QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế về việc tang lễ thực hiện trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin
__________________________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 08/11/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá - Thông tin;
Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc ban hành “Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần”;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế về việc tang lễ thực hiện trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
(Đã ký)
Phạm Quang Nghị
|
QUY CHẾ
Về việc tang lễ thực hiện trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30 /2002/QĐ-BVHTT ngày 09 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin)
__________________________________________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Văn bản này quy định nội dung, tiêu chuẩn, trách nhiệm thực hiện việc tang lễ với danh nghĩa Bộ văn hoá - Thông tin và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị của Bộ Văn hoá - Thông tin, đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, khi từ trần; việc phúng viếng đối với các lễ tang không thuộc các đối tượng trên nhưng có quan hệ công tác với Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ (từ đây gọi chung là việc tang lễ).
Văn bản này không quy định việc thực hiện tang lễ với danh nghĩa cá nhân (kể cả Lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin).
Điều 2. Việc tang lễ đối với Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi từ trần là thể hiện sự trân trọng của Bộ Văn hoá - Thông tin, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đối với công lao, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình hoạt động cách mạng, xây dựng bảo vệ tổ quốc , xây dựng và phát triển ngành Văn hoá - Thông tin. Việc tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống của dân tộc và nếp sống văn minh.
Điều 3. Đối tượng việc tang lễ gồm:
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin, khi từ trần.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin, khi từ trần.
3. Thân nhân cán bộ, công chức, viên chức , người lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ khi từ trần, gồm:
a. Bố, mẹ (bên chồng và bên vợ)
b. Vợ hoặc chồng
c. Con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp
d. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị ngoài Bộ, có quan hệ công tác với Bộ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và thân nhân các đối tượng này, khi từ trần.
Điều 4. Tuỳ theo từng đối tượng cụ thể, việc tang lễ có thể được áp dụng một trong các hình thức sau:
1. Tổ chức lễ tang;
2. Đưa tang;
3. Viếng tang;
4. Gửi vòng hoa viếng;
5. Gửi điện chia buồn.
Điều 5. Việc tang lễ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện việc tang lễ đối với tất cả các loại lễ tang theo quy định của Đảng, Nhà nước và Quy chế này.
2. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ không được nhân danh cơ quan, đơn vị mình thực hiện việc tang lễ đối với : Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ viếng nguyên thủ nước ngoài từ trần do các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tổ chức tại Việt Nam, khi chưa được lãnh đạo Bộ đồng ý.
3. Trong trường hợp cần thiết, cấp trên có thể thực hiện việc tang lễ thuộc trách nhiệm của cấp dưới, trong trường hợp đó cấp dưới là người trợ giúp cấp trên triển khai công việc.
4. Nếu Thủ trưởng đi vắng không thực hiện được việc tang lễ, cấp Phó thực hiện thay. Nếu lãnh đạo cơ quan, đơn vị đều đi vắng thì người phụ trách bộ phận tổ chức - hành chính thực hiện thay.
5. Việc thực hiện tang lễ cần có sự bàn bạc, trao đổi với gia đình người từ trần.
6. Khi tổ chức lễ tang chỉ thành lập Ban tổ chức lễ tang, không thành lập Ban tang lễ như Lễ Quốc tang và Lễ tang Cấp nhà nước, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ quy định.
7. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu từ cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương nơi người từ trần cư trú và gia đình thực hiện việc tang lễ theo quy định (không phân biệt thời gian công tác dài hay ngắn).
Nếu tại thời điểm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu từ trần mà cơ quan, đơn vị cũ đã giải thể, tổ chức lại thì trách nhiệm như sau:
a. Đối với các cơ quan, đơn vị hợp nhất:
Cơ quan, đơn vị mới hình thành phối hợp với địa phương, gia đình thực hiện việc tang lễ đối với người về hưu từ các cơ quan, đơn vị cũ;
b. Đối với cơ quan, đơn vị chia tách:
Cơ quan, đơn vị mới, phối hợp với địa phương và gia đình thực hiện việc tang lễ đối với người về hưu từ cơ quan, đơn vị cũ theo phạm vi được xác định trong quyết định chia tách của cơ quan có thẩm quyền. Nếu không xác định được rõ ràng thì cơ quan, đơn vị có trụ sở gần nơi tổ chức lễ tang nhất thực hiện việc tang lễ;
c. Đối với cơ quan, đơn vị giải thể:
Cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đã giải thể phối hợp với địa phương và gia đình thực hiện việc tang lễ đối với người về hưu từ cơ quan, đơn vị giải thể.
8. Trường hợp đặc biệt, lãnh Bộ chỉ đạo phương hướng thực hiện việc tang lễ khác với quy định tại Văn bản này.
9. Các trường hợp lễ tang phát sinh liên quan đến Bộ Văn hoá - Thông tin, chưa được quy định tại văn bản này, do Chánh Văn phòng Bộ báo cáo Lãnh đạo Bộ quyết định hình thức thực hiện việc tang lễ phù hợp (tham khảo ý kiến của Vụ Tổ chức Cán bộ).
10. Các trường hợp phát sinh liên quan đến cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, chưa được quy định tại văn bản này, do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định hình thức thực hiện phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và văn bản này. Trường hợp đặc biệt, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
11. Kinh phí cho việc tang lễ thực hiện theo các chế độ hiện hành.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC LỄ TANG
Điều 6. Nội dung tổ chức lễ tang cơ bản thực hiện theo “Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước khi từ trần” ban hành kèm theo Nghị định số 62/ 2001/ NĐ - CP ngày 12 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế tổ chức lễ tang của Chính phủ), Bộ Văn hoá - Thông tin quy định cụ thể thêm một số vấn đề sau:
1. Đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng; Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa có Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên đang giữ chức hoặc thôi giữ chức:
1.1. Ban tang lễ và Ban tổ chức lễ tang:
a. Ban tang lễ :
- Trưởng Ban: Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng
- Các thành viên từ 10 đến 15 người :
+ Đại diện Lãnh đạo Bộ;
+ Bí thư Đảng uỷ cơ quan Bộ;
+ Chủ tịch Công đoàn Bộ;
+ Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ
+ Chánh văn phòng Bộ;
+ Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ;
+ Các Cục trưởng, Vụ trưởng có liên quan;
+ Đại diện cấp uỷ, chính quyền xã, phường nơi người từ trần cư trú.
b. Ban Tổ chức lễ tang:
- Trưởng Ban: Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp tang lễ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh) hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ;
- Một số uỷ viên là chuyên viên của Văn phòng, Vụ Tổ chức Cán bộ và đại diện gia đình.
Quyết định thành lập Ban tang lễ và Ban tổ chức lễ tang do Vụ Tổ chức Cán bộ chuẩn bị trình Bộ trưởng ký.
1.2. Tin buồn:
Đăng trên Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam.
a. Đối với các chức danh đã và đang là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương:
Do Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Văn hoá - Thông tin đứng tên đưa tin buồn.
b. Đối với các chức danh còn lại:
Bộ Văn hoá - Thông tin, Cơ quan đang hoặc đã trực tiếp quản lý và sử dụng người từ trần, địa phương nơi cư trú và gia đình đứng tên theo quy định tại Quy chế tổ chức lễ tang của Chính phủ.
1.3. Điếu văn:
Vụ Tổ chức Cán bộ chuẩn bị cho Trưởng Ban tang lễ đọc tại lễ truy điệu.
1.4. Tổ chức viếng tang:
Các Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ cử đoàn đại biểu đến viếng.
2. Đối với cán bộ, công chức là lãnh đạo đương chức cấp Cục, Vụ, Văn phòng, Thanh tra, Đảng uỷ cơ quan Bộ, Công đoàn Bộ, Đảng uỷ khối Văn hoá - Thông tin Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn khối Văn hoá - Thông tin Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ (cấp Trưởng, Phó), người được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học- nghệ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Anh hùng Lao động:
2.1. Ban tổ chức lễ tang:
Do thủ trưởng cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý và sử dụng người từ trần quyết định gồm từ 5 đến 7 thành viên. Trưởng Ban là lãnh đạo của cơ quan, đơn vị (cấp Trưởng hoặc Phó)
2.2. Tin buồn:
Do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị và đưa tin theo Quy chế tổ chức lễ tang của Chính phủ).
2.3. Điếu văn:
a. Chuẩn bị điếu văn:
Cơ quan trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phối hợp cùng gia đình.
b. Đọc điếu văn tại lễ truy điệu:
- Đối với cấp Trưởng do Thứ trưởng phụ trách khối đọc,
- Đối với cấp Phó và các đối tượng còn lại do cấp Trưởng của cơ quan, đơn vị đọc.
2.4. Tổ chức viếng tang:
Lãnh đạo Bộ đến viếng hoặc uỷ nhiệm cho lãnh đạo Văn phòng Bộ, lãnh đạo Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh). Các Cục, Vụ , các cơ quan, đơn vị liên quan tuỳ điều kiện cụ thể có thể tổ chức đoàn viếng riêng hoặc đi cùng đoàn do Văn phòng tổ chức.
3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ:
3.1. Ban Tổ chức lễ tang:
Do thủ trưởng cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ trần quyết định, gồm từ 5 đến 7 thành viên của cơ quan, đơn vị và đại diện địa phương (xã, phường) nơi người từ trần cư trú và đại diện gia đình. Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là cấp Trưởng hoặc cấp Phó cơ quan, đơn vị.
3.2. Tin buồn:
Do cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ trần cùng gia đình chuẩn bị và đưa tin theo Quy chế tổ chức lễ tang của Chính phủ).
3.3. Điếu văn:
Do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị và Trưởng Ban Tổ chức lễ tang đọc tại lễ truy điệu.
3.4. Tổ chức viếng tang:
a. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan thuộc khối văn phòng Bộ ( các Vụ, Văn phòng, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Đảng uỷ cơ quan Bộ, Công đoàn Bộ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ) :
Lãnh đạo Bộ đến viếng (do Văn phòng Bộ chuẩn bị) hoặc uỷ quyền cho lãnh đạo Văn phòng Bộ đến viếng. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, các Cục, Vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan có thể thành lập đoàn đến viếng hoặc đi đoàn chung do Văn phòng Bộ tổ chức.
b. Đối với cán bộ, công chức, viên chức , người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Bộ:
Cục, Vụ chuyên ngành hoặc Văn phòng đại diện Bộ (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức đoàn viếng tang .
Điều 7. Tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin (không kể đối tượng ở khoản 1 Điều 6 của Quy chế này):
1. Tổ chức lễ tang:
Cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi nghỉ hưu phối hợp với địa phương (xã, phường) nơi người từ trần cư trú và gia đình tổ chức lễ tang. Ban Tổ chức lễ tang được thành lập theo đề nghị của lãnh đạo địa phương và gia đình .
2. Tin buồn:
Do Ban tổ chức lễ tang chuẩn bị và đưa tin theo Quy chế tổ chức lễ tang của Chính phủ.
3. Điếu văn:
Do Ban tổ chức lễ tang chuẩn bị cho Trưởng Ban tổ chức lễ tang đọc tại lễ truy điệu.
4. Tổ chức viếng tang:
a. Đối với lễ tang các đối tượng là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; Lão thành cách mạng; Nghệ sỹ nhân dân; Nhà giáo nhân dân; Giáo sư; Anh hùng lao động: Lãnh đạo Bộ đến viếng hoặc gửi vòng hoa uỷ quyền cho Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh) đến viếng.
b. Các đối tượng còn lại: Văn phòng Bộ, Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh); Các Cục, Vụ quản lý chuyên ngành tổ chức đến viếng.
Chương III
VIẾNG TANG VÀ ĐƯA TANG
1. Điều 8. Viếng tang, đưa tang với danh nghĩa Bộ Văn hoá - Thông tin :
Đoàn do Bộ trưởng làm trưởng Đoàn:
1.1. Các lễ tang
a. Lễ Quốc tang;
b. Lễ tang Cấp nhà nước.
c. Lễ tang cấp cao của các đồng chí là Bộ trưởng và tương đương (đương chức hoặc nghỉ hưu) có quan hệ công tác với Bộ Văn hoá-Thông tin ;
d. Lễ tang thân nhân của các đối tượng thuộc điểm a; b; c; khoản 1, Điều 8 của Quy chế này.
e. Lễ tang thân nhân của các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hoá-Thông tin.
g. Lễ tang người từ trần là quan chức ngoại giao nước ngoài có quan hệ công tác với Bộ Văn hoá - Thông tin.
1.2. Thành viên Đoàn viếng tang, đưa tang do Bộ trưởng làm trưởng Đoàn gồm:
+ Thứ trưởng;
+ Đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ;
+ Đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, đại diện lãnh đạo Văn phòng đại diện Bộ (nếu lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh );
+ Đại diện Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Đại diện Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khối Văn hoá- Thông tin Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh);
+ Đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan khác.
Thành viên đoàn viếng tang, đưa tang nêu tại khoản 1.2, Điều 8 của Quy chế này do Văn phòng Bộ (hoặc Văn phòng đại diện Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh) thông báo triệu tập.
2. 1.3. Trường hợp cụ thể, Bộ trưởng có thể uỷ quyền Thứ trưởng hoặc Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đoàn viếng hoặc gửi vòng hoa , điện chia buồn.
Đoàn do Thứ trưởng làm Trưởng đoàn:
2.1. Các lễ tang:
a. Thứ trưởng các Bộ có quan hệ công tác với Bộ Văn hoá - Thông tin.
b. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phụ trách công tác văn xã.
c. Cán bộ lãnh đạo(cấp trưởng) đang giữ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ
d. Lãnh đạo chủ chốt các Hội, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức đoàn thể ở Trung ương.
e. Các nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.
g. Cán bộ lão thành cách mạng, người được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học- nghệ thuật, Nghệ sỹ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Anh hùng lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.
2.2. Thành viên Đoàn viếng tang, đưa tang do Thứ trưởng làm trưởng Đoàn gồm:
+ Đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ;
+ Đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh);
+ Đại diện Đảng uỷ cơ quan Bộ, Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ hoặc đại diện Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh khối Văn hoá - Thông tin Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh);
+ Đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan khác.
Thành viên đoàn viếng tang, đưa tang nêu tại khoản 2.2, Điều 8 của Quy chế này do Văn phòng Bộ hoặc Văn phòng đại diện Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo triệu tập.
2.3. Lãnh đạo Bộ có thể uỷ quyền Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp lễ tang tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức đoàn viếng hoặc gửi vòng hoa viếng, điện chia buồn.
3. Đoàn do lãnh đạo Văn phòng Bộ, Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp tang lễ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh) các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ , Đảng uỷ Bộ, Công đoàn Bộ làm trưởng đoàn :
3.1. Các lễ tang:
a. Thực hiện sự uỷ quyền của Bộ đối với các tang lễ do Bộ trưởng, Thứ trưởng làm trưởng đoàn,
b. Cán bộ quản lý cấp Cục, Vụ các Bộ, Ban, Ngành có quan hệ công tác trực tiếp,
c. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (đương chức và nghỉ hưu) của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ theo ngành dọc.
d. Thân nhân của các đối tượng nói trên nếu xét thấy cần thiết.
3.2. Thành viên Đoàn viếng tang, đưa tang: Có từ 3 đến 5 thành viên là những người đang làm việc tại đơn vị mình.
4. Với các chức danh nêu tại khoản 1.1 và khoản 2.1 Điều 8 của Quy chế này, tang lễ tổ chức tại các địa phương khác, lãnh đạo Bộ không tới thăm viếng được, Văn phòng Bộ được giao nhiệm vụ gửi điện chia buồn, gửi vòng hoa của Bộ Văn hoá - Thông tin tới viếng.
Điều 9: Đoàn viếng tang, đưa tang với danh nghĩa cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá -Thông tin
Tuỳ theo điều kiện công tác thực tế, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm lập đoàn của đơn vị để viếng tang, đưa tang.
1. Lễ tang cấp cao
2. Tang lễ do Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức
3. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc (hoặc đã nghỉ hưu) tại đơn vị mình.
4. Thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc (hoặc đã nghỉ hưu) tại đơn vị.
5. Những cá nhân có quan hệ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị.
Đoàn viếng tang gồm từ 3 đến 5 thành viên. Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Trưởng đoàn có thể là cấp Trưởng, cấp Phó hoặc người phụ trách công tác tổ chức của cơ quan, đơn vị.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Khi có cán bộ cao cấp đang giữ chức hoặc thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý từ trần, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ kịp thời báo cáo để Bộ trưởng ký trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) để Trung ương chỉ đạo tổ chức lễ tang theo quy định.
Điều 11. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thông báo (bằng văn bản) cho Văn phòng Bộ, Văn phòng đại diện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (đối với cán bộ, công chức thuộc diện Bộ quản lý) khi có cán bộ, công chức hoặc thân nhân từ trần . Tuỳ đối tượng cụ thể, Văn phòng Bộ (hoặc Văn phòng đại điện Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh ) báo cáo Lãnh đạo Bộ hoặc thông báo cho các Cục, Vụ chức năng biết, tổ chức đoàn viếng tang.
Điều 12. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu từ trần, Câu lạc bộ hưu trí và gia đình có trách nhiệm báo cho địa phương, cơ quan quản lý công chức trước khi nghỉ hưu biết để tổ chức lễ tang hoặc tổ chức viếng tang.
Điều 13. Ban tổ chức lễ tang có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, chương trình tổ chức lễ tang, đón tiếp, hướng dẫn, sắp xếp các đoàn đến viếng, tổ chức lễ truy điệu, xe đưa tang, đưa linh cữu, hạ huyệt, đắp mộ, gắn bia (nếu có).
Điều 14. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày ký.
Những quy định trước đây của Bộ Văn hoá - Thông tin trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề mới, chưa phù hợp, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo về Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Tổ chức Cán bộ) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời ./.