• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/01/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 08/04/2024
UBND TỈNH BÌNH THUẬN
Số: 03/2013/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 30 tháng 12 năm 2013

CHỈ THỊ

Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

_____________________________________________________

Trong những năm qua việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nói chung và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành chính, nhất là xử phạt hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ những yếu kém, tồn tại, nhiều vụ việc vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân chưa được xử lý nghiêm minh, có những hành vi vi phạm chưa được xử lý kịp thời; công tác kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực nhạy cảm chưa được tiến hành thường xuyên nên không kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm. Công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính còn bất cập, thiếu cơ chế giúp Uỷ ban nhân dân các cấp theo dõi công tác này; trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính chưa được nâng cao; trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, chưa tuân theo quy định của pháp luật dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, chậm khắc phục.

Việc xác định thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu xử lý, xử phạt của cơ quan và người có thẩm quyền nhiều vụ việc chưa rõ; việc lập biên bản ban đầu của người có trách nhiệm, nhất là ở cơ sở còn nhiều sai sót; trình tự, thủ tục ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính pháp lý; nội dung, thể thức một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa chính xác; công tác thi hành và việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để; công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê, tổng hợp, theo dõi, báo cáo việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ, khoa học; việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền đấu giá của tỉnh trong thời gian qua thực hiện chưa nghiêm túc; việc áp dụng mức phạt, vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng chưa phù hợp và chưa công bằng ... nên làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Để khắc phục tình trạng trên đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, hướng dẫn thi hành; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính; giữ vững trật tự, kỷ cương; bảo đảm quyền - nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị: 

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi tắt là thủ trưởng các cơ quan) chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức phổ biến, giáo dục, tuyên truyền Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định xử phạt chuyên ngành, nghị định hướng dẫn các biện pháp xử lý hành chính của Chính phủ để nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm hành chính;

b) Thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thường xuyên kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý của mình và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức thuộc quyền các quy định về trình tự, thủ tục trong việc kiểm tra, lập biên bản, chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc ra quyết định xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo các vụ việc vi phạm hành chính được xử lý đúng theo các quy định của pháp luật; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước thủ trưởng cấp trên trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục, quy định về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình. Áp dụng đúng đắn các quy định, biểu mẫu được ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

c) Phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý Nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 5, Điều 17, Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Chương II Nghị định số 81/2013/NĐ-CP nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính;

d) Xác định nhu cầu kinh phí, lập dự toán và phối hợp với Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và bố trí kinh phí hàng năm để đảm bảo cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác xử lý vi phạm hành chính;

đ) Củng cố, xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy về công tác xử lý vi phạm hành chính;

e) Thực hiện việc lưu trữ và thống kê về công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Cung cấp thông tin về tình hình xử lý vi phạm hành chính cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính;

g) Kịp thời tham mưu hoàn thiện các thể chế theo quy định của Trung ương để triển khai đúng theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực ở địa phương như giao thông; quản lý thị trường; xây dựng; tài nguyên môi trường; thủy sản; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

h) Thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị xử lý tịch thu cho đơn vị có thẩm quyền đấu giá theo quy định. Đồng thời kiểm tra, rà soát những vụ việc vi phạm đã xử lý, có tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu còn tồn đọng để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế tình trạng thất thoát, hư hỏng, gây thất thu ngân sách;

i) Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, đơn vị định kỳ 6 tháng và hàng năm, gửi Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định.

2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan và những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải có các biện pháp thực sự hiệu quả để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải xử lý kịp thời đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính từ khi lập biên bản vi phạm hành chính đến khi ra quyết định xử lý vi phạm hành chính. Nếu đối tượng không tự nguyện chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính thì tiến hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm hành chính đã phát hiện, có biện pháp đình chỉ và xử lý kịp thời, không để hành vi vi phạm kéo dài, xảy ra hậu quả mới tiến hành xử lý.

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính mà không thuộc lĩnh vực xử lý của mình thì cơ quan, đơn vị phát hiện phải có biện pháp phối hợp và thông báo ngay đến cơ quan, đơn vị quản lý có thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực đó để thụ lý, giải quyết.

Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử lý thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời hoàn tất hồ sơ, chuyển trực tiếp đến người có thẩm quyền xử lý để tiến hành xử lý. Nhất là xem xét kỹ nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Khoản 4, Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

+ Thời hạn chuyển các hồ sơ liên quan của vụ việc vi phạm hành chính để tiến hành xử phạt:

• Đối với các vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính: thời gian chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền là 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

• Đối với các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Đoạn 2, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính: thời gian chuyển hồ sơ là 40 (bốn mươi) ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này chậm nhất 10 ngày, trước khi hết thời hạn xử phạt của 30 ngày theo quy định tại Đoạn 1, Khoản 1, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn (thời gian gia hạn không được quá 30 ngày theo quy định tại Đoạn 2, Khoản 1, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

+ Thời hạn chuyển hồ sơ của các trường hợp vi phạm hành chính bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc và người có thẩm quyền đề nghị phải thực hiện đúng theo các quy định từ Điều 97 đến Điều 104 Luật Xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn thi hành tại các nghị định có liên quan.

Về quy định công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan và những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thực hiện đúng theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính vi phạm các quy định tại Điều 16 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp:

a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 17, Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định tại Chương II của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ;

b) Rà soát, tổng hợp việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc hoặc những quy định xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn trên cơ sở phản ảnh của các cơ quan, đơn vị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền;

c) Phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền; đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vào chương trình “Pháp luật và đời sống” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận và các hình thức khác phù hợp với tình hình của từng địa phương;

d) Tổng hợp báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định;

đ) Trên cơ sở quy định của Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính theo quy định;

e) Xác định nhu cầu kinh phí, lập dự toán và phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí hàng năm để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý xử lý vi phạm hành chính.

4. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức bộ máy, biên chế bảo đảm thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương”.

5. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài chính:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ công tác kiểm tra về xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chế độ bồi dưỡng, chi phụ cấp cho lực lượng xử lý vi phạm hành chính theo quy định hiện hành.

6. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Phối hợp Sở Tư pháp trong việc xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

7. Trách nhiệm của Giám đốc Công an tỉnh:

- Chỉ đạo công an các địa phương và các đơn vị, bộ phận trực thuộc (như cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội,…) triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Khi có yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có trách nhiệm chỉ đạo, bố trí lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình cưỡng chế.

8. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:

 a) Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

b) Theo thẩm quyền phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

c) Bảo đảm kinh phí cho công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

9. Kể từ ngày 01/01/2014, các hành vi vi phạm liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, những người có thẩm quyền đề nghị (Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Phòng Tư pháp, Trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội) phải chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

10. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 02/2010/CT-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan và những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tư pháp kiểm tra, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ảnh về Sở Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo quy định./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Tiến Phương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.