• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 10/07/2023
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 225/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 26 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi,

 vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015

____________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 187/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (sau đây gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở) giai đoạn 2012-2015.

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 05/9/2012. Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở bao gồm 3 Dự án thành phần:

a) Dự án 1: Tăng cường cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (viết tắt là Dự án 1).

b) Dự án 2: Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (viết tắt là Dự án 2).

c) Dự án 3: Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (viết tắt là Dự án 3).

2. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở hàng năm thực hiện theo Quyết định giao dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn vốn thực hiện Chương trình bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), vốn đóng góp của các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 1.730 tỷ, dự kiến huy động từ các nguồn:

- Ngân sách trung ương: 1.170 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương: 420 tỷ đồng.

- Huy động hợp pháp khác: 140 tỷ đồng.

Trong đó:

a) Vốn ngân sách trung ương được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ:

- Chi thực hiện dự án 1 (trừ nội dung do ngân sách địa phương chi nêu tại điểm b khoản này).

- Chi thực hiện dự án 2 (trừ nội dung do ngân sách địa phương chi nêu tại điểm b khoản này).

- Chi thực hiện dự án 3.

- Chi quản lý Chương trình.

- Chi quản lý dự án của Chương trình.

b) Vốn của ngân sách địa phương để thực hiện:

- Chi đối ứng thực hiện dự án 1: Thực hiện nội dung khảo sát, xác định đối tượng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở giai đoạn 2012 – 2015;

- Chi thực hiện dự án 2, bao gồm:

+ Chi xây dựng, sửa chữa, nâng cấp vỏ trạm, vật kiến trúc và cung cấp nguồn điện cho các đài, trạm phát thanh, truyền hình.

Trường hợp thực hiện dự án tại các địa điểm không tận dụng được cơ sở vật chất đã có để lắp đặt các thiết bị của dự án và phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp vỏ trạm, vật kiến trúc, cung cấp nguồn điện cho các đài, trạm truyền thanh, truyền hình thì do ngân sách địa phương địa phương bố trí kinh phí để thực hiện những nội dung này (kể cả trong các trường hợp có sử dụng kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện dự án).

+ Đầu tư, mua sắm thiết bị để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các đài, trạm phát thanh, truyền hình và thực hiện các nội dung khác của dự án để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của dự án (ngoài kinh phí trung ương hỗ trợ).

- Chi đối ứng thực hiện một số nội dung của dự án 3, bao gồm:

+ Chi hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhân dân địa phương theo chuyên đề phục vụ các đối tượng của dự án (bao gồm cả các chương trình bằng tiếng dân tộc);

+ Chi hỗ trợ sáng tác, biên tập, in, phát hành và quảng bá các xuất bản phẩm theo chuyên đề và các ấn phẩm truyền thông phục vụ đồng bào địa phương thuộc pham vi Chương trình;

+ Chi hỗ trợ thiết lập cụm thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế và biên giới;

+ Chi đối ứng kinh phí quản lý dự án của Chương trình.

- Bổ sung thực hiện các nội dung khác của Chương trình ngoài phần kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách trung ương cấp.

Ngoài ra, tùy thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương, bổ sung thực hiện các nội dung khác của Chương trình ngoài phần kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách trung ương cấp.

c) Nguồn huy động hợp pháp khác, gồm:

- Nguồn thu hợp pháp của các cơ quan, đơn vị được phép để lại sử dụng.

- Nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

Khi tiếp nhận và sử dụng các nguồn huy động hợp pháp, các khoản đóng góp bằng tiền hoặc bằng hiện vật; các cơ quan, đơn vị thực hiện phải hạch toán, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

4. Phạm vi địa bàn thực hiện Chương trình:

Chương trình được thực hiện trên phạm vi địa bàn 62 huyện nghèo và 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới; xã an toàn khu; các huyện, xã miền núi vùng cao.

Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể danh sách các xã thuộc phạm vi địa bàn thực hiện Chương trình.

Điều 2. Nội dung thực hiện Chương trình

1. Dự án 1:

a) Bổ sung, hoàn thiện chương trình khung, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở;

b) Khảo sát, xác định đối tượng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở giai đoạn 2012 - 2015;

c) Hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở theo chương trình khung, tài liệu bồi dưỡng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Trong đó ưu tiên bồi dưỡng các cán bộ có khả năng công tác lâu dài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cơ sở để đảm bảo hiệu quả bền vững của Chương trình.

2. Dự án 2:

a) Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đài truyền thanh xã, ưu tiên thực hiện tại các xã có thể tận dụng cơ sở vật chất sẵn có tại địa phương do xã quản lý (tại trụ sở UBND xã hoặc địa điểm phù hợp).

b) Nâng cấp các đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Trong đó ưu tiên nâng cấp các trạm phát lại phát thanh, truyền hình đã xuống cấp.

Đối với việc thực hiện đầu tư xây dựng trạm mới, các địa phương/đơn vị chủ đầu tư cần xem xét các điều kiện cần thiết để đảm bảo tiến độ như xây dựng nhà trạm, nguồn điện và bố trí kinh phí quản lý, khai thác, sử dụng và duy tu bảo dưỡng thiết bị để đưa vào sử dụng trên cơ sở nguồn ngân sách địa phương đảm bảo cho các nhiệm vụ tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư này.

c) Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang bị phương tiện tác nghiệp cho hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở (bao gồm cả các cơ sở trại giam, trường giáo dưỡng).

d) Hỗ trợ cung cấp thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và các thiết bị phụ trợ cần thiết kèm theo cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng (tại các đơn vị biên phòng, nhà văn hoá hoặc nhà sinh hoạt dân cư tập trung). Ưu tiên hỗ trợ cho khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có mức độ phổ cập thiết bị nghe - xem đến hộ gia đình còn thấp, khu vực mới được phủ sóng truyền hình.

3. Dự án 3 “Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”:

a) Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhân dân tại các địa bàn là các xã thuộc phạm vi của Chương trình theo chuyên đề phục vụ các đối tượng của dự án (bao gồm cả các chương trình bằng tiếng dân tộc).

b) Hỗ trợ sáng tác, biên tập, in, phát hành và quảng bá các loại xuất bản phẩm chuyên đề và các ấn phẩm truyền thông phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và dân tộc thiểu số, (trừ các ấn phẩm nhà nước cấp không thu tiền nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ; các ấn phẩm được trợ giá, đặt hàng; các ấn phẩm được hỗ trợ sáng tạo theo quy định tại Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp dịch vụ thông tin điện tử phục vụ nông thôn, nông dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các mục tiêu, nội dung của dự án này.

4. Quản lý, giám sát, đánh giá Chương trình.

Điều 3. Nội dung chi và mức chi

1. Nội dung và mức chi thực hiện Dự án 1:

a) Chi cho các hoạt động điều tra khảo sát xác định nhu cầu đào tạo: áp dụng mức chi theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT- BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước;

b) Chi xây dựng chương trình khung, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo và chi trả thù lao cho giảng viên: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp;

c) Chi hội thảo, thuê chuyên gia phản biện và góp ý về khung chương trình, tài liệu, bài giảng theo định mức quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp;

d) Chi dịch tài liệu: áp dụng theo Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

đ) Hỗ trợ tiền ăn, ngủ, đi lại cho học viên là các đối tượng đào tạo của chương trình, bao gồm: cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi tham dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ (theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) và các đối tượng khác. Mức chi cụ thể:

- Hỗ trợ tiền thuê phòng nghỉ: Thực hiện thanh toán theo thực tế nhưng không được vượt quá mức khoán chi thuê phòng nghỉ quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 2 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Phụ cấp lưu trú: mức chi thực hiện theo điểm a, khoản 3, Điều 2 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Hỗ trợ tiền ăn của học viên: mức chi thực hiện theo điểm 1.6 khoản 1, Điều 3 Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Hỗ trợ tiền phương tiện đi lại: Căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương, các Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất mức khoán cụ thể cho phù hợp với từng khu vực, gửi Sở Tài chính có ý kiến thoả thuận để thực hiện.

e) Chi tập huấn giảng viên và các chi phí khác có liên quan thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

g) Chi in ấn tài liệu, bài giảng: Thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hoá, dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Nội dung và mức chi thực hiện dự án 2:

a) Chi xây lắp;

b) Chi thiết bị;

c) Chi xây dựng cơ bản khác.

Nội dung chi tiết và mức chi từng dự án (bao gồm cả chi tư vấn, quản lý dự án) theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng các quy định hiện hành về đấu thầu, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản của Nhà nước.

3. Nội dung và mức chi thực hiện dự án 3:

a) Chi khảo sát nhu cầu thông tin cơ sở thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT- BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước.

b) Chi tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định liên quan khác.

c) Chi hỗ trợ sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình và các ấn phẩm truyền thông; xuất bản phẩm, cung cấp thông tin điện tử phục vụ nông thôn thực hiện như sau:

- Việc hỗ trợ sản xuất mới các chương trình phát thanh, truyền hình được thực hiện theo Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành đơn giá hỗ trợ sản xuất mới chương trình phát thanh, truyền hình và thực hiện theo phương thức đặt hàng.

- Việc xuất bản các xuất bản phẩm: Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan và các Nhà xuất bản xây dựng phương án giá xuất bản và phát hành các xuất bản phẩm; Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xác định chi phí xuất bản và phát hành để quy định giá thanh toán đối với xuất bản phẩm đặt hàng thuộc phạm vi Chương trình giai đoạn 2012-2015.

- Đối với nội dung cung cấp ấn phẩm truyền thông và thông tin điện tử phục vụ nông thôn: thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.

d) Chi hỗ trợ phát lại các chương trình phát thanh, truyền hình ở các đài phát thanh, truyền hình các cấp. Mức chi hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ phát lại các chương trình truyền hình

+ Phát lại chương trình có thời lượng không quá 15 phút tối đa không quá 300.000 đồng/chương trình.

+ Phát lại chương trình có thời lượng trên 15 phút đến 30 phút tối đa không quá 575.000 đồng/chương trình.

+ Phát lại chương trình có thời lượng trên 30 phút đến 45 phút tối đa không quá 850.000 đồng/chương trình.

- Hỗ trợ phát lại các chương trình phát thanh ở các đài truyền thanh cấp huyện, xã: mức hỗ trợ tối đa không quá 50% mức hỗ trợ phát lại Chương trình truyền hình cùng khung thời lượng.

Danh mục chương trình do Trung ương hoặc cấp tỉnh cung cấp, khung giờ phát sóng và các chương trình được phát sóng theo thỏa thuận hoặc hướng dẫn của cơ quan đặt hàng.

Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng ngân sách, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp, đảm bảo không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này.

đ) Chi hỗ trợ thiết lập các cụm thông tin đối ngoại tuyên truyền tại cửa khẩu biên giới.

e) Chi phát hành, vận chuyển các xuất bản phẩm, ấn phẩm truyền thông đến đơn vị thụ hưởng. Mức chi căn cứ số lượng xuất bản phẩm, ấn phẩm được phát hành và giá cước của các đơn vị chuyển phát.

g) Chi hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, quản lý và phục vụ người đọc các xuất bản phẩm, ấn phẩm truyền thông. Mức chi theo định mức do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoặc theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Việc giới thiệu, bảo quản và phục vụ người đọc các xuất bản phẩm, ấn phẩm truyền thông thuộc Chương trình tại điểm Bưu điện – Văn hóa xã do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo phương thức đặt hàng với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.

Nội dung chi hỗ trợ: Chi trưng bày, giới thiệu và bảo quản xuất bản phẩm, ấn phẩm truyền thông; chi phục vụ người đọc và báo cáo tình hình phục vụ người đọc đối với xuất bản phẩm, ấn phẩm truyền thông.

Mức hỗ trợ từ 01 triệu đến 02 triệu đồng/điểm/năm, tính từ tháng bắt đầu tham gia Chương trình. Mức hỗ trợ cụ thể do Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quyết định trong phạm vi dự toán được cơ quan có thẩm quyền giao và căn cứ điều kiện thực tế của từng địa bàn.

h) Đối với những nội dung chi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành định mức, đơn giá thì đơn vị được giao trực tiếp thực hiện dự án căn cứ mục tiêu của Chương trình đã được cơ quan quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông thống nhất (ở Trung ương là Bộ Thông tin và Truyền thông; ở địa phương là Sở Thông tin và Truyền thông), khối lượng công việc và giá cả thị trường để lập dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

4. Chi quản lý, giám sát, đánh giá Chương trình

Chế độ chi tiêu quản lý Chương trình và quản lý các dự án của Chương trình thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước. Một số nội dung chi, mức chi cụ thể như sau;

a) Chi xây dựng, thẩm định Chương trình, thẩm định các dự án thành phần thuộc Chương trình.

b) Chi xây dựng khung giám sát và các chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; điều tra, khảo sát nhu cầu nội dung thông tin ở cơ sở, nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về thực hiện Chương trình.

c) Chi thuê chuyên gia trong nước: Căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động của Chương trình và dự toán ngân sách được giao, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình quyết định việc thuê chuyên gia trong nước theo hình thức ký "Hợp đồng giao khoán công việc, sản phẩm". Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC.

Định mức cho việc tư vấn đánh giá các chương trình phát thanh, truyền hình (gồm cả thời gian viết báo cáo) mỗi ngày tối thiểu thời lượng nghe/xem chương trình ít nhất 4 giờ.

Trường hợp thuê tổ chức tư vấn độc lập thực hiện theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

d) Chi nghiệm thu sản phẩm của Chương trình:

- Chi nghiệm thu xuất bản phẩm và ấn phẩm truyền thông (ấn phẩm in) thực hiện theo định mức, chế độ đọc xuất bản phẩm lưu chiểu theo quy định hiện hành.

- Chi họp Hội đồng nghiệm thu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng nghiệm thu khi làm thêm giờ để thực hiện nhiệm vụ được thanh toán tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

đ) Chi kiểm tra, giám sát, đánh giá theo định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ Chương trình: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với đoàn công tác kiểm tra, giám sát đánh giá liên ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán các khoản chi này.

e) Chi tổng kết, sơ kết tình hình thực hiện Chương trình; tổ chức hội nghị giao ban về Chương trình ở Trung ương và địa phương: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

f) Chi ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Chương trình: Thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

g) Chi thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng các nguồn vốn của Chương trình (có thể kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập).

h) Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn.

i) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến quản lý Chương trình.

Điều 4. Quản lý và quyết toán kinh phí Chương trình

1. Căn cứ kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc thực hiện Chương trình theo Mã số 0430- Các Dự án (Dự án 1-Mã số 0431; Dự án 2-Mã số 0432; Dự án 3-Mã số 0433):

Mã số này được sử dụng trong khâu chấp hành dự toán, kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước.

2. Các cơ quan quản lý dự án của Chương trình chịu trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt nội dung chi tiết của từng dự án, nhiệm vụ trong danh mục các dự án được giao thuộc Chương trình.

3. Hàng năm, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu chuyên môn của Chương trình, tiến độ giải ngân kinh phí, các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, các kiến nghị về cơ chế, chính sách gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thuộc Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở thông qua phương thức đầu tư, mua sắm tập trung, đơn vị trực tiếp thực hiện đầu tư, mua sắm có trách nhiệm bàn giao tài sản hoàn thành cho đơn vị thụ hưởng. Quy trình, thủ tục, hồ sơ bàn giao, tiếp nhận tài sản thực hiện theo quy định của Luật quản lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng các nguồn vốn của Chương trình theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung dự án của Chương trình căn cứ Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này. Cụ thể như sau:

1. Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Thành lập Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại khoản 2, Điều 28 của Quy chế quản lý, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b) Thành lập Ban Quản lý dự án theo quy định tại khoản 2, Điều 29 của Quy chế quản lý, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để quản lý thực hiện các dự án của Chương trình được giao kinh phí.

c) Hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương, cơ quan Trung ương và các tỉnh được lựa chọn thực hiện Chương trình giai đoạn 2012-2015 triển khai thực hiện các nội dung hoạt động theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

d) Hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình dự án cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông thuộc nội dung đầu tư của Chương trình.

đ) Tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án của Chương trình; phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện có hiệu quả, không để thất thoát; quyết toán phần kinh phí này theo quy định.

e) Chủ trì xây dựng, phổ biến, hướng dẫn hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đánh giá tác động các dự án theo mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

g) Kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện các dự án thuộc Chương trình bảo đảm Chương trình thực hiện đúng kế hoạch.

h) Định kỳ có báo cáo gửi các đơn vị liên quan theo Điều 20 Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các Bộ, cơ quan Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương cùng với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình, trong đó bao gồm cả việc bố trí kinh phí quản lý, khai thác sử dụng và duy trì hoạt động các đài, trạm phát thanh, truyền hình, truyền thanh; cụm thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu, biên giới; quản lý các ấn phẩm truyền thông, xuất bản phẩm được đầu tư theo Chương trình sau khi hoàn thành và bàn giao.

b) Các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao thực hiện các nhiệm vụ, dự án của chương trình có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước và bảo đảm đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra; chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng phối hợp với các đơn vị được giao kinh phí thực hiện chương trình để tiếp nhận bàn giao, quản lý sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật (trong trường hợp được đầu tư, mua sắm tập trung) và bố trí kinh phí khai thác, vận hành tài sản, thiết bị, đảm bảo hiệu quả của chương trình.

c) Chịu trách nhiệm phê duyệt các nhiệm vụ, dự án của Chương trình được giao thực hiện trong giai đoạn 2012-2015 (mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và dự toán kinh phí).

d) Tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình đã được giao theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và theo kế hoạch được duyệt. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, không thất thoát và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

đ) Thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện Chương trình có hiệu quả.

e) Huy động sự đóng góp từ các thành phần kinh tế tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho việc đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo theo quy định của pháp luật (nếu có).

g) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thực tế phân cấp quản lý hiện hành trên địa bàn và đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông để xem xét, giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, thực hiện các dự án của Chương trình cho các cơ quan thực hiện.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2013.

2. Đối với các khối lượng công việc các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã giao năm 2011 được cấp có thẩm quyền cho chuyển tiếp thực hiện trong năm 2012 thì tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 131/2011/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 22/9/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo năm 2011. Riêng nội dung công việc nêu tại điểm g, khoản 3, Điều 3 đã triển khai trong năm 2012 thì thực hiện theo Thông tư này.

3. Đối với các nhiệm vụ của Chương trình được phê duyệt tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện trong năm 2012 nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 131/2011/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 22 tháng 9 năm 2011 nêu trên; các Bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định tại Thông tư này và chứng từ chi tiêu hợp lệ để thanh quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thị Minh

Trần Đức Lai

Cao Viết Sinh

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.