chất lượng lúa gạo, sức khỏe của con người và động vật.

6. Gây thoái hóa đất trồng lúa là hoạt động làm cho đất lúa bị xói mòn, rửa trôi hoặc bị chua hóa, mặn hóa, phèn hóa, khô hạn … làm đất giảm độ phì và mất cân bằng dinh dưỡng của đất trồng lúa, dẫn đến giảm năng suất lúa.

7. Làm biến dạng mặt bằng đất trồng lúa là các hoạt động làm thay đổi mặt bằng của ruộng lúa, làm ruộng lúa không đồng đều về kết cấu, thành phần dinh dưỡng và hệ vi sinh vật dẫn đến không trồng lúa được.

Chương II

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA

Điều 4. Nguyên tắc lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là một nội dung trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

2. Hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước.

3. Khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ cho phép chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

4. Đất chuyên trồng lúa nước phải được bảo vệ nghiêm ngặt trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chỉ được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chuyên trồng lúa nước trong trường hợp phải chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều này và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

5. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đất trồng lúa đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ và nâng cao chất lượng đất.

6. Kế hoạch sử dụng đất trồng lúa phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trồng lúa trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.

7. Thực hiện dân chủ, công khai trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Điều 5. Quản lý việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

1. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước:

a) Phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng;

b) Phải có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;

c) Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 của Nghị định này.

2. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa khác:

a) Chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây hàng năm phải phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và không ảnh hưởng tới mục đích trồng lúa sau này;

b) Chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

c) Chuyển đất lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này.

3. Thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước: Trường hợp chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất.

4. Thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa khác:

a) Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển đất lúa khác sang trồng cây hàng năm phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Ngoài trường hợp quy định tại Điểm a, khi chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào mục đích khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 6. Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa

1. Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

2. Sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất.

3. Canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

1. Thực hiện đúng các quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại Điều 5 của Nghị định này.

2. Khi chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây hàng năm phải thực hiện:

a) Theo đúng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương;

b) Không làm biến dạng mặt bằng, không làm thay đổi tính chất vật lý, hóa học của đất để khi cần thiết vẫn gieo trồng lúa được;

c) Không làm hư hỏng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng đã được đầu tư trên đất đó.

3. Khi chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản:

a) Áp dụng các biện pháp để bảo vệ độ phì đất; phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước;

b) Nếu di chuyển hoặc làm hư hỏng các kết cấu hạ tầng trên diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sử dụng, phải có trách nhiệm khắc phục kịp thời, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề.

4. Khi chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án, thực hiện dự án không đúng tiến độ để đất hoang hóa sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 8. Bảo vệ và cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa

1. Nghiêm cấm các hành vi:

a) Gây ô nhiễm, làm thoái hóa, làm biến dạng mặt bằng của đất dẫn đến không trồng lúa được;

b) Bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ 2 năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này, phải có phương án sử dụng lớp đất mặt thuộc tầng canh tác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác tại địa phương; hoặc nộp kinh phí để tổ chức thực hiện phương án nêu trên tại địa phương khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa khi phát hiện các nguy cơ hoặc các hành vi gây hại đến chất lượng đất, làm ô nhiễm, thoái hóa đất cần áp dụng các biện pháp để phòng chống và thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết và xử lý.

Điều 9. Phát triển quỹ đất trồng lúa

1. Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và đầu tư khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để phát triển quỹ đất trồng lúa.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này, phải có phương án thực hiện khai hoang, phục hóa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất tại địa phương; hoặc nộp kinh phí để tổ chức thực hiện phương án nêu trên tại địa phương khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương III

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA

Điều 10. Hỗ trợ ngân sách cho địa phương sản xuất lúa

1. Căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

2. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương từ 2012 - 2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành còn được ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để sản xuất lúa như sau:

a) Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước;

b) Hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

3. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ căn cứ vào số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện hỗ trợ cho sản xuất lúa.

5. Các địa phương sản xuất lúa ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất lúa theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này còn được hưởng các chính sách khác của Nhà nước theo quy định hiện hành.

Điều 11. Chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa

Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ người sản xuất lúa như sau:

1. Hỗ trợ sản xuất lúa hàng năm:

a) Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước;

b) Hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

2. Hỗ trợ sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh:

a) Hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70%;

b) Hỗ trợ 50% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%.

3. Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa:

a) Hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; mức chi phí do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định;

b) Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang;

c) Hỗ trợ 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước.

4. Ưu tiên hỗ trợ chi phí bảo hiểm sản xuất lúa theo quy định.

5. Cơ chế hỗ trợ:

a) Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí;

b) Đối với các địa phương có khoản điều tiết từ các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% thì được hỗ trợ 50% kinh phí;

c) Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương.

6. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất lúa theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, Điều này còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước theo quy định hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì chỉ đạo tổ chức sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định này và các văn bản khác có liên quan.

2. Chủ trì hướng dẫn xây dựng các phương án quy định tại khoản 2 Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

3. Tổ chức thực hiện khen thưởng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa.

Điều 13. Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải và Bộ, ngành có liên quan xác định nhu cầu sử dụng đất của các ngành, trong đó xác định rõ nhu cầu sử dụng đất từ đất trồng lúa, diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sử dụng.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung, phương pháp điều tra đánh giá, hệ thống tiêu chí và bảng phân hạng đất trồng lúa phạm vi toàn quốc; thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 5 Nghị định này.

3. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt đất chuyên trồng lúa nước cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.

4. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất trồng lúa và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất trồng lúa trước ngày 31 tháng 12 năm 2015.

5. Hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa của các địa phương.

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa tại địa phương.

Điều 14. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phân bổ vốn đầu tư hỗ trợ cho các địa phương và người sản xuất lúa.

2. Huy động, cân đối trình Chính phủ quyết định nguồn vốn đầu tư để thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ đất trồng lúa và sản xuất lúa theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 15. Bộ Tài chính

1. Cân đối nguồn ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ cho các địa phương và người sản xuất lúa.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ vốn ngân sách cho các địa phương sản xuất lúa.

3. Hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, hỗ trợ chi thường xuyên cho các địa phương sản xuất lúa theo quy định của Nghị định này và các văn bản khác có liên quan.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy định việc nộp, quản lý và sử dụng kinh phí quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

Điều 16. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng đất trồng lúa của địa phương theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức công bố công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của địa phương đã được xét duyệt; xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chính phủ về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới, chất lượng đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt.

4. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, quyết định chính sách hỗ trợ khác ngoài quy định tại Nghị định này để quản lý và sử dụng đất trồng lúa có hiệu quả.

5. Hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa của địa phương.

6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất trồng lúa của địa phương.

Điều 17. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.

2. Các quy định về quản lý và sử dụng đất trồng lúa trái với quy định của Nghị định này đều bị bãi bỏ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.