• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 23/12/2008
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Số: 4427/BHXH-BT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 23 tháng 12 năm 2008

Kính gửi:  Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố

                     trực thuộc Trung ương

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các Quyết định số 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007, Quyết định số 1333/QĐ-BHXH ngày 21/2/2008 hướng dẫn về thu Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và Công văn số 1564/BHXH-BT ngày 16/5/2008 hướng dẫn về thu BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH, tuy nhiên quá trình thực hiện ở địa phương còn một số vướng mắc, nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn như sau:

I. VỀ THU BHXH BẮT BUỘC

1. Thực hiện điểm a, khoản 1, Điều 92 của Luật BHXH, kể từ ngày 01/01/2009 trở đi BHXH các cấp hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động giữ lại 2% của quỹ ốm đau, thai sản để kịp thời chi  trả chế độ cho người lao động theo đúng quy định.

2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 141 của Bộ Luật Lao động được sửa đổi, bổ sung năm 2002, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 3 tháng (kể cả thời gian thử việc hoặc tập sự dưới 03 tháng) thì các khoản BHXH được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả theo quy định của Chính phủ, để người lao động tham gia BHXH theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm, do đó thời gian này không tính đóng BHXH bắt buộc. Khi hết hạn hợp đồng mà người lao động tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng lao động mới thì phải đóng BHXH bắt buộc theo qui định.

3. Đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân thuộc biên chế của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang được cử đi học tập, làm việc, thực tập sinh hoặc công tác có thời hạn ở nước ngoài mà vẫn hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị thì vẫn phải đóng BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định. Căn cứ đóng BHXH, BHYT là mức tiền lương, tiền công của người lao động được hưởng trước khi đơn vị cử đi học tập, làm việc, thực tập sinh hoặc công tác ở nước ngoài.

4. Người lao động được bảo lưu tiền lương hoặc phụ cấp chức vụ thì đóng BHXH, BHYT theo tiền lương hoặc phụ cấp được bảo lưu.

5. Đối với các trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo khoản 2 Điều 35 của Luật BHXH và tiết 1.7 (g) điểm 1 Công văn số 3606/BHXH-CSXH ngày 22/10/2008 của BHXH Việt Nam được thực hiện như sau:

Hàng tháng, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản vẫn đóng BHXH, BHYT tỷ lệ 23% theo quy định.

Sau khi nhận được danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản được duyệt (Mẫu số C67b-HD quy định tại Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/06/2007 của BHXH Việt Nam), người sử dụng lao động lập danh sách lao động điều chỉnh giảm mức đóng BHXH theo (mẫu số 03a-TBH) gửi cơ quan BHXH để đối trừ với số phải đóng BHXH. Trên cơ sở đó người sử dụng lao động thanh toán số tiền không phải đóng BHXH của thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản với từng người lao động.

Số tiền không phải đóng BHXH của người lao động được điều chỉnh giảm tính theo công thức:

1/01/clip_image002.gif" width="169" />

Trong đó:

S: số tiền không phải đóng BHXH của người lao động nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp thai sản.

TL: mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc của người lao động (tính bằng đồng)

N: số ngày được nghỉ việc huởng chế độ thai sản của người lao động

Số ngày được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người lao động ghi cột 14 (từ ngày, tháng, năm) và cột 15 (đến ngày, tháng, năm)  mẫu số 03a-TBH.

Ví dụ: Đơn vị  B có 10 lao động đang tham gia và đóng BHXH bắt buộc, với số tiền BHXH phải đóng 1 tháng là 5.000.000đ. Tại tháng 10/2008  đơn vị B lập danh sách điều chỉnh lao động và mức đóng BHXH, BHYT (mẫu số 03-TBH) đề nghị điều chỉnh giảm tiền đóng BHXH cho chị Y nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 10 ngày theo danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản được duyệt tháng 9/2008 (mẫu số C67b – HD tại Quyết định số 815/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam), tháng 9 tiền lương của Chị Y đang đóng BHXH theo hệ số là 3,00. Vậy, cơ quan BHXH xác định số tiền phải đóng BHXH tháng 10/2008 của đơn vị B như sau:

-         Số tiền BHXH phải đối trừ cho đơn vị để thanh toán với chị Y là:

 

Số tiền không phải

đóng BHXH

=

3,00 x 540.000

1/01/clip_image003.gif" width="105" />26 ngày

x 10 ngày x 20% = 124.615 đồng

 

- Số tiền BHXH đơn vị B sau khi đối trừ còn phải đóng tháng 10/2008 là:

           5.000.000đ - 124.615 đồng = 4.875.385 đồng

(Số tiền trên chưa bao gồm số tiền đóng BHYT)

6. Từ ngày 01/01/2009, tính đóng BHXH, BHYT theo mức tiền lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 110/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ được thực hiện như sau:

- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người làm công tác quản lý hưởng lương trong doanh nghiệp quy định tại mục I Thông tư số 24/2008/TT-LĐTBXH ngày 20/10/2008 của Bộ lao động Thương binh và Xã hội thì thưc hiện mức tiền lương tối thiểu vùng quy định tại mục II Thông tư này để tính đóng BHXH, BHYT.

- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người làm công tác quản lý trong các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước (không bao gồm Tổng Giám đốc, Giám đốc; Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc; Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động) quy định tại mục I của Thông tư số 23/2008/TT-LĐTBXH ngày 20/10/2008 của Bộ lao động Thương binh và xã hội (kể cả công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước mà đang vận dụng thang, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do nhà nước quy định đối với công ty nhà nước) thì thực hiện tính đóng BHXH, BHYT theo mức tiền lương tối thiểu chung quy định tại Điều 1 Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 cho đến khi Chính phủ thay đổi mức lương tối thiểu chung thì tính theo quy định mới.

II. VỀ THU BHXH TỰ NGUYỆN

1. Sau khi đã hoàn thiện thủ tục đăng ký đóng BHXH tự nguyện lần đầu thì người tham gia BHXH tự nguyện được uỷ quyền cho người khác đóng thay nhưng trên phiếu thu ghi rõ họ tên, mã số và số tiền đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện theo mẫu 01-TN để làm căn cứ ghi sổ.

2. Việc thu BHXH tự nguyện được thực hiện đến từng người tham gia. Trường hợp một tổ chức hợp pháp tự nguyện đứng ra thu và đóng BHXH cho một nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện (sau đây viết là Đại diện thu BHXH tự nguyện) mà không yêu cầu trả phí hoặc hưởng hoa hồng thì thủ tục đăng ký đóng BHXH tự nguyện thực hiện theo trình tự sau:

2.1. Đối với người tham gia BHXH tự nguyện:

- Lập đủ hồ sơ theo quy định tại tiết 4.1, điểm 4, phần II Công văn số 1564/BHXH-BT ngày 02/6/2008 của BHXH Việt Nam, gửi Đại diện thu BHXH tự nguyện để đại diện thu BHXH tự nguyện lập 02 bản danh sách đăng ký tham BHXH tự nguyện (theo mẫu 01a –TN) kèm theo hồ sơ của người tham gia BHXH tự nguyện, gửi BHXH huyện nơi quản lý trực tiếp.

- Hàng tháng, quý hoặc 6 tháng, đại diện thu BHXH tự nguyện căn cứ phương thức đóng đã đăng ký của từng người tham gia lập 02 bản danh sách (mẫu 01b-TN) để thu tiền đóng BHXH tự nguyện, sau đó chuyển toàn bộ tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện vào tài khoản thu BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH; đồng thời gửi sổ theo dõi tiền đóng BHXH tự nguyện kèm theo 02 bản danh sách (Mẫu số 01b-TN) BHXH huyện theo quy định tại điểm 6, mục 2 phần II công văn 1564/BHXH-BT.

        2.2. Đối với BHXH huyện:

- Ký hợp đồng hoặc có văn bản cam kết với đại diện thu BHXH tự nguyện.

- Tiếp nhận hồ sơ tiến hành thẩm định theo quy định tại tiết 4.2, điểm 4, mục II, phần I Công văn số 1546/BHXH-BT, sau đó chuyển trả 01 danh sách kèm theo tờ khai và sổ BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện cho Đại diện thu BHXH tự nguyện để Đại diện trả sổ kèm theo tờ khai cho người tham gia BHXH tự nguyện; tiến hành mở sổ theo dõi tiền đóng BHXH nội dung tương tự như mẫu số 04-TN quy định tại Công văn 1564/BHXH-BT để thu BHXH.

- Hàng quý cơ quan BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh phải tổ chức kiểm tra, đối chiếu tiền đóng BHXH, đồng thời hướng dẫn Đại diện thu BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện tổ chức thu BHXH tự nguyện được kịp thời.

3. Người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng BHXH tự nguyện đủ số tiền theo phương thức đã đăng ký (quý hoặc 6 tháng 1 lần), nhưng trong thời gian này người tham gia BHXH tự nguyện lại được tham gia BHXH bắt buộc thì số tiền đóng thừa của các tháng còn lại được hoàn trả kể từ thời điểm được chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc. Nguyên tắc thoái trả: thoái trả cho từng người tham gia, hình thức thu tiền thế nào thì thoái trả theo hình thức đó. Việc thoái trả được ghi như sau:

- Mẫu số 04-TN: Sau dòng ghi số tiền đã đóng BHXH hàng tháng cột 4, cột 5 ghi số tiền thoái thu trong ngoặc (...) và ghi ở mục ghi chú (dưới bảng theo dõi tiền đóng BHXH) xã A, xã B... số người tương ứng với số tiền được thoái trả tiền đóng BHXH tự nguyện.

- Mẫu số 05-TN: Dưới bảng theo dõi quá trình đóng BHXH tự nguyện ghi thêm mục ghi chú thời gian thoái thu từ tháng đến tháng là:.... đồng và ghi rõ số tiền thoái trả bằng chữ ở dòng tiếp theo.

- Mẫu số 06-TN: Dưới bảng tổng hợp thu BHXH tự nguyện ghi thêm mục ghi chú số người của xã A, xã B... được thoái trả với số tiền là:.... đồng và ghi số tiền thoái trả bằng chữ ở dòng tiếp theo.

- Mẫu số 07-TN: Dưới bảng tổng hợp thu BHXH tự nguyện ghi thêm mục ghi chú số người xã A, xã B... được thoái trả với số tiền là:.... đồng và ghi số tiền thoái trả bằng chữ ở dòng tiếp theo.

Đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh và BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động và người tham gia BHXH thực hiện theo các nội dung trên.

Tổng Giám đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Huy Ban

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.