• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/05/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 14/07/2007
TỔNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
Số: 08/2001/TT-CHK
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 7 tháng 5 năm 2001

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 01/2001/NĐ-CP ngày 04/01/2001 của Chính Phủ về xử phạt

vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng

_______________________

 

Căn cứ khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP ngày 04/01/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 01/2001/NĐ-CP), Cục hàng không dân dụng Việt Nam hướng dẫn thi hành Nghị định này như sau:

1. Giải thích từ ngữ.

1.1. "Thanh tra chuyên ngành hàng không dân dụng" quy định tại Điều 14 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP là tổ chức thanh tra an toàn hàng không được thành lập theo Nghị định của Chính phủ.

1.2. "Thẻ kiểm soát an ninh hàng không" được hiểu là Thẻ kiểm soát an ninh tại Quy định về thẻ kiểm soát an ninh trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2868/1998/QĐ-CHK ngày 31/10/1998 của Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam.

1.3. "Khu vực hạn chế tại cảng hàng không" được hiểu theo quy định tại Nghị định số 11/2000/NĐ-CP ngày 03/5/2000 của Chính phủ về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng và tại Quy chế về an ninh hàng không tại các khu vực hạn chế ban hành kèm theo Quyết định số 1921/CAAV ngày 09/9/1996 của Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam.

1.4. "Vi phạm thủ tục kiểm tra an ninh hàng không" quy định tại điểm g khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP được hiểu là vi phạm các quy định về kiểm tra, giám sát an ninh hàng không tại Nghị định số 11/2000/NĐ-CP ngày 03/5/2000 của Chính phủ về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng và vi phạm Quy định kiểm tra-giám sát an ninh hàng không tại cảng hàng không dân dụng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 15/1999/QĐ-CHK ngày 22/5/1999 của Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam.

1.5. "Người chỉ huy tầu bay" được hiểu là người chỉ huy tầu bay của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam.

2. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995, Nghị định số 01/2001/NĐ-CP áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 và 11 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP.

3. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995, Nghị định số 49/CP ngày 15/8/1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, Nghị định số 26/CP ngày 24/4/1996 về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và Nghị định số 46/CP ngày 06/8/1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế áp dụng đối với các hành vi vi phạm an ninh trật tự tại khu vực cảng hàng không, các hành vi gây mất vệ sinh hoặc ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực cảng hàng không theo các điều khoản tương ứng quy định tại Điều 12 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP.

4. Chỉ các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định tại Chương II của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP. Cụ thể là:

4.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương có liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng;

4.2. Chánh thanh tra chuyên ngành hàng không dân dụng xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;

4.3. Thanh tra viên chuyên ngành hàng không dân dụng xử phạt đối với các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công đảm nhiệm.

4.4. Cơ quan Công an, Hải quan và Thuế xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan này.

5. Khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng phải thông báo kịp thời cho các tổ chức có liên quan quy định tại điểm 8.1 đến 8.5 khoản 8 của Thông tư này.

6. Hành khách và thành viên tổ bay có trách nhiệm thông báo cho người chỉ huy tầu bay về các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên tầu bay đang bay.

7. Khi phát hiện hoặc được thông báo về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thủ trưởng hoặc người được uỷ quyền của các tổ chức quy định tại điểm 8.1 đến 8.5 khoản 8 dưới đây hoặc người chỉ huy tầu bay phải yêu cầu đình chỉ ngay hành vi vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo mẫu quy định ở phụ lục của Thông tư này.

8. Phân công lập biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng như sau:

8.1. Ban An toàn - Cục hàng không dân dụng Việt Nam lập biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm bảo đảm an toàn hàng không trong hoạt động khai thác bay quy định tại Điều 7 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP, trừ các hành vi vi phạm được phân công cho các Cụm cảng hàng không khu vực và người chỉ huy tầu bay xử lý tại các điểm 8.5 và 8.6 dưới đây.

8.2. Ban Không tải - Không vận - Cục hàng không dân dụng Việt Nam lập biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý bay, vận chuyển hàng không, hành vi vi phạm các quy định về bán vận chuyển, giá cước, dịch vụ đặt chỗ quy định tại Điều 8, 9 và 10 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP, trừ các hành vi vi phạm được phân công cho Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam, các Cụm cảng hàng công khu vực và người chỉ huy tầu bay xử lý tại các điểm 8.4, 8.5 và 8.6 dưới đây.

8.3. Ban Kế hoạch - Đầu tư - Cục hàng không dân dụng Việt Nam lập biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về quản lý cảng hàng không quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 5 Điều 11 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP.

8.4. Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam lập biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 1, khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều 8 của Nghị định số 01/2001/CP.

8.5. Các Cụm cảng hàng không khu vực lập biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 3 Điều 7, điểm a, c khoản 2 Điều 8, điểm a khoản 1, khoản 2, 3 Điều 9, khoản 2, 3, 4, điểm a, b, c khoản 5 Điều 11, khoản 1 và 2 Điều 12 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP.

8.6. Người chỉ huy tầu bay lập biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7, điểm b khoản 5 Điều 8 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP.

9. Phù hợp với quy định tại khoản i Điều 40 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, khi tầu bay đã rời khỏi sân bay, người chỉ huy tầu bay có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

9.1. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

9.2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

9.3. Khám người theo thủ tục hành chính.

Các biện pháp nói trên phải thực hiện theo đúng quy định tại các Điều 39, 40, 41 và 42 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995.

10. Hồ sơ vi phạm hành chính kèm theo người, tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) phải được chuyển cho cấp có thẩm quyền xử phạt. Hồ sơ vi phạm hành chính gồm có biên bản vi phạm hành chính và báo cáo bằng văn bản về hành vi vi phạm hành chính. Trong báo cáo về hành vi vi phạm hành chính phải nêu rõ hình thức và mức xử phạt, căn cứ kiến nghị xử phạt và cấp có thẩm quyền xử phạt.

11. Người chỉ huy tầu bay có trách nhiệm chuyển hồ sơ vi phạm hành chính xảy ra trên tầu bay của mình cho Giám đốc cảng hàng không Việt Nam nơi tầu bay hạ cánh đầu tiên. Trong trường hợp tầu bay hạ cánh bắt buộc ở lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc khu vực cảng hàng không, sân bay thì chuyển hồ sơ vi phạm hành chính cho chính quyền địa phương có thẩm quyền xử phạt.

12. Các Cụm cảng hàng không khu vực có trách nhiệm chuyển hồ sơ vi phạm hành chính do mình lập hoặc nhận được cho Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan Công an đối với các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của các cơ quan này. Đối với các hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của các cơ quan nói trên thì chuyển cho Cục hàng không dân dụng Việt Nam.

13. Các tổ chức quy định tại điểm 8.1 đến 8.4 khoản 8 của Thông tư này có trách nhiệm chuyển biên bản và hồ sơ vi phạm hành chính cho Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam để xem xét và đề nghị các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

14. Thủ trưởng các tổ chức có liên quan quy định tại điểm 8.1 đến 8.5 khoản 8 của Thông tư này và người chỉ huy tầu bay có trách nhiệm:

14.1. Kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân bị khỏi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nhưng có dấu hiệu vi phạm hành chính;

14.2. Kiến nghị áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP nếu quá thời hạn xử phạt vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm vẫn chưa bị xử phạt.

15. Nếu các tổ chức, cá nhân trong ngành hàng không dân dụng phát hiện các hành vi vi phạm hành chính không được quy định tại Chương 2 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP thì phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền thụ lý theo các văn bản pháp luật có liên quan.

16. Thủ trưởng các Cụm cảng hàng không khu vực có trách nhiệm:

16.1. Chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc lập và chuyển biên bản, hồ sơ vi phạm hành chính xảy ra tại địa bàn cảng hàng không cho Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan Công an đối với những hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của các cơ quan đó.

16.2. Chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc lập và chuyển biên bản, hồ sơ vi phạm hành chính đối với các hành vi không thuộc quy định của điểm 16.1 trên đây xảy ra tại địa bàn cảng hàng không cho Văn phòng Cảng vụ để tiếp tục xử lý.

16.3. Xây dựng và chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc xây dựng cơ chế phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp và cơ quan Công an địa phương trong việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính xảy ra tại địa bàn của mình.

16.4. Chỉ đạo Văn phòng Cảng vụ và Giám đốc các cảng hàng không trực thuộc theo dõi việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính mà cụm cảng chuyển cho Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan Công an địa phương xử phạt.

16.5. Báo cáo định kỳ hàng quý cho Cục hàng không dân dụng Việt Nam về việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên địa bàn Cụm cảng hàng không khu vực.

17. Phòng Pháp chế - Cục hàng không dân dụng Việt Nam có trách nhiệm:

17.1. Tham mưu cho Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam xem xét các hồ sơ vi phạm hành chính để đề nghị các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

17.2. Theo dõi việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính mà Cục hàng không dân dụng Việt Nam chuyển cho các cấp có thẩm quyền xử phạt.

17.3. Tổng hợp và báo cáo Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

18. Theo khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 01/2001/NĐ-CP, mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng bị xử phạt theo các mức tương ứng quy định tại Nghị định này. Không áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991 và Luật sửa đổi một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 1995.

19. Thủ trưởng tổ chức có liên quan trong ngành hàng không dân dụng có trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị định số 01/2001/NĐ-CP và Thông tư này đến các cán bộ, nhân viên thuộc quyền quản lý của mình để xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm hành chính.

20. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

21. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan cần phản ánh kịp thời để Cục hàng không dân dụng Việt Nam xem xét, giải quyết hoặc bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Nguyễn Tiến Sâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.