• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/10/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2023
BỘ NGOẠI GIAO
Số: 04/2012/TT-BNG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 6 tháng 9 năm 2012

THÔNG TƯ

Hướng dẫn trình tự, thủ tục mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại biên giới

trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc

________________________

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia;

Căn cứ Nghị định 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ về quy chế cửa khẩu biên giới trên đất liền;

Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc như sau:

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

Toàn bộ hệ thống cửa khẩu bao gồm: cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và đường qua lại trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ được hiểu như sau:

1. Cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là khu vực được xác định ở hai bên biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dành cho người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa, vật phẩm trực tiếp xuất, nhập cảnh; xuất, nhập khẩu.

2. Cửa khẩu quốc tế (bao gồm cửa khẩu đường sắt và cửa khẩu đường bộ) được mở cho người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam, Trung Quốc và nước thứ ba (hoặc vùng lãnh thổ) xuất, nhập cảnh; quá cảnh và xuất, nhập khẩu qua biên giới.

3. Cửa khẩu song phương (còn được gọi là cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc gia) được mở cho người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam và Trung Quốc xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu qua biên giới.

4. Đường qua lại (còn được gọi là đường qua lại tạm thời, cửa khẩu phụ, lối mở, lối mòn cặp chợ) được mở trong trường hợp bất khả kháng hoặc các yêu cầu đặc biệt khác, cho phép người, phương tiện, hàng hóa tại vùng biên giới của Việt Nam và Trung Quốc qua lại.

Điều 3. Nguyên tắc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại

Việc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Việc mở chính thức áp dụng cho 13 cặp cửa khẩu sau đây:

STT

Tên cửa khẩu Việt Nam

Tên cửa khẩu Trung Quốc

1.

A Pa Chải

Long Phú

2.

U Ma Tu Khoàng

Bình Hà

3.

Mường Khương

Kiều Đầu

4.

Xín Mần

Đô Long

5.

Phó Bảng

Đổng Cán

6.

Săm Pun

Điền Bồng

7.

Sóc Giang

Bình Mãng

8.

Pò Peo

Nhạc Vu

9.

Lý Vạn

Thạc Long

10.

Hạ Lang

Khoa Giáp

11.

Bình Nghi

Bình Nhi Quan

12.

Chi Ma

Ái Điểm

13.

Hoành Mô

Động Trung

 

2. Việc mở chính thức, mở mới cửa khẩu song phương, mở mới đường qua lại; nâng cấp đường qua lại thành cửa khẩu song phương và nâng cấp cửa khẩu song phương thành cửa khẩu quốc tế biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc sẽ được thỏa thuận thông qua đường ngoại giao.

3. Việc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại đảm bảo không làm phương hại đến chủ quyền, lãnh thổ, an ninh - quốc phòng; góp phần tăng cường bảo vệ nguyên vẹn đường biên, mốc giới, đồng thời đảm bảo việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Điều 4. Điều kiện mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại

1. Việc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài về kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới, tỉnh biên giới và của cả nước hiện tại cũng như tương lai, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và của đất nước đã được Chính phủ phê duyệt và công bố.

2. Thực trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật địa điểm mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết của cửa khẩu, đường qua lại đã được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước trong hiện tại và tương lai.

3. Các tỉnh biên giới giải trình đầy đủ về:

a) Sự cần thiết của việc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại;

b) Xu thế phát triển của cặp cửa khẩu hoặc đường qua lại thể hiện qua thực trạng lưu lượng người, phương tiện và hàng hóa thực tế lưu thông qua cửa khẩu, đường qua lại trong 3 năm gần nhất tính từ thời điểm chính quyền địa phương tỉnh biên giới triển khai bàn bạc với chính quyền địa phương cấp tỉnh phía đối diện về việc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại;

c) Dự kiến các lưu lượng này trong 3 năm tiếp theo tính từ thời điểm dự kiến mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại.

Điều 5. Trình tự, thủ tục mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập đoàn gồm đại diện các Sở, Ban, ngành liên quan (Ngoại vụ, Biên phòng, Công thương, Y tế, Hải quan, Công an, Giao thông...) khảo sát thực tế khu vực cần mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại; chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng cần thiết thực hiện công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh; xuất, nhập khẩu ở cửa khẩu, đường qua lại đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

2. Trên cơ sở thống nhất ý kiến các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành hội đàm trao đổi, thống nhất với chính quyền địa phương cấp tỉnh phía Trung Quốc về quy mô xây dựng, kế hoạch hoạt động, thời gian dự kiến mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại.

3. Sau khi nhận được Biên bản thỏa thuận, sơ đồ, bản đồ quy hoạch tổng thể xây dựng do chính quyền địa phương cấp tỉnh gửi, Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế (sau đây gọi là các Bộ, ngành liên quan) khảo sát thực tế, tổng hợp ý kiến trình Chính phủ quyết định và phê duyệt việc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại.

4. Sau khi Chính phủ phê duyệt, Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho phía Trung Quốc thông báo về việc Chính phủ Việt Nam đồng ý mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại. Trong trường hợp phía Trung Quốc chưa đồng thuận, Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp tiếp tục nêu vấn đề trong phiên họp của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

5. Sau khi có thông báo xác nhận từ phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao thông báo cho các Bộ, ngành và địa phương liên quan. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thỏa thuận với chính quyền địa phương cấp tỉnh phía Trung Quốc để tổ chức lễ công bố việc mở chính thức, mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đường qua lại.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan liên hệ với Bộ Ngoại giao để phối hợp, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Xuân Sơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.