QUYẾT ĐỊNH
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính
đối với ngân hàng chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định
số 180/2002/QĐ-TTG ngày 19 tháng 12 năm 2002
của Thủ tướng Chính phủ
___________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Điều 3 được sửa đổi như sau:
“Điều 3. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp nhận, quản lý các nguồn vốn của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; thực hiện nhiệm vụ huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; được ưu tiên vay hoặc tạm ứng từ các nguồn vốn nhàn rỗi, lãi suất thấp hoặc không lãi suất trên cơ sở cân đối các nguồn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ, hoặc các nguồn vốn giá rẻ khác.”
2. Khoản 1, Điều 6 được sửa đổi bổ sung như sau:
“1. Vốn và các quỹ:
a) Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp khi thành lập và được bổ sung trong quá trình hoạt động. Ngân hàng Chính sách xã hội được bổ sung vốn điều lệ hàng năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao;
b) Các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi;
c) Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) để cho vay xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội khác;
d) Chênh lệch thu chi được để lại chưa phân bổ cho các quỹ (nếu có);
đ) Vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
e) Vốn khác (nếu có).”
3. Khoản 1, Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được sử dụng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Việc đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 25% vốn điều lệ thực có và tuân thủ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và theo kế hoạch được Hội đồng quản trị thông qua.
Việc mua sắm, trang bị ô tô, phương tiện đi lại phục vụ nhu cầu công tác, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định đối với công ty nhà nước tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.”
4. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 8. Cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý
1. Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm cân đối nguồn vốn và nhu cầu vốn để thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách theo kế hoạch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay phải bảo đảm nguyên tắc chỉ huy động khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc huy động với lãi suất thấp.
2. Cấp bù chênh lệch lãi suất
a) Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi thực hiện nhiệm vụ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật;
b) Mức cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất hòa đồng các nguồn vốn (có tính đến tỷ lệ tồn ngân tối đa theo quy định của Bộ Tài chính) với lãi suất cho vay và dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.
3. Cấp bù phí quản lý
Ngân hàng Chính sách xã hội được Nhà nước cấp phí quản lý tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên dư nợ bình quân (không bao gồm nợ khoanh và nợ quá hạn) của các khoản cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức phí quản lý Ngân hàng Chính sách xã hội được hưởng cho từng thời kỳ, từ 03 (ba) năm trở lên. Mức phí quản lý Ngân hàng Chính sách xã hội được xây dựng căn cứ vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu hoạt động do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tình hình tài chính, các định mức, chế độ Nhà nước quy định và nhu cầu thực tế, đảm bảo cho Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động trong chi tiêu, đủ nguồn kinh phí hoạt động và có tính đến trích lập dự phòng rủi ro theo chế độ quy định. Trường hợp có biến động đột biến, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức phí quản lý phù hợp.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về việc cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.”
5. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 12. Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và xử lý rủi ro tín dụng
1. Ngân hàng Chính sách xã hội được lập Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý rủi ro tín dụng đối với dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.
a) Nguồn hình thành Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng:
- Dự phòng chung được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Dự phòng cụ thể được trích lập trên cơ sở cân đối thu nhập, chi phí hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội.
b) Mức trích Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng như sau:
- Mức trích dự phòng chung bằng 0,75% tính trên số dư nợ cho vay không bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh tại thời điểm lập dự phòng;
- Khoản trích dự phòng cụ thể, giao Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định trên cơ sở kết quả phân loại nợ, khả năng tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.
c) Số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng tối đa bằng tổng số dư nợ quá hạn và nợ khoanh tại thời điểm trích lập. Trường hợp số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn số dự phòng phải trích, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch thừa vào thu nhập của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp số rủi ro trong năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được sử dụng cho các mục đích:
a) Để xóa nợ đối với các khoản nợ xấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Xử lý các khoản nợ không thu hồi được theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.”
6. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 13. Thu nhập
1. Thu nhập của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm:
a) Thu nhập từ hoạt động nghiệp vụ:
- Thu lãi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách;
- Thu lãi tiền gửi;
- Thu từ nhận dịch vụ ủy thác cho vay các đối tượng chính sách;
- Thu dịch vụ thanh toán và ngân quỹ;
- Thu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý do ngân sách nhà nước cấp;
- Thu hoạt động nghiệp vụ, dịch vụ khác.
b) Thu nhập khác:
- Thu thanh lý, nhượng bán tài sản;
- Các khoản thu nhập khác trong hoạt động.
2. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hạch toán phải thu đối với các khoản thu nêu tại Khoản 1 Điều này, riêng khoản thu lãi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội hạch toán thực thu.”
7. Tiêu đề Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Chi phí của Ngân hàng Chính sách xã hội là các khoản phải chi phát sinh trong quá trình hoạt động, bao gồm:”
8. Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Chi phí trả phí dịch vụ cho tổ chức thực hiện ủy thác cho vay đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mức chi trả phí dịch vụ ủy thác do Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức thực hiện ủy thác cho vay thỏa thuận không vượt quá 0,125%/tháng tính trên số dư nợ có thu được lãi;
c) Chi trả phí ủy thác cho các Hội đoàn thể và hoa hồng cho các Tổ tiết kiệm vay vốn. Tổng mức chi trả tối đa là 0,125%/tháng tính trên số dư nợ có thu được lãi, tỷ lệ phân chia cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định.”
9. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hạch toán thu nhập, chi phí theo phương pháp kế toán dồn tích, riêng đối với khoản thu lãi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hạch toán theo phương pháp thực thu. Sau 5 (năm) năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện hạch toán các khoản thu lãi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo phương pháp kế toán dồn tích. Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và tính chính xác của các khoản thu, chi; thực hiện các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán.
2. Trường hợp khi chuyển phương pháp hạch toán từ phương pháp hạch toán thực thu, thực chi sang phương pháp dồn tích mà có ảnh hưởng đến thu, chi, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức phí quản lý để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao và trích lập các quỹ theo quy định.”
10. Khoản 1 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Trường hợp thu nhập lớn hơn chi phí, sau khi bù đắp khoản thâm hụt từ những năm trước (nếu có), được phân phối theo thứ tự như sau:
a) Trích 5% vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ của Ngân hàng Chính sách xã hội;
b) Trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính, mức tối đa của quỹ này không vượt quá 25% mức vốn điều lệ của Ngân hàng Chính sách xã hội;
c) Chênh lệch thu chi sau khi bù đắp khoản thâm hụt từ những năm trước (nếu có) và trừ khoản bổ sung quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính sẽ được phân phối tiếp như sau:
- Trích 10% vào quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ;
- Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi. Mức trích hai quỹ này tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện;
- Trích quỹ thưởng viên chức quản lý theo quy định chung đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, việc xếp loại đối với Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm do Bộ Tài chính thực hiện căn cứ vào việc hoàn thành kế hoạch hoạt động hàng năm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt đầu năm, gồm: Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ thu hồi, tỷ lệ nợ khoanh, tỷ lệ nợ quá hạn và các chỉ tiêu khác;
- Số còn lại sau khi trích lập các quỹ trên được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015.
Quyết định này áp dụng từ năm tài chính 2015 của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.