• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/09/1996
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 14/KHĐT-TM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 25 tháng 9 năm 1996

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn thực hiện gia công hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn

đầu tư nước ngoài theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

__________________________________

Căn cứ Nghị định 18/CP ngày 16 tháng 4 năm 1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Nghị định 33/CP ngày 19 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;

Nhằm mở rộng phương thức sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

Liên Bộ Kế hoạch đầu tư - Thương mại hướng dẫn thực hiện việc gia công hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Gia công hàng hoá xuất khẩu là các hoạt động sản xuất chế biến, lắp ráp, đóng gói v.v... nhằm chuyển hoá nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm... do bên đặt gia công cung cấp, thành sản phẩm hoặc bán sản phẩm theo các yêu cầu của bên đặt gia công.

2- Cơ sở pháp lý của hoạt động gia công là hợp đồng gia công. Hợp đồng gia công phải đảm bảo các quy định đối với hoạt động ngoại thương và phải được Bộ thương mại phê duyệt.

3- Chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đủ điều kiện quy định dưới đây mới được xem xét cho phép nhận gia công và gia công lại.

 

II. ĐIỀU KIỆN NHẬN GIA CÔNG HÀNG XUẤT KHẨU, GIA CÔNG LẠI VÀ TRÌNH TỰ PHÊ DUYỆT HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

1- Điều kiện nhận gia công hàng xuất khẩu.

1.1- Trong giấy phép đầu tư của doanh nghiệp có chức năng gia công. Đối với các doanh nghiệp mà trong giấy phép đầu tư không có chức năng gia công, nếu có nhu cầu gia công thì phải được Bộ kế hoạch và đầu tư chấp thuận bằng văn bản.

1.2- Mặt hàng nhận gia công phải phù hợp với mặt hàng quy định trong giấy phép đầu tư.

2- Gia công lại:

Trong quá trình gia công hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện việc gia công lại một số công đoạn hoặc toàn bộ công đoạn của quá trình gia công với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

- Công đoạn đưa gia công lại không có trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.

- Công suất của dây chuyền sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu về thời vụ.

- Do tính đặc thù của mặt hàng.

Bộ thương mại sẽ xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể.

3- Trình tự phê duyệt hợp đồng gia công và gia công lại.

3.1- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đủ các điều kiện quy định tại điểm 2.1 và có nhu cầu nhận gia công phải gửi hồ sơ tới Bộ Thương mại để xem xét phê duyệt hợp đồng, gồm:

- Đơn đề nghị xét duyệt hợp đồng gia công.

- Hợp đồng gia công và các phụ lục kèm theo hợp đồng (2 bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh).

- Bản phân tích hiệu quả gia công.

- Giấy phép đầu tư (bản sao) và/hoặc văn bản chấp thuận của Bộ kế hoạch và đầu tư.

3.2- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đủ điều kiện gia công lại theo quy định tại điểm II.2 gửi bộ hồ sơ sau về Bộ Thương mại:

- Văn bản phê duyệt hợp đồng gia công của Bộ Thương mại (bản sao).

- Hợp đồng gia công lại ký với các doanh nghiệp trong nước.

3- Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ thương mại xem xét và và phê duyệt hợp đồng gia công. Trường hợp Bộ Thương mại không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp.

 

III. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

1- Sau khi hoàn thành việc gia công, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xuất trả toàn bộ sản phẩm cho bên đặt gia công, không được tiêu thụ hoặc làm đại lý tiêu thụ sản phẩm của bên đặt gia công tại thị trường Việt Nam.

2- Các bên tham gia hợp đồng gia công phải tự chịu trách nhiệm về định mức sử dụng nguyên liệu của từng hợp đồng gia công.

Bộ Thương mại chỉ xác nhận định mức nguyên liệu kèm theo hợp đồng và cơ quan hải quan theo dõi quyết toán nguyên liệu căn cứ vào định mức do các bên ký kết hợp đồng thoả thuận.

Trong trường hợp các bên tham gia hợp đồng gia công có hành vi gian lận về định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liêu phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

3- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại kết quả thực hiện hợp đồng gia công hàng xuất khẩu theo từng quý, từng năm vào trước ngày mồng 5 của quý, năm tới.

 

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1- Các doanh nghiệp có nhu cầu nhận gia công hàng xuất khẩu nhưng chưa có chức năng gia công ghi trong giấy phép đầu tư, phải xin phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có văn bản chấp thuận cho nhận gia công hàng xuất khẩu.

Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1997 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng gia công quy định trong giấy phép đầu tư hoặc văn bản chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì không được gia công hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng Nhà nước về gia công hàng xuất khẩu.

2- Đối với các hợp đồng gia công đã được Bộ Thương mại phê duyệt trước ngày ban hành Thông tư này chỉ được thực hiện đến 31 tháng 12 năm 1996. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu tiếp tục nhận gia công hàng xuất khẩu phải tuân thủ theo các quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký, mọi quy định ban hành trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Thương mại
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Nhạc

Mai Văn Dâu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.