• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2004
QUỐC HỘI
Số: 20/2000/QH10
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 9 tháng 6 năm 2000

LUẬT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 năm 1988 và được sửa đổi, bổ sung theo các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990, ngày 22 tháng 12 năm 1992.

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

1. Bổ sung Điều 10a về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng:

"Điều 10a. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình.

Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật."

2. Điểm a khoản 1 và khoản 4 Điều 63 về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;"

"4. Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.

Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều này. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì phải trả tự do ngay cho người bị bắt."

3. Điều 70 về tạm giam được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 70. Tạm giam

1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp đặc biệt.

3. Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 62 Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 62 Bộ luật này phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn không quá ba ngày, kể từ khi nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn.

4. Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết."

4. Điều 71 về thời hạn tạm giam được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 71. Thời hạn tạm giam

1. Thời hạn tạm giam để điều tra không quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên có quyền gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng đối với tội ít nghiêm trọng, có quyền gia hạn tạm giam lần thứ nhất không quá hai tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội rất nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng;

b) Trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà vẫn không thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai không quá một tháng đối với tội nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai không quá hai tháng đối với tội rất nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

3. Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 2 Điều này đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba không quá bốn tháng.

Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm.

4. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác."

5. Khoản 1 Điều 88 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131, 171 Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại."

6. Khoản 1 Điều 93 về quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng An ninh nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền:

a) Đối với tội ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, thì ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

b) Đối với tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án."

7. Điều 97 về thời hạn điều tra được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 97. Thời hạn điều tra

1. Thời hạn điều tra vụ án không quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội ít nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội nghiêm trọng được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

d) Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

3. Thẩm quyền gia hạn điều tra của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp được quy định như sau:

a) Đối với tội ít nghiêm trọng thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp khu vực gia hạn điều tra. Trong trường hợp vụ án được thụ lý ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra;

b) Đối với tội nghiêm trọng thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ hai. Trong trường hợp vụ án được thụ lý ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;

c) Đối với tội rất nghiêm trọng thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra;

d) Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương gia hạn điều tra lần thứ ba.

4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn điều tra thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5. Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết, nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án không thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá bốn tháng.

Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm.

6. Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra."

8. Điều 98 về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 98. Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại

1. Trong trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 140 Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.

Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá ba tháng.

Thẩm quyền gia hạn điều tra đối với từng loại tội theo quy định tại khoản 3 Điều 97 Bộ luật này.

2. Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.

3. Trong trường hợp vụ án được trả lại để điều tra lại thì thời hạn điều tra và gia hạn điều tra theo thủ tục chung.

Thời hạn điều tra được tính từ khi cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.

4. Khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này.

Trong trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, để điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại theo thủ tục chung quy định tại Điều 71 Bộ luật này."

9. Khoản 1 và khoản 2 Điều 142 về quyết định của Viện kiểm sát sau khi kết thúc điều tra được sửa đổi, bổ sung như sau:

". Trong thời hạn không quá hai mươi ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng;

b) Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thêm, nhưng không quá mười ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can và người bào chữa biết những quyết định nói trên. Bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án phải được giao cho bị can. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép những điều cần thiết và đề xuất yêu cầu.

2. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này."

10. Điều 145 về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 145. Thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp

1. Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt từ bảy năm tù trở xuống, trừ những tội sau đây:

a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội quy định tại các điều 95, 96, khoản 1 Điều 172 và các điều 222, 223, 263, 293, 294, 295, 296 Bộ luật Hình sự .

2. Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử."

11. Khoản 2 Điều 151 về thời hạn chuẩn bị xét xử được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Trong thời hạn không quá ba mươi ngày đối với tội ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội nghiêm trọng, hai tháng đối với tội rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, thẩm phán phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, phải mở phiên toà trong thời hạn mười lăm ngày; trong trường hợp có lý do chính đáng thì có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử."

12. Khoản 1 Điều 226 về những bản án và quyết định được thi hành được sửa đổi như sau:

"1. Những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:

a) Những bản án và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;

b) Những bản án và quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

c) Những quyết định của Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm."

13. Các khoản 1, 5 và 6 Điều 227 về cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án và quyết định của Toà án được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Cơ quan Công an thi hành án trục xuất, phạt tù có thời hạn, tù chung thân và tham gia Hội đồng thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 229 Bộ luật này."

"5. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản. Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên trong việc thi hành án. Nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp."

"6. Việc thi hành bản án và quyết định của Toà án quân sự do các tổ chức trong Quân đội đảm nhiệm, trừ hình phạt trục xuất."

14. Khoản 1 và khoản 5 Điều 229 về thi hành hình phạt tử hình được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành án tử hình gồm đại diện Toà án, Viện kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.

Trong trường hợp người bị kết án là phụ nữ thì trước khi ra quyết định thi hành án, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự. Nếu có căn cứ người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự thì Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Trước khi thi hành án đối với người bị kết án là phụ nữ thì Hội đồng thi hành án ngoài việc kiểm tra căn cước, phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình được quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp Hội đồng thi hành án phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự thì Hội đồng thi hành án hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án."

"5. Trong trường hợp có tình tiết đặc biệt, Hội đồng thi hành án hoãn thi hành và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao."

15. Điều 231 về hoãn thi hành án phạt tù được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 231. Hoãn thi hành án phạt tù

Đối với người bị xử phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Toà án có thể tự mình hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan Công an hoặc người bị kết án cho hoãn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự."

16. Điều 234 về thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội được sửa đổi như sau:

"Điều 234. Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ

Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo và người bị kết án cải tạo không giam giữ được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc để giám sát, giáo dục."

17. Bổ sung Điều 234a về thi hành hình phạt trục xuất

"Điều 234a. Thi hành hình phạt trục xuất

Người bị trục xuất phải rời khỏi Việt Nam trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ khi có quyết định thi hành án. Trong trường hợp người bị phạt trục xuất phải chấp hành các hình phạt khác hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ khác thì thời hạn họ rời khỏi Việt Nam do pháp luật quy định."

18. Điều 236 về thi hành hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 236. Thi hành hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản

Quyết định đưa bản án phạt tiền hoặc tịch thu tài sản ra thi hành phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, chấp hành viên, người bị kết án và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú.

Việc tịch thu tài sản được tiến hành theo quy định tại Điều 40 Bộ luật hình sự."

19. Khoản 1 Điều 237 về điều kiện để được giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú hoặc quản chế có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điều 57, 58, 59 và 76 Bộ luật hình sự; nếu họ chưa chấp hành hình phạt thì có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 57 Bộ luật hình sự.

Người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại theo quy định tại khoản 4 Điều 57 Bộ luật hình sự.

Người đã chấp hành được một phần hình phạt tiền có thể được miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật hình sự."

20. Khoản 1 và khoản 2 Điều 238 về thủ tục giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Toà án có thẩm quyền quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, nơi người bị kết án chấp hành hình phạt.

Toà án có thẩm quyền quyết định miễn chấp hành hình phạt tù là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.

Việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành các hình phạt khác hoặc giảm thời gian thử thách thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực, nơi người bị kết án chấp hành hình phạt hoặc chịu thử thách.

2. Hồ sơ đề nghị xét miễn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần hình phạt tù còn lại, miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại phải có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp.

Hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải có đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù.

Hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phải có đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát, giáo dục.

Hồ sơ đề nghị xét giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt khác hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo phải có đề nghị hoặc nhận xét của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án quy định tại Điều 227 Bộ luật này."

21. Điều 273 về bắt, tạm giữ, tạm giam được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 273. Bắt, tạm giữ, tạm giam

1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 62, 63, 64, 68 và 71 Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 62, 63, 64, 68 và 71 Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng."

22. Điều 279 về chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp và giảm thời hạn chấp hành hình phạt được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 279. Chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt

Người chưa thành niên bị kết án có thể được chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 hoặc Điều 76 Bộ luật hình sự."

Điều 2

Sửa đổi các chữ số và cụm từ của Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

1. Sửa đổi chữ số các điều, khoản của Bộ luật hình sự được viện dẫn trong Bộ luật tố tụng hình sự thành số điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:

a) Thay chữ số "Điều 242" tại khoản 3 Điều 39, khoản 4 Điều 43, khoản 3 Điều 44 bằng chữ số "Điều 308";

b) Thay chữ số "Điều 241" tại khoản 4 Điều 43, khoản 3 Điều 44, khoản 2 Điều 45 bằng chữ số "Điều 307";

c) Thay chữ số "Điều 236" tại khoản 3 Điều 57 bằng chữ số "Điều 300";

d) Thay các chữ số "Điều 246", "Điều 247" tại Điều 95 bằng các chữ số "Điều 313", "Điều 314";

đ) Thay các chữ số "điều 92, 93, 222, 223, 262, 263" tại Điều 101 bằng các chữ số "điều 263, 264, 286, 287, 327, 328";

e) Thay các chữ số "Điều 234", "Điều 235" tại khoản 3 Điều 107 bằng các chữ số "Điều 298", "Điều 299";

g) Thay chữ số "Điều 244" tại khoản 2 Điều 121, Điều 122 bằng chữ số "Điều 310";

h) Thay các chữ số "Đoạn 1 khoản 1 Điều 48" tại khoản 3 Điều 139 bằng các chữ số "khoản 1 và khoản 3 Điều 25";

i) Thay các chữ số "Điều 16, khoản 1 Điều 48 và khoản 3 Điều 59" tại khoản 1 Điều 143b bằng các chữ số "Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69";

k) Thay chữ số "Điều 231 Bộ luật này" tại khoản 1 Điều 232 bằng các chữ số "khoản 1 Điều 61 và Điều 62 Bộ luật hình sự";

l) Thay chữ số "Điều 44" tại khoản 2 Điều 237 bằng chữ số "Điều 60" ;

m) Thay chữ số "Điều 53" tại Điều 239 bằng chữ số "Điều 64";

n) Thay các chữ số "Điều 54", "Điều 55" tại khoản 1 Điều 240 bằng các chữ số "Điều 65", "Điều 66";

o) Thay chữ số "Điều 45" tại khoản 1 Điều 265 bằng chữ số "Điều 23";

p) Thay chữ số "Điều 60" tại khoản 2 Điều 277 bằng chữ số "Điều 70";

q) Thay chữ số "Điều 67" tại Điều 280 bằng chữ số "Điều 77";

r) Thay chữ số "Điều 12" tại khoản 1 Điều 281 bằng chữ số "Điều 13".

2. Sửa đổi các cụm từ của Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

a) Cụm từ "tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia" tại Điều 36 được thay bằng cụm từ "tội xâm phạm an ninh quốc gia";

b) Cụm từ "Hội đồng Bộ trưởng" tại Điều 72 được thay bằng cụm từ "Chính phủ";

c) Cụm từ "Hội đồng Nhà nước" tại Điều 92 và Điều 93 được thay bằng cụm từ "Uỷ ban thường vụ Quốc hội";

d) Cụm từ "Hội đồng Nhà nước" tại Điều 228 và Điều 229 được thay bằng cụm từ "Chủ tịch nước";

đ) Cụm từ "Toà án quân sự cấp cao" tại các điều 146, 215, 244, 248, 250 và 266 được thay bằng cụm từ "Toà án quân sự trung ương";

e) Cụm từ "Xoá án" tại tên Chương XXVIII, tên các điều 239, 240, 280 và tại các điều 239, 240, 280 được thay bằng cụm từ "Xoá án tích".

Điều 3

Bãi bỏ Điều 160a về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm.

Điều 4

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2000.

Điều 5

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.