QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế an toàn hàng không dân dụng
______________________
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Phụ ước 1, 6 và 8 của Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế ký tại Chicago ngày 07 tháng 12 năm 1944 mà Việt Nam đã tham gia;
Căn cứ Doc 9734 - Tài liệu hướng dẫn về giám sát an toàn, Doc 8335 - Tài liệu hướng dẫn về quy trình kiểm tra, phê chuẩn và giám sát khai thác bay của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế an toàn hàng không dân dụng".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Hồ Nghĩa Dũng
|
QUY CHẾ
An toàn hàng không dân dụng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2008/QĐ-BGTVT ngày 13 tháng 06 năm 2008
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
_______________
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, khai thác tàu bay, tiêu chuẩn chuyên môn của nhân viên hàng không trong lĩnh vực khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, cơ sở y tế giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không.
2. Quy chế này được áp dụng đối với tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động thiết kế, sản xuất, thử nghiệm tàu bay, thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, bảo dưỡng, khai thác tàu bay, huấn luyện, đào tạo, giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không.
3. Phạm vi áp dụng cụ thể của từng Chương trong Quy chế này được quy định tương ứng tại Chương đó.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
Trong Quy chế này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Bảng dữ liệu giấy chứng nhận loại” là bộ phận của giấy chứng nhận loại ghi rõ các điều kiện và giới hạn cần thiết để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đủ điều kiện bay được áp dụng cho loại tàu bay đó; cung cấp định nghĩa chính xác về cấu hình của sản phẩm tàu bay đã được giấy chứng nhận loại đó phê chuẩn; bao gồm các thông tin cần thiết sau: loại động cơ (tên nhà chế tạo, số giấy chứng nhận loại của động cơ, số lượng động cơ lắp trên tàu bay); các loại nhiên liệu có thể sử dụng; cánh quạt và các giới hạn của cánh quạt; tốc độ vòng quay (đối với trực thăng); giới hạn mô-men truyền động (đối với trực thăng); giới hạn tốc độ bay; dải giới hạn trọng tâm tàu bay; dải giới hạn trọng tâm tàu bay với tải trọng rỗng; các điểm tham chiếu, phương tiện dùng để kiểm tra và cân bằng tàu bay; tải trọng tối đa; tổ bay tối thiểu; số lượng ghế; tải trọng hàng hóa tối đa; lượng nhiên liệu tối đa; lượng dầu nhờn tối đa; độ cao hoạt động tối đa; chuyển động của các bánh lái điều khiển; số xuất xưởng; các căn cứ phê chuẩn và chế tạo sản phẩm tàu bay.
2. “Chỉ lệnh đủ điều kiện bay” là yêu cầu bảo dưỡng, kiểm tra hoặc thay đổi đối với tàu bay hoặc các thiết bị tàu bay bắt buộc phải được thực hiện nhằm ngăn ngừa sự cố uy hiếp an toàn bay do quốc gia đăng ký tàu bay ban hành hoặc thừa nhận các yêu cầu tương tự do nhà chức trách hàng không của quốc gia thiết kế, chế tạo ban hành.
3. “Chỉ lệnh khai thác” là yêu cầu đối với các phương thức, tài liệu hướng dẫn khai thác bắt buộc người khai thác tàu bay phải thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khai thác bay do quốc gia đăng ký hoặc quốc gia khai thác tàu bay ban hành hoặc thừa nhận các yêu cầu tương tự do nhà chức trách hàng không của quốc gia thiết kế, chế tạo ban hành.
4. “Công nhận hiệu lực” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam ban hành chấp nhận giấy chứng nhận, giấy phép, phê chuẩn, chỉ định hoặc văn bản cho phép do quốc gia thành viên khác của ICAO cấp hoặc ban hành, bao gồm quyền hạn tương tự hoặc hạn chế hơn.
5. "Công ước Chicago" là Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế ký tại Chigago ngày 7 tháng 12 năm 1944.
6. “Giấy chứng nhận loại” là Giấy chứng nhận đối với một loại tàu bay, bao gồm bản thiết kế loại, các giới hạn hoạt động, bảng dữ liệu giấy chứng nhận loại, các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay và mọi điều kiện hoặc giới hạn khác áp dụng cho loại tàu bay đó.
7. "ICAO" là Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế được thành lập theo Công ước Chicago.
8. “Miễn” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam ban hành cho phép miễn thực hiện một hoặc một số yêu cầu hoặc tiêu chí được quy định trong Quy chế này khi xét thấy việc miễn đó bảo đảm an toàn hàng không.
9. “Miễn trừ” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam ban hành cho phép một cá nhân, tàu bay hoặc tổ chức được miễn áp dụng một hoặc một số yêu cầu của Quy chế này khi xét thấy việc miễn trừ đó có thể duy trì được mức độ an toàn tương ứng vì lợi ích công cộng và bảo đảm an toàn hàng không.
10. “Ngoại lệ” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam ban hành cho phép một nhóm người, tàu bay hoặc loại hình khai thác được miễn áp dụng một hoặc một số yêu cầu của Quy chế này khi xét thấy yêu cầu đó không phù hợp đối với nhóm đó và việc miễn áp dụng như vậy phù hợp với lợi ích công cộng và bảo đảm an toàn hàng không.
11. “Phê chuẩn” là quá trình đánh giá, cho phép thực hiện, sử dụng hoặc áp dụng về mặt kỹ thuật đối với con người, tài liệu, trang thiết bị, chính sách hoặc thủ tục liên quan đến tiêu chuẩn đủ điều kiện bay và khai thác tàu bay đòi hỏi phải có sự phê chuẩn trước bằng hình thức cấp hoặc ban hành các loại giấy phép, chứng chỉ, giấy chứng nhận, văn bản cho phép, năng định hoặc các văn bản khác của Cục Hàng không Việt Nam.
a) “Giấy phép” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam cấp cho một cá nhân được thực hiện công việc nhất định, quyền hạn và hạn chế cụ thể đối với việc thực hiện công việc đó.
b) “Cho phép” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam cấp cho một tổ chức hoặc cá nhân một số quyền hạn nhất định liên quan đến tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, khai thác tàu bay.
c) “Giấy chứng nhận” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam cấp cho một tổ chức để thực hiện hoạt động nhất định, quyền hạn và hạn chế cụ thể đối với việc thực hiện hoạt động đó.
d) “Năng định” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam cấp kèm theo giấy phép, giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự, trong đó chỉ ra các điều kiện riêng, quyền hạn hoặc hạn chế của giấy phép và giấy chứng nhận đó.
12. “Phù hợp với giấy chứng nhận loại” là tình trạng của tàu bay và các thiết bị lắp trên tàu bay hoàn toàn phù hợp với các hình vẽ, tính năng hoạt động và bảng dữ liệu giấy chứng nhận loại của giấy chứng nhận loại tàu bay đó, bao gồm cả bất kỳ giấy chứng nhận loại bổ sung và các thay đổi, cải tiến được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn áp dụng trên tàu bay đó trong quá trình khai thác.
13. “Tính đủ điều kiện bay” là tình trạng của tàu bay đáp ứng các yêu cầu cho việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, bao gồm:
a) Phù hợp với giấy chứng nhận loại đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn hoặc thừa nhận đối với kiểu loại tàu bay đó;
b) Tàu bay ở trong trạng thái đảm bảo khai thác an toàn.
14. “Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay” là các tiêu chuẩn do Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận làm cơ sở cho việc tính toán kỹ thuật và thiết kế, bao gồm cả các loại vật liệu sử dụng và phương pháp chế tạo, cho từng hạng tàu bay, bảo đảm an toàn khai thác hạng tàu bay đó.
15. “Thiết kế loại” là thiết kế loại tàu bay, bao gồm:
a) Các hình vẽ và các tính năng hoạt động theo danh mục nhằm xác định cấu hình và đặc tính thiết kế của sản phẩm tàu bay để chứng minh việc tuân thủ của sản phẩm tàu bay với tiêu chuẩn đủ điều kiện bay được áp dụng;
b) Các thông tin về kích thước, vật liệu và các quá trình cần thiết dùng để xác định độ bền cấu trúc của sản phẩm tàu bay;
c) Hướng dẫn việc duy trì tính đủ điều kiện bay của sản phẩm tàu bay theo tiêu chuẩn đủ điều kiện bay được áp dụng cho sản phẩm tàu bay đó.
16. “Trạng thái đảm bảo khai thác an toàn” là trình trạng của tàu bay khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Được bảo dưỡng phù hợp với chương trình bảo dưỡng đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn bao gồm cả các công việc bảo dưỡng, kiểm tra nhằm phát hiện và phòng ngừa rỉ sét (CPCP) và sự xuống cấp về cấu trúc, hệ thống và các thiết bị khác lắp trên tàu bay;
b) Thực hiện đầy đủ các chỉ lệnh đủ điều kiện bay, chỉ lệnh khai thác và các công việc bảo dưỡng, kiểm tra bắt buộc khác do Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận;
c) Sửa chữa hỏng hóc của các hệ thống và cấu trúc tàu bay có ảnh hưởng đến hoạt động an toàn của tàu bay phù hợp với các tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng đã được phê chuẩn;
d) Thực hiện công việc áp dụng thông báo kỹ thuật, cải tiến hoặc thay đổi cấu hình tàu bay phù hợp với các quy trình đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn;
đ) Các trang thiết bị an toàn lắp trên tàu bay phải ở trạng thái tốt và sẵn sàng hoạt động phù hợp với loại hình khai thác của tàu bay.
17. “Ủy quyền” là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam ban hành cho phép một cá nhân được thay mặt Cục Hàng không Việt Nam thực hiện hành động, nhiệm vụ được quy định rõ trong văn bản.
Điều 3. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam
1. Cục Hàng không Việt Nam là Nhà chức trách hàng không thực hiện chức năng giám sát an toàn hàng không, có trách nhiệm cụ thể sau đây:
a) Tổ chức hệ thống quản lý an toàn hàng không; kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo đảm an toàn hàng không;
b) Thiết lập hoặc thuê tổ chức, tuyển dụng hoặc thuê nhân viên kỹ thuật có chuyên môn phù hợp, đủ năng lực để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và đưa ra những khuyến cáo liên quan đến việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận, thực hiện chức năng giám sát và bảo đảm an toàn hàng không;
c) Trực tiếp triển khai thực hiện áp dụng các quyết định, nghị quyết, tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành, hướng dẫn của các tổ chức hàng không quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
d) Ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn cơ sở để triển khai áp dụng các quy định của Quy chế này.
2. Cục Hàng không Việt Nam bổ nhiệm các giám sát viên an toàn hàng không là người có thẩm quyền để thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm an toàn hàng không. Các giám sát viên an toàn hàng không phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp thẻ giám sát viên an toàn hàng không để thực hiện nhiệm vụ của mình. Người được cấp thẻ giám sát viên an toàn hàng không phải đáp ứng các điều kiện về trình độ, kinh nghiệm như sau:
a) Lĩnh vực giám sát bay (Flight Inspector):
(i) Có tối thiểu 5 năm đảm nhiệm một trong các vị trí công tác sau: quản lý khai thác bay, người lái máy bay, cơ giới trên không hoặc giáo viên bay;
(ii) Là phi công, có kinh nghiệm giờ bay tích lũy không ít hơn 5000 giờ bay ở vị trí lái chính;
(iii) Đối với công việc phê chuẩn giáo viên bay hoặc người lái (Airman certification tasks), phải có giấy phép lái tàu bay ATPL/CHPL có năng định loại tàu bay thích hợp đang còn hiệu lực;
(iv) Đối với công việc giám sát bay (Surveillance tasks), phải có giấy phép lái tàu bay ATPL/CHPL đang còn hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực chưa quá 3 năm; đối với việc giám sát người khai thác (Airline surveillance), phải có giấy phép lái tàu bay ATPL/CHPL, năng định kiểu/loại (phản lực/cánh quạt) tàu bay phù hợp với kiểu/loại tàu bay của người khai thác đang còn hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực chưa quá 3 năm;
(v) Được huấn luyện về các chính sách an toàn liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, phê chuẩn trong lĩnh vực khai thác tàu bay;
(vi) Có kiến thức và kinh nghiệm về khí tượng hàng không;
(vii) Có khả năng thành thạo tiếng Anh theo quy định (khả năng đọc, hiểu, nói và nghe);
(viii) Có kiến thức về luật hàng không dân dụng Việt Nam, các quy định về tiêu chuẩn an toàn bay đối với các loại hình khai thác như ETOPs, Cat II & III, RVSM/MNPS, MMEL, CRM, vận chuyển hàng nguy hiểm, điều tra tai nạn, và các quy chế/ tiêu chuẩn/quy chuẩn liên quan đến khai thác tàu bay;
(ix) Đã tham gia khóa đạo tạo cơ bản về giám sát an toàn khai thác tàu bay (Flight Operations Safety Oversight) được phê chuẩn.
b) Lĩnh vực giám sát khai thác tàu bay (Flight Operation Inspector):
(i) Có tối thiểu 5 năm làm việc trong lĩnh vực khai thác tàu bay, đã tốt nghiệp khóa học thuộc một trong các chuyên ngành máy bay- động cơ (cơ giới), thiết bị điện-điện tử hàng không (bộ môn) hoặc khai thác tàu bay hoặc người lái tàu bay;
(ii) Có khả năng thành thạo tiếng Anh (khả năng đọc, hiểu, nói và nghe);
(iii) Có kiến thức về luật hàng không dân dụng Việt Nam, các quy định về tiêu chuẩn an toàn bay đối với các loại hình khai thác như ETOPs, Cat II & III, RVSM/MNPS, MMEL, CRM, vận chuyển hàng nguy hiểm, điều tra tai nạn, và các quy chế/ tiêu chuẩn/quy chuẩn liên quan đến khai thác tàu bay;
(iv) Được huấn luyện về các chính sách an toàn liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, phê chuẩn trong lĩnh vực khai thác tàu bay;
(v) Đã tham gia khóa đạo tạo cơ bản về giám sát an toàn khai thác tàu bay (Flight Operations Safety Oversight) được phê chuẩn;
(vi) Có khả năng và kinh nghiệm trong việc xây dựng các quy trình thực hiện kiểm tra, phê chuẩn và giám sát đối với việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến khai tàu bay;
(vii) Duy trì những quy định về đào tạo lại, cập nhật kiến thức liên quan đến lĩnh vực khai thác bay.
c) Lĩnh vực giám sát an toàn khoang hành khách (Cabin Safety Inspector):
(i) Có giấy chứng nhận nghiệp vụ về an toàn khoang hành khách hoặc qua các khóa huấn luyện đào tạo tiếp viên được phê chuẩn;
(ii) Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hàng không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của tiếp viên hàng không;
(iii) Có khả năng thành thạo tiếng Anh (khả năng đọc, hiểu, nói và nghe);
(iv) Có kiến thức cơ bản về luật hàng không dân dụng Việt Nam và các quy chế/ tiêu chuẩn/ quy chuẩn liên quan đến an toàn khoang hành khách;
(v) Được huấn luyện về các chính sách an toàn liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, phê chuẩn trong lĩnh vực an toàn khoang hành khách;
(vi) Có khă năng và kinh nghiệm xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn khoang hành khách;
(vii) Có khả năng và kinh nghiệm trong việc xây dựng phương thức an toàn và khẩn nguy trong khoang hành khách khi có sự cố.
d) Lĩnh vực giám sát tiêu chuẩn đủ điều kiện bay (Airworthiness Inspector)
(i) Có bằng kỹ sư hàng không thuộc một trong các chuyên ngành máy bay- động cơ (cơ giới), thiết bị điện-điện tử hàng không (bộ môn) và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không;
(ii) Có khả năng thành thạo tiếng Anh (khả năng đọc, hiểu, nói và nghe);
(iii) Có kiến thức cơ bản về luật hàng không dân dụng Việt Nam và các quy chế/ tiêu chuẩn/ quy chuẩn liên quan đến tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
(iv) Được huấn luyện về các chính sách an toàn và các quy trình thực hiện liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, phê chuẩn trong lĩnh vực tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
(v) Đã tham gia khóa đạo tạo cơ bản về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay được phê chuẩn;
(vi) Có khả năng và kinh nghiệm trong việc xây dựng các quy trình thực hiện kiểm tra, phê chuẩn và giám sát đối với việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn đủ điều kiện bay.
3. Người được cấp thẻ giám sát viên an toàn hàng không quy định tại khoản 2 của Điều này có các quyền hạn sau đây:
a) Tiến hành các hoạt động kiểm định, giám định, kiểm tra hoặc giám sát;
b) Tiếp cận và kiểm tra bất kỳ sân bay, hăng-ga hay bất kỳ nơi nào khác có tàu bay đỗ hoặc được cất giữ, hoặc bất kỳ tổ chức nào thực hiện công việc, dịch vụ liên quan đến Quy chế này;
c) Tiếp cận và kiểm tra bất kỳ tàu bay, trang thiết bị tàu bay, các bộ phận, tài liệu, phương tiện, nhân viên hàng không hoặc thành viên tổ bay với mục đích đảm bảo việc tuân thủ Quy chế này;
d) Yêu cầu bất kỳ người nào đưa ra các tài liệu hoặc bất kỳ đồ vật nào có liên quan đến việc thực hiện các quy định của Quy chế này;
đ) Kiểm tra và sao chép các giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, nhật ký kỹ thuật, tài liệu hoặc hồ sơ liên quan đến Quy chế này;
e) Tiến hành việc tái kiểm tra, đánh giá, kiểm tra, điều tra, kiểm chứng, thí nghiệm và bay thử nghiệm khi thấy cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ Quy chế này.
4. Khi thực hiện quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều này, giám sát viên an toàn hàng không có quyền yêu cầu đình chỉ thực hiện chuyến bay, đình chỉ hoạt động của nhân viên hàng không có liên quan nhằm ngăn chặn khả năng uy hiếp an toàn bay; lập biên bản về vụ việc xảy ra đồng thời báo cáo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam. Giám sát viên an toàn hàng không phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.
5. Việc thanh tra, kiểm tra và giám sát có thể được thực hiện vào bất cứ thời gian và địa điểm nào có hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng, huấn luyện và các hoạt động khác liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Quy chế này, cụ thể như sau:
a) Bất kỳ địa điểm nào của công cộng hoặc tư nhân, nơi có tàu bay đang đỗ để kiểm tra tàu bay hoặc bất kỳ tài liệu nào theo quy định của Quy chế này;
b) Bất kỳ sân bay nào với mục đích kiểm tra sân bay hoặc bất kỳ một tàu bay nào trong sân bay hoặc bất kỳ tài liệu nào theo quy định của Quy chế này;
c) Bất kỳ tàu bay nào, khoang lái trong quá trình bay nhằm kiểm tra hoạt động của tàu bay hoặc bất cứ thiết bị nào của tàu bay và kiểm tra hoạt động của thành viên tổ bay khi thực hiện công việc của mình.
Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
Tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm, khai thác tàu bay, huấn luyện, đào tạo, giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không có trách nhiệm:
1. Tuân thủ các yêu cầu của Quy chế này và các hướng dẫn cụ thể của Cục Hàng không Việt Nam liên quan đến hoạt động của mình.
2. Tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
3. Tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm an ninh hàng không.
4. Lập và lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động của mình theo quy định của Quy chế này và các hướng dẫn cụ thể của Cục Hàng không Việt Nam.
5. Cung cấp giấy tờ, tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
6. Trưng bày giấy chứng nhận được cấp cho tổ chức tại nơi dễ nhìn thấy của trụ sở chính; mang theo giấy phép, chứng chỉ được cấp cho cá nhân khi thực hiện công việc được ghi trong giấy phép.
Điều 5. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm an toàn
1. Trong trường hợp có vi phạm hoặc không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
a) Yêu cầu đình chỉ thực hiện chuyến bay để ngăn chặn việc uy hiếp an toàn bay;
b) Tạm đình chỉ, đình chỉ có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác đó;
c) Thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác đó;
d) Thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động của giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác đó;
đ) Tái kiểm tra để cấp lại giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác đó.
2. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành hồ sơ, trong đó có các văn bản nêu rõ tính chất, mức độ của hành vi bị xử lý, quá trình khuyến cáo, khắc phục hoặc xác minh đối với hành vi vi phạm, biện pháp xử lý đã áp dụng. Người bị xử lý có thể khiếu nại về quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Áp dụng các thủ tục hành chính
1. Người xin cấp hoặc ban hành, gia hạn, sửa đổi, công nhận hiệu lực các giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam phải nộp các khoản phí và lệ phí theo quy định của pháp luật. Hồ sơ đề nghị cấp hoặc ban hành phải có biên lai hoặc giấy tờ tương đương xác nhận về việc đã nộp phí, lệ phí theo quy định.
2. Người giữ giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam có thể yêu cầu đổi tên trên các giấy tờ đó. Hồ sơ đề nghị thay đổi tên bao gồm bản chính giấy tờ đề nghị được đổi tên và tài liệu chứng minh việc thay đổi tên.
3. Người giữ giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Cục Hàng không Việt Nam nếu thay đổi địa chỉ thư tín hiện tại thì chỉ được thực hiện các quyền hạn của mình trong các giấy tờ đó nếu đã thông báo cho Cục Hàng không Việt Nam bằng văn bản về địa chỉ thư tín mới của mình trong vòng 30 ngày kể từ ngày thay đổi.
4. Người được cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam có thể đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp bản sao nếu giấy tờ đó bị mất hoặc bị hỏng. Văn bản đề nghị cấp bản sao phải nêu rõ các thông tin về cá nhân hoặc tổ chức, loại, số và ngày cấp giấy tờ đã bị mất hoặc bị hỏng. Sau khi nhận được bản fax của Cục Hàng không Việt Nam xác nhận tài liệu bị mất hoặc hỏng đã được cấp lại, trong khi chờ nhận được bản thay thế, người được cấp có thể mang theo hoặc trình bản fax thay cho giấy tờ bị mất hoặc bị hỏng trong vòng 7 ngày.
5. Giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam có thể bị thu hồi hoặc đình chỉ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có sự giả mạo hoặc cố tình nhầm lẫn trong hồ sơ đề nghị cấp;
b) Có sự giả mạo hay cố tình nhầm lẫn khi ghi chép vào nhật ký kỹ thuật, hồ sơ hoặc báo cáo theo yêu cầu của Quy chế này;
c) Giấy tờ đó bị sửa chữa hoặc sao chép nhằm mục đích giả mạo.
6. Giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam sẽ hết hiệu lực nếu bị huỷ bỏ, đình chỉ hoặc thu hồi; người được cấp các loại giấy tờ đó phải trả lại giấy tờ cho Cục Hàng không Việt Nam khi được yêu cầu.
7. Trừ khi được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận, người có giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam đã bị đình chỉ không được nộp đơn xin cấp giấy tờ tương tự trong thời hạn bị đình chỉ; nếu giấy tờ đó bị huỷ bỏ, thu hồi thì không được nộp đơn xin cấp giấy tờ tương tự trong vòng 1 năm kể từ ngày bị huỷ bỏ, thu hồi.
8. Người được cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam có thể đề nghị từ bỏ với mục đích xóa bỏ giấy tờ đó hoặc để được cấp giấy tờ khác có phạm vi hạn chế hơn hoặc để xóa bỏ một số năng định cụ thể.
Điều 7. Người được ủy quyền
1. Cục Hàng không Việt Nam có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức làm đại diện của Cục Hàng không Việt Nam để đánh giá, khảo sát, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm đối với tàu bay, cá nhân, tổ chức để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác.
2. Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc ủy quyền trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm, sự huấn luyện và cam kết của người được uỷ quyền, bảo đảm người được ủy quyền đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có đủ các trang thiết bị, nguồn lực, nhân lực phù hợp để tiến hành công việc theo yêu cầu;
b) Được huấn luyện về các quy trình và thủ tục của Cục Hàng không Việt Nam để tiến hành các công việc theo yêu cầu;
c) Có đủ kinh nghiệm liên quan để tiến hành các công việc theo yêu cầu.
3. Tùy theo nội dung và loại hình được ủy quyền, người được ủy quyền có các quyền hạn sau đây:
a) Tiến hành các công việc được giao tại các địa điểm được ủy quyền;
b) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác;
c) Tiến hành các đánh giá, khảo sát, thử nghiệm, kiểm tra, kiểm định;
d) Cấp hoặc từ chối các giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác;
đ) Phê chuẩn các tài liệu kỹ thuật;
e) Thu phí công việc mà người đó thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Người được ủy quyền sẽ được cấp giấy chứng nhận ủy quyền trong đó nêu rõ mục đích, nội dung, thời hạn và loại hình ủy quyền. Việc ủy quyền sẽ có hiệu lực cho tới ngày hết hạn ghi trong văn bản ủy quyền nhưng không quá 24 tháng kể từ ngày cấp, trừ khi bị chấm dứt sớm hơn. Việc ủy quyền có thể được gia hạn.
5. Việc ủy quyền hết hạn trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu bằng văn bản của người được ủy quyền;
b) Theo yêu cầu bằng văn bản của người sử dụng lao động trong trường hợp cần có sự giới thiệu của người sử dụng lao động đối với việc ủy quyền;
c) Khi người được ủy quyền không còn làm việc cho người sử dụng lao động đã giới thiệu đối với việc ủy quyền;
d) Khi người được ủy quyền vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình theo sự ủy quyền;
đ) Khi sự trợ giúp của người được ủy quyền không còn cần thiết cho Cục Hàng không Việt Nam hoặc trong các trường hợp mà Cục Hàng không Việt Nam thấy cần thiết.
6. Người được ủy quyền phải báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu, lưu giữ bản sao tất cả tài liệu được ban hành khi thực hiện sự ủy quyền của mình tại một địa điểm thích hợp theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.
7. Với bất kỳ lý do và tại bất cứ thời điểm nào, Cục Hàng không Việt Nam có quyền tiếp cận không hạn chế nơi làm việc, nhân viên, hồ sơ, tài liệu, công việc của người được ủy quyền để kiểm tra việc thực hiện các công việc được ủy quyền. Người được ủy quyền phải cung cấp kịp thời cho Cục Hàng không Việt Nam các thông báo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu về thời gian, địa điểm tiến hành công việc được ủy quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 8. Miễn, miễn trừ, ngoại lệ
1. Cục Hàng không Việt Nam có thể phê chuẩn một miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ đối với việc thực hiện các yêu cầu của Quy chế này. Việc phê chuẩn một miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ phải được thực hiện theo quy trình được quy định tại Điều này.
2. Người xin áp dụng miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ phải nộp đơn đề nghị cho Cục Hàng không Việt Nam ít nhất 30 ngày trước thời điểm xin áp dụng. Đơn phải bao gồm các nội dung sau:
a) Thông tin về người nộp đơn, bao gồm: tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có); người được chỉ định là đại diện của người nộp đơn về tất cả các thủ tục liên quan đến việc nộp đơn. Nếu người nộp đơn không phải công dân hoặc cư trú hợp pháp tại Việt Nam, phải chỉ định một đại diện tại Việt Nam;
b) Thông tin liên quan đến đề nghị, bao gồm: trích dẫn các yêu cầu cụ thể mà người nộp đơn muốn xin giảm nhẹ; chi tiết kỹ thuật loại khai thác được thực hiện với sự giảm nhẹ; mô tả chi tiết yêu cầu thay thế được đề xuất nhằm đáp ứng mức an toàn tương đương; chi tiết khoảng thời hạn hoặc kế hoạch dự kiến cần có sự giảm nhẹ; cơ sở cho việc xin giảm nhẹ; cách thức tuân thủ sau khi kết thúc thời hạn yêu cầu giảm nhẹ; trình bày hoàn cảnh thực tế và lý do chứng minh việc yêu cầu xử lý khẩn cấp;
c) Chứng minh đề xuất thay thế đạt mức an toàn ít nhất tương đương với yêu cầu của Quy chế này, phù hợp với lợi ích chung và phải có các thông tin sau đây:
(i) Mô tả về các sự cố liên quan và kinh nghiệm về tai nạn mà người nộp đơn cho rằng liên quan đến việc xin giảm nhẹ;
(ii) Xác định mọi rủi ro có thể nếu cho phép áp dụng các phương án đề xuất khác và biện pháp được áp dụng để giải quyết rủi ro đó;
(iii) Chứng minh rằng các luận cứ về an toàn chung và mức an toàn tương đương là có cơ sở.
3. Sau khi xem xét tính đầy đủ và chính xác của thông tin trong đơn đề nghị, Cục Hàng không Việt Nam tiến hành đánh giá kỹ thuật về tính khả thi của phương pháp thay thế. Người được giao tiến hành đánh giá kỹ thuật phải báo cáo bằng văn bản về sự cần thiết giảm nhẹ các yêu cầu, khả năng có mức an toàn tương xứng, việc phê chuẩn phương pháp thay thế phù hợp với lợi ích chung và kiến nghị về hình thức quyết định. Cục Hàng không Việt Nam phải công khai mọi quyết định tương ứng được đề xuất và phổ biến thông tin này cho các đối tượng sau đây:
a) Những người đã đăng ký trước với Cục Hàng không Việt Nam do có lợi ích liên quan đến bất cứ việc miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ nào có thể được phê chuẩn;
b) Những người hoặc tổ chức có giấy phép, giấy chứng nhận, chỉ định khai thác tương tự; hình thức phê chuẩn hoặc sự cho phép khác có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định đó.
Những người hoặc tổ chức nói trên có thể trả lời đồng ý, không phản đối hoặc phản đối quyết định được đề xuất trong vòng 30 ngày để Cục Hàng không Việt Nam xem xét.
4. Cá nhân hoặc tổ chức có thể nộp đơn xin áp dụng bất cứ sự miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ tương tự nào đã được phê chuẩn hoặc đang được xem xét phê chuẩn. Việc nộp đơn được thực hiện theo quy trình quy định tại Điều này.
5. Việc phê chuẩn miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ sẽ được Cục Hàng không Việt Nam cấp quyết định áp dụng hoặc thay đổi phạm vi hoạt động. Nếu đề nghị bị từ chối, Cục Hàng không Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
6. Cục Hàng không Việt Nam sẽ công khai việc miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ đã được cấp trong Tập thông báo tin tức hàng không của Việt Nam. Ngoài ra, các miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ đã được cấp phải được phát hành và cập nhật trong Thông tri về Miễn, Miễn trừ và Ngoại lệ cho các đối tượng sau đây:
a) Các tổ chức, cá nhân đã đăng ký trước với Cục Hàng không Việt Nam có quan tâm tới mọi sự miễn, miễn trừ hoặc ngoại lệ được cấp đối với các yêu cầu của Quy chế này;
b) Các cá nhân hoặc tổ chức có giấy phép, giấy chứng nhận, chỉ định khai thác hoặc các hình thức phê chuẩn hoặc văn bản cho phép khác tương tự;
c) Những người mới nộp đơn xin cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chỉ định khai thác hoặc các hình thức phê chuẩn hoặc văn bản cho phép có liên quan.
Điều 9. Công nhận hiệu lực các giấy tờ, tài liệu
1. Cục Hàng không Việt Nam có thể sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, phê chuẩn, chỉ định hoặc văn bản cho phép do Quốc gia thành viên ICAO khác cấp hoặc ban hành làm cơ sở cho việc cấp giấy phép, giấy chứng nhận, phê chuẩn, chỉ định hoặc văn bản cho phép có các quyền tương tự hoặc hạn chế hơn với điều kiện:
a) Tuân theo các quy định tương ứng của Quy chế này về điều kiện, thủ tục công nhận hiệu lực các loại giấy tờ, tài liệu do nước ngoài cấp;
b) Không được sử dụng quy trình công nhận hiệu lực để chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo các tài liệu gốc đang được sử dụng có giá trị và được ban hành tuân theo Tiêu chuẩn ICAO hiện hành;
c) Tiến hành thử nghiệm hoặc kiểm tra bổ sung cần thiết về kỹ thuật và hành chính để xác nhận năng lực của người được cấp và hiệu lực các giấy tờ, tài liệu được đề nghị công nhận.
2. Các giấy tờ, tài liệu được Cục Hàng không Việt Nam cấp công nhận có thể bị sửa đổi, đình chỉ, thu hồi hoặc hủy bỏ theo các điều kiện và thủ tục tương tự như các văn bản khác do Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc ban hành.
3. Trừ khi có quy định khác, mỗi giấy phép, giấy chứng nhận, phê chuẩn, chỉ định, hoặc văn bản cho phép khác do Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc ban hành thông qua quy trình công nhận hiệu lực sẽ mất hiệu lực khi văn bản được sử dụng làm cơ sở cho việc cấp hoặc ban hành mất hiệu lực, không được lưu hành, hết hạn hoặc bị Quốc gia thành viên ICAO cấp hoặc ban hành đình chỉ, thu hồi.
4. Cục Hàng không Việt Nam phải thông báo cho Nhà chức trách hàng không của Quốc gia thành viên ICAO khác nếu trong quá trình chứng nhận, kiểm tra, giám sát hoặc điều tra, Cục Hàng không Việt Nam xác định rằng người giữ giấy chứng nhận, giấy phép, phê chuẩn, chỉ định hoặc văn bản cho phép được cấp hoặc ban hành trong quá trình công nhận hiệu lực:
a) Không có khả năng hoặc điều kiện để giữ các văn bản đó;
b) Không phù hợp với các Tiêu chuẩn ICAO hiện hành hoặc các quy chế quốc gia áp dụng đối với các văn bản đó;
c) Thực hiện các hoạt động dưới mức tiêu chuẩn về thực tiễn an toàn quốc tế liên quan.
5. Người được Cục Hàng không Việt Nam công nhận giấy chứng nhận, giấy phép, phê chuẩn, chỉ định hoặc văn bản cho phép có trách nhiệm:
a) Bảo đảm tuân thủ các quy định của Quy chế này hoặc luật pháp hiện hành của Quốc gia thành viên ICAO nơi cấp hoặc ban hành văn bản gốc;
b) Chấp hành việc kiểm tra, xác minh của Cục Hàng không Việt Nam đối với việc duy trì năng lực và tuân thủ các tiêu chuẩn, cơ sở của việc cấp hoặc ban hành văn bản;
c) Xuất trình cho việc thử nghiệm hay kiểm tra bổ sung cần thiết về kỹ thuật hoặc hành chính do Cục Hàng không Việt Nam tiến hành nhằm đảm bảo việc duy trì năng lực và hiệu lực giấy tờ, tài liệu được công nhận.
6. Các loại giấy tờ, tài liệu được Cục Hàng không Việt Nam xem xét thừa nhận, công nhận hiệu lực bao gồm:
a) Giấy chứng nhận loại, Giấy chứng nhận loại bổ sung;
b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe;
d) Giấy phép, năng định của nhân viên hàng không nêu tại Chương IV của Quy chế này;
đ) Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay;
e) Giấy chứng nhận tổ chức bảo dưỡng được phê chuẩn;
g) Giấy chứng nhận tổ chức huấn luyện được phê chuẩn;
h) Phê chuẩn, chỉ định hoặc văn bản cho phép đối với tài liệu, cơ sở, thiết bị, dụng cụ huấn luyện, thiết bị giả định được phê chuẩn riêng rẽ trong quá trình chứng nhận kỹ thuật;
i) Việc ủy quyền cho một cá nhân thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ và thay mặt cho Nhà chức trách giám sát an toàn hàng không.
Chương 2:
TIÊU CHUẨN ĐỦ ĐIỀU KIỆN BAY
Mục I. TIÊU CHUẨN ĐỦ ĐIỀU KIỆN BAY, ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LOẠI, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN BAY
Điều 10. Phạm vi áp dụng
Những quy định tại Mục này được áp dụng đối với:
1. Việc ban hành, thừa nhận tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng đối với tàu bay, động cơ và thiết bị lắp trên tàu bay; ban hành, thừa nhận yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với thiết bị, vật tư tiêu chuẩn (standard parts), vật tư tiêu hao (consumable parts) phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, công nhận giấy chứng nhận loại đối với tàu bay, động cơ và cánh quạt tàu bay; điều kiện, trình tự, thủ tục phê chuẩn thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay:
a) Được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm tại Việt Nam;
b) Được nhập khẩu và khai thác lần đầu hoặc được sản xuất tại Việt Nam.
2. Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thừa nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho tàu bay:
a) Đăng ký quốc tịch Việt Nam;
b) Đăng ký quốc tịch nước ngoài nhưng khai thác theo giấy chứng nhận người khai thác tàu bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp.
Điều 11. Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay
1. Trong từng trường hợp cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc công bố thừa nhận các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng đối với tàu bay, động cơ và cánh quạt thuộc các hạng và chủng loại khác nhau, được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất tại Việt Nam trên cơ sở phù hợp với Phụ ước 8 của Công ước Chicago.
2. Trong từng trường hợp cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc công bố thừa nhận yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật (technical standard order) đối với các thiết bị lắp trên tàu bay được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất tại Việt Nam trên cơ sở phù hợp với Phụ ước 8 của Công ước Chicago.
3. Trong từng trường hợp cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc công bố thừa nhận tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất tại Việt Nam trên cơ sở phù hợp với Phụ ước 8 của Công ước Chicago.
4. Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận và áp dụng tiêu chuẩn đủ điều kiện bay do quốc gia thiết kế công bố áp dụng cho việc phê chuẩn loại tàu bay được nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam trong quá trình thừa nhận giấy chứng nhận loại tàu bay đó trước khi đưa vào khai thác tại Việt Nam.
5. Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật do quốc gia thiết kế công bố áp dụng đối với các thiết bị lắp trên tàu bay được nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam trong quá trình thực hiện việc phê chuẩn thiết bị đó.
6. Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật do quốc gia sản xuất công bố áp dụng đối với thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay được nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam trong quá trình phê chuẩn các loại thiết bị, vật tư đó.
7. Cục Hàng không Việt Nam thiết lập, duy trì cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay đối với các tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam.
Điều 12. Giấy chứng nhận loại
1. Giấy chứng nhận loại của một loại tàu bay, động cơ, cánh quạt và thiết bị lắp trên tàu bay bao gồm bản thiết kế loại, các giới hạn hoạt động, bảng dữ liệu giấy chứng nhận loại, các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay và mọi điều kiện hoặc giới hạn áp dụng khác.
2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:
a) Cấp giấy chứng nhận loại cho tàu bay, động cơ và cánh quạt được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm tại Việt Nam;
b) Công nhận giấy chứng nhận loại do quốc gia thiết kế cấp đối với loại tàu bay, động cơ và cánh quạt được nhập khẩu và khai thác lần đầu hoặc được sản xuất tại Việt Nam.
Điều 13. Điều kiện cấp, công nhận giấy chứng nhận loại
1. Giấy chứng nhận loại được cấp, công nhận khi:
a) Tàu bay, động cơ và cánh quạt phù hợp với các hình vẽ, tính năng hoạt động và đặc tính thiết kế đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng;
b) Thực hiện tốt các công việc thử nghiệm, bay kiểm chứng theo yêu cầu của việc phê chuẩn tàu bay, động cơ và cánh quạt được quy định tại các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng;
c) Người đề nghị cấp, công nhận giấy chứng nhận loại đã nộp đủ phí và lệ phí theo quy định.
2. Người đề nghị cấp, công nhận giấy chứng nhận loại chịu mọi chi phí trong quá trình kiểm tra cấp, thừa nhận giấy chứng nhận loại.
3. Hồ sơ đề nghị cấp/thừa nhận giấy chứng nhận loại bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận loại;
b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận loại cho tàu bay hoặc giấy chứng nhận loại hạn chế phải kèm theo bản vẽ 3 hình chiếu của tàu bay và các thông số cơ bản ban đầu cùng với các đặc tính, giới hạn hoạt động đề xuất;
c) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận loại cho động cơ hoặc cánh quạt phải kèm theo bản vẽ tổng thể, mô tả các đặc tính thiết kế, đặc tính hoạt động và các giới hạn hoạt động đề xuất của động cơ hoặc cánh quạt đó;
d) Tài liệu sơ đồ mạch điện;
đ) Tài liệu phân tích tải điện;
e) Báo cáo của Hội động rà soát chương trình bảo dưỡng (MRBR) của nhà chế tạo;
g) Tài liệu chương trình bảo dưỡng (MPD), bao gồm cả chương trình kiểm soát và phòng chống gỉ sét, chương trình bảo dưỡng cấu trúc tàu bay;
h) Danh mục thiết bị cất cánh tối thiểu chính (MMEL);
i) Giấy chứng nhận tiếng ồn;
k) Giấy chứng nhận vô tuyến;
l) Một bản sao của các tài liệu sau:
i) Tài liệu hướng dẫn khai thác bay (AFM);
ii) Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng tàu bay (AMM);
(iii)Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng động cơ;
(iv)Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng cánh quạt;
(v) Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng động cơ phụ;
(vi) Tài liệu tra cứu thiết bị Catalogue (IPC);
(i) Tài liệu hướng dẫn tiêu chuẩn thực hành (Practical Standards);
(viii) Tài liệu hướng dẫn sửa chữa cấu trúc tàu bay (SRM);
(ix) Danh mục các cấu trúc khung sườn chính (SSI);
(x) Tài liệu hướng dẫn quy trình xếp tải;
(xi) Tài liệu hướng dẫn cân và cân bằng tàu bay;
(xii) Tài liệu về kiểm tra không phá hủy (NDT).
4. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật, lập hồ sơ cho việc cấp, công nhận giấy chứng nhận loại.
Điều 14. Trình tự, thủ tục cấp, công nhận giấy chứng nhận loại
1. Trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận loại, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện các công việc kiểm tra, thử nghiệm cần thiết để cấp giấy chứng nhận loại cho loại tàu bay, động cơ và cánh quạt được thiết kế, chế tạo tại Việt Nam, bao gồm:
a) Thẩm định tính đầy đủ và hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận loại;
b) Xác định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng cho loại tàu bay, động cơ và cánh quạt được đề nghị cấp giấy chứng nhận loại để xác định căn cứ cho việc cấp giấy chứng nhận loại cho loại tàu bay, động cơ và cánh quạt đó;
c) Thẩm định các số liệu bản vẽ, danh mục các bản vẽ và các tính năng kỹ thuật cần thiết để xác định cấu hình và đặc tính thiết kế của sản phẩm chứng minh việc đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng, bao gồm cả thông tin về vật liệu và quy trình, phương pháp chế tạo, lắp ráp của sản phẩm để khẳng định tính phù hợp của sản phẩm;
d) Thẩm định các giới hạn duy trì tính đủ điều kiện bay theo quy định của tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng;
đ) Xác định các yêu cầu về bảo vệ môi trường áp dụng đối với loại tàu bay, động cơ và cánh quạt đề nghị được cấp giấy chứng nhận loại;
e) Thực hiện hoặc thuê tổ chức độc lập đủ khả năng thực hiện kiểm tra, thử nghiệm và bay thử cần thiết để kiểm chứng việc tuân thủ của loại tàu bay, động cơ và cánh quạt đối với các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng.
2. Trong vòng 6 tháng kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị công nhận giấy chứng nhận loại, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện các công việc kiểm tra, thử nghiệm cần thiết để công nhận giấy chứng nhận loại cho loại tàu bay, động cơ và cánh quạt lần đầu được khai thác tại Việt Nam, bao gồm:
a) Thẩm định tính đầy đủ và hồ sơ đề nghị công nhận giấy chứng nhận loại;
b) Xem xét thừa nhận tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng cho loại tàu bay, động cơ và cánh quạt được đề nghị thừa nhận giấy chứng nhận loại trên cơ sở phù hợp với Phụ ước 8 của Công ước Chicago;
c) Thẩm định các giới hạn duy trì tính đủ điều kiện bay theo quy định của tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng;
d) Xác định các yêu cầu về bảo vệ môi trường áp dụng đối với loại tàu bay, động cơ và cánh quạt đề nghị được công nhận giấy chứng nhận loại;
đ) Xem xét thừa nhận kết quả kiểm tra, thử nghiệm và việc bay thử cần thiết để kiểm chứng việc tuân thủ của loại tàu bay, động cơ và cánh quạt đối với các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng.
Điều 15. Phê chuẩn thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay.
1. Thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất tại Việt Nam được phê chuẩn khi:
a) Phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng;
b) Thực hiện tốt các công việc thử nghiệm, đánh giá thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay theo các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng;
c) Người đề nghị phê chuẩn đã nộp đủ phí và lệ phí theo quy định.
2. Trong vòng 6 tháng kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị phê chuẩn thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay được thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện các công việc kiểm tra, thử nghiệm cần thiết để phê chuẩn, bao gồm:
a) Thẩm định tính đầy đủ và hồ sơ đề nghị phê chuẩn;
b) Xác định yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng;
c) Thẩm định các tham số, giới hạn, tính năng kỹ thuật cần thiết chứng minh việc đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, bao gồm cả thông tin về vật liệu và quy trình, phương pháp chế tạo, lắp ráp của sản phẩm để khẳng định tính phù hợp của sản phẩm;
d) Thực hiện hoặc thuê tổ chức độc lập đủ khả năng thực hiện các kiểm tra, thử nghiệm cần thiết để kiểm chứng việc tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng.
3. Trong vòng 1 tháng kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị thừa nhận thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay được nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra tính hợp lệ, thừa nhận tài liệu phê chuẩn liên quan đến thiết bị, vật tư đó theo các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng.
4. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn chi tiết về thực hiện phê chuẩn, thừa nhận thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay.
Điều 16. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay
1. Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, công nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho tàu bay mang quốc tịch nước ngoài nhưng khai thác theo giấy chứng nhận người khai thác tàu bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp khi tàu bay đó ở trạng thái đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với giấy chứng nhận loại đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn hoặc công nhận đối với kiểu loại tàu bay đó.
b) Trong trạng thái đảm bảo khai thác an toàn;
c) Người làm đơn đề nghị đã nộp đầy đủ phí và lệ phí theo quy định.
2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay có giá trị hiệu lực không quá 12 tháng kể từ ngày cấp. Việc gia hạn được thực hiện theo các yêu cầu nêu tại khoản 1 của Điều này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp/gia hạn/ công nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện bay bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp, gia hạn, công nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện bay;
b) Danh mục chỉ lệnh đủ điều kiện bay áp dụng cho tàu bay gồm các nội dung: xác nhận việc đã thực hiện các chỉ lệnh đủ điều kiện bay; phương pháp thay thế trong trường hợp áp dụng các phương pháp thay thế tương đương theo hướng dẫn của nhà chế tạo nhằm tuân thủ các yêu cầu của chỉ lệnh đủ điều kiện bay; xác định chỉ lệnh đủ điều kiện bay phải được thực hiện theo chu kỳ lặp lại, thông tin về chu kỳ lặp lại và thời hạn thực hiện gần nhất;
c) Danh mục các thông báo kỹ thuật, bao gồm cả thông báo kỹ thuật có tính cảnh báo, đã được thực hiện trên tàu bay, động cơ, cánh quạt và thiết bị của tàu bay;
d) Danh mục cải tiến kỹ thuật đã được thực hiện trên tàu bay bao gồm: cải tiến kỹ thuật thực hiện theo sự lựa chọn của người khai thác; cải tiến kỹ thuật áp dụng cho thiết bị tàu bay;
đ) Danh mục công việc đã thực hiện với các yêu cầu bắt buộc đối với các thiết bị vô tuyến, liên lạc của tàu bay;
e) Danh mục công việc đã thực hiện tuân thủ các khuyến cáo về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay do nhà chức trách hàng không xuất khẩu ban hành, nếu có;
g) Danh mục các hỏng hóc cần phải được khắc phục triệt để tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu;
h) Danh mục các thiết bị lắp trên tàu bay;
i) Báo cáo cân tàu bay gần nhất;
k) Báo cáo cân bằng và trọng tâm tàu bay;
l) Danh mục các thiết bị có thọ mệnh hoặc kiểm soát theo thời gian;
m) Hồ sơ của hệ thống la bàn và điều chỉnh la bàn;
n) Giấy chứng nhận tiếng ồn của tàu bay;
o) Giấy chứng nhận vô tuyến của tàu bay;
p) Tài liệu liên quan đến toàn bộ quá trình khai thác của tàu bay, động cơ, cánh quạt và thiết bị lắp trên tàu bay, bao gồm:
(i) Tổng số chu trình cất hạ cánh;
(ii) Chương trình bảo dưỡng tàu bay áp dụng cho công tác bảo dưỡng tàu bay trước đây, bao gồm cả các chu kỳ định kỳ trước đây và cho lần sắp tới.
q) Thời gian hoạt động của các thiết bị của tàu bay, động cơ, cánh quạt hoặc các thiết bị có thọ mệnh tính từ khi sản xuất;
r) Thời gian hoạt động của thiết bị tàu bay, động cơ, cánh quạt hoặc các thiết bị của tàu bay cần phải được bảo dưỡng theo các chu kỳ thời gian đã được phê chuẩn, kể từ khi sản xuất và từ khi đại tu lần cuối;
s) Tài liệu chi tiết về thay đổi các bộ phận chính của cấu trúc khung sườn như cánh, đuôi, cánh quay của trực thăng hoặc bộ phận truyền động và chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các bộ phận thay thế mới;
t) Hồ sơ chi tiết về các sửa chữa cấu trúc khung sườn đã được thực hiện cùng các nguyên nhân của hỏng hóc dẫn đến phải thực hiện sửa chữa;
u) Báo cáo chi tiết về kết quả của chuyến bay kiểm tra tiếp nhận tàu bay.
4. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo khai thác an toàn tàu bay, lập hồ sơ đối với việc cấp, công nhận, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.
Điều 17. Trình tự, thủ tục cấp, công nhận, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay
1. Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ cấp, công nhận, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản cho người làm đơn trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
2. Trường hợp hồ sơ được chấp nhận hợp lệ, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam xem xét nội dung hồ sơ, thông báo kế hoạch kiểm tra tình trạng kỹ thuật tàu bay với các nội dung:
a) Thời gian kiểm tra dự kiến;
b) Người thực hiện kiểm tra;
c) Địa điểm thực hiện kiểm tra;
d) Nội dung, mức độ kiểm tra đối với: hồ sơ kỹ thuật, bảo dưỡng, tình trạng kỹ thuật tàu bay;
đ) Các công việc kiểm tra, thử nghiệm cần thiết khác.
3. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấp, công nhận, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra tình trạng kỹ thuật tàu bay.
Điều 18. Trách nhiệm của người đề nghị cấp, công nhận, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay
1. Kê khai chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung của hồ sơ đề nghị cấp, công nhận, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.
2. Bố trí tàu bay và các tài liệu, hồ sơ kỹ thuật liên quan tại địa điểm và thời gian đã được thống nhất để Cục Hàng không Việt Nam tiến hành công việc kiểm tra. Đối với tàu bay xuất xưởng, người làm đơn phải bố trí việc kiểm tra trong quá trình chế tạo, lắp ráp để xác định tàu bay tuân thủ các đặc tính cơ bản của thiết kế loại đã được phê chuẩn.
3. Chỉ định người chịu trách nhiệm trực tiếp về hồ sơ, tài liệu trong quá trình kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam.
4. Tiến hành các thử nghiệm, kiểm tra đối với tàu bay theo yêu cầu và dưới sự giám sát của Cục Hàng không Việt Nam.
5. Chịu mọi chi phí trong quá trình kiểm tra cấp, công nhận, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.
6. Nộp đủ lệ phí, phí theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Duy trì hiệu lực giấy chứng nhận đủ điều kiện bay
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay chỉ còn hiệu lực khi tàu bay duy trì tính đủ điều kiện bay.
2. Để duy trì tính đủ điều kiện bay của tàu bay, người khai thác tàu bay có trách nhiệm:
a) Thực hiện công tác kiểm tra trước khi bay theo quy định;
b) Sửa chữa các hỏng hóc của hệ thống và cấu trúc có ảnh hưởng đến hoạt động an toàn của tàu bay phù hợp với các tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng trên cơ sở xem xét các giới hạn cho phép của tài liệu danh mục thiết bị tối thiểu (MEL) và danh mục sai lệch cấu hình cho phép (CDL);
c) Thực hiện tất cả các công việc bảo dưỡng được quy định trong chương trình bảo dưỡng tàu bay do Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn;
d) Thực hiện đánh giá hiệu quả của chương trình bảo dưỡng đối với loại tàu bay theo quy định;
đ) Thực hiện các công việc cải tiến kỹ thuật, sửa chữa cấu trúc tàu bay theo quy định;
e) Thực hiện đầy đủ các chỉ lệnh đủ điều kiện bay, chỉ lệnh khai thác và các công việc bảo dưỡng, kiểm tra bắt buộc khác do Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận;
g) Thiết lập chính sách và quy trình cho việc áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công việc kiểm tra không bắt buộc đối với tàu bay có trọng tải cất cánh tối đa lớn hơn 5700 kg, tàu bay được sử dụng vào mục đích thương mại.
3. Căn cứ Phụ ước 6 của Công ước Chicago, Tài liệu hướng dẫn của ICAO, những quy định của Quy chế này, tiêu chuẩn hàng không nước ngoài được Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận và áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam có thể xem xét phê chuẩn khai thác tàu bay theo đề nghị của người khai thác tàu bay trong các trường hợp sau:
a) Khai thác tàu bay vượt quá các quy định của tài liệu danh mục thiết bị tối thiểu, danh mục sai lệch cấu hình tàu bay;
b) Kéo dài thời hạn bảo dưỡng tàu bay, thiết bị tàu bay theo quy định của chương trình bảo dưỡng của tàu bay;
c) Sai lệch so với các quy trình khai thác đã được phê chuẩn;
d) Sai lệch trong quá trình sử dụng dụng cụ bảo dưỡng so với tài liệu quy định.
4. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo khai thác an toàn tàu bay đối với việc duy trì hiệu lực giấy chứng nhận đủ điều kiện bay và việc phê chuẩn khai thác tàu bay.
Điều 20. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu là bằng chứng về tình trạng đủ điều kiện bay của tàu bay được xuất khẩu từ Việt Nam do Cục Hàng không Việt Nam cấp.
2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thoả thuận với các Nhà chức trách hàng không của quốc gia nhập khẩu về các chi tiết chưa đáp ứng được các yêu cầu hoặc tiêu chuẩn thiết kế được Cục Hàng không Việt Nam cho phép miễn trừ.
3. Tàu bay phải được xoá đăng ký quốc tịch Việt Nam trước khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu.
4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu được cấp theo đề nghị của chủ sở hữu hoặc người thuê tàu bay.
5. Điều kiện, trình tự và thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu tương tự như đối với việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.
Mục II. CƠ SỞ THIẾT KẾ, SẢN XUẤT, BẢO DƯỠNG, THỬ NGHIỆM TÀU BAY VÀ TRANG THIẾT BỊ LẮP TRÊN TÀU BAY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ TIÊU CHUẨN, VẬT TƯ TIÊU HAO PHỤC VỤ CÔNG TÁC SỬA CHỮA, BẢO DƯỠNG TÀU BAY
Điều 21. Phạm vi áp dụng
Những quy định tại Mục này được áp dụng đối với hoạt động của cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay.
Điều 22. Điều kiện cấp, gia hạn giấy phép hoạt động của cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay
1. Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động của cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Là tổ chức được thành lập hợp pháp; có lĩnh vực hoạt động hoặc ngành nghề kinh doanh chính là thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay đối với việc thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay;
b) Có tổ chức, nguồn nhân lực được huấn luyện đào tạo, cơ sở trang thiết bị phù hợp; có hệ thống đảm bảo chất lượng, quy trình thực hiện công việc phù hợp;
c) Có hệ thống tài liệu giải trình điều kiện nêu tại điểm b khoản này được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận;
d) Có cơ sở tại Việt Nam thực hiện việc thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng và thử nghiệm tàu bay;
đ) Nộp đầy đủ phí và lệ phí theo quy định.
2. Giấy phép đối với cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng và thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp. Việc gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy phép được thực hiện theo các điều kiện nêu tại khoản 1 của Điều này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của tổ chức thiết kế tàu bay, thiết bị tàu bay bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận tổ chức thiết kế;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Tài liệu “Giải trình tổ chức thiết kế”, trong đó trình bày cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động; các quy trình liên quan đến việc thiết kế sản phẩm; các quy trình đảm bảo chất lượng trong quá trình thiết kế sản phẩm; danh mục các sản phẩm hoặc các thay đổi của sản phẩm sẽ được thiết kế.
4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của tổ chức chế tạo, thử nghiệm tàu bay, thiết bị tàu bay bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận tổ chức chế tạo, thử nghiệm;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Tài liệu “Giải trình tổ chức chế tạo, thử nghiệm”, trong đó trình bày cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động; các quy trình liên quan đến việc chế tạo, thử nghiệm sản phẩm tàu bay, thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; các quy trình đảm bảo chất lượng trong quá trình chế tạo, thử nghiệm; danh mục các sản phẩm hoặc các thay đổi của sản phẩm sẽ được chế tạo và thử nghiệm.
5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của tổ chức bảo dưỡng tàu bay, thiết bị tàu bay bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận tổ chức chế tạo, thử nghiệm;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Tài liệu “Giải trình tổ chức bảo dưỡng”, trong đó trình bày cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động; các quy trình liên quan đến việc bảo dưỡng tàu bay, thiết bị tàu bay; các quy trình đảm bảo chất lượng trong quá trình bảo dưỡng tàu bay; danh mục năng định loại tàu bay, thiết bị tàu bay sẽ được thực hiện bảo dưỡng.
6. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về:
a) Yêu cầu kỹ thuật, lập hồ sơ đối với việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động của cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay;
b) Yêu cầu, quy trình kỹ thuật đối với hoạt động của cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay.
Điều 23. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy phép hoạt động của cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay
1. Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản cho người đề nghị nếu hồ sơ không hợp lệ.
2. Trường hợp hồ sơ được chấp nhận, trong thời hạn 7 ngày Cục Hàng không Việt Nam xem xét nội dung hồ sơ, thông báo kế hoạch kiểm tra tàu bay với các nội dung:
a) Thời gian kiểm tra dự kiến;
b) Người thực hiện kiểm tra;
c) Địa điểm thực hiện kiểm tra.
3. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục Hàng không Việt Nam quyết định việc cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy phép trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra.
Điều 24. Trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay
1. Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều kiện để cấp giấy phép.
2. Cục Hàng không Việt Nam thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau đây:
a) Người đề nghị cấp giấy phép cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình đề nghị cấp, duy trì hiệu lực của giấy phép;
b) Người được cấp giấy phép vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu kỹ thuật, quy định về bảo đảm an toàn đối với cơ sở trong quá trình hoạt động;
c) Người được cấp giấy phép không thực hiện các yêu cầu của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về bảo đảm an toàn hàng không.
Chương 3:
KHAI THÁC TÀU BAY
Mục I. GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI KHAI THÁC TÀU BAY
Điều 25. Phạm vi áp dụng
Những quy định của Mục này được áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay cho tổ chức Việt Nam thực hiện việc khai thác tàu bay.
Điều 26. Điều kiện cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay
Người đề nghị cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập hợp pháp, có trụ sở chính tại Việt Nam;
2. Không có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của quốc gia khác cấp;
3. Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006;
4. Nộp đầy đủ phí và lệ phí theo quy định.
5. Đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tổ chức, nhân lực, tài liệu khai thác, lập hồ sơ đối với việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận người khai thác tàu bay;
6. Có tổ chức hệ thống quản lý an toàn; yêu cầu kỹ thuật về an toàn khai thác tàu bay, tổ chức khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay, tài liệu khai thác bay, duy trì hiệu lực của giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.
Điều 27. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận người khai thác tàu bay
1. Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản cho người đề nghị nếu hồ sơ không hợp lệ.
2. Trường hợp hồ sơ được chấp nhận, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam xem xét nội dung hồ sơ, thông báo kế hoạch kiểm tra tàu bay với các nội dung:
a) Thời gian kiểm tra;
b) Địa điểm kiểm tra;
c) Lĩnh vực và nội dung kiểm tra;
d) Các tài liệu kiểm tra;
đ) Các thử nghiệm cần thiết.
3. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục Hàng không Việt Nam quyết định việc cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận trong thời hạn 30 ngày đối với việc cấp giấy chứng nhận, 20 ngày đối với việc gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận, kể từ ngày thông báo kế hoạch kiểm tra.
Điều 28. Nội dung, thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận người khai thác tàu bay
1. Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay gồm 2 phần sau đây:
a) Phần 1 để trưng bày có dấu và chữ ký của Cục Hàng không Việt Nam;
b) Phần 2 quy định phạm vi hoạt động, bao gồm khu vực khai thác, loại tàu bay, các năng định, điều kiện và giới hạn của giấy chứng nhận.
2. Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của người người khai thác tàu bay;
b) Ngày cấp và thời hạn hiệu lực của từng trang được cấp;
c) Miêu tả các loại hình khai thác được phép thực hiện;
d) Các loại tàu bay được phép sử dụng, số hiệu đăng ký của các tàu bay được khai thác;
đ) Các khu vực, tuyến đường được phép khai thác;
e) Các ủy quyền, phê chuẩn và giới hạn đặc biệt khác do Cục Hàng không Việt Nam cấp phù hợp với các tiêu chuẩn áp dụng đối với việc khai thác và bảo dưỡng do người được cấp giấy chứng nhận thực hiện.
3. Đối với mỗi tàu bay đăng ký trong giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, người được cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay phải mang theo một bản sao của giấy chứng nhận người khai thác tàu bay có xác nhận của Cục Hàng không Việt Nam.
4. Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay hoặc một phần của giấy chứng nhận người khai thác tàu bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp có hiệu lực tối đa là 12 tháng, trừ các trường hợp mất hiệu lực sau đây:
a) Cục Hàng không Việt Nam đình chỉ, thu hồi hoặc kết thúc hiệu lực của giấy chứng nhận người khai thác tàu bay;
b) Người có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay từ bỏ và nộp giấy chứng nhận cho Cục Hàng không Việt Nam;
c) Người có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay ngừng khai thác tàu bay vì mục đích thương mại trong khoảng thời gian nhiều hơn 60 ngày.
Điều 29. Duy trì hiệu lực giấy chứng nhận người khai thác tàu bay
1. Người khai thác có nghĩa vụ:
a) Tạo điều kiện cho Cục Hàng không Việt Nam tiếp cận, giám sát, kiểm tra tổ chức người khai thác, tổ chức bảo dưỡng tàu bay, hồ sơ tài liệu kỹ thuật bảo dưỡng và tình trạng kỹ thuật của tàu bay để xác định việc tuân thủ các yêu cầu về khai thác, bảo dưỡng tàu bay theo quy định;
b) Đảm bảo mọi chuyến bay được thực hiện phù hợp với các điều khoản quy định trong tài liệu hướng dẫn khai thác tàu bay;
c) Bố trí các phương tiện, nhân lực điều hành, phục vụ mặt đất phù hợp đảm bảo điều hành khai thác bay an toàn;
d) Đảm bảo các tàu bay đăng ký trong giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được được cung cấp đầy đủ thành viên tổ bay trong quá trình khai thác và các thành viên tổ bay đó phải được huấn luyện thành thạo cho từng khu vực và loại hình khai thác;
đ) Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm bảo dưỡng tàu bay theo quy định;
e) Cung cấp cho Cục Hàng không Việt Nam tài liệu hướng dẫn khai thác bay theo quy định;
g) Đảm bảo duy trì các thiết bị trợ giúp khai thác tại các căn cứ chính, phù hợp với khu vực và loại hình khai thác;
h) Đảm bảo duy trì hệ thống bảo đảm kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay, quản lý an toàn hàng không hoạt động theo đúng quy định.
2. Cục Hàng không Việt Nam đình chỉ, thu hồi hoặc kết thúc hiệu lực của giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong trường hợp người khai thác tàu bay vi phạm các quy định về duy trì hiệu lực của giấy chứng nhận khai thác tàu bay.
Mục II. HƯỚNG DẪN KHAI THÁC TÀU BAY
Điều 30. Phạm vi áp dụng
Những quy định của Mục này được áp dụng đối với việc khai thác tàu bay của tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp.
Điều 31. Phương thức khai thác tàu bay
1. Người khai thác có nghĩa vụ:
a) Xây dựng và duy trì phương pháp thực hiện kiểm soát khai thác được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn;
b) Đảm bảo kiểm soát tất cả các chuyến bay và thực hiện các điều khoản ghi trong giấy chứng nhận người khai thác tàu bay;
c) Xây dựng tài liệu hướng dẫn khai thác được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn hoặc chấp thuận;
d) Xây dựng phương thức khai thác và hướng dẫn thực hiện cho từng loại tàu bay, bao gồm nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể đối với thành viên tổ bay và các nhân viên khai thác khác;
đ) Đảm bảo tất cả các chuyến bay được cung cấp dịch vụ không lưu, nếu có;
e) Chỉ được sử dụng các sân bay đáp ứng các yêu cầu đối với tàu bay và loại hình khai thác đang áp dụng và phải xác định tiêu chuẩn tối thiểu phù hợp với từng sân bay;
g) Đảm bảo các hoạt động bay chỉ được thực hiện theo các đường bay phù hợp;
h) Xây dựng chính sách nhiên liệu phù hợp;
i) Xây dựng phương thức vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý phù hợp;
k) Xây dựng các phương thức cho công tác chuẩn bị trước chuyến bay, trong khi bay và sau chuyến bay;
l) Xây dựng phương thức thực hiện báo cáo sự cố uy hiếp an toàn bay, tai nạn tàu bay theo quy định;
m) Xây dựng phương thức và hướng dẫn thực hiện cho việc cất, hạ cánh phù hợp trong mọi điều kiện thời tiết.
2. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 32. Tính năng chung đối với tàu bay
1. Người khai thác chỉ được khai thác loại tàu bay phù hợp với các tính năng theo hướng dẫn chi tiết của Cục Hàng không Việt Nam cho loại tàu bay tương ứng.
2. Người khai thác phải đảm bảo việc khai thác tàu bay phù hợp với các tham số về tính năng và giới hạn hoạt động quy định trong tài liệu hướng dẫn khai thác bay của loại tàu bay đó.
Điều 33. Trọng lượng và cân bằng trọng tải
1. Người khai thác có nghĩa vụ:
a) Đảm bảo trong quá trình khai thác, việc xếp tải, trọng lượng và trọng tâm của tàu bay phải tuân thủ các giới hạn quy định trong tài liệu hướng dẫn khai thác bay của loại tàu bay đó hoặc tài liệu hướng dẫn khai thác, nếu tài liệu nào quy định chặt chẽ hơn;
b) Xây dựng chương trình xác định trọng tải và trọng tâm cho từng loại tàu bay trước khi đưa vào khai thác và trong quá trình khai thác tàu bay sau đó;
c) Xác định trọng lượng của tất cả trang thiết bị phục vụ trên tàu bay và trọng lượng của tổ bay vào trọng lượng khai thác rỗng;
d) Xây dựng trọng tải chuyên chở bao gồm các đồ vật được sử dụng cho mục đích điều chỉnh trọng tâm tàu bay, bằng cách cân thực tế hoặc xác định trọng tải chuyên chở theo trọng lượng hành khách và hành lý;
đ) Xác định lượng nhiên liệu trên tàu bay bằng cách xác định tỷ trọng thực tế hoặc các phương pháp tính toán theo quy định.
2. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 34. Phương tiện và thiết bị tàu bay
1. Người khai thác chỉ được thực hiện chuyến bay trong trường hợp các phương tiện và thiết bị của tàu bay đáp ứng các yêu cầu cụ thể như sau:
a) Được phê chuẩn và lắp đặt phù hợp bao gồm yêu cầu về tiêu chuẩn, đặc tính kỹ thuật tối thiểu và tiêu chuẩn đủ điều kiện bay áp dụng cho thiết bị đó;
b) Trong tình trạng hoạt động tốt và phù hợp với loại hình khai thác, ngoại trừ các thiết bị đã được liệt kê trong danh mục thiết bị tối thiểu cho phép cất cánh.
2. Các đặc tính kỹ thuật tối thiểu đối với các phương tiện và thiết bị của tàu bay phải phù hợp với tiêu chuẩn cụ thể do Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận.
3. Thiết bị được thành viên tổ lái sử dụng tại vị trí làm việc trong chuyến bay phải luôn làm việc tốt. Đối với tàu bay có tổ lái nhiều thành viên cùng sử dụng chung một thiết bị thì thiết bị đó phải được lắp đặt ở vị trí tiện lợi phù hợp với yêu cầu sử dụng.
4. Thiết bị được thành viên tổ lái sử dụng phải được bố trí thích hợp để tổ lái có thể nhìn thấy các hiển thị từ vị trí làm việc với sai lệch nhỏ nhất theo hướng nhìn trong khi bay. Nếu một thiết bị được lắp đặt cho nhiều thành viên tổ lái cùng sử dụng phải được bố trí sao cho mỗi thành viên tổ lái dễ dàng nhìn thấy từ vị trí làm việc.
5. Các thiết bị an toàn và các đèn tín hiệu phải được bố trí lắp đặt đầy đủ về số lượng phù hợp với loại hình khai thác và ở trạng thái tốt.
6. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Điều 35. Thiết bị liên lạc và dẫn đường
1. Người khai thác phải đảm bảo chỉ được thực hiện chuyến bay khi thiết bị liên lạc và dẫn đường của tàu bay đáp ứng các yêu cầu cụ thể như sau:
a) Được phê chuẩn và lắp đặt phù hợp với các yêu cầu áp dụng đối với loại thiết bị đó, bao gồm tiêu chuẩn tính năng tối thiểu, các yêu cầu về khai thác và đủ điều kiện bay;
b) Được lắp đặt sao cho khi có hỏng hóc của bất kỳ một khối thiết bị liên lạc hoặc dẫn đường nào, hoặc cả hai không làm việc, thì cũng không làm ảnh hưởng đến đến các thiết bị liên lạc hoặc dẫn đường khác;
c) Đáp ứng các điều kiện phù hợp với loại hình khai thác, trừ những trường hợp đã được liệt kê trong danh mục tối thiểu cho phép cất cánh;
d) Được bố trí để sẵn sàng hoạt động tại vị trí làm việc của thành viên tổ lái trong khi bay. Nếu một thiết bị được lắp đặt cho nhiều thành viên tổ lái cùng sử dụng thì phải được bố trí sao cho mỗi thành viên tổ lái dễ dàng sử dụng từ vị trí làm việc.
2. Các đặc tính kỹ thuật tối thiểu đối với các thiết bị liên lạc và dẫn đường phải phù hợp với tiêu chuẩn cụ thể do Cục Hàng không Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận.
3. Người khai thác chỉ được khai thác tàu bay khi tàu bay đó được lắp đặt thiết bị vô tuyến cần thiết cho loại hình khai thác đang được tiến hành và được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận thiết bị vô tuyến điện phù hợp.
4. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 36. Bảo dưỡng tàu bay
1. Người khai thác tàu bay có nghĩa vụ:
a) Chỉ được khai thác tàu bay khi tàu bay đó được bảo dưỡng bởi một tổ chức bảo dưỡng được phê chuẩn phù hợp về tổ chức bảo dưỡng tàu bay, trừ công việc kiểm tra trước khi bay;
b) Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm liên quan đến bảo dưỡng tàu bay theo quy định;
c) Trình Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng tàu bay để thực hiện các trách nhiệm bảo dưỡng, trừ khi người khai thác có hợp đồng bảo dưỡng với các tổ chức bảo dưỡng được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn;
d) Xây dựng tài liệu "Giải trình điều hành bảo dưỡng” phù hợp, quy định rõ cơ cấu tổ chức, người chịu trách nhiệm về bảo dưỡng và các quy trình đảm bảo việc thực hiện các trách nhiệm bảo dưỡng tàu bay theo quy định, trình Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn;
đ) Xây dựng chương trình bảo dưỡng tàu bay nêu rõ nội dung, tần suất của toàn bộ các công việc bảo dưỡng tàu bay theo hướng dẫn của tổ chức thiết kế có chứng chỉ loại tàu bay ban hành và các yêu cầu về bảo dưỡng khác để đảm bảo an toàn bay, trình Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn;
e) Xây dựng hệ thống nhật ký kỹ thuật cho từng tàu bay ghi chép các thông tin về tình trạng bảo dưỡng, công việc bảo dưỡng và xác nhận bảo dưỡng trước khi tàu bay được đưa vào khai thác, các hỏng hóc đang được trì hoãn có ảnh hưởng đến khai thác tàu bay và các thông tin cần thiết về từng chuyến bay để đảm bảo an toàn bay một cách liên tục, trình Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn;
g) Xây dựng hệ thống ghi chép và lưu giữ tài liệu bao gồm lý lịch tàu bay và động cơ, hồ sơ bảo dưỡng tàu bay, hồ sơ tình trạng thực hiện chỉ lệnh đủ điều kiện bay, cải tiến kỹ thuật, sửa chữa hỏng hóc và nhật ký kỹ thuật cho từng tàu bay.
2. Người khai thác phải đảm bảo tất cả thiết bị lắp trên tàu bay, các vật tư, khí tài sử dụng cho công việc khai thác, bảo dưỡng tàu bay phải được cung cấp từ các nhà cung ứng được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn hoặc chấp thuận.
3. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều này.
Điều 37. Hệ thống đảm bảo chất lượng
1. Người khai thác có nghĩa vụ:
a) Thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng đối với hoạt động khai thác, bảo dưỡng tàu bay nhằm duy trì hiệu lực của giấy chứng nhận người khai thác tàu bay và giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho từng tàu bay được đăng ký trong giấy chứng nhận người khai thác tàu bay; hệ thống đảm bảo chất lượng phải bao gồm hệ thống phản hồi đến giám đốc điều hành để có biện pháp khắc phục khi cần thiết;
b) Đảm bảo mỗi hệ thống chất lượng có chương trình đảm bảo chất lượng; chương trình đảm bảo chất lượng phải có các quy trình nhằm xác định tất cả các hoạt động khai thác, bảo dưỡng tàu bay được thực hiện phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn và phương thức theo quy định.
2. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 38. Chương trình độ tin cậy
1. Người khai thác phải xây dựng chương trình độ tin cậy đối với đội tàu bay khai thác theo hướng dẫn chi tiết của Cục Hàng không Việt Nam, trình Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.
2. Chương trình độ tin cậy của người khai thác đối với tàu bay, động cơ phải được điều hành bởi Hội đồng chương trình độ tin cậy bao gồm người đứng đầu hoặc cấp phó của bộ phận đảm bảo chất lượng, kỹ thuật tàu bay, bảo dưỡng tàu bay.
Điều 39. Hệ thống quản lý an toàn
1. Người khai thác phải thiết lập hệ thống quản lý an toàn theo hướng dẫn chi tiết của Cục Hàng không Việt Nam nhằm nhận biết các mối đe dọa tiềm ẩn uy hiếp an toàn bay, biện pháp khắc phục để duy trì mức an toàn được chấp nhận, đảm bảo tính theo dõi và đánh giá mức an toàn đã đạt được và đặt ra mục tiêu an toàn tổng thể, trình Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.
2. Người khai thác tàu bay có trọng lượng cất cánh tối đa lớn hơn 20.000kg phải thiết lập và duy trì chương trình phân tích dữ liệu bay như là một phần của hệ thống quản lý an toàn. Chương trình phân tích dữ liệu bay phải được xác định là công cụ hữu hiệu để phân tích, đưa ra các khuyến cáo nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra sự cố, tai nạn tàu bay.
Điều 40. Thành viên tổ bay
1. Người khai thác phải đảm bảo số lượng thành viên tổ lái tại các vị trí làm việc phải tuân thủ và không được ít hơn mức tối thiểu quy định trong tài liệu hướng dẫn khai thác tàu bay.
2. Tổ lái bao gồm cả các thành viên tổ lái bổ sung do loại hình khai thác yêu cầu không được ít hơn mức quy định trong tài liệu hướng dẫn khai thác tàu bay.
3. Các thành viên tổ bay, bao gồm cả thành viên tổ lái, phải có giấy phép còn hiệu lực được Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc công nhận, được huấn luyện phù hợp và có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Người khai thác tàu bay phải đảm bảo mỗi chuyến bay phải chỉ định người chỉ huy tàu bay chịu trách nhiệm toàn bộ về khai thác tàu bay trong suốt chuyến bay, người chỉ huy tàu bay phải đáp ứng yêu cầu và được huấn luyện phù hợp.
5. Người khai thác phải đảm bảo số lượng tiếp viên trên mỗi chuyến bay phù hợp với chủng loại tàu bay và loại hình khai thác theo quy định.
6. Người khai thác phải chỉ định tiếp viên trưởng đối với mỗi chuyến bay có từ hai tiếp viên trở lên. Tiếp viên trưởng chịu trách nhiệm trước người chỉ huy tàu bay về đảm bảo an toàn trong khoang khách, tiếp viên trưởng phải đáp ứng yêu cầu và được huấn luyện phù hợp.
7. Người khai thác phải đảm bảo hồ sơ huấn luyện và kiểm tra phải được lưu giữ theo quy định.
8. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.
Điều 41. Các giới hạn thời gian bay, thời gian làm nhiệm vụ và quy định nghỉ ngơi
1. Người khai thác có nghĩa vụ:
a) Thiết lập giới hạn thời gian bay, thời gian làm nhiệm vụ và các quy định nghỉ cho các thành viên tổ bay;
b) Đảm bảo mỗi thành viên tổ bay không được phép làm nhiệm vụ bay khi biết hoặc có nghi ngờ về tình trạng sức khỏe hoặc không thích hợp để tiếp tục làm nhiệm vụ;
c) Quy định căn cứ chính cho mỗi thành viên tổ bay;
d) Xây dựng quy trình xử lý, báo cáo các phát sinh về việc thành viên tổ bay thực hiện nhiệm vụ vượt quá giới hạn thời gian bay, thời gian làm nhiệm vụ phù hợp;
đ) Đảm bảo lưu giữ hồ sơ về thời gian bay, thời gian làm nhiệm vụ và nghỉ ngơi của thành viên tổ bay.
2. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 42. Vận chuyển hàng nguy hiểm
1. Người khai thác chỉ được thực hiện việc vận chuyển hàng nguy hiểm khi được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.
2. Người khai thác có nghĩa vụ:
a) Xây dựng phương thức vận chuyển hàng nguy hiểm bao gồm những hạn chế, phân loại, đóng gói, dãn nhãn và đánh dấu, chứng từ, tiếp nhận, kiểm tra hư hỏng rò rỉ, nhiễm và tẩy bẩn, bốc xếp, cung cấp thông tin về vận chuyển hàng nguy hiểm;
b) Xây dựng, thực hiện và duy trì chương trình huấn luyện cho các nhân viên liên quan đến vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp với “Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật việc chuyên chở an toàn hàng nguy hiểm bằng đường hàng không” của ICAO;
c) Xây dựng phương thức, quy trình báo cáo sự cố và tai nạn do việc vận chuyển hàng nguy hiểm gây ra.
3. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về những nội dung phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 43. An ninh
1. Người khai thác phải đảm bảo tuân thủ và đảm bảo tất cả các nhân viên của mình nắm vững và tuân thủ các quy định về an ninh hàng không.
2. Người khai thác phải xây dựng, thực hiện và duy trì chương trình huấn luyện cho các nhân viên liên quan theo các quy định về an ninh hàng không.
3. Người khai thác phải xây dựng phương thức, quy trình báo cáo về các hành vi can thiệp bất hợp pháp theo các quy định về an ninh hàng không.
4. Người khai thác phải đảm bảo các tàu bay mang theo bảng danh mục kiểm tra, quy trình phát hiện vũ khí, chất nổ và các vật phẩm nguy hiểm khác.
5. Người khai thác phải đảm bảo cửa buồng lái phải được khóa từ bên trong, có biện pháp hoặc quy trình để tiếp viên có thể thông báo cho tổ lái trong trường hợp có hành động khả nghi hoặc vi phạm trật tự trong khoang hành khách.
Chương 4:
NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG
Điều 44. Phạm vi áp dụng
Chương này được áp dụng đối với việc huấn luyện, cấp giấy phép, giấy chứng nhận, năng định cho các nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không sau đây:
1. Học viên bay.
2. Người lái tàu bay tư nhân.
3. Người lái tàu bay thương mại.
4. Người lái tàu bay thuộc tổ lái nhiều thành viên.
5. Người lái tàu bay vận tải hàng không.
6. Giáo viên huấn luyện bay.
7. Cơ giới trên không.
8. Dẫn đường trên không.
9. Nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.
10. Nhân viên điều độ khai thác bay.
11. Tiếp viên hàng không.
12. Nhân viên khai thác vô tuyến tàu bay.
Mục I. GIẤY PHÉP, NĂNG ĐỊNH NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG
Điều 45. Nguyên tắc cấp giấy phép, năng định nhân viên hàng không
Ngoài các quy định khác của pháp luật về cấp giấy phép, năng định nhân viên hàng không, việc cấp giấy phép, năng định phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
1. Người được cấp giấy phép, năng định đáp ứng các quy định về độ tuổi, kiến thức hàng không, kinh nghiệm, huấn luyện bay, kỹ năng và sức khỏe đối với các giấy phép và năng định đó;
2. Người được cấp giấy phép, năng định chứng tỏ khả năng của mình đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng chuyên môn phù hợp và được Cục Hàng không Việt Nam chấp nhận.
3. Người được cấp năng định chủng loại tàu bay, hạng và loại tàu bay ghi trong giấy phép người lái khi những năng định đó phản ánh phù hợp với chủng loại tàu bay, hạng và loại tàu bay đã được sử dụng để chứng tỏ kỹ năng và kiến thức chuyên môn phù hợp và được Cục Hàng không Việt Nam chấp nhận.
Điều 46. Các loại năng định được cấp
1. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho người lái tàu bay các năng định chủng loại tàu bay sau: máy bay, máy bay lên xuống thẳng đứng, máy bay cánh quay, tàu lượn, tàu bay nhẹ hơn không khí.
2. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho người lái tàu bay các năng định hạng tàu bay sau:
a) Năng định hạng máy bay đối với máy bay một động cơ, máy bay một động cơ - thủy phi cơ, máy bay nhiều động cơ và máy bay nhiều động cơ - thủy phi cơ;
b) Năng định hạng máy bay cánh quay đối với máy bay trực thăng và máy bay cánh quay giro;
c) Năng định hạng tàu bay nhẹ hơn không khí đối với khí cầu có điều khiển và khí cầu tự do.
3. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho người lái tàu bay các năng định loại tàu bay sau:
a) Năng định loại tàu bay được cấp để người có năng định thực hiện quyền của người chỉ huy tàu bay đối với tàu bay loại lớn nặng hơn không khí, máy bay loại nhỏ lắp động cơ tuốc bin phản lực, trực thăng loại nhỏ khai thác cần người lái có giấy phép lái tàu bay vận tải hàng không, tàu bay theo chứng chỉ có ít nhất 02 người lái hoặc bất cứ tàu bay cần thiết khác theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam;
b) Năng định loại tàu bay nêu tại điểm a khoản này có thể được cấp cho người lái phụ, trừ năng định loại đối với trực thăng loại nhỏ khai thác cần người lái có giấy phép lái tàu bay vận tải hàng không.
4. Cục Hàng không Việt Nam cấp năng định khả năng bay bằng thiết bị cho các loại tàu bay sau: máy bay bay bằng thiết bị; trực thăng bay bằng thiết bị.
5. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho giáo viên huấn luyện bay các năng định chủng loại và hạng tàu bay sau: máy bay một động cơ, máy bay nhiều động cơ, tàu bay cánh quay, trực thăng, thiết bị bay tạo lực nâng bằng động cơ, tàu lượn, máy bay bằng thiết bị, trực thăng bay bằng thiết bị.
6. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho nhân viên cơ giới trên không các năng định sau: động cơ piston, động cơ tuôc bin cánh quạt, động cơ tuốc bin phản lực.
7. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho giáo viên huấn luyện bay lý thuyết dưới mặt đất các năng định sau: cơ bản, nâng cao, huấn luyện bay bằng thiết bị.
8. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay các năng định sau:
a) Năng định hạng tàu bay: động cơ máy bay, bộ môn máy bay;
b) Năng định loại tàu bay: loại tàu bay đối với tàu bay có tổng trọng lượng cất cánh hơn 5700 kg; loại động cơ đối với động cơ lắp trên tàu bay có tổng trọng lượng cất cánh hơn 5700 kg;
c) Các năng định cụ thể cần thiết khác theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
9. Cục Hàng không Việt Nam cấp cho nhân viên sửa chữa chuyên ngành tàu bay các năng định loại sau: cánh quạt, điện điện tử, thiết bị, máy tính, thiết bị lẻ, lắp ráp tàu bay thử nghiệm và các năng định cụ thể cần thiết khác theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 47. Cấp phép bổ sung bằng xác nhận đặc biệt
Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bổ sung bằng văn bản xác nhận đặc biệt sau đây:
1. Người lái được phép khai thác CAT II theo phân loại của Cục Hàng không Việt Nam.
2. Người lái được phép khai thác CAT III theo phân loại của Cục Hàng không Việt Nam.
3. Nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay có quyền giám sát, kiểm tra.
4. Thành viên tổ lái được sử dụng thiết bị liên lạc vô tuyến.
5. Các phép đặc biệt khác theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 48. Tiêu chuẩn nhân viên hàng không
1. Nhân viên hàng không tùy theo năng định chuyên môn phải đáp ứng yêu cầu về độ tuổi như sau:
a) Học viên bay phải ít nhất là 16 tuổi đối với các hoạt động khai thác khác không sử dụng khí cầu và tàu lượn; 14 tuổi đối với các hoạt động khai thác sử dụng khí cầu, tàu lượn;
b) Người lái tàu bay tư nhân phải ít nhất là 17 tuổi đối với các năng định khác khí cầu và tàu lượn; 16 tuổi đối với các năng định khí cầu, tàu lượn;
c) Người lái tàu bay thương mại phải ít nhất là 18 tuổi;
d) Người lái tàu bay thuộc tổ lái nhiều thành viên phải ít nhất là 21 tuổi;
đ) Người lái tàu bay vận tải hàng không phải ít nhất là 21 tuổi.
e) Giáo viên huấn luyện bay phải ít nhất là 21 tuổi;
g) Cơ giới trên không phải ít nhất là 18 tuổi;
h) Dẫn đường trên không ít nhất phải 18 tuổi;
i) Nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay ít nhất là 18 tuổi;
k) Nhân viên điều độ khai thác bay ít nhất là 21 tuổi;
l) Tiếp viên hàng không ít nhất là 18 tuổi.
2. Nhân viên hàng không thuộc các lĩnh vực chuyên môn phải được huấn luyện, đào tạo tại các cơ sở huấn luyện, đào tạo với chương trình huấn luyện được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công và tích lũy đủ thời gian thực hành, kinh nghiệm thực tế, khả năng thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành hàng không thực hành phù hợp với các yêu cầu của Phụ ước 1 của Công ước Chicago.
3. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về trình độ chuyên môn, thời gian thực tập và huấn luyện, chứng nhận sức khỏe, chứng nhận khả năng thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành hàng không, kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành phù hợp với giấy phép và năng định nhân viên hàng không đề nghị cấp.
Điều 49. Hiệu lực của Giấy phép
1. Trừ các quy định nêu tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều này, các loại giấy phép do Cục Hàng không Việt Nam cấp có thời hạn 5 năm.
2. Giấy phép học viên bay hết hạn sau 24 tháng kể từ ngày được cấp.
3. Giấy phép giáo viên bay hết hạn sau 24 tháng kể từ ngày được cấp và chỉ có giá trị khi người đó có giấy phép lái tàu bay còn hiệu lực.
4. Phép bổ sung khai thác CAT II và CAT III của người lái hết hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày được cấp.
5. Đối với giấy phép nhân viên sửa chữa chuyên ngành tàu bay:
a) Giấy phép được cấp trên cơ sở công việc của nhân viên hết hạn khi người đó không còn làm công việc theo nhiệm vụ được cấp giấy phép.
b) Giấy phép nhân viên có năng định lắp ráp tàu bay thử nghiệm được cấp trên cơ sở các thiết kế chính của tàu bay hết hạn khi người đó không còn làm công việc thiết kế tàu bay cụ thể được cấp trong giấy phép.
6. Giấy phép của nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay có quyền giám sát, kiểm tra hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày được cấp.
Điều 50. Hạn chế đối với giấy phép
Cục Hàng không Việt Nam có thể cấp giấy phép với các hạn chế về sức khỏe hoặc các yếu tố khác phải đáp ứng, với điều kiện:
1. Người làm đơn đáp ứng các yêu cầu khác về kiểm tra cấp giấy phép, năng định và các phép khác được đề nghị.
2. Các hạn chế về sức khỏe hoặc các yếu tố khác phải được ghi nhận trong hồ sơ sức khỏe.
3. Cục Hàng không Việt Nam phải xác định được những yêu cầu đảm bảo an toàn trong điều kiện khai thác cụ thể.
Điều 51. Công nhận hiệu lực giấy phép, năng định không do Cục Hàng không Việt Nam cấp
1. Người làm đơn đề nghị công nhận giấy phép phải nộp kèm theo đơn giấy phép lái tàu bay nước ngoài, giấy chứng nhận sức khỏe thể hiện bằng tiếng Anh hoặc bản dịch bằng tiếng Anh có xác nhận của Nhà chức trách hàng không cấp giấy phép.
2. Người làm đơn có thể đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy công nhận giấy phép với các năng định phù hợp hoặc chuyển năng định từ giấy phép gốc sang giấy công nhận do Cục Hàng không Việt Nam cấp, với điều kiện người làm đơn:
a) Không trong tình trạng bị quốc gia cấp giấy phép thu hồi hoặc huỷ bỏ giấy phép;
b) Có giấy phép được cấp phù hợp với tiêu chuẩn ICAO;
c) Có giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị phù hợp với giấy phép và năng định đề nghị cấp;
d) Có chứng nhận khả năng thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành hàng không theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
3. Cục Hàng không Việt Nam xem xét hồ sơ, phỏng vấn người làm đơn, có thể liên hệ với nhà chức trách quốc gia cấp giấy phép, có quyền quyết định phạm vi kiến thức hoặc kỹ năng mà người làm đơn phải chứng minh, xem xét việc công nhận giấy phép cho người làm làm đơn với các hạn chế và quyền khai thác cụ thể.
4. Trừ trường hợp người đề nghị là công dân Việt Nam, người làm đơn có thể sử dụng giấy phép lái tàu bay do nước ngoài cấp là cơ sở để xin cấp giấy phép của Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam ghi vào giấy phép được cấp số giấy phép nước ngoài, quốc gia cấp giấy phép và ngày hết hạn của giấy phép.
5. Công dân Việt Nam có giấy phép lái tàu bay còn hiệu lực do quốc gia thành viên ICAO cấp được làm đơn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép và năng định phù hợp hoặc chuyển năng định từ giấy phép gốc sang giấy phép Việt Nam. Trong trường hợp đó, giấy phép sẽ có hiệu lực để khai thác tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam không phụ thuộc vào tình trạng của giấy phép lái tàu bay gốc do nước ngoài cấp và người được cấp/công nhận giấy phép phải tuân thủ các quy định về kiểm tra, gia hạn giấy phép Việt Nam. Giấy phép, năng định được cấp hoặc công nhận nêu tại Điều này có những quyền và hạn chế giống giấy phép, năng định được Cục Hàng không Việt Nam cấp theo quy định của các Điều 45, 46, 48, 49 và 50 của Quy chế này.
6. Người không phải là công dân Việt Nam có giấy phép lái tàu bay còn hiệu lực do quốc gia thành viên ICAO cấp được làm đơn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép và năng định phù hợp, với điều kiện người làm đơn phải được bảo trợ bởi tổ chức hoặc cơ quan Nhà nước Việt Nam và phải có giấy phép làm việc. Cục Hàng không Việt Nam có thể xem xét cấp năng định cần thiết cho công việc dự định thực hiện trong số những năng định có trong giấy phép lái tàu bay nước ngoài.
7. Người không phải là công dân Việt Nam có giấy phép lái tàu bay còn hiệu lực do quốc gia thành viên ICAO cấp được làm đơn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép lái tàu bay tư nhân và năng định phù hợp mà không cần phải thực hiện các thủ tục kiểm tra. Cục Hàng không Việt Nam có thể xem xét:
a) Cấp năng định trong số những năng định có trong giấy phép lái tàu bay nước ngoài;
b) Cấp năng định bay bằng thiết bị có trong giấy phép lái tàu bay nước ngoài nếu đạt bài kiểm tra kiến thức lý thuyết và có khả năng thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành hàng không theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
8. Người được cấp giấy phép theo quy định tại khoản 6 Điều này có thể được thực hiện quyền của giấy phép lái tàu bay tư nhân trên tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Chương III của Quy chế này.
9. Ngoại trừ người lái tàu bay là phi công quân sự bị đình chỉ bay vì lý do năng lực hoặc vi phạm kỷ luật hoạt động bay, công dân Việt Nam có năng định phi công quân sự đáp ứng các yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, trong thời hạn 1 năm kể từ khi rời quân đội, có thể làm đơn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép, năng định sau trên cơ sở trình độ đã được huấn luyện trong quân đội:
a) Giấy phép lái tàu bay thương mại;
b) Năng định tàu bay về chủng loại và loại tàu bay đối với tàu bay đã bay trong quân đội;
c) Năng định bay bằng thiết bị phù hợp đối với tàu bay đã bay trong quân đội;
d) Năng định loại tàu bay khác, nếu có.
Mục II. HUẤN LUYỆN
Điều 52. Hồ sơ huấn luyện
Người đề nghị cấp giấy phép, năng định nhân viên hàng không phải có tài liệu và ghi chép trong hồ sơ huấn luyện các loại thời gian sau đây theo mẫu được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận:
1. Thời gian huấn luyện và kinh nghiệm hàng không được sử dụng để đáp ứng yêu cầu về giấy phép, năng định, trình độ, các cho phép bổ sung hoặc đánh giá trước khi cho phép bay.
2. Kinh nghiệm hàng không cần thiết cho thấy kinh nghiệm bay hiện tại theo quy định tại Mục này.
Điều 53. Giáo viên huấn luyện bay không do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép
1. Người lái tàu bay có thể được chấp nhận đáp ứng yêu cầu về huấn luyện bay nếu người đó được huấn luyện bởi:
a) Giáo viên bay quân sự theo chương trình được sử dụng trong quân sự của Việt Nam hoặc của một nước thành viên ICAO;
b) Giáo viên bay được nhà chức trách hàng không của quốc gia thành viên ICAO cho phép và việc huấn luyện này được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam.
2. Giáo viên bay nêu tại khoản 1 của Điều này chỉ được phép xác nhận những nội dung mà mình huấn luyện.
Điều 54. Cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không
1. Cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không hoặc công nhận.
2. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không hoặc công nhận cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không nước ngoài được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về nhân viên hàng không và cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
3. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn chi tiết về yêu cầu, tiêu chuẩn và chương trình đào tạo, huấn luyện đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
4. Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ sở cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cấp hoặc duy trì hiệu lực giấy chứng nhận;
b) Cơ sở vi phạm nghiêm trọng hoặc không thực hiện các yêu cầu của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền về bảo đảm an toàn hàng không;
c) Cơ sở không còn đáp ứng đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận.
Điều 55 . Huấn luyện tại tổ chức được phê chuẩn
Người có giấy chứng nhận tốt nghiệp của trung tâm huấn luyện được phê chuẩn theo quy định tại Điều 54 của Quy chế này trong vòng 60 ngày kể từ ngày tốt nghiệp sẽ được Cục Hàng không Việt Nam coi như đáp ứng các điều kiện về kinh nghiệm và kiến thức hàng không và các yêu cầu về lĩnh vực khai thác theo quy định của Chương này đối với năng định đề nghị cấp.
Điều 56. Phê chuẩn thiết bị huấn luyện bay mô phỏng
1. Việc sử dụng thiết bị huấn luyện bay mô phỏng để thu được kinh nghiệm và thể hiện kỹ năng phải tuân thủ các điều kiện phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam.
2. Việc sử dụng thiết bị huấn luyện bay mô phỏng để thu được kinh nghiệm và thể hiện kỹ năng cần thiết cho giấy phép và năng định theo quy định tại Chương này đối với những lĩnh vực sau đây, trừ khi thiết bị đó được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn:
a) Nhằm sử dụng để huấn luyện và kiểm tra;
b) Đối với những thao tác, phương thức hoặc chức năng cụ thể do thành viên tổ bay thực hiện;
c) Sử dụng cho chủng loại hoặc loại tàu bay cụ thể; cho các phương án hoặc tổ hợp tàu bay đối với loại thiết bị huấn luyện bay nhất định.
Mục III. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ KIỂM TRA SÁT HẠCH
Điều 57. Nguyên tắc của việc kiểm tra sát hạch
Kiểm tra sát hạch quy định tại Mục này phải được thực hiện bởi người có thẩm quyền, tại thời gian, địa điểm do Cục Hàng không Việt Nam xác định.
Điều 58. Kiểm tra sát hạch lý thuyết
Người làm đơn để kiểm tra sát hạch lý thuyết phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Được giáo viên có thẩm quyền xác nhận là đã hoàn thành khoá huấn luyện lý thuyết mặt đất hoặc khoá tự học theo quy định tại Chương này đối với giấy phép, năng định đề nghị cấp và đã chuẩn bị để kiểm tra sát hạch.
2. Có thẻ nhận dạng tại thời điểm nộp đơn trong đó có ảnh, chữ ký và ngày sinh của người làm đơn đáp ứng quy định về độ tuổi của Chương này cho từng loại giấy phép, năng định theo đề nghị tính đến khi hết hạn của báo cáo kiểm tra sát hạch lý thuyết.
3. Cục Hàng không Việt Nam quy định mức đạt cụ thể đối với từng loại kiểm tra sát hạch lý thuyết.
Điều 59. Kiểm tra sát hạch thực hành
1. Để đủ điều kiện kiểm tra sát hạch thực hành, người làm đơn phải đáp ứng tất cả các điều kiện quy định cho loại giấy phép hoặc năng định đề nghị cấp theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
2. Nếu người đề nghị cấp giấy phép, năng định để thực hiện nhiệm vụ thành viên tổ bay mà không đạt bất kỳ phần nào trong nội dung khai thác thì người đó bị coi là không đạt bài kiểm tra sát hạch thực hành. Người thực hiện kiểm tra sát hạch có thể dừng kiểm tra sát hạch thực hành trong trường hợp:
a) Khi người làm đơn không đạt một hoặc nhiều nội dung về khai thác;
b) Do điều kiện thời tiết, tính đủ điều kiện bay của tàu bay, hoặc những yếu tố khác ảnh hưởng tới an toàn chuyến bay.
3. Nếu người làm đơn không hoàn thành hết tất cả các nội dung của bài kiểm tra sát hạch trong cùng một ngày, người làm đơn phải hoàn thành tất cả các nội dung đó trong vòng 60 ngày sau. Đối với trường hợp kiểm tra sát hạch thực hành bị dừng theo quy định tại khoản 2 Điều này, người làm đơn có thể được Cục Hàng không Việt Nam tính công nhận các nội dung về khai thác với điều kiện:
a) Đạt phần còn lại của bài kiểm tra trong vòng 60 ngày kể từ ngày bắt đầu bài kiểm tra;
b) Xuất trình được với người thực hiện kiểm tra bản chính văn bản không phê chuẩn hoặc thông báo dừng kiểm tra.
c) Hoàn thành các huấn luyện bổ sung cần thiết và có xác nhận phù hợp của giáo viên trong trường hợp phải yêu cầu huấn luyện bổ sung.
4. Nếu người làm đơn không hoàn thành hết tất cả các nội dung của bài kiểm tra sát hạch trong vòng 60 ngày kể từ ngày bắt đầu kiểm tra, người làm đơn phải thực hiện lại toàn bộ bài kiểm tra, kể các các nội dung đã đạt.
Điều 60. Kiểm tra sát hạch lại
1. Người dự kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành không đạt có thể làm đơn đề nghị kiểm tra lại sau khi được huấn luyện bổ sung cần thiết và có xác nhận của giáo viên huấn luyện bổ sung là có năng lực qua được bài kiểm tra sát hạch.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, người dự kiểm tra sát hạch để được cấp giấy phép giáo viên huấn luyện bay với năng định chủng loại tàu bay hoặc giấy phép giáo viên huấn luyện bay với năng định tàu lượn mà không đạt bài kiểm tra vì không đáp ứng được kỹ năng giảng dạy về nhận biết trạng thái thất tốc, phương thức xử lý khi bắt đầu vào tình trạng xoáy, trong tình trạng xoáy và thoát khỏi tình trạng xoáy phải đáp ứng điều kiện sau trong lần kiểm tra sát hạch lại:
a) Dùng tàu bay phù hợp chủng loại đối với năng định đề nghị cấp và được xác nhận phù hợp trong tình trạng xoáy;
b) Chứng tỏ được kỹ năng giảng dạy về nhận biết trạng thái thất tốc, bắt đầu vào tình trạng xoáy, trong tình trạng xoáy và thoát khỏi tình trạng xoáy.
Điều 61. Khả năng thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh hàng không
1. Người lái tàu bay và các nhân viên tham gia liên lạc thoại vô tuyến quốc tế đề nghị cấp giấy phép phải được kiểm tra, đánh giá khả năng thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh hàng không.
2. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá khả năng thông thạo ngôn ngữ và thời hạn đánh giá đối với từng chức danh nhân viên hàng không cụ thể.
Mục IV. GIẤY CHỨNG NHẬN SỨC KHỎE
Điều 62. Đánh giá sức khỏe
1. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận sức khỏe phải được giám định viên y khoa kiểm tra, giám định sức khỏe, có đánh giá sức khỏe phù hợp của cơ sở y tế giám định sức khỏe do Cục Hàng không Việt Nam chỉ định hoặc chấp thuận để thực hiện việc kiểm tra, giám định sức khỏe và phải có hồ sơ sức khỏe.
2. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận sức khỏe có thể được yêu cầu bổ sung thông tin về sức khỏe hoặc tiền sử khi cần thiết bằng cách:
a) Yêu cầu người đề nghị cấp giấy chứng nhận cung cấp thông tin; hoặc
b) Đề nghị bất kỳ phòng khám, bệnh viện, bác sỹ, hoặc một người nào đó chuyển thông tin hoặc hồ sơ liên quan đến quá khứ sức khỏe.
3. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận sức khỏe phải báo cáo đầy đủ, chính xác theo sự hiểu biết của mình thông tin về sức khỏe của mình và chịu trách nhiệm về thông tin sai lệch. Cơ sở y tế giám định sức khỏe có trách nhiệm công bố báo cáo về bất cứ thông tin sai lệch nào của người đề nghị cấp giấy chứng nhận sức khỏe liên quan đến việc cấp giấy phép hoặc năng định cho Cục Hàng không Việt Nam khi phát hiện được thông tin sai lệch hoặc khi được Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.
4. Trong trường hợp người đề nghị cấp hoặc người được cấp giấy chứng nhận sức khỏe từ chối cung cấp các yêu cầu thông tin về sức khỏe hoặc quá khứ, không xác nhận được các thông tin đó, hoặc cung cấp các thông tin sai lệch, cơ sở y tế giám định sức khỏe, Cục Hàng không Việt Nam có thể:
a) Từ chối việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
b) Tạm đình chỉ, sửa đổi hoặc thu hồi tất cả giấy chứng nhận sức khỏe của cá nhân đó.
5. Cơ sở y tế giám định sức khỏe phải gửi báo cáo chi tiết về kết quả kiểm tra, giám định sức khỏe của người xin cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho Cục Hàng không Việt Nam khi được yêu cầu. Việc gửi báo cáo có thể được thực hiện bằng mạng điện tử được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt.
6. Nội dung, quy trình, chương trình kiểm tra, giám định, đánh giá sức khỏe, nơi kiểm tra, giám định sức khỏe phải được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.
Điều 63. Bảo mật hồ sơ sức khỏe
1. Cục Hàng không Việt Nam, cơ sở y tế giám định sức khỏe, bác sỹ thực hiện kiểm tra, giám định sức khỏe và người sử dụng lao động có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ sức khỏe của nhân viên hàng không.
2. Báo cáo và hồ sơ sức khỏe sẽ được lưu giữ. Bác sỹ thực hiện kiểm tra, giám định sức khỏe sẽ được truy cập tất cả các hồ sơ sức khỏe của người đề nghị cấp hoặc người được cấp giấy chứng nhận sức khỏe được lưu giữ.
3. Không một nhân viên hàng không nào được cấp hoặc tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe khi không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.
Điều 64. Đánh giá viên y khoa
1. Đánh giá viên y khoa do Cục Hàng không Việt Nam bổ nhiệm để đánh giá sự phù hợp của các báo cáo và hồ sơ sức khỏe của cơ sở y tế giám định sức khỏe với các tiêu chuẩn sức khỏe áp dụng.
2. Đánh giá viên y khoa phải đáp ứng các yêu cầu như đối với giám định viên y khoa của cơ sở y tế giám định sức khỏe và được huấn luyện về đánh giá báo cáo và hồ sơ sức khỏe.
3. Đánh giá viên y khoa không được đồng thời là giám định viên y khoa của cơ sở y tế giám định sức khỏe.
Điều 65. Cấp, gia hạn giấy chứng nhận sức khỏe
1. Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp cho người đề nghị theo trình tự sau đây:
a) Giám định viên y khoa kiểm tra, giám định sức khỏe của người đề nghị;
b) Cơ sở y tế giám định sức khỏe đánh giá kết quả giám định, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam;
c) Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn báo cáo đánh giá của giám định viên y khoa.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe có giá trị tối đa 12 tháng kể từ ngày cấp và được gia hạn theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
3. Kết quả kiểm tra, giám định, đánh giá sức khỏe của cơ sở y tế giám định sức khỏe, đánh giá viên y khoa có hiệu lực tối đa là 45 ngày và có thể bị rút ngắn phụ thuộc vào sự xem xét chuyên môn của Cục Hàng không Việt Nam về mặt lâm sàng.
4. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn cụ thể về yêu cầu chuyên môn đối với việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
5. Người bị từ chối cấp giấy chứng nhận sức khỏe có thể, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bị từ chối, kiến nghị bằng văn bản để Cục Hàng không Việt Nam xem xét lại việc từ chối đó.
Điều 66. Cấp giấy chứng nhận sức khỏe đặc biệt
Giấy chứng nhận sức khỏe đặc biệt có thể được cấp khi có lý do thỏa đáng chứng minh:
1. Kết luận chính thức về sức khỏe chỉ ra rằng trong trường hợp cụ thể thì việc không đủ điều kiện sẽ:
a) Không ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ được ghi trong giấy phép;
b) Không ảnh hưởng đến an toàn khi thực hiện nhiệm vụ;
c) Không ảnh hưởng đến an toàn khai thác tàu bay;
d) Không gây ra mất khả năng làm việc.
2. Kỹ năng, kinh nghiệm của nhân viên hàng không và các điều kiện làm việc được cân nhắc phù hợp.
3. Người được cấp giấy phép đặc biệt có khả năng tuân theo các giới hạn trong giấy phép để thực hiện công việc.
Điều 67. Gia hạn đặc biệt đối với giấy chứng nhận sức khỏe
1. Nếu người có giấy phép thực hiện nhiệm vụ ở khu vực xa nơi có điều kiện kiểm tra, giám định sức khỏe được chỉ định thì có thể được Cục Hàng không Việt Nam gia hạn đặc biệt trong trường hợp cần thiết và được coi như một trường hợp ngoại lệ không được lạm dụng với các điều kiện sau đây:
a) Thời hạn 6 tháng một lần, trong trường hợp thành viên tổ lái tàu bay không khai thác thương mại;
b) Thời hạn không quá 3 tháng một lần trong trường hợp thành viên tổ lái tàu bay đang khai thác thương mại, với điều kiện hai báo cáo sức khỏe liên tiếp trước đó không có vấn đề đặc biệt;
c) Được kiểm tra sức khỏe bởi cơ sở y tế giám định sức khỏe được chỉ định trong khu vực có liên quan; trong các trường hợp không thể chỉ định được cơ sở y tế giám định sức khỏe thì được bác sỹ có năng lực được pháp luật công nhận thực hiện việc kiểm tra sức khỏe tại khu vực nơi mà thành viên tổ lái thường trú.
2. Người lái tàu bay tư nhân sẽ nhận được gia hạn đặc biệt với thời hạn một lần trong vòng 24 tháng do cơ sở y tế giám định sức khỏe được quốc gia thành viên ICAO chỉ định thực hiện kiểm tra sức khỏe tại nơi người đó đang tạm trú.
3. Báo cáo kiểm tra sức khỏe nêu tại khoản 1 và 2 Điều này phải được gửi đến Cục Hàng không Việt Nam trước khi tiến hành thực hiện bất cứ việc khai thác tàu bay nào trong thời hạn được gia hạn đặc biệt.
Điều 68. Thừa nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận sức khỏe nước ngoài
Cục Hàng không Việt Nam có thể thừa nhận tiêu chuẩn sức khỏe nước ngoài đối với việc kiểm tra, giám định sức khỏe của cơ sở y tế giám định sức khỏe được chỉ định.
Cục Hàng không Việt Nam có thể thừa nhận giấy chứng nhận sức khỏe do quốc gia thành viên khác của ICAO cấp thay cho việc kiểm tra, giám định sức khỏe của cơ sở y tế giám định sức khỏe được chỉ định.
Cục Hàng không Việt Nam có thể chấp thuận việc nhân viên hàng không thực hiện nhiệm vụ trong khoảng thời gian nhất định tại Việt Nam nếu có giấy chứng nhận sức khỏe do quốc gia thành viên khác của ICAO cấp thay cho việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe của Việt Nam.
Mục V. CƠ SỞ Y TẾ GIÁM ĐỊNH SỨC KHỎE CHO NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG
Điều 69. Giấy chứng nhận cơ sở y tế giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không
1. Không tổ chức nào được phép giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không khi chưa được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận cơ sở y tế giám định sức khỏe nhân viên hàng không (sau đây viết tắt là giấy chứng nhận AMC) hoặc vi phạm các quy định trong giấy chứng nhận đã được cấp.
2. Giấy chứng nhận AMC có thể được cấp cho cơ sở y tế trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam, có hiệu lực 12 tháng trừ khi bị đình chỉ, huỷ bỏ hoặc thu hồi.
3. Việc đề nghị cấp giấy chứng nhận AMC, năng định của giấy chứng nhận AMC, chấp thuận giám định viên y khoa, trưởng giám định viên y khoa được thực hiện theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam.
4. Ngoài việc tuân thủ các quy định tại mục này, cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn của cơ sở y tế giám định sức khỏe nhân viên hàng không do Bộ Y tế ban hành.
Điều 70. Mất hiệu lực của giấy chứng nhận AMC
1. Cục Hàng không Việt Nam có thể từ chối, đình chỉ, thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận AMC nếu cơ sở giám định sức khỏe:
a) Không đáp ứng, hoặc không còn đáp ứng được những yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận AMC; hoặc
b) Đệ trình đơn không đầy đủ, hoặc không chính xác, hoặc chứa đựng những thông tin không trung thực, gian lận; hoặc
c) Thực hiện việc kiểm tra, giám định, báo cáo sức khỏe, lập hồ sơ sức khỏe một cách không trung thực hoặc có sai sót nghiêm trọng.
2. Việc đình chỉ, thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận AMC sẽ được thông báo rộng rãi, công khai.
Điều 71. Trụ sở và chi nhánh của AMC
1. Cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC phải có văn phòng chính đặt tại địa chỉ được ghi trên giấy chứng nhận AMC. Văn phòng chính không được sử dụng chung, hoặc sử dụng bởi một tổ chức khác có giấy chứng nhận AMC.
2. Cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC có thể kiểm tra, giám định sức khỏe tại địa điểm chi nhánh khác nếu:
a) Có giám định viên y khoa của cơ sở tại chi nhánh đó và có thể thực hiện bất kỳ phần nào trong chương trình kiểm tra, giám định sức khỏe;
b) Cơ sở, thiết bị và nhân lực đáp ứng được các yêu cầu hiện hành;
c) Giám định viên y khoa và nhân viên tại cơ sở chi nhánh được văn phòng trụ sở AMC giám sát và quản lý trực tiếp;
d) Có quy trình đảm bảo việc kiểm tra, giám định sức khỏe tại cơ sở chi nhánh đạt cùng mức độ về chất lượng như ở trụ sở chính;
đ) Cục Hàng không Việt Nam đã được thông báo bằng văn bản về cơ sở chi nhánh đó tối thiểu 30 ngày trước khi cơ sở đó bắt đầu tiến hành kiểm tra, giám định sức khỏe.
Điều 72. Ban quản lý, giám định viên y khoa của cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC
Cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC khi đáp ứng các điều kiện sau về ban quản lý, giám định viên y khoa:
1. Có người quản lý có năng lực và thẩm quyền để đảm bảo rằng hoạt động của cơ sở tuân thủ mọi quy định, yêu cầu, được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận;
2. Giám định viên y khoa là bác sỹ có năng lực chuyên môn phù hợp để thực hiện việc kiểm tra, giám định sức khỏe nhân viên hàng không, được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận;
3. Trưởng giám định viên y khoa được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận. Trưởng giám định viên y khoa chịu trách nhiệm đối với công việc của giám định viên y khoa và các nhân viên y tế khác tham gia vào quá trình kiểm tra, giám định sức khỏe, ký báo cáo kết luận kiểm tra, giám định sức khỏe.
Điều 73. Yêu cầu về nhân viên y tế của cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC
Cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC khi đáp ứng các điều kiện sau về nhân viên y tế:
1. Các nhân viên y tế được tuyển dụng phải có đủ trình độ năng lực chuyên môn cần thiết để tiến hành kiểm tra, giám định sức khỏe và được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận;
2. Tất cả nhân viên y tế đều phải được đào tạo cơ bản và tiếp tục đào tạo phù hợp với nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm đối với công tác giám định sức khỏe;
3. Người chịu trách nhiệm lập hồ sơ sức khỏe phải ký tên vào bản cam kết bảo mật thông tin liên quan đến nội dung những hồ sơ này. Bản cam kết bảo mật sẽ được lưu giữ cùng với hồ sơ cá nhân của từng nhân viên y tế này.
Điều 74. Yêu cầu về máy móc và trang thiết bị của cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC
Cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC khi đáp ứng các điều kiện sau về máy móc và trang thiết bị:
1. Cơ sở, thiết bị, phòng khám phù hợp đảm bảo vệ sinh để có thể tiến hành công tác kiểm tra, giám định sức khỏe;
2. Có trụ sở riêng và trang thiết bị lưu trữ hồ sơ có khoá để đảm bảo an toàn đối với các hồ sơ sức khỏe;
3. Luôn có sẵn toàn bộ các thiết bị vận hành và thiết bị xét nghiệm cần thiết theo quy định tại Sổ tay Y tế Hàng không dân dụng của ICAO để có thể thực hiện tốt từng công đoạn cần thiết trong công tác kiểm tra, giám định sức khỏe;
4. Các thiết bị đo, xác định kích thước và phần mềm của chúng phải được kiểm định theo quy định.
Điều 75. Hệ thống đảm bảo chất lượng của AMC
1. Cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC phải duy trì hệ thống đảm bảo chất lượng được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận nhằm đảm bảo rằng các trang thiết bị, nhân viên, công tác giám định sức khỏe và hồ sơ dữ liệu tuân thủ tất cả các quy định liên quan.
2. Để đảm bảo yêu cầu nêu tại khoản 1 Điều này, cơ sở được cấp giấy chứng nhận AMC có thể thuê một tổ chức kiểm định chất lượng có giấy phép thực hiện kiểm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc kiểm định.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 76. Tổ chức thực hiện
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện Quy chế này.
Điều 77. Sửa đổi, bổ sung
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Quy chế này khi cần thiết./.