• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/01/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 170/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 19 tháng 11 năm 2013

 

THÔNG TƯ

Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí

 tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia

_______________

 

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;

Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về "Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa";

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, như sau:

Điều 1. Đối tượng nộp phí

1. Tổ chức, cá nhân khi tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải nộp phí tham quan theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.

2. Không thu phí tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia đối với các trường hợp sau:

a) Trẻ em dưới 6 tuổi;

b) Người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Điều 2. Mức thu phí

Mức thu phí được quy định như sau:

1. Đối với người lớn: 40.000 đồng/người/lượt.

2. Đối với sinh viên, học sinh (học viên) trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề: 15.000 đồng/người/lượt.

Sinh viên, học sinh (học viên) là người có thẻ sinh viên, học sinh, học viên do các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp.

3. Đối với trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông: 10.000 đồng/người/lượt.

a) Trẻ em tại khoản 3 Điều này là người từ 6 đến dưới 16 tuổi. Trường hợp khó xác định là người dưới 16 tuổi phải xuất trình giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc bất kỳ một giấy tờ khác chứng minh là người dưới 16 tuổi.

b) Học sinh là người có thẻ học sinh do các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp.

Điều 3. Các đối tượng được giảm phí

Giảm 50% mức phí tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia đối với các trường hợp sau:

1. Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg, ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về "Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa". Trường hợp khó xác định là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg chỉ cần có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đối tượng cư trú.

2. Người cao tuổi theo quy định tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi.

3. Người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Trường hợp đối tượng tham quan thuộc diện hưởng từ hai chính sách giảm phí tham quan trở lên quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này thì chỉ được giảm 50% mức phí tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Điều 4. Quản lý và sử dụng phí thu được

Phí tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước được quản lý, sử dụng như sau:

1. Cơ quan thu phí được trích 90% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí theo quy định; trường hợp sử dụng không hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo quy định hiện hành.

2. Số tiền phí còn lại (10%), cơ quan thu phí nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/01/2014. Bãi bỏ Quyết định số 31/2008/QĐ-BTC ngày 22/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Thị Mai

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.