• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/07/2013
HĐND TỈNH BÌNH THUẬN
Số: 36/2013/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 22 tháng 7 năm 2013

NGHỊ QUYẾT

Về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030

_________________________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 91/2010/NQ-HĐND ngày 30/6/2010 của HĐND tỉnh Bình Thuận về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030;

Sau khi xem xét Báo cáo số 156/BC-UBND ngày 04/7/2013 và Tờ trình số 2575/TTr-UBND ngày 04/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Hoạch định kế hoạch cụ thể phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn ngắn hạn 2015, giai đoạn dài hạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để từng bước đáp ứng yêu cầu về hạ tầng của các đô thị; hình thành một số khu đô thị mới, khu đô thị chức năng tương xứng với vai trò, vị thế, chức năng của từng đô thị;

- Hình thành hệ thống đô thị hợp lý, cân đối, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu đô thị mới, đảm bảo tính văn minh, hiện đại trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 đã được phê duyệt;

- Khai thác hợp lý tiềm năng kinh tế đô thị, nhất là khai thác quỹ đất đô thị, bảo đảm việc cải tạo xây dựng và chỉnh trang đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015: toàn tỉnh có 15 đô thị; trong đó có 01 đô thị loại II (thành phố Phan Thiết), 01 đô thị loại III (thị xã La Gi), 01 đô thị loại IV (thị xã Phan Rí) và 12 đô thị loại V (các thị trấn Liên Hương, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Phú Long, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Lạc Tánh, Võ Xu, Đức Tài và Trung tâm huyện lỵ Phú Quý);

- Đến năm 2020: toàn tỉnh có 17 đô thị; trong đó có 01 đô thị loại II (thành phố Phan Thiết), 01 đô thị loại III (thị xã La Gi), 2 đô thị loại IV (thị xã Phan Rí, Liên Hương) và 13 đô thị loại V (các thị trấn Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Hải Ninh, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Võ Xu, Đức Tài và Trung tâm huyện lỵ Phú Quý);

- Đến năm 2030: phấn đấu toàn tỉnh có 21 đô thị và 01 khu đô thị Long Sơn - Suối Nước thuộc thành phố Phan Thiết; trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Phan Thiết), 02 đô thị loại III (thị xã La Gi và thị xã Phan Rí), 03 đô thị loại IV (Liên Hương, Chợ Lầu, Võ Xu), 15 đô thị loại V (các thị trấn Vĩnh Tân, Hải Ninh, Lương Sơn, Hòa Thắng, Ma Lâm, Đa Mi, Hàm Đức, Thuận Nam, Tân Thành, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài và Trung tâm huyện lỵ Phú Quý).

2. Nhu cầu vốn và danh mục công trình ưu tiên:

 a) Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 là 53.794 tỷ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư theo nhóm dự án ưu tiên 1 giai đoạn 2012 - 2020 là 7.060,6 tỷ đồng (nhóm dự án ưu tiên 1 là những dự án trọng tâm cần thực hiện để đạt yêu cầu tối thiểu của mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn);

b) Danh mục các dự án ưu tiên giai đoạn 2012 - 2020 (kèm theo Phụ lục 1 đến Phụ lục 10).

3. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:

a) UBND các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết này trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, tích cực tham gia xây dựng và phát triển đô thị;

b) Rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về phát triển đô thị của từng địa phương để đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả; đồng thời, xem xét, đánh giá lại hệ thống các tiêu chí đô thị để có lộ trình đầu tư phù hợp;

c) Xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; trong đó, có nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn viện trợ và các nguồn lực trong nhân dân. Quản lý đất đai chặt chẽ, có giải pháp khai thác tốt các nguồn thu từ quỹ đất trong khu quy hoạch đô thị đi đôi với việc đảm bảo quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị trong tương lai;

d) Tăng cường củng cố tổ chức bộ máy quản lý đô thị các cấp trong tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ quản lý đô thị, bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Xây dựng; kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu HĐND tỉnh, hoàn chỉnh báo cáo, phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 06 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2013 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Mạnh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.